Xuân Hoạch

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ Nhân dân
Xuân Hoạch
Nghệ sĩ Xuân Hoạch và cây đàn bầu mộc
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Xuân Hoạch
Ngày sinh
10 tháng 11, 1952 (71 tuổi)
Nơi sinh
Đông Hưng, Thái Bình, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpNghệ sĩ biểu diễn
Lĩnh vựcĐàn nguyệt
Danh hiệuNghệ sĩ ưu tú (1997)
Nghệ sĩ nhân dân (2007)
Sự nghiệp âm nhạc
Năm hoạt động1966  – 2012
Đào tạoHọc viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam
Dòng nhạcTruyền thống
Nhạc cụĐàn nhị, Đàn đáy
Thành viên củaNhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Xuân Hoạch (sinh năm 1952), là một nghệ sĩ hát xẩm và nghệ sĩ nhạc cụ truyền thống người Việt Nam. Ông từng hoạt động trong Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Ngoài việc là một nghệ sĩ, ông còn là người chế tác và diễn tấu các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn đáy.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Xuân Hoạch cho biết ông có họ là Nguyễn, nguyên quán ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.[1] Đa số mọi người trong gia đình ông đều có truyền thống nghệ thuật. Trước khi được tuyển vào học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, ông từng là một diễn viên chèo nghiệp dư ở quê.[1]

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Xuân Hoạch vào trường nhạc từ năm 1966 khi mới 14 tuổi. Ông học đàn nguyệt với giảng viên Xuân Khải, rồi tốt nghiệp về làm nhạc công đàn nguyệt, đàn tam ở Đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cho đến khi về hưu nghỉ năm 2012.[2][3]

Chỉ sau hai năm, Xuân Hoạch đã thành nghệ sĩ độc tấu nguyệt của đoàn ca múa nhạc quốc gia này. Không dừng ở nguyệt, Xuân Hoạch học thêm đàn đáy, người dạy ông là nhạc sư Đinh Khắc Ban. Thời gian đó, trong Đoàn ca múa nhạc Trung ương có một dàn nhạc dân tộc được tổ chức theo biên chế dàn nhạc giao hưởng với hơn 40 nhạc cụ. Xuân Hoạch đã độc tấu đàn đáy trên nền một dàn giao hưởng dân tộc.[1]

Những năm gần đây, ông tiếp tục biểu diễn loại hình dân ca xẩm. Trong nỗ lực cứu hát xẩm khỏi sự thất truyền, Xuân Hoạch đã nghiên cứu và tìm kiếm tư liệu của các nghệ nhân cũ để khôi phục bộ môn nghệ thuật này.[4] Năm 2009, ông trở thành học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Ca trù Khâm Thiên.[2]

Năm 1990, Xuân Hoạch phục chế được chiếc đàn bầu mộc truyền thống đầu tiên.[5] Trong công việc phục chế nhạc cụ truyền thống, ông từng nghĩ ra cách dùng quạt máy làm công cụ xe tơ và dùng bột gạo nấu thành hồ để gắn kết sợi tơ.[2] Năm 2010, sau gần 8 năm nghiên cứu, Xuân Hoạch đã thành công phục chế tiếng tơ cho đàn đáy.[2] Sau đó, ông đã phục chế dây tơ cho rất nhiều cây đàn dân tộc khác như đàn Nhị, Hồ, Bầu…[2] Từ những vật liệu đơn giản như trúc phật bà, ống tre hay vỏ quả bầu nậm, dừa, Xuân Hoạch đã chế tác thành những chiếc đàn nhị với dáng vẻ khác lạ.[6] Năm 2014, ông cùng một số nghệ sĩ nhạc cụ cổ truyền thành lập nhóm Đông Kinh cổ nhạc.[7]

Tuy đã nghỉ hưu nhưng Xuân Hoạch vẫn tiếp tục giúp đỡ hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tập luyện hát xẩm và chơi đàn. Ông vẫn cùng các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam biểu diễn hát xẩm, ca trù, chầu văn vào những dịp cuối tuần tại khu phố cổ Hà Nội nhằm quảng bá nghệ thuật dân tộc tới các du khách quốc tế.[3]

Thành tích[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1995, tại Liên hoan Nhạc cụ dân tộc toàn quốc, tiết mục độc tấu đàn đáy của Xuân Hoạch được tặng huy chương vàng.

Xuân Hoạch là 1 trong 3 nghệ sĩ của Việt Nam được Tổ chức World Masters - Những bậc thầy thế giới (WMOC) công nhận là nghệ nhân thế giới.[8] Ông đã từng đoạt nhiều Huy chương Vàng trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997, sau là nghệ sĩ nhân dân năm 2007.[9]

Nhận định[sửa | sửa mã nguồn]

Ông được nhận xét là "bậc kỳ tài trong làng cổ nhạc" với khả năng chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như đàn Nguyệt, Nhị, Hồ, Bầu, Đáy, Song Loan...[4][2][9] Ngoài ra, báo Tổ quốc mệnh danh Xuân Hoạch là "ông vua hát xẩm".[10]

Một số buổi trình diễn quốc tế hàng năm của ông được chào đón nồng nhiệt ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức…[1] Theo đánh giá của nhạc sĩ Thao Giang, Xuân Hoạch là "nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu số 1 Việt Nam".[1] Nhạc sĩ Thao Giang còn cho biết trong một lần tham gia Liên hoan âm nhạc truyền thống châu Á tại Nhật Bản, tiết mục độc tấu bầu và tự đệm bộ gõ bài Bốp (nhạc tuồng) của Xuân Hoạch đã làm "bạn bè thế giới kinh ngạc, thán phục khả năng siêu đẳng của một nhạc sĩ Việt".[1]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f Nguyễn Thế Khoa (10 tháng 3 năm 2019). “Xuân Hoạch và xẩm”. daibieunhandan.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  2. ^ a b c d e f Minh Trang (18 tháng 1 năm 2019). “NSND Xuân Hoạch: Người đàn tiếng tơ lòng”. sovhtt.hanoi.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  3. ^ a b Ngọc Anh (8 tháng 8 năm 2017). “Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch cống hiến hết mình cho nghệ thuật âm nhạc dân gian”. ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  4. ^ a b Mai Anh (24 tháng 3 năm 2016). "Ông xẩm" Xuân Hoạch - bậc kỳ tài trong cổ nhạc Việt Nam”. Báo Điện tử An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  5. ^ Hồng Trang (22 tháng 5 năm 2015). “Đưa tiếng đàn dân tộc ngân vang”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  6. ^ Phương Thúy (17 tháng 4 năm 2013). “NSND Xuân Hoạch: "Làm tiếng tơ và nói tiếng lòng". VOV.VN. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  7. ^ Lê Thư (14 tháng 2 năm 2018). “Của tin gọi một chút này…”. daibieunhandan.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  8. ^ Phương Thúy (1 tháng 1 năm 2021). “Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch: Nặng lòng với nhạc cổ truyền”. hanoimoi.com.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  9. ^ a b Vương Tâm (26 tháng 4 năm 2018). “NSND Xuân Hoạch: Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.
  10. ^ Gia Linh (19 tháng 11 năm 2018). “Cuộc hạnh ngộ của những nghệ nhân hát Xẩm”. toquoc.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2022.