Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Tiếng Việt”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không có tóm lược sửa đổi
Sửa ảnh.
Dòng 3: Dòng 3:
familycolor = Nam Á |
familycolor = Nam Á |
pronunciation = tiəŋ₃₅ vḭət₃₁ (miền Bắc)<br />tiəŋ₃₅ jḭək₃₁ (miền Nam) |
pronunciation = tiəŋ₃₅ vḭət₃₁ (miền Bắc)<br />tiəŋ₃₅ jḭək₃₁ (miền Nam) |
map = [[Tập tin:Vietnamese Language.PNG|300px|Phân bổ tiếng Việt]]|
map = [[Tập tin:Color-coded Vietnamese language distribution world map counting from 10,000 user or above.png|300px|Phân bổ tiếng Việt tại các nước trên thế giới]]|
states = [[Việt Nam]], [[Lào]], [[Campuchia]], [[Hoa Kỳ]] và nhiều nơi khác |
states = [[Việt Nam]], [[Lào]], [[Campuchia]], [[Hoa Kỳ]] và nhiều nơi khác |
speakers= 80 triệu người trở lên |
speakers= 80 triệu người trở lên |

Phiên bản lúc 14:57, ngày 7 tháng 7 năm 2013

Tiếng Việt
Phát âmtiəŋ₃₅ vḭət₃₁ (miền Bắc)
tiəŋ₃₅ jḭək₃₁ (miền Nam)
Sử dụng tạiViệt Nam, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác
Tổng số người nói80 triệu người trở lên
Hạng13–17 (như tiếng mẹ đẻ); gần bằng tiếng Triều Tiên, Telugu, MarathiTamil
Phân loạiHệ Nam Á[1]
Hệ chữ viếtChữ Nôm
Quốc ngữ (từ năm 1945)
Địa vị chính thức
Ngôn ngữ chính thức tại
{{{alias}}} Việt Nam[2]
{{{alias}}} Cộng hòa Séc (ngôn ngữ dân tộc thiểu số)[3]
Quy định bởiViện Ngôn ngữ học Việt Nam
Mã ngôn ngữ
ISO 639-1vi
ISO 639-2vie
ISO 639-3vie
Phân bổ tiếng Việt tại các nước trên thế giới

Tiếng Việt hay tiếng Việt Nam,[4], Việt ngữ, là ngôn ngữ của người Việt (người Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với hơn bốn triệu người Việt hải ngoại Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt có một số từ vựng vay mượn từ tiếng Hán và trước đây dùng chữ Hán để viết, sau đó được cải biên thành chữ Nôm, tiếng Việt được coi là một trong số các ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á có số người nói nhiều nhất (nhiều hơn một số lần so với các ngôn ngữ khác cùng hệ cộng lại). Ngày nay tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc Ngữ, cùng các dấu thanh để viết.

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đặt đại mã hai chữ cái cho tiếng Việt là "vi" [5] (tiêu chuẩn ISO 639-1) và đặt đại mã ba chữ cái cho tiếng Việt là "vie" [6] (tiêu chuẩn ISO 639-2).

Tiếng Việt bao gồm cách phát âm tiếng Việt và chữ Quốc ngữ để viết. Tuy nhiên, "chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp quốc gia) công nhận đó là quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia..."[7]

Xếp loại

Với những cơ sở khoa học gần đây được đa số các nhà ngôn ngữ học thừa nhận, tiếng Việt thuộc hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, có quan hệ họ hàng gần nhất với tiếng Mường. Xa hơn một chút là các tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Thí dụ, từ tay trong tiếng Việt tương đương trong tiếng Mường là thay, trong tiếng Khmer là đay và trong tiếng Môngtai.

Lịch sử

Tiếng Việt là ngôn ngữ có nguồn gốc bản địa, xuất thân từ nền văn minh nông nghiệp, tại nơi mà ngày nay là khu vực phía bắc lưu vực sông Hồngsông Mã của Việt Nam.

Theo A. G. Haudricourt giải thích từ năm 1954, nhóm ngôn ngữ Việt-Mường ở thời kỳ khoảng đầu Công nguyên là những ngôn ngữ hay phương ngữ không thanh điệu. Về sau, qua quá trình giao thoa với Hoa ngữ và nhất là với các ngữ thuộc ngữ hệ Tai-Kadai vốn có hệ thống thanh điệu phát triển cao, hệ thống thanh điệu trong tiếng Việt xuất hiện và có diện mạo như ngày nay, theo quy luật hình thành thanh điệu. Sự xuất hiện các thanh điệu, bắt đầu khoảng thế kỷ thứ 6 (thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam) với ba thanh điệu và phát triển ổn định vào khoảng thế kỷ 12 (nhà Lý) với 6 thanh điệu. Sau đó một số phụ âm đầu biến đổi cho tới ngày nay. Trong quá trình biến đổi, các phụ âm cuối rụng đi làm thay đổi các kết thúc âm tiết và phụ âm đầu chuyển từ lẫn lộn vô thanh với hữu thanh sang tách biệt.

Ví dụ[8] của A.G. Haudricourt.

Đầu Công nguyên
(không thanh)
Thế kỉ 6
(ba thanh)
Thế kỉ 12
(sáu thanh)
Ngày nay
pa pa pa ba
sla, hla hla la la
ba ba
la la
pas, pah pả bả
slas, hlah hlà lả lả
bas, bah
las, lah
pax, paʔ
slax, hlaʔ hlá
bax, baʔ pạ bạ
lax, laʔ lạ lạ

Ảnh hưởng từ miền nam Trung Hoa

Tiếng Việt là ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt giao tiếp của dân thường từ khi lập quốc. Có 6 âm sắc chính là: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Bắt đầu từ khi Trung Quốc có ảnh hưởng tới Việt Nam, tiếng Việt có rất nhiều âm mà không có trong tiếng Trung Hoa; "đ". Trong quá trình phát triển đã du nhập thêm những từ ngữ Hán cổ như "đầu", "gan", "ghế", "ông", "bà", "cô"..., từ đó hình thành nên hệ thống Hán-Việt trong tiếng Việt bằng cách đọc các chữ Hán theo ngữ âm hiện có của tiếng Việt (tương tự như người Nhật Bản áp dụng kanji đối với chữ Hán và katakana với các tiếng nước ngoài khác). Số lượng từ vựng tiếng Việt có thêm hàng loạt các yếu tố Hán-Việt. Như là "chủ", "ở", "tâm", "minh", "đức", "thiên", "tự do"... giữ nguyên nghĩa chỉ khác cách đọc; hay thay đổi vị trí như "nhiệt náo" thành "náo nhiệt", "thích phóng" thành "phóng thích", "đảm bảo" thành "bảo đảm"... Hoặc được rút gọn như "thừa trần" thành "trần" (trong trần nhà), "lạc hoa sinh" thành "lạc" (trong củ lạc, còn gọi là đậu phộng)...; hay đổi khác nghĩa hoàn toàn như "phương phi" trong tiếng Hán có nghĩa là "hoa cỏ thơm tho" thì trong tiếng Việt lại là "béo tốt", "bồi hồi" trong tiếng Hán nghĩa là "đi đi lại lại" sang tiếng Việt thành "bồn chồn, xúc động"...

Đặc biệt là các yếu tố Hán-Việt được sử dụng để tạo nên những từ ngữ đặc trưng chỉ có trong tiếng Việt, không có trong tiếng Hán như là các từ "sĩ diện", "phi công" (dùng 2 yếu tố Hán-Việt) hay "bao gồm", "sống động", "sinh đẻ" (một yếu tố Hán kết hợp với một yếu tố thuần Việt). Nói chung tỉ lệ vay mượn tiếng Hán trong tiếng Việt rất lớn. Về lĩnh vực chuyên môn và khoa học thì có thể lên đến 80%. Nhưng khi nhận xét về văn ngữ trong một cuốn tiểu thuyết thì chỉ còn 12,8%; kịch nói rút xuống còn 8,9%; và ngôn ngữ nói chuyện hằng ngày còn thấp hơn nữa.[9] Dù ở tỷ lệ nào đi nữa đại đa số những từ đó đều đã được Việt hóa cho phù hợp với nhận thức của người Việt. Tiếng Việt gọi là "thủ tướng" nhưng tiếng Hoa là "tổng lý"; tiếng Việt là "truyền hình" thì tiếng Hoa là "điện thị"; tiếng Việt là "thành phố" thì tiếng Hoa là "đô thị". Những chữ thủ tướng, truyền hình, thành phố hoàn toàn là Hán Việt nhưng người Hoa tuyệt nhiên không dùng. Do vậy tiếng Việt dù vay mượn tiếng Hán nhưng giữ được bản sắc riêng của mình trước ảnh hưởng của văn hóa Hán, trong khi lợi dụng được những thành tựu ngôn ngữ trong tiếng Hán để tự cải tiến mình.

Kể từ đầu thế kỷ thứ 11, Nho học phát triển, việc học văn tự chữ Nho được đẩy mạnh, tầng lớp trí thức được mở rộng tạo tiền đề cho một nền văn chương của người Việt bằng chữ Nho cực kỳ phát triển với cái áng văn thư nổi tiếng như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt bên sông Như Nguyệt (sông Cầu). Cùng thời gian này, một hệ thống chữ viết được xây dựng riêng cho người Việt theo nguyên tắc ghi âm tiết được phát triển, và đó chính là chữ Nôm. Nhờ có chữ Nôm, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển rực rỡ nhất, đạt đỉnh cao với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tiếng Việt, được thể hiện bằng chữ Nôm ở những thời kỳ sau này về cơ bản rất gần với tiếng Việt ngày nay. Tuy hầu hết mọi người Việt đều có thể nghe và hiểu văn bản bằng chữ Nôm, chỉ những người có học chữ Nôm mới có thể đọc và viết được chữ Nôm.

Chữ Nôm được chính thức dùng trong hành chính khi vua Quang Trung lên ngôi vào năm 1789.

Ảnh hưởng của Pháp

Chân dung Alexandre de Rhodes

Kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, tiếng Pháp dần dần thay thế vị trí của chữ Nho như là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, hành chínhngoại giao. Chữ Quốc ngữ, vốn được tạo ra bởi một số nhà truyền giáo Tây phương, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes (tác giả cuốn Từ điển Việt-Bồ-LaNgữ pháp tiếng An Nam năm 1651), với mục đích dùng ký tự Latinh để biểu hiện tiếng Việt, ngày càng được phổ biến, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi những thuật ngữ, từ ngữ mới của ngôn ngữ Tây phương (chủ yếu là từ tiếng Pháp) như phanh, lốp, găng, pê đan... và tiếng Hán như chính đảng, kinh tế, giai cấp, bán kính... Tờ Gia Định báo là tờ báo đầu tiên được phát hành bằng chữ Quốc Ngữ vào năm 1865, khẳng định sự phát triển và xu hướng của chữ Quốc Ngữ như là chữ viết chính thức của nước Việt Nam độc lập sau này.

Thời kỳ 1945 cho đến nay

Chữ Quốc Ngữ là chữ ghi âm, chỉ sử dụng 27 ký tự Latin và 6 dấu thanh, đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học cao, dễ học, dễ nhớ, thông dụng; thay thế hoàn toàn tiếng Pháptiếng Hán vốn khó đọc, khó nhớ, không thông dụng với người Việt.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, sự phát triển tiếng Việt giữa miền Bắcmiền Nam có chiều hướng khác nhau. Vì các lý do chính trịkinh tế, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, và sự hiện diện của các chuyên viên nhân sự Trung Quốc đưa nhiều từ Bạch Thoại (ngôn ngữ nói của Trung Quốc) vào ngữ vựng tiếng Việt[cần dẫn nguồn]. Những từ này thường có gốc Hán-Việt, nhưng thường đổi ngược thứ tự hay có nghĩa mới. Tại miền Nam, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ đã đem một số từ tiếng Anh vào ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày[cần dẫn nguồn].

Tuy nhiên, trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam thì ở miền Bắc có xu hướng sử dụng từ thuần Việt và ở miền Nam lại có khuynh hướng sử dụng từ Hán-Việt. Ví dụ như miền Nam vẫn giữ tên "Ngân hàng Quốc gia" trong khi miền Bắc đổi thành "Ngân hàng Nhà Nước" (1960), miền Nam lại gọi là "phi trường" thì miền Bắc gọi là "sân bay", miền Nam gọi là "Ngũ Giác Đài" thì miền Bắc gọi là "Lầu Năm Góc", miền Nam gọi là "Đệ nhất Thế chiến" thì miền Bắc kiên quyết gọi là "Chiến tranh thế giới lần thứ nhất", miền Nam gọi là "hỏa tiễn" thì miền Bắc lại gọi là "tên lửa",[cần dẫn nguồn], miền Nam vẫn gọi là "thủy quân lục chiến" còn miền Bắc lại đổi thành "lính thủy đánh bộ"... Ngược lại danh từ miền Bắc như "tham quan", "sự cố", "nhất trí", "đăng ký", "đột xuất", "vô tư" v.v. thì miền Nam dùng những chữ "thăm viếng", "trở ngại/trục trặc", "đồng lòng", "ghi tên", "bất ngờ", "thoải mái"... Các từ có gốc phương Tây, miền Nam có khuynh hướng biến đổi thành từ Hán Việt, như Băng đảo, Úc Đại Lợi, Hung Gia Lợi còn miền Bắc có khuynh hướng phiên âm ra thành Ai-xơ-len, Ô-xtrây-li-a, Hung-ga-ri...

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, quan hệ Bắc Nam được kết nối lại. Gần đây, sự phổ biến của các phương tiện truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc đã làm tiếng Việt được chuẩn hóa một phần nào. Nhiều từ thuần Việt được sử dụng phổ biến thay cho từ Hán Việt, cũng như với sự tiến triển của internettoàn cầu hóa, ảnh hưởng của tiếng Anh ngày càng lớn trên báo chí và đội ngũ phóng viên, nhiều từ nước ngoài được đưa vào tiếng Việt thiếu chọn lọc, viết nguyên bản theo ngôn ngữ nước ngoài...

Phân bố

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam, và cũng là ngôn ngữ phổ thông đối với các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Thêm vào đó, tiếng Việt được hơn 1 triệu người sử dụng tại Hoa Kỳ (đứng thứ 7 toàn quốc, thứ 3 tại Texas, thứ 4 tại ArkansasLouisiana và thứ 5 tại California), cũng như trên 100.000 người tại CanadaÚc (đứng thứ 6 toàn quốc).

Theo Ethnologue[6], tiếng Việt còn được nhiều người sử dụng tại Anh, Ba Lan, Campuchia, Côte d'Ivoire, Đức, Hà Lan, Lào, Na Uy, Nouvelle-Calédonie, Phần Lan, Pháp, Philippines, Séc, Sénégal, Thái Lan, Trung QuốcVanuatu. Tiếng Việt cũng còn được dùng bởi những người Việt sống tại Đài Loan, Nga...

Ngoài ra Tiếng Việt cũng được công nhận là ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc vì người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại Séc[10].

Tiếng địa phương

Tiếng Việt có sự thay đổi trong giọng nói từ Bắc vào Nam, không đột ngột mà tiệm tiến dần theo từng vùng liền nhau. Trong đó, giọng Bắc Hà Nội, giọng Trung Huế và giọng Nam Sài Gòn là ba phân loại chính. Những tiếng địa phương này khác nhau ở giọng điệu và từ địa phương. Thanh hỏi và thanh ngã ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam. Miền Bắc sử dụng một số phụ âm (tr, ch, n, l...) khác với miền Nam và Trung. Giọng Huế khó hiểu hơn những giọng khác vì có nhiều từ địa phương. Theo trang thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc[11] và học giả Laurence Thompson[12] thì cách đọc tiêu chuẩn hiện nay được dựa vào giọng Hà Nội. Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de Rhodes lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine lấy tiếng miền Nam làm nền tảng.[13]

Giọng chuẩn Nơi sử dụng
Giọng miền Bắc Hà Nội
Giọng miền Trung Huế
Giọng miền Nam Sài Gòn
Giọng địa phương Nơi thể hiện rõ nét
Giọng Đông Bắc Quảng Ninh, Hải Phòng
Giọng Thanh Hóa Thanh Hóa
Giọng Nghệ-Tĩnh Nghệ An, Hà Tĩnh
Giọng Bình-Trị-Thiên Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế
Giọng Quảng Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi
Giọng Nẫu Bình Định, Phú Yên
Giọng Đông Nam Bộ Các tỉnh Đông Nam Bộ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
Giọng miền Tây Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long
Giọng dân tộc thiểu số[cần dẫn nguồn] Các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên

Ngữ âm

Thanh điệu

Dấu của tiếng Việt
Dấu Chữ mẫu
ngang a
sắc á
huyền à
hỏi
ngã ã
nặng
Sáu thanh trong tiếng Việt

Tiếng Việt là một ngôn ngữ có thanh điệu. Có sự khác biệt về số lượng và điệu trị thanh điệu (sự cao thấp, lên xuống, ngắn dài của thanh điệu) giữa các phương ngữ của tiếng Việt. Thanh điệu tiêu chuẩn của tiếng Việt hiện đại gồm sáu thanh:

  1. Ngang: đôi khi còn được gọi là "thanh không dấu" vì trong chữ quốc ngữ không có dấu riêng để biểu thị thanh điệu này (a).
  2. Sắc: trong chữ quốc ngữ được ghi bằng dấu sắc (á).
  3. Huyền: trong chữ quốc ngữ được ghi bằng dấu huyền (à).
  4. Hỏi: trong chữ quốc ngữ được ghi bằng dấu hỏi (ả).
  5. Ngã: trong chữ quốc ngữ được ghi bằng dấu ngã (ã).
  6. Nặng: trong chữ quốc ngữ được ghi bằng dấu nặng (ạ).

Trong tiếng Việt các âm tiết mang vần nhập thanh chỉ có thể mang một trong hai thanh sắc và nặng. Vần nhập thanh trong tiếng Việt là các vần kết thúc bằng một trong ba phụ âm dưới đây:

  • [k]: trên chữ quốc ngữ được ghi bằng chữ cái "c" và chữ cái nhị hợp "ch". Ví dụ như các vần ec, ôc, iêc, ươc, ach, ich, êch...
  • [p]: trên chữ quốc ngữ được ghi bằng chữ cái "p". Ví dụ như các vần ep, ôp, iêp, ươp...
  • [t]: trên chữ quốc ngữ được ghi bằng chữ cái "t". Ví dụ như các vần et, ôt, iêt, ươt...

Do chịu ảnh hưởng của phụ âm cuối nên các vần nhập thanh không thể mang thanh điệu tùy ý được, chỉ có thể mang các thanh điệu có điệu trị ngắn và nhanh.

Ngữ pháp

Mỗi âm tiết trong tiếng Việt khi đi kèm với nhau (nếu có thể) theo một trật tự nào đó đều cho ra nghĩa. Việc đổi trật tự các âm tiết, từ ngữ đều làm nghĩa thay đổi.

Ví dụ: với năm âm tiết (năm từ đơn): "sao, nó, bảo, không, đến" khi sắp xếp theo các trật tự khác nhau sẽ cho ra các nghĩa khác nhau.

"Sao nó không đến bảo?"; "Sao? Nó bảo đến không?"; "Sao nó đến không bảo?"; "Sao bảo nó không đến?"; "Sao? bảo nó đến không?"; "Sao? Bảo nó đến không?"; "Sao bảo không đến nó?"; "Sao? Đến bảo nó không?"; "Sao đến không bảo nó?"; "Sao đến nó bảo không?"; "Sao không đến bảo nó?"; "Sao không bảo nó đến?"

"Nó bảo sao không đến?"; "Nó bảo không đến sao?"; "Nó đến, sao không bảo?"; "Nó đến, không bảo sao?"; "Nó đến, sao bảo không?"; "Nó đến bảo không sao!"; "Nó đến, bảo sao không?"; "Nó không bảo, sao đến?"; "Nó không bảo đến sao?"; "Nó không đến bảo sao?"

"Bảo sao nó không đến?"; Bảo! Sao không đến nó?"; "Bảo nó sao không đến?"; "Bảo nó: đến không sao."; "Bảo nó đến sao không?"; "Bảo nó không đến sao?"; "Bảo đến sao nó không?"; "Bảo đến nó không sao!"; "Bảo không, sao nó đến?"; "Bảo! Không đến nó sao?"

"Đến! Sao nó bảo không?"; "Đến! Sao bảo nó không?"; "Đến nó bảo không sao."; "Đến nó không bảo sao."; "Đến nó sao không bảo?"; "Đến bảo nó không sao!"; "Đến bảo sao nó không…"; "Đến không bảo nó sao?"; "Đến không? Bảo sao nó..."

"Không sao! Bảo nó đến."; "Không! Nó bảo sao đến?"; "Không! Nó đến bảo sao?"; "Không bảo sao nó đến"; "Không bảo nó đến sao?"; "Không đến sao nó bảo?"; "Không đến bảo nó sao."

Từ vựng

Các từ màu cam là Từ thuần Việt, các từ màu xanh là Từ Hán-Việt.

Ngày nay, ngoài các từ tiếng Việt mượn của tiếng Hán hoặc các tiếng Ấn-Âu thì tất cả các từ còn lại được coi là các từ thuần Việt. Những từ được gọi là thuần Việt này thường là bộ phận từ vựng gốc của tiếng Việt, biểu thị các sự vật, hiện tượng, khái niệm cơ bản nhất và tồn tại từ rất lâu. Nếu so sánh các từ trong bộ phận thuần Việt này với các từ tương ứng trong tiếng Mường, các tiếng Tày-Thái, Môn-Khơme, người ta thấy chúng có sự giống nhau nhất định về ngữ âm và ngữ nghĩa. Từ đó, các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra ba giả thuyết chủ yếu sau về nguồn gốc của tiếng Việt:

  1. Các nhà ngôn ngữ học như J.R. Logan, Wilhelm Schmidt, André-Georges Haudricourt, cho rằng tiếng Việt cổ bắt nguồn từ ngôn ngữ Môn-Khơme thông qua luận cứ chủ yếu là: tiến trình chuyển biến từ tiếng Việt cổ không có thanh điệu (như phần lớn các ngôn ngữ Nam Á) sang tiếng Việt hiện đại có thanh điệu. Nền tảng Nam Á trong vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt chiếm tỉ lệ rất lớn.
  2. Các nhà ngôn ngữ học như Henri Maspero cho rằng tiếng Việt có nguồn gốc từ các tiếng Tày-Thái, qua việc căn cứ vào sự giống nhau của các từ cơ bản cũng như cơ cấu cấu tạo từ và thanh điệu giữa chúng. Maspero cho rằng tiếng Việt cổ sinh ra do sự hòa trộn giữa một phương ngôn Môn-Khơme và một phương ngôn Thái. Theo luận cứ của Maspero, tiếng Việt không có phụ tố giống như các tiếng Thái, trong khi các tiếng Môn-Khơme có nhiều phụ tố, nhất là tiền tốtrung tố; và tiếng Việt có hệ thống thanh điệu giống tiếng Thái cổ, trong khi các tiếng Môn-Khơme không có thanh điệu[14].
  3. Giả thuyết thứ ba cho rằng tiếng Việt sinh ra do sự kết hợp các ngôn ngữ Nam Á và Tày-Thái. Giả thuyết này do George Coedès đưa ra năm 1949. Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương căn cứ trên tiến trình biến đổi hình thái học của từ cũng đi đến kết luận này[15].

Từ thuần Việt

Nếu coi từ thuần Việt là kết quả của quá trình tiếp xúc, tác động lâu dài giữa các ngôn ngữ Nam ÁTày-Thái thì các từ này hình thành nên một lớp từ vựng cơ bản và lâu đời nhất trong tiếng Việt, có thể chia ra như sau:

  • Những từ tương ứng với tiếng Mường như: [đuôi, móng, mồm, sừng...]; [cô gái, đàn ông, vợ, chồng...]; [cây, củ, cơm, mả...]; [bí, cỏ, chuối, hành...], [bướm, cáo, cầy, chuột...]; [bẩn, cay, chậm, dài...], [ăn, bơi, cấy, chạy...]
  • Những từ tương ứng với các tiếng Tày-Thái như: bánh, bóc, buộc, đường, gọt, ngắt, ngọn, rẫy, vắng...
  • Những từ tương ứng với các tiếng Việt-Mường và Tày-Thái như: bão, bể, dao, gạo, ngà voi, sống...
  • Những từ tương ứng với nhóm Việt-Mường và Bru ở tây Quảng Bình: bụng, bốc, bớt, củi, đêm, Mặt Trăng, mặt trời, núi, rắn, chuột...
  • Những từ tương ứng với nhóm Việt-Mường và Môn-Khơme ở Tây Nguyên: [dốc, đèo, khói, mây, mưa, rừng, sấm...]; [da, đầu gối, mỡ, người, óc, tim, thịt...]; [bố, bọn, mày, mẹ, nó...]; [bếp, cày, chổi, cuốc, ruộng...]; [bịt, bóp, bú, bưng, cắn, cắt, đứng, gãi, hét, lắc, mặc, nghĩ, ngồi, phá, quăng, ôm, rụng, tát, về, xé...]
  • Những từ tương ứng với nhóm Việt-Mường và các ngôn ngữ Môn-Khơme nói chung: [một, hai, ba, bốn, năm...]; [con, cháu, mọi, người]; [đất, đá, gió, lửa...]; [cằm, chân, cổ, lưng...]; [bay, cắt, đẻ, kẹp, liếc...]; [ao, cá, chim, lá...]; [cong, già, mới, ngát]

Từ Hán-Việt

Sự tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán bắt đầu khi nhà Hán của Trung Quốc xâm chiếm nước Việt. Quá trình tiếp xúc lâu dài đã đưa vào tiếng Việt một khối lượng từ ngữ rất lớn của tiếng Hán. Hiện tượng này diễn ra khác nhau trong các thời kỳ. Giai đoạn đầu có tính chất lẻ tẻ, rời rạc, chủ yếu thông qua đường khẩu ngữ qua sự tiếp xúc giữa người Việt và người Hán. Đến đời Đường, tiếng Việt mới có sự tiếp nhận các từ ngữ Hán một cách có hệ thống qua đường sách vở. Các từ ngữ gốc Hán này chủ yếu được đọc theo ngữ âm đời Đường tuân thủ nguyên tắc ngữ âm tiếng Việt gọi là âm Hán-Việt. Ví dụ: phiền, phòng, trà, trảm, chủ... Các từ ngữ gốc Hán nhưng không đọc theo âm Hán-Việt ngoài các từ được du nhập vào tiếng Việt trước đời Đường (ví dụ các âm Hán cổ tương ứng với các âm Hán-Việt trên là buồn, buồng, chè, chém,...), cũng cần kể đến những từ xuất phát từ các phương ngữ Trung Quốc khác nhau (như tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu...) được du nhập thông qua đường khẩu ngữ như: ca la thầu, mì chính, xì dầu, bánh pía, sương sáo, lẩu...

Từ ngoại lai

Kể từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, tiếng Pháp đã có ảnh hưởng đáng kể đến tiếng Việt và các từ ngữ gốc Pháp thâm nhập khá nhiều vào tiếng Việt, chỉ sau từ Hán-Việt. Sự ảnh hưởng này là do tiếng Pháp được sử dụng trong các văn bản, giấy tờ của Nhà nước và trong giảng dạy ở nhà trường, cũng như trong các loại sách báo khác. Ảnh hưởng này kéo theo sự xuất hiện của nhiều từ gốc Pháp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:

Đồng thời qua tiếng Pháp, một số từ tiếng Anh, tiếng Đức cũng du nhập vào tiếng Việt, ví dụ như: mít tinh, boong ke, bồi bàn, buyn đinh...

Ngoài ra, ảnh hưởng của Nga cũng dẫn đến sự du nhập của một số từ gốc Nga như: bônsêvích, Xô Viết,...

Tiếng Hoa cũng đóng góp một số từ ngữ qua ngả vay mượn âm, không phải qua ngả mượn nghĩa của Hán Việt, thí dụ như: chạp phô, tẩy chay, tài xế, lì xì, lạp xưởng, mì chính...

Từ hỗn chủng

Từ hỗn chủng là sử dụng hỗn hợp của 3 loại trên.

Ví dụ:

  • vôi hoá (Hán-Nôm: 𥔦化) - "vôi" là thuần Việt, "hoá" là Hán-Việt.
  • ôm kế - "ôm" là từ tiếng Đức Ohm, "kế" là Hán-Việt.
  • nhà băng - "nhà" là thuần Việt, "băng" là từ tiếng Pháp banque.

Chữ viết và cách viết

Một trang Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum tức Từ điển Việt-Bồ-La in năm 1651
Truyện Nôm Phan Trần bản in năm 1902

Hiện nay, tiếng Việt dùng hệ chữ viết như ký tự Latin gọi là chữ Quốc Ngữ. Theo tài liệu của những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lúc trước, chữ Quốc Ngữ phát triển từ trước thế kỷ thứ 17 rồi được chuẩn định do công của một nhà truyền giáo người Pháp tên là Alexandre de Rhodes (15911660). Ông là người cho in cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum năm 1651.

Sau cuộc xâm lăng của người Pháp giữa thế kỷ thứ 19, chữ Quốc Ngữ trở nên thịnh hành và hầu như tất cả các văn bản viết đều dùng nó kể từ sau thập niên 1920. Trước đó, người Việt dùng hai loại chữ viết là chữ Nho (chữ Hán đọc theo cách Việt Nam – ngôn ngữ hành chính) và chữ Nôm (mô phỏng chữ Nho để viết chữ thuần Việt – ngôn ngữ dân gian). Chữ Nôm tồn tại cho đến đầu thế kỷ 20 mới mất vị trí là công cụ truyền đạt ý tưởng văn chương tiếng Việt.

Có thuyết cho rằng người Việt đã có chữ viết từ thời Hùng Vương, là loại chữ được các tài liệu về sau gọi là "khoa đẩu" ("chữ nòng nọc") hay "hỏa tự" ("chữ lửa"). Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã lập được một bộ chữ cái mà ông cho là của loại chữ viết trên, cùng một bảng song ngữ với chữ cái Latin[16]. Thuyết này chưa được công nhận rộng rãi tại Việt Nam.

Ngày nay, chữ Nho và chữ Nôm không còn thông dụng ở Việt Nam; chữ Nôm đã bị mai một nhiều.

Thư pháp

Cùng với chữ Hán, chữ Nhậtchữ Hàn, chữ viết tiếng Việt cũng được nhiều người yêu thích thư pháp nâng lên thành một nghệ thuật.

Có thể nói, thư pháp chữ Việt đầu tiên được viết là thư pháp chữ Nôm. Dần dần, cùng với việc chữ Nôm bị thay thế bởi chữ Quốc Ngữ, do nhu cầu treo chữ trong nhà, người ta đã khởi xướng thư pháp chữ Quốc ngữ.

Bộ gõ chữ Việt

Để có thể viết chữ Việt trên máy tính, cần có bộ gõ tiếng Việt là một loại phần mềm hỗ trợ soạn thảo văn bản bằng tiếng Việt trên máy tính, thường cần phải có phông ký tự chữ Quốc ngữ đã được cài đặt trong máy tính. Các bộ gõ tiếng Việt khác nhau sẽ quy định các phím bấm khác nhau cho các dấu thanh, dấu mũ và dấu móc. Có những quy ước chuẩn dấu tiếng Việt, bộ mã, cách gõ và những phần mềm khác nhau. Hiện nay, bộ mã chữ Việt theo chuẩn quốc tế Unicode là được dùng phổ biến nhất.

Chính tả

Những quy tắc chính tả dưới đây đã được tham khảo rất nhiều qua những thảo luận về chính tả tiếng Việt, thậm chí đã quay ngược lại lịch sử từ năm 1902 khi Hội nghị Khảo cứu Viễn Đông được tổ chức tại đây, vấn đề về chữ Quốc ngữ đã được Ủy ban Cải cách chữ Quốc ngữ đề nghị lên chính phủ Toàn quyền lúc bấy giờ. Từ đó tới nay, đã có rất nhiều thảo luận được tổ chức nên đã giúp quy tắc chính tả tiếng Việt dần được điển chế hoá tới một mức độ khả quan hơn. Song song đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự chuẩn hoá của mã chữ Unicode đã mang tính quyết định trong việc hệ thống hoá những quy tắc về chính tả tiếng Việt.

Các định nghĩa

Các định nghĩa sau quan trọng cho việc xây dựng các quy tắc chính tả:

Âm tiết
Âm tiết là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất trong ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu, và tách rời với âm tiết khác bằng một khoảng trống. Trên chữ viết, mỗi âm tiết tiếng Việt được ghi thành một "chữ" và đọc thành một "tiếng". Ví dụ: từ "hoa hồng bạch" gồm 3 chữ, 3 tiếng hoặc 3 âm tiết.
Từ
Từ là đơn vị nhỏ nhất của lời nói mang đầy đủ ý nghĩa truyền tải. Từ có thể gồm duy nhất một âm tiết (từ đơn âm) hoặc cấu thành từ nhiều âm tiết (từ đa âm).
Nguyên âm
Các nguyên âm là a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ưy. Trong đó, các nguyên âm có dấu phụ là ă, â, ê, ô, ơư.
Bán nguyên âm
Chỉ có 3 trường hợp của oa, oe, uy thì có ou là bán nguyên âm, đóng vai trò đệm cho nguyên âm. Có nghĩa là ou không được xem là nguyên âm trong tổ hợp 3 âm tiết trên.
Phụ âm
Các phụ âm là b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x.
Tổ hợp phụ âm
Các phụ âm ghép chuẩn là ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr, giqu. Ngày nay, các tổ hợp phụ âm không được nhìn là chữ riêng khi sắp xếp theo chữ cái, cho nên những từ điển mới bỏ ch ở giữa caco, nhưng một số từ điển cũ, như là Từ-Điển Thông-Dụng Anh-Việt Việt-Anh của Nguyễn Văn Khôn năm 1987, bỏ ch đằng sau co.
Chú ý: giqu là tổ hợp bán phụ âm. Tại đây, iu không là nguyên âm, mà chỉ là một bộ phận của phụ âm bất khả phân li.

Đặt dấu thanh

Có nhiều quan điểm khác nhau về việc vị trí đặt dấu thanh, một trong các quan điểm đó như sau:

  1. Với các âm tiết [-tròn môi] (âm đệm /Ø/) có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
  2. Với các âm tiết [+tròn môi] (âm đệm /w/, được biểu diễn bằng "o, u") có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quờ, thuỷ, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt...
  3. Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:
    • Nếu là âm tiết [-khép] (nguyên âm được viết là: "iê, yê, uô, ươ"; âm cuối được viết bằng: "p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i") thì bỏ dấu lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường...
    • Nếu là âm tiết [+khép] (nguyên âm được viết là: "ia, ya, ua, ưa") thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: ỉa, tủa, cứa, thùa, khứa...
  4. Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp "ua" và "ia":
    • Với "ia" thì thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "g" ở đầu âm tiết. Có "g" thì đặt vào "a" (già, giá, giả...), không có "g" thì đặt vào "i" (bịa, chìa, tía...). Trường hợp đặc biệt: "gịa" (có trong từ "giặt giạ" và đọc là "dịa" /ziə/.
    • Với "ua" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "q". Có "q" thì đặt vào "a" (quán, quà, quạ...), không có "q" thì đặt vào "u" (túa, múa, chùa...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi "qu" như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như "gi, nh, ng, ph, th"... Khi đó, sẽ coi "quán, quà, quạ"... như là những âm tiết có âm đệm /Ø/.

Trong đời sống, hiện vẫn tồn tại hai cách đặt dấu thanh trong tiếng Việt. Ví dụ "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà hai cách đặt dấu thanh khác nhau:

Mới
òa, óa, ỏa, õa, ọa oà, oá, oả, oã, oạ
òe, óe, ỏe, õe, ọe oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ
ùy, úy, ủy, ũy, ụy uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ

Quy tắc sử dụng chữ I và Y

Quy tắc sử dụng iy trong sách giáo khoa

- Nguyên âm trong các âm tiết mở, viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ,...

- Nguyên âm đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y...

- Nguyên âm đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch...

- Trong các âm tiết nửa mở, nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi... thì viết i ngắn.

Kiểu mới

Trừ tên riêng, đề xuất tương đối hợp lí[17] cách dùng hai chữ i-ngắny-dài hiện nay như sau:

  • Đối với các âm tiết có phụ âm đầu /ʔ/, âm đệm /Ø/, âm chính /i/ và âm cuối /Ø/, thì có hai cách viết:
    1. 1. Dùng "i" trong các trường hợp từ thuần Việt, cụ thể là: i - i tờ; ì - ì, ì ạch, ì à ì ạch, ì ầm, ì oạp; ỉ - lợn ỉ, ỉ eo, ỉ ôi; í - í a í ới, í oắng, í ới; ị - ị, béo ị
    2. 2. Dùng "y" trong các trường hợp còn lại (thường là từ Hán-Việt), ví dụ: y - y tế, y nguyên, y phục; ỷ - ỷ lại; ý - ý nghĩa, ý kiến...
  • Đối với các âm tiết có âm đệm /Ø/ và âm chính /iə/ thì dùng "i". Ví dụ: chịa, đĩa, tía... kiến, miền, thiến... Trừ trường hợp có âm đầu /ʔ/ và âm cuối không /Ø/ thì dùng "y": yếm, yến, yêng, yêu...
  • Đối với các âm tiết có âm đệm /w/, âm chính là /i/ hoặc /iə/ thì dùng "y". Ví dụ: huy, quý, quýt... khuya, tuya, xuya... quyến, chuyền, tuyết, thuyết...
  • Việc biểu diễn nguyên âm /i/ trong các trường hợp còn lại (âm đệm /Ø/) thì dùng "i". Ví dụ: inh, ích, ít... bi, chi, hi, kì, khi, lí, mì, phi, ti, si, vi... bình, chính, hít, kim, lịm, mỉm, nín, phình, tính, sinh, vinh...
  • Việc biểu diễn âm cuối /-j/ không có gì thay đổi, vẫn dùng "y" trong các trường hợp có nguyên âm chính ngắn: (bàn) tay, (thợ) may, tây, sấy... và dùng "i" trong các trường hợp còn lại: (lỗ) tai, (ngày) mai, cơi, coi, côi...
    1. 3. Dùng "i" trong trường hợp các tiếng có phụ âm đầu + vần "i" ( ví dụ: lí, mĩ, kĩ, thi, sĩ...) đều thống nhất viết bằng "i" (i ngắn). Ví dụ: lí luận, lí tưởng, thi sĩ, nước Mĩ, Hoa Kì, bánh mì, vua Lí Thái Tông, Lí Bí, kỉ niệm, v.v... (mà không viết "y" (y dài) như trước đây. Đây là quy định của Bộ Giáo duc Việt Nam từ năm 1963 [cần dẫn nguồn]. Hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục vẫn thực hiện nghiêm chỉnh quy định này trong việc in Sách giáo khoa các loại.

Kiểu cũ

Cách dùng "i" hoặc "y" kiểu cũ thì thường căn cứ vào Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh (1931).[18] Theo đó thì "y" được dùng thay "i" với những từ gốc Hán Việt nếu đứng sau các phụ âm h, k, l, m, t, và q (qu). Vì vậy nên có "ngựa ", " tay" (gốc Nôm) nhưng "song hỷ", "tỵ nạn" (gốc Hán Việt). Những phụ âm khác thì vẫn dùng "i" như "tăng ni" chứ không có ny. Người Việt ở hải ngoại dạy tiếng Việt cho trẻ em dùng mẹo để nhớ sáu phụ âm trên bằng câu "học mau lên kẻo ta quên".

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ a b Có người tranh luận là nhánh Việt-Mường là nhánh tách biệt, chứ không nằm ở dưới nhánh Môn-Khmer và hệ Nam Á, nhưng phân loại bên trên vẫn được công nhận thông thường.
  2. ^ “Thế đứng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2012.
  3. ^ http://zpravy.idnes.cz/vietnamci-oficialni-narodnostni-mensinou-fiq-/domaci.aspx?c=A130703_133019_domaci_jj
  4. ^ Lê Bá Khanh (1998) [1975]. Vietnamese-English/English-Vietnamese Dictionary (bằng tiếng Việt và Anh) . Thành phố New York (Hoa Kỳ): NXB Hippocrene Books. tr. 315. ISBN 0-87052-924-2. Việt. — Nam:... Tiếng — Nam: Vietnamese... Ông ấy có thể nói tiếng — Nam: He can speak Vietnamese. Đã bỏ qua tham số không rõ |coauthors= (gợi ý |author=) (trợ giúp)Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  5. ^ Codes for the Representation of Names of Languages
  6. ^ a b Ethnologue report for language code: vie
  7. ^ "Chữ quốc ngữ chưa được Nhà nước công nhận là quốc tự", Giáo dục VN, 22/12/2012
  8. ^ Âm vị và các hệ thống âm vị tiếng Việt
  9. ^ Lê Nguyễn Lưu. Từ chữ Hán đến chữ Nôm. Huế: nxb Thuận Hóa, 2002. tr 202-210
  10. ^ [1]
  11. ^ “越南ABC” (bằng tiếng Trung). Trang thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2011.
  12. ^ Thompson, Laurence (1987). A Vietnamese Reference Grammar. University of Hawaii Press. tr. 3. ISBN 0824811178.
  13. ^ GIA GIA, DA DA hay ĐA ĐA?
  14. ^ Henri Maspéro. Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite, 1912, trang 12
  15. ^ Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương. Về ngôn ngữ tiền Việt-Mường, Dân tộc học số 1, 1978.
  16. ^ VietNamNet, Người tìm chữ cổ, 04/03/2008 Bản lưu trữ 8/3/2008
  17. ^ Theo Quan điểm của ngonngu.net đối với một số vấn đề về chính tả: 2. Về sử dụng “y/i”
  18. ^ Chữ y và i

Xem thêm

Liên kết ngoài

Bản mẫu:Liên kết bài chất lượng tốt

Bản mẫu:Liên kết bài chất lượng tốt