Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Tiêu Thục phi”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
n →‎top: sửa chính tả 3, replaced: thứ 3 của → thứ ba của using AWB
(Không có sự khác biệt)

Phiên bản lúc 20:02, ngày 4 tháng 2 năm 2017

Tiêu thục phi (chữ Hán: 蕭淑妃, ? - 655), là một sủng phi của Đường Cao Tông Lý Trị, vị Hoàng đế thứ ba của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.

Trong thời kỳ đầu, Tiêu phi nhận được sự sủng ái vô hạn của Cao Tông, khiến Vương hoàng hậu đố kị, nên tích cực đưa Tài nhân Võ Mỵ Nương của Đường Thái Tông Lý Thể Dân trở lại Hậu cung. Sau khi Võ thị nhập cung, Tiêu phi cùng Vương hoàng hậu bị thất sủng, bèn tìm cách cùng nhau lật đổ. Cuối cùng, Tiêu phi cùng Vương hậu bị phế và bị giết một cách dã man.

Cái chết của bà cùng Vương hoàng hậu trở nên nổi tiếng, là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Võ hậu được sử sách ghi lại. Tương truyền, Tiêu phi trước khi chết đã nguyền rủa mình sẽ trở thành mèo để ám hại Võ hậu, khiến Võ hậu từ đó rất sợ mèo.

Tiểu sử

Tiêu Thục phi xuất thân là người thuộc Nam triều sĩ tộc Lan Lăng Tiêu thị (兰陵萧氏), một dòng họ xuất thân danh giá. Khi trưởng thành, Tiêu thị tư sắc diễm lệ, thông tuệ ca múa, được gả làm Lương đệ (良娣) cho Đông cung Thái tử Lý Trị lúc bấy giờ. Được Lý Trị chuyên sủng, Tiêu thị sinh ra con đầu lòng là Hoàng nữ Lý Hạ Ngọc (李下玉), về sau là Nghĩa Dương công chúa (義陽公主). Năm 648, Tiêu thị sinh ra Lý Tố Tiết (李素节) và năm 649 sinh ra con gái thứ 2, về sau là Cao An công chúa (高安公主).

Tháng 7, năm 649, Đường Thái Tông băng hà, Thái tử Lý Trị lên ngôi trước linh cữu, phong Thái tử phi Vương thị làm Hoàng hậu, Lương đệ Tiêu thị làm Thục phi (淑妃), thuộc hành Chánh nhất phẩm, địa vị chỉ sau Hoàng hậu. Lý Tố Tiết được phong làm Ung vương (雍王), rất được Cao Tông hết mực yêu thương, muốn phong làm Hoàng thái tử.

Vương hoàng hậu sợ địa vị lung lay nên nhờ các quan trong triều phản đối, yêu cầu vua lập con trai cả là Lý Trung (李忠). Hoàng hậu còn nhận Lý Trung làm con nhưng vì sủng ái mẹ con Tiêu phi nên Cao Tông vẫn do dự chuyện lập Lý Trung. Một ngày kia, Cao Tông đi cúng tế cho Tiên đế Thái Tông ở chùa Cảm Nghiệp, gặp lại Võ Mị Nương, một tài nhân của Tiên đế mà Cao Tông khi còn là Thái tử từng có quan hệ lén lút.

Biết chuyện, Vương hoàng hậu xin Cao Tông cho Mị Nương hồi cung nhằm lợi dụng Võ Mị Nương tranh sủng với Tiêu thục phi[1]. Vốn còn yêu Mị Nương, Cao Tông đồng ý đón về, lập làm Chiêu nghi (昭儀), thuộc hàng Chánh nhị phẩm, dưới tước Phi. Mị Nương đắc sủng, Tiêu thục phi liền bị ghẻ lạnh. Nể tình Vương hoàng hậu thiện đãi Mị Nương, Cao Tông lập Lý Trung làm thái tử khiến Tiêu thục phi vô cùng tức giận.

Giam lỏng và bị giết

Từ khi có Võ thị hầu cận thì không chỉ Tiêu thục phi thất sủng, mà hoàng hậu cùng bao phi tần khác đều bị Cao Tông lạnh nhạt. Vương hoàng hậu hối hận đã đề bạt Võ thị, bèn kết thân lại với Tiêu thục phi, rồi cùng mẹ Vương hoàng hậu là Ngụy Quốc phu nhân Liễu thị yểm bùa cầu cho Cao Tông sớm tỉnh ngộ. Chuyện bị bại lộ, Cao Tông phế Vương hoàng hậu và Tiêu thục phi rồi đày vào ngục tối, Võ Mị Nương được sắc phong Hoàng hậu[2].

Không lâu sau, Cao Tông vì niệm tình xưa nên lén vào ngục thăm Vương thị và Tiêu thị. Nhìn thấy hai người tàn tạ khổ sở, Cao Tông đau xót gọi "Ái hậu, ái phi!". Tiêu phi đáp: "Bọn thiếp bị phế, đâu còn là hậu phi của hoàng thượng nữa?". Biết Cao Tông vẫn chưa tuyệt tình, Tiêu phi van nài: "Xin người niệm tình tha cho bọn thiếp, cứu thoát khỏi đây". Cao Tông xúc động hứa sẽ lo liệu.

Nghe tin, Võ hoàng hậu nổi giận sai người đến đánh họ 100 roi. Đánh xong, Võ hậu ra lệnh chặt hết tay chân rồi ngâm họ vào chum rượu để "cho họ biết cảm giác mê ly đến tận xương tuỷ"[3]. Vương thị ngất xỉu, còn Tiêu phi lẩm bẩm nguyền rủa: "Kiếp sau ta phải làm mèo để nuốt chửng chuột nhắt Võ Mị Nương". Sau vài ngày chịu đựng, cả hai qua đời. Cơn giận chưa tan, Võ hậu đổi tên của họ thành "hổ lang" (Mãng, 蟒) và "kênh kênh" (Kiêu, 梟).

Năm 705, đến đời Đường Trung Tông Lý Hiển, họ tên của Vương thị và Tiêu thị được phục hồi như cũ.

Hậu duệ

Tiêu Thục phi sinh hạ cho Đường Cao Tông Lý Trị gồm 2 hoàng nữ và 1 hoàng tử, bao gồm:

  1. Kim Thành Trưởng công chúa (金城长公主, ? - 691), sinh khoảng năm 643 đến năm 646, tên thật là Lý Hạ Ngọc (李下玉), hoàng trưởng nữ của Đường Cao Tông, sơ phong Nghĩa Dương công chúa (義陽公主). Sau khi Tiêu thị chết, công chúa bị Võ hậu giam vào lãnh cung, không cho xuất giá. Sau nhờ em trai cùng cha khác mẹ là Thái tử Lý Hoằng can thiệp, bà đã được Võ hậu ban hôn cho Dực quân Quyền Nghị (权毅). Sau khi thành hôn, Quyền Nghị dần dần làm đến Viên Châu Thứ sử, Giám Môn Vệ tướng quân. Năm 691, Quyền Nghị tham gia chính biến lật đổ Võ hậu, bị giết, công chúa đau lòng mà chết không lâu sau đó. Năm 705, Đường Trung Tông truy tặng công chúa làm Kim Thành Trưởng công chúa, cùng chồng bồi táng ở Càn lăng (乾陵).
  2. Hoàng tứ tử Lý Tố Tiết [李素节, 648 - 690], khi sinh ra thanh tú, được Đường Cao Tông yêu mến. Lúc đến tuổi, được Từ Tề Đam (徐齐聃) giảng dạy, nhanh chóng lòng thuộc thi sách, được Cao Tông sủng ái. Năm 650, được phong làm Ung vương (雍王), sang 656 đổi làm Tuân vương (郇王). Năm 676, giáng làm Bà Dương quận vương (鄱阳郡王), sang năm 681 thăng làm Cát vương (葛王). Năm 684, đổi làm Hứa vương (许王), giữ chức Long Châu thứ sử. Năm 690, ông bị Võ hậu bức tử, táng theo lễ của thứ nhân[4]. Sang thời Đường Trung Tông được truy tôn làm Hứa vương (許王).
  3. Cao An công chúa (高安公主, 649 - 714), hoàng thứ nữ của Đường Cao Tông, sơ phong là Tuyên Thành công chúa (宣城公主). Sau khi Tiêu thị chết, công chúa cùng chị là Nghĩa Dương công chúa bị Võ hậu giam vào lãnh cung, không cho xuất giá. Sau nhờ Lý Hoằng can thiệp, công chúa cùng chị đã được Võ hậu ban hôn, công chúa hạ giá lấy Vương Úc (王勖). Năm 691, Vương Úc tham dự chính biến phản đối Võ hậu, bị giết hại, công chúa bị Võ hậu cấm túc. Năm 705, Võ hậu thoái vị, công chúa được Đường Trung Tông thả ra, ban cho thực ấp và lập phủ riêng. Đến đời Đường Duệ Tông, cải phong thành Cao An công chúa. Bà qua đời dưới thời Đường Huyền Tông, được cải táng trong Càn lăng (乾陵). Sinh hạ được 3 người con trai, đều làm quan trong triều.

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Bá Dương, Outlines of the History of the Chinese (中國人史綱, vol. 2, p. 520)
  2. ^ Cựu Đường thư, quyển 6
  3. ^ Tân Đường thư, quyển 76, liệt truyện quyển 1
  4. ^ Tư trị thông giám, quyển 202