Xã hội dân sự

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường.

Xã hội dân sự bao gồm không gian gia đình và lĩnh vực tư nhân, được gọi là " khu vực thứ ba " của xã hội, phân biệt với chính phủ và kinh doanh. Đôi khi thuật ngữ xã hội dân sự được sử dụng theo nghĩa tổng quát hơn, là "các yếu tố như tự do ngôn luận, tư pháp độc lập,..., tạo nên một xã hội dân chủ " (Từ điển tiếng Anh Collins). Đặc biệt là trong các cuộc thảo luận giữa các nhà tư tưởng Đông và Trung Âu, xã hội dân sự cũng xem như là một khái niệm về các giá trị của công dân. Một đại diện nổi tiếng của khái niệm này là Nhà bất đồng chính kiến ​​Ba Lan Adam Michnik.

Hoạt động tình nguyện và sự độc lập từ các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước thường được xem là 2 đặc tính của các tổ chức cấu thành xã hội dân sự.[1]

Định nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự:

Xã hội dân sự là "Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung
  • Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London định nghĩa Xã hội dân sự như sau:
Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì, ranh giới giữa nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phòng trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư.[2]
  • Theo cuốn "Chế độ Dân chủ, nhà nước và xã hội" của N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina:
Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình.[3]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ xã hội dân sự xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỷ 18. Một số sử gia Trung Quốc cho rằng vấn đề xã hội dân sự đã được nhắc đến ngay từ thời nhà Chu ở Trung Hoa. Theo quan niệm truyền thống châu Âu, xã hội dân sự được coi là một tổ chức (hội) đối trọng với chính quyền, tuy vậy cách hiểu này vẫn chưa được chấp nhận tại Việt Nam vì những lý do chính trị.

Đặc trưng[sửa | sửa mã nguồn]

  • Chỉ ra những ranh giới rõ rệt, một bên là những hoạt động kinh tế tư nhân hướng theo lợi nhuận, bên kia là những hoạt động chính trị hướng vào việc chiếm lãnh và thực thi quyền lực nhà nước;
  • Định ra một khu vực đa dạng gồm những hội nhóm và tổ chức khác nhau. Những thành tố này có thể sẽ trở thành những đảm bảo quan trọng cho một chính sách phát triển bền vững và trong khuôn khổ hợp tác của các cơ quan nước ngoài, cần phải được ưu tiên trợ giúp tùy theo thực chất của từng tổ chức;
  • Cần phải tiến tới tầm cỡ độc lập về mặt chính trị xã hội, và qua đó, các tổ chức có một tiềm năng quan trọng phục vụ cho tiến trình phát triển dân chủ;
  • Miêu tả vai trò các thành tố "dân chủ tham gia" như là một bổ khuyết cho các cơ quan "dân chủ đại diện";
  • Có khả năng tiến tới tầm cỡ toàn cầu thông qua việc nối kết với những tổ chức xã hội dân sự khác trên thế giới.

Xã hội dân sự và dân chủ[sửa | sửa mã nguồn]

Những người ủng hộ lập luận rằng các yếu tố chính trị của nhiều tổ chức tự nguyện tạo điều kiện cho công dân nhận thức tốt hơn và thêm thông tin, cử tri lựa chọn tốt hơn, tham gia vào chính trị, và giữ chính quyền có trách nhiệm hơn [4] Các quy chế của các tổ chức này có. thường được coi là vi hiến pháp vì họ quen với những người tham gia thủ tục ra quyết định dân chủ. Gần đây, Robert D. Putnam đã lập luận rằng ngay cả các tổ chức phi-chính trị trong xã hội dân sự đặc biệt quan trọng đối với nền dân chủ. Điều này là do họ xây dựng vốn xã hội, tin tưởng và giá trị chung, được chuyển sang lĩnh vực chính trị và giúp tổ chức xã hội cùng với nhau, tạo điều kiện cho sự hiểu biết về sự liên kết của xã hội và lợi ích trong đó. Những người ủng hộ cho rằng xã hội dân sự rất cần cho xã hội: đó là lực lượng cùng góp phần với Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, là lực lượng khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh, hạnh phúc[5].

Những người khác, tuy nhiên, đã nghi vấn hoặc đặt câu hỏi "làm thế nào xã hội dân sự có thể tạo ra dân chủ thực sự?". Một số lưu ý rằng các tổ chức xã hội dân sự đã thu được một số lượng đáng kể quyền lực chính trị thông qua các hoạt động của họ mà không hề có người trực tiếp bầu hoặc bổ nhiệm họ.[6] Partha Chatterjee đã lập luận rằng, trong hầu hết các đất nước, "xã hội dân sự vẫn chỉ là đại diện cho quyền lợi của một nhóm nhỏ". Đối với Jai, xã hội dân sự là một chiêu bài của chủ nghĩa thực dân mới do giới tinh hoa chính trị phương Tây tạo ra nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ. Cuối cùng, các học giả khác cho rằng, kể từ khi các khái niệm về xã hội dân sự liên quan chặt chẽ với nền dân chủ đại diện, nó cũng bị ảnh hưởng những ý tưởng của dân tộc và chủ nghĩa dân tộc[7], tức là một tổ chức xã hội dân sự ở nước này có thể trở thành công cụ gây hại cho một nước khác nếu hai nước có mâu thuẫn hoặc xung đột.

Xã hội dân sự có nhiều điểm tích cực; đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý để thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước; là cầu nối các cá nhân với Nhà nước, cùng với Nhà nước hoạch định và tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách. Song thực tiễn ở các nước Liên Xô và Đông Âu năm 1990, hay khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi năm 2012 đã cho thấy: các thế lực bên ngoài đã lợi dụng các tổ chức xã hội dân sự để tạo ra tổ chức đối lập, lợi dụng "đấu tranh dân chủ" để kích động người dân thực hiện "Cách mạng màu", "Mùa xuân Ả Rập"... nhằm lật đổ chế độ xã hội ở các quốc gia khác[8][9].

Xã hội dân sự và đảng cộng sản[sửa | sửa mã nguồn]

Edmund Burke, Alexis de Tocqueville và cả những nhà trí thức Nga từ thế kỷ 18 đã cho là xã hội dân sự là nền tảng căn bản cho nền dân chủ. Tuy nhiên Lenin lại cho là xã hội dân sự là thứ cản trở cho nền chuyên chính vô sản. Sử gia Stuart Finkel giải thích, Lenin tin tưởng rằng: "Phạm vi công cộng trong xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải thống nhất và duy nhất." và gạt bỏ các tổ chức xã hội dân sự, cho đó là tư tưởng tư sản. Người Bolshevik xem những tổ chức, công đoàn độc lập là tác nhân gây ra sự chia rẽ quan điểm trong xã hội. Thật ra những người Bolshevik không thích những tổ chức độc lập vì cùng một lý do mà Burke và Tocqueville đã ủng hộ những tổ chức này, bởi vì chúng đòi hỏi việc con người tự quyết định cuộc sống riêng tư của họ bất chấp khuôn khổ quản lý của nhà nước, bởi vì chúng khuyến khích những tư tưởng độc lập và chúng làm cho con người cá nhân nảy sinh nhiều thái độ mâu thuẫn đối với quyền lực của nhà nước.

Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười họ là đảng chính trị đầu tiên mà có mục tiêu dứt khoát là cấm bất cứ tổ chức nào mà không được họ trực tiếp lập ra và không trung thành với họ. Tại Liên Xô, ngay cả những tổ chức phi chính trị cũng bị cấm, bởi vì Lenin tin tưởng rằng, tất cả các tổ chức tự nhiên là chính trị; nếu họ không làm chính trị thẳng thắn thì cũng làm chính trị bí mật.

Ngay cả các nhà Marxist chính thống cũng ưa thích tự do mậu dịch hơn là tự do lập hội, kể cả lập ra những hội thể thao phi chính trị hay các hội văn hóa. Điều này là đúng như vậy dưới thời Lenin, Stalin, Krushchev và Brezhnev. Mặc dù nhiều thứ đã thay đổi trong lịch sử của Liên Xô, sự phản bác xã hội dân sự tiếp tục tới tận thập niên 1970 và 80.

Những người cộng sản Đông Âu thừa hưởng lập luận này (quan điểm bà Anne Applebaum) có thể là vì họ đã quan sát và thu thập được trong nhiều chuyến viếng thăm Liên Xô, hay vì các đồng chí họ trong mật vụ đã học được khi họ được huấn luyện, trong một vài trường hợp vì chính các tướng lãnh và đại sứ Liên Xô đã ra chỉ thị cho họ làm chuyện đó.Trong thời kỳ hậu chiến (thế chiến thứ hai), các nước khác mà bị ảnh hưởng bởi học thuyết Bolshevik cũng đã bắt đầu thực hiện một vài chính sách này. Trung Quốc và Triều Tiên là 2 nước hiển nhiên nhất, và họ được xem là ngang hàng hay vượt trên Liên Xô (theo cái nhìn của Anne Applebaum) trong việc cấm những tổ chức độc lập.[10],[11]

Đến cuối thập niên 1980, ở Liên Xô, Gorbachev đề ra cải cách chính trị, cho phép thành lập hàng loạt các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự... Kết quả là chính phủ Liên Xô trở nên ngày một yếu đuối và dễ bị tổn thương do họ không còn quyền lực mạnh mẽ như trước đây. các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự đã lợi dụng chủ trương phản biện xã hội để chỉ trích, thậm chí vu khống Nhà nước Liên Xô, biến phản biện xã hội thành một quá trình không kiểm soát được, nhiều khi thành một hoạt động dạng câu lạc bộ vô chính phủ.[12] Không còn bị kiểm soát, các tổ chức này đã tiến hành những hoạt động "diễn biến hòa bình", gây mâu thuẫn giữa các sắc tộc của Liên Xô.[13] Các biện pháp bao gồm: bôi nhọ Chủ nghĩa Mác-Lênin, gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền bằng các biện pháp chụp mũ, tạo tin đồn giả.[14] Xuất hiện rất nhiều bài viết xét lại lịch sử, xét lại chủ nghĩa xã hội, phủ nhận vai trò của Cách mạng Tháng Mười trên báo chí mà không bị ngăn chặn và xử lý. Các "tổ chức phi chính phủ" xuất hiện rất nhiều (hơn 30.000 tổ chức vào năm 1987), trong đó nhiều tổ chức nhận tài trợ nước ngoài, vận động ngầm hoặc công khai truyền bá tư tưởng phủ nhận Nhà nước Liên Xô. Nhiều đơn vị xuất bản, phát thanh, truyền hình được phương Tây tài trợ đã quay sang chỉ trích lịch sử cách mạng, khiến tư tưởng chính trị của Đảng viên và nhân dân Liên Xô trở nên dao động dữ dội, lòng tin vào sự nghiệp cách mạng sụt giảm nghiêm trọng[15] Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã Liên Xô năm 1991.

Xã hội dân sự và các nước Trung Đông[sửa | sửa mã nguồn]

Các chế độ chính trị ở nhiều nước Ả Rập, bao gồm những chế độ ở Ả Rập Saudi, Libya và Iraq, áp dụng những chính sách cấm các tổ chức xã hội dân sự, với những lý do như các tổ chức này gây phương hại các giá trị Hồi giáo, hoặc là công cụ gián điệp của nước ngoài, gây chia rẽ các sắc tộc... Ví dụ như Muammar al-Qadhafi đã cấm mọi tổ chức xã hội dân sự và ông ta cũng cấm cả việc thành lập một đảng chính trị độc quyền duy nhất, ông ưa thích việc cai trị thông qua các hội đồng mà thành viên do người dân địa phương bầu ra, không phải là người của bất kỳ tổ chức nào.[11]

Xã hội dân sự tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Xã hội dân sự tại Việt Nam phát triển từ khi khái niệm dân chủ và quyền công dân được người Pháp đưa vào Việt Nam đầu thế kỷ 20. Trước năm 1945, các phong trào và tổ chức dân sự có sự phát triển bước đầu tại Việt Nam. Sau năm 1945, tại miền Bắc, xã hội dân sự bị hạn chế, gần như xóa bỏ. Trong khi tại miền Nam, xã hội dân sự vẫn tồn tại và phát triển, một số tổ chức trở thành công cụ đắc lực ngầm phục vụ cho các hoạt động chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam chống lại Mỹ. Sau năm 1975 và đến rất gần đây, xã hội dân sự không được phát triển tại Việt Nam do Việt Nam hạn chế các phong trào dân sự và lập hội, bởi lo ngại tiềm ẩn các nguy cơ an ninh. Mãi tới gần đây, xã hội dân sự bắt đầu phát triển trở lại. Trong đó, Nghị quyết số 37-NQ/TW về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 của Đảng Cộng sản Việt Nam có đề cập đến "Xã hội dân sự" như là vấn đề cần nghiên cứu trong việc "phát huy quyền làm chủ của người dân đi đôi với hoàn thiện hệ thống chính trị"[16]

Quan điểm của các cơ quan an ninh Việt Nam cho rằng: xã hội dân sự có nhiều điểm tích cực; đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý để thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước, góp phần giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng chi phí, tinh giản bộ máy, hoạt động hiệu quả và minh bạch; là cầu nối các cá nhân với Nhà nước; cùng với Nhà nước hoạch định và tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách. Song thực tiễn ở các nước Liên Xô và Đông Âu năm 1990, hay biến động chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi năm 2012 đã cho thấy: các thế lực bên ngoài đặc biệt chú trọng thúc đẩy, hình thành các tổ chức xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây, từng bước tạo ra tổ chức đối lập, hình thành xã hội đa đảng; áp đặt các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa theo kiểu của họ, thực hiện "Cách mạng màu", "Mùa xuân Ả Rập"... coi đó là phương thức hoạt động chủ yếu nhằm lật đổ chế độ xã hội ở các quốc gia này. Do vậy, cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này, ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để thực hiện "diễn biến hòa bình", lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam[8][9].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ The difference between civil and civic Lưu trữ 2016-03-10 tại Wayback Machine, Laurence Demarco, senscot, 16.06.2008
  2. ^
    “What is civil society?”. Centre for Civil Society, London School of Economics. ngày 1 tháng 3 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2006.
  3. ^ Chế độ Dân chủ, nhà nước và xã hội - N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina, Nhà xuất bản Tri Thức, tr 242, 2009
  4. ^ 'ibid'
  5. ^ “Xã hội dân sự sẽ ngày càng cần thiết”. VietNamNet. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2014. Truy cập 14 tháng 2 năm 2015.
  6. ^ Agnew, John; 2002; 'Democracy and Human Rights' in Johnston, R.J., Taylor, Peter J. and Watts, Michael J. (eds); 2002; Geographies of Global Change; Blackwell
  7. ^ Robert D. Putnam, Robert Leonardi, Raffaella Y. Nanetti (1994). Making Democracy Work: Civic Traditions in Modern Italy. Robert Leonardi, Raffaella Y. Nanetti. Princeton University Press. ISBN 0691078890.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  8. ^ a b http://congan.com.vn/tin-chinh/chinh-tri-thoi-su/phong-chong-hoat-dong-loi-dung-xa-hoi-dan-su-de-chong-pha-dang-nha-nuoc_42589.html
  9. ^ a b http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Lat-tay-muu-do-doi-lot-xa-hoi-dan-su-chong-pha-dat-nuoc-343556/
  10. ^ Anne Applebaum, The Leninist Roots of Civil Society Repression, Journal of Democracy Volume 26, Number ngày 4 tháng 10 năm 2015 © 2015 National Endowment for Democracy and Johns Hopkins University Press
  11. ^ a b The Leninist Roots of Civil Society Repression, Anne Applebaum, Journal of Democracy Volume 26, Number ngày 4 tháng 10 năm 2015 © 2015 National Endowment for Democracy and Johns Hopkins University Press
  12. ^ Trần Đăng Tuấn. Muốn có cái nhìn tổng quan về phản biện xã hội. Tạp chí Cộng sản điện tử, số 114-2006
  13. ^ Ngô Hoan. Nguyên nhân và tác động của sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô tới tiến trình cách mạng thế giới hiện nay, tr.67
  14. ^ Nguyễn Trọng Chuẩn và Iu.K.Pletnicốp (chủ biên). Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội, tr 89
  15. ^ Tính trước nguy cơ 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ. Lý Thận Minh (chủ biên). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Trang 170-171
  16. ^ “Nghị quyết số 37 NQ-TWW về công tác lý luận”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2017.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]