Hoàng Tổ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hoàng Tổ
Thông tin cá nhân
Sinhthế kỷ 2
Mất
Ngày mất
208
Nơi mất
Vũ Hán
Nguyên nhân mất
xử trảm
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Hoàng Xạ
Nghề nghiệpquân nhân
Quốc tịchĐông Hán

Hoàng Tổ (chữ Hán: 黃祖; ?-208) là tướng của quân phiệt Lưu Biểu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Giết Tôn Kiên[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng Tổ xuất thân trong gia đình thế tộc người Kinh châu thời Đông Hán. Lớn lên, ông làm chức quan nhỏ ở địa phương.

Năm 190, các chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu phát động chiến tranh chống Đổng Trác. Thái thú Trường Sa (thuộc Kinh châu) là Tôn Kiên theo Viên Thiệu, giết chết Thứ sử Kinh châu là Vương Duệ. Lưu Biểu được Đổng Trác cử đến trấn nhậm Kinh châu thay Vương Duệ, Hoàng Tổ theo phục vụ Lưu Biểu và trở thành bộ tướng của Lưu Biểu. Ông được Lưu Biểu giao phụ trách thủy quân.

Đổng Trác thua chạy về Trường An, cùng lúc các chư hầu tan rã, Lưu Biểu về phe với Viên Thiệu, Tôn Kiên về phe với em Thiệu là Viên Thuật, hai bên mâu thuẫn nổ ra chiến tranh. Năm 191, Tôn Kiên theo lệnh của Viên Thuật mang quân đi đánh Kinh châu.

Quân Trường Sa kéo tới Tương Dương. Lưu Biểu sai Hoàng Tổ mang quân ra địch. Hoàng Tổ mang quân sang sông Hán Thủy đón đánh Tôn Kiên nhưng không địch nổi, thua trận phải vượt sông bỏ chạy. Ông rút về thành Tương Dương cùng Lưu Biểu. Tôn Kiên sang sông đuổi theo, bao vây thành Tương Dương (thuộc Nam Quận). Lưu Biểu và Hoàng Tổ đóng cửa thành cố thủ.

Ban đêm, Hoàng Tổ theo lệnh của Lưu Biểu, bí mật ra khỏi thành thu thập quân sĩ chạy tản mát. Hoàng Tổ thu thập được một số quân, quay trở lại thành thì đụng độ với Tôn Kiên. Hai bên giao tranh một trận nữa, Hoàng Tổ lại bị Tôn Kiên đánh bại một lần nữa, phải dẫn quân bỏ chạy. Tôn Kiên mang quân đuổi theo.[1]

Khi Hoàng Tổ chạy đến Hiện Sơn thì Tôn Kiên đuổi kịp. Hoàng Tổ rút quân vào trú trong rừng trúc, đợi Tôn Kiên đuổi lại gần, bèn lệnh bắn ra. Bộ tướng của Hoàng Tổ nấp trong rừng trúc bắn tên trúng Tôn Kiên. Tôn Kiên vì vết thương do tên bắn mà tử trận.[1]

Theo sách Anh hùng ký chép người giết chết Kiên là Lã Công chứ không phải Hoàng Tổ: Tướng của Lưu Biểu là Lã Công đem quân men núi đến chỗ Tôn Kiên. Tôn Kiên đem kinh kị theo núi đánh Lã Công. Quân Lã Công ném đá xuống, trúng đầu Tôn Kiên, não lồi ra mà chết.

Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Hoàng Tổ thua trận, bị Tôn Sách bắt sống

Trấn thủ Giang Hạ[sửa | sửa mã nguồn]

Giết Nễ Hành[sửa | sửa mã nguồn]

Lưu Biểu phong Hoàng Tổ làm thái thú Giang Hạ - quận giáp ranh với Dương châu. Năm 196, Tào Tháo đã nắm được Hán Hiến Đế ở Hứa Xương. Do ghét danh sĩ Nễ Hành nhiều lần xúc phạm mình, Tào Tháo sai Hành tới Kinh châu với Lưu Biểu. Lưu Biểu cũng ghét Nễ Hành vô lễ bèn sai Nễ Hành tới Giang Hạ với Hoàng Tổ.

Hoàng Tổ nghe tiếng tài năng Nễ Hành, đối xử rất hậu.[2] Nễ Hành gặp Hoàng Tổ vẫn không tỏ ra khiêm nhường. Hoàng Tổ là tướng võ, tính tình thô lỗ, không thể nén chịu cung cách của Nễ Hành. Trong một buổi yến tiệc, Hành lại nói lời khiếm nhã xúc phạm Hoàng Tổ. Hoàng Tổ trách cứ, Nễ Hành vẫn không dịu giọng, tiếp tục mắng chửi. Hoàng Tổ giận quá sai mang Nễ Hành ra đánh đòn. Nễ Hành bị đòn càng lớn tiếng chửi Hoàng Tổ.[3] Hoàng Tổ không chịu nổi bèn ra lệnh mang Nễ Hành ra chém.

Xung đột với Tôn Sách[sửa | sửa mã nguồn]

Con Tôn Kiên là Tôn Sách vốn dựa vào Viên Thuật, nhưng từ năm 194 đã tách khỏi Viên Thuật, tự lập nghiệp ở Dương châu.

Năm 198, Tôn Sách đánh bại Thứ sử Dương châu là Lưu Do, làm chủ phần lớn các quận Dương châu, bắt đầu tính tới việc tiến đánh Giang Hạ để mở rộng địa bàn và báo thù cho cha. Năm 199, Tôn Sách cùng Chu Du, Lã Phạm và Trình Phổ đi đánh Giang Hạ. Hoàng Tổ liên kết với thủ hạ cũ của Viên Thuật (mới chết) là Lưu Huân làm thái thú Lư Giang. Lưu Huân sai thuộc hạ quấy rối sau lưng Tôn Sách, vì vậy khi Tôn Sách đang dẫn quân tiến đến Trạch Thành[4] thì phải quay về đánh Lưu Huân.

Tháng chạp năm 199, Tôn Sách đánh bại Lưu Huân, bèn quay lại đánh Hoàng Tổ. Quân Tôn Sách tiến vào Sa Tiễn.[5] Hoàng Tổ không chống nổi, vội cầu cứu Lưu Biểu. Lưu Biểu sai cháu là Lưu Hổ và tướng Hàn Hy, Trương Mâu mang 5000 quân ra chi viện. Hai bên giao tranh, Hoàng Tổ bị thua, tướng Hàn Hy bị tử trận. Hoàng Tổ phải bỏ chạy. Trận này ông bị thiệt hại hơn vạn quân và mất 6000 chiến thuyền về tay Tôn Sách.[6]

Tuy thắng trận, Tôn Sách phải quay về bình định nốt quận Dự Chương nên chiến sự với Kinh châu tạm ngưng. Hoàng Tổ vẫn giữ được Giang Hạ.

Xung đột với Tôn Quyền[sửa | sửa mã nguồn]

Mãnh tướng Kinh châu là Cam Ninh muốn chạy sang phía đông định theo họ Tôn, nhưng đến Giang Hạ thì Hoàng Tổ đang đóng quân ở Hạ Khẩu chặn đón và giữ lại. Hoàng Tổ tỏ ý muốn thu dụng, Cam Ninh đành tạm theo Hoàng Tổ.

Qua 3 năm, Hoàng Tổ vẫn không trọng dụng Cam Ninh. Năm 203, Tôn Quyền mang quân đánh Giang Hạ. Tôn Quyền sai Hiệu úy Lăng Tháo lĩnh đội quân thủy đi trước, Tôn Quyền cầm quân đi sau.

Hoàng Tổ mang quân ra khỏi Giang Hạ đón đánh. Hai bên đụng độ ở Hạ Khẩu. Quân thủy hai bên giao chiến. Hoàng Tổ có lợi thế ở những chiến thuyền lớn hơn. Lăng Tháo dũng mãnh lần lượt giết những quân lĩnh của Hoàng Tổ xông tới thuyền mình. Hoàng Tổ núng thế, dần dần bị quân Lăng Tháo đánh bại. Hoàng Tổ phải bỏ thuyền lớn lên thuyền nhỏ chạy trốn. Quân Giang Hạ thấy chủ tướng bỏ chạy cũng tan vỡ chạy hết.

Lăng Tháo thúc quân đuổi theo. Quân Giang Đông đuổi đến gần. Bộ tướng của Hoàng Tổ là Cam Ninh đi đoạn hậu giương cung bắn, tên trúng Lăng Tháo. Lăng Tháo tử trận. Hoàng Tổ thoát nạn trở về Giang Hạ. Nhưng khi về trại, ông vẫn không trọng dụng Cam Ninh.

Một thủ hạ của Hoàng Tổ là Tô Phi nhiều lần tiến cử Cam Ninh, nhưng Hoàng Tổ vẫn không để mắt tới, thậm chí còn sai người đi mua chuộc các thủ hạ của Cam Ninh để họ rời bỏ Cam Ninh.[7]

Cam Ninh rất bực. Tô Phi biết tâm sự của Cam Ninh, bèn khuyên Ninh đi nơi khác lập nghiệp và hứa giúp đỡ. Sau đó Tô Phi đề nghị Hoàng Tổ cử Cam Ninh làm Chu trưởng (cầm đầu đội thuyền). Hoàng Tổ đồng ý. Cam Ninh ngầm sai người đi gọi các thuộc hạ cũ về rồi mang mấy chiếc thuyền lẻn trốn sang đầu hàng Tôn Quyền.

Bại trận bị giết[sửa | sửa mã nguồn]

Cam Ninh được Tôn Quyền trọng dụng. Năm 208, Tôn Quyền dẫn Chu Du, Lã Mông, Cam Ninh, Lăng Thống mang quân đánh Giang Hạ lần thứ 3.

Hoàng Tổ cho Trương Thạc phụ trách thủy quân, Trần Tựu phụ trách quân bộ, chuẩn bị ra ứng chiến, tự mình giữ thành. Trương Thạc mang đội thuyền lớn ra ứng chiến, bị đội thuyền nhỏ của Lăng Thống đánh bại. Trương Thạc tử trận.

Nghe tin Trương Thạc tử trận, Hoàng Tổ sai Trần Tựu phong tỏa lối vào Miện Khẩu bằng các chiến thuyền lớn (mông xung). Ông sai quân lên mỏm núi, ném đá và lửa xuống thuyền địch. Để đối phó, Tôn Quyền lựa 100 quân cảm tử mặc 2 lần áo giáp, xông qua mưa tên đạn từ trên núi của quân Giang Hạ mà nổi lửa đốt các mông xung bên Hoàng Tổ. Các mông xung bị đánh chìm, quân Giang Hạ tan vỡ. Tướng Trần Tựu bị giết, Hoàng Tổ bại trận vội bỏ trốn.

Trên đường chạy về thành, ông bị quân Giang Đông đuổi kịp và bắt sống. Cuối cùng Tôn Quyền giết chết ông. Thành Giang Hạ bị Tôn Quyền đánh chiếm, nhiều dân chúng bị giết.[8]

Lưu Biểu điều quân cứu Giang Hạ, Tôn Quyền phải rút lui.[9] Lưu Biểu cử con trưởng là Lưu Kỳ thay Hoàng Tổ làm Thái thú Giang Hạ.

Hoàng Tổ trước sau hoạt động khoảng 20 năm, trước trận cuối cùng, ông được Cam Ninh mô tả là người đã cao tuổi. Khi mất không rõ ông bao nhiêu tuổi.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng Tổ trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung xuất hiện từ hồi 7 đến hồi 38. Ông được mô tả là viên tướng vô mưu. Ông bị Tôn Sách bắt sống trong trận Tương Dương. Tôn Sách mang ông đổi lấy xác Tôn Kiên. Sau đó ông trấn thủ Giang Hạ cho Lưu Biểu, nhiều lần bị Tôn Quyền đánh bại và cuối cùng bị giết.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lê Đông Phương, Vương Tử Kim (2007), Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Lê Đông Phương (2007), Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng
  • Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân (2006), Tướng soái cổ đại Trung Hoa, tập 1, Nhà xuất bản Thanh niên.
  • Dịch Trung Thiên (2010), Phẩm Tam Quốc, tập 1-2, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  • Trần Văn Đức (2008), Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, Nhà xuất bản Văn học

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 709
  2. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 70
  3. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tr 65
  4. ^ Nay thuộc phía tây huyện Quý Trì, tỉnh An Huy
  5. ^ Nay thuộc phía bắc huyện Gia Ngư, Hồ Bắc
  6. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 743
  7. ^ Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân, sách đã dẫn, tr 798
  8. ^ Dịch Trung Thiên, sách đã dẫn, tập 1, tr 354
  9. ^ Lê Đông Phương, sách đã dẫn, tr 226