Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
→‎Vòng loại và vòng chung kết Asian Cup 2019: Chỉnh sửa văn phong thiếu trung lập.
Dòng 2.929: Dòng 2.929:
* [[Đội tuyển bóng đá trong nhà quốc gia Việt Nam]]
* [[Đội tuyển bóng đá trong nhà quốc gia Việt Nam]]
* [[Đội tuyển bóng đá bãi biển quốc gia Việt Nam]]
* [[Đội tuyển bóng đá bãi biển quốc gia Việt Nam]]
*[[Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa]]
* [[Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa]]
* [[Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa]]



Phiên bản lúc 06:45, ngày 28 tháng 1 năm 2019

Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam
Huy hiệu áo/huy hiệu Hiệp hội
Biệt danhRồng Vàng [1]
Sao Vàng [2]
Hiệp hộiLiên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF)
Liên đoàn châu lụcLiên đoàn bóng đá châu Á (AFC)
Liên đoàn khu vựcLiên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF)
Huấn luyện viên trưởngHàn Quốc Park Hang-seo
Đội trưởngQuế Ngọc Hải
Thi đấu nhiều nhấtLê Công Vinh (85)
Ghi bàn nhiều nhấtLê Công Vinh (51)
Áo màu chính
Áo màu phụ
Hạng FIFA
Hiện tại100 Tăng 2 (21 tháng 1 năm 2018)
Cao nhất84
Thấp nhất172
Hạng Elo
Hiện tại139 Giữ nguyên (29 tháng 11 năm 2018)
Cao nhất58
Thấp nhất175
Trận quốc tế đầu tiên
 Philippines 2–2 Việt Nam 
(Manila, Philippines; 26 tháng 11 năm 1991)
Trận thắng đậm nhất
 Việt Nam 11–0 Guam 
(TP. HCM, Việt Nam; 23 tháng 1 năm 2000)
Trận thua đậm nhất
 Oman 6–0 Việt Nam 
(Incheon, Hàn Quốc, 29 tháng 12 năm 2003)
Giải thế giới
Sồ lần tham dự0
Cúp Châu Á
Sồ lần tham dự2 (Lần đầu vào năm 2007)
Kết quả tốt nhấtTứ kết (2007, 2019)
Cúp Đông Nam Á
Sồ lần tham dự12 (Lần đầu vào năm 1996)
Kết quả tốt nhấtVô địch (2008, 2018)

Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam là đội tuyển cấp quốc gia đại diện cho Việt Nam thi đấu bóng đá quốc tế và do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quản lý.

Trận thi đấu quốc tế đầu tiên của đội tuyển Việt Nam là trận gặp Philippines và bị cầm hòa 2–2 vào năm 1991. Thành tích cao nhất của đội cho đến nay là 2 lần lọt vào tứ kết Cúp bóng đá châu Á vào các năm 20072019, 2 lần giành huy chương bạc SEA Games vào các năm 19951999 (kể từ năm 2001 thì SEA Games chỉ dành cho đội U23, trước đó vẫn là đội tuyển quốc gia) và 2 chức vô địch giải bóng đá Đông Nam Á vào các năm 20082018.

Tính đến nay, đội tuyển Việt Nam chưa lần nào vượt qua vòng loại World Cup. Năm 2007, khi là quốc gia đăng cai, đội tuyển Việt Nam lần đầu sau khi thống nhất tham dự vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á và vào tới vòng tứ kết trong khi các chủ nhà Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều bị loại từ vòng bảng. Ở đấu trường AFF Cup, đội tuyển giành ngôi vô địch lần đầu tiên vào năm 2008 khi vượt qua Thái Lan ở trận chung kết với chiến thắng chung cuộc 3-2. Chiến thắng này của tuyển Việt Nam được trang thông tin điện tử Goal.com xếp vào top 10 sự kiện bóng đá châu Á năm 2008,[3] cũng như được độc giả Vietnamnet bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm.[4]

Cuối năm 2011, đội tuyển Việt Nam tăng 35 bậc, xếp hạng 99 trong Bảng xếp hạng FIFA, trở lại tốp 100 sau 7 năm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xếp đầu Đông Nam Á trong bảng xếp hạng này[5]. Trong bảng xếp hạng bóng đá nam FIFA, Việt Nam có vị trí cao nhất là 84 vào tháng 9 năm 1998 và thấp nhất là 172 vào tháng 12 năm 2006. Kể từ thất bại 1-2 trước Indonesia ở bán kết lượt đi AFF Cup 2016, Việt Nam có 1 chuỗi 18 trận bất bại (chuỗi bị đứt mạch khi thua Iraq tại Cúp bóng đá châu Á 2019).

Sân nhà chính của đội trước năm 2003 là sân vận động Hàng Đẫy. Sau đó đội chuyển sang thi đấu chính thức ở sân vận động vừa được xây xong để phục vụ cho Sea Games 2003sân vận động quốc gia Mỹ Đình, có sức chứa hơn 40,000 chỗ ngồi.

Khác với hầu hết các đội tuyển bóng đá quốc gia trên thế giới khi trên in ngực áo thi đấu là logo của Liên đoàn bóng đá quốc gia hay logo riêng cho đội bóng, Đội tuyển Việt Nam vẫn luôn thi đấu với lá quốc kỳ "Cờ Đỏ Sao Vàng" in trên ngực. Do vậy đội tuyển được người hâm mộ gọi là "Những ngôi sao vàng"[6][7]. Bên cạnh đó đội tuyển còn được gọi với biệt danh khác là "Những con rồng vàng", do con rồng là biểu tượng sức mạnh trong văn hóa Á Đông, với mong muốn của người hâm mộ là đội tuyển Việt Nam luôn phải thể hiện được sức mạnh và dành chiến thắng. Tuy nhiên cả hai biệt danh này đều chưa được công nhận chính thức. Nguyên nhân do màu vàng không phải là màu áo truyền thống của Đội tuyển Việt Nam (màu áo truyền thống của đội tuyển Việt Nam luôn là màu đỏ), mà biệt danh cho đội nếu có nhắc tới màu sắc thường gắn liền với màu áo truyền thống của đội đó (như "Cơn lốc màu da cam" của Hà Lan, "Đội bóng áo Thiên Thanh" của Ý). Với con rồng, đội tuyển Trung Quốc cũng sử dụng con vật này trong biệt danh và logo. Năm 2016, VFF đã thiết kế logo cho đội tuyển quốc gia dựa trên loài rồng, tuy nhiên kết quả công bố khiến người hâm mộ Việt Nam không đồng ý. Vì thế cho đến nay, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa có logo và biệt danh chính thức.

Những năm đầu

Môn bóng đá do những thủy thủ và binh sĩ người châu Âu du nhập vào Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ XIX. Người Việt Nam cũng dần dần học hỏi và đá bóng trong các đội của người Pháp. Ngày 20 tháng 7 năm 1908, lần đầu tiên có tờ báo Lục tỉnh Tân văn đưa tin trận cầu giữa hai đội bóng thuần cầu thủ người Việt Nam diễn ra (trận đội Phú Mỹ thắng đội Chợ Đũi 2–0). Đến năm 1928, người Việt đã đứng ra thành lập Tổng cục Thể thao An Nam (tại Sài Gòn), cùng trong năm ấy cử một đội bóng đá Việt Nam sang thi đấu ở Singapore.[8]

Khi Việt Nam bị chia cắt thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòaViệt Nam Cộng hòa, mỗi vùng có một đội tuyển quốc gia riêng; Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chuyến thi đấu quốc tế đầu tiên sang Trung Quốc năm 1956[9], dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên kiêm cầu thủ Nguyễn Thông, người được xem là "túc cầu tiểu vương". Trong chuyến du đấu đầu tiên này, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu ra mắt với đội tuyển Trung Quốc (thực chất là đội Học viện thể dục thể thao Bắc Kinh) và để thua với tỉ số 3-5. Cầu thủ đầu tiên ghi bàn thắng cho Việt Nam là tiền đạo Phan Văn Đức khi ông sút tung lưới Trung Quốc vào phút thứ 36. Phan Văn Đức còn ghi thêm một bàn nữa trong trận này vào phút thứ 43. Bàn thắng còn lại của Việt Nam do công của Trương Tấn Nghĩa (phút 41).

Trong chuyến du đấu này, đội đá theo sơ đồ 3–2–5 (W–M) cổ điển với những gương mặt: thủ môn Bùi Đức (Đức "ba xương"), Nguyễn Văn Nghĩa; các hậu vệ Quắn Đình Te – Bùi Nghẽn – Lưu Đình Tòng; các tiền vệ Nguyễn Huy Luyến – Thưởng; đá tiền đạo gồm Trương Tấn Nghĩa – Bảy – Tuất – Tiền – Ba Len.[10] Đội chủ yếu chơi trong các giải của các nước xã hội chủ nghĩa từ 1956 đến 1966 và tại các giải GANEFO (Indonesia, 1963) và GANEFO châu Á (Campuchia, 1966).

Cùng thời gian, Đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng hòa là một trong những đội bóng khá của khu vực Đông Nam Á, đội đã tham dự hai giải Cúp bóng đá châu Á đầu tiên (1956, 1960). Giải đấu này trong 2 năm đó đều có 4 đội tham dự, thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm, đội đều đứng hạng 4/4 (giải năm 1956 hòa 1 trận thua 2 trận, giải năm 1960 thua cả 3 trận[11]). Đội cũng tham dự Á vận hội 1962, giải năm đó có 8 đội tham dự, chia làm hai bảng, đội vượt qua vòng bảng và xếp hạng 4 chung cuộc (thua Ấn Độ ở bán kết và thua Malaysia ở trận tranh hạng 3). Đội đã đoạt chiếc huy chương vàng SEA Games bộ môn bóng đá đầu tiên (và tính đến thời điểm này vẫn là chiếc huy chương vàng SEA Games môn bóng đá nam duy nhất) cho Việt Nam khi đội giành ngôi vô địch vào kỳ đại hội năm 1959 (tuy nhiên cần lưu ý là giải này năm đó chỉ có 4 đội tham dự). Đội cũng từng tham gia tham gia vòng loại World Cup 1974 và vòng loại các kỳ Thế vận hội Mùa hè 1964Thế vận hội Mùa hè 1968, tuy nhiên đều không vượt qua được vòng loại. Ngoài ra, đội cũng tham gia một số trận đấu giao hữu quốc tế. Trận thắng đậm nhất là 10-0 trước Philippines (năm 1967), trận thua đậm nhất là 1-9 trước Indonesia (năm 1974).

Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lần tập trung đầu tiên (1956)

Trận cuối cùng của đội Việt Nam Cộng hòa là vào năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, đội tuyển Việt Nam không tham gia thi đấu quốc tế trong suốt thời gian từ 1975 đến 1991. Mãi đến năm 1991 đội tuyển mới bắt đầu tham gia đấu trường quốc tế. Giải đấu quốc tế đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam thống nhất tham gia thi đấu là SEA Games 1991 được tổ chức tại Manila.[12] Trong trận đầu tiên đội gặp đối thủ nước chủ nhà Philippines và đã hòa với tỉ số 2–2.

Tuy nhiên, trong lần tập trung đi dự SEA Games lần đó, tình hình đất nước còn rất khó khăn. Các điều kiện tập trung ở Nhổn rất thiếu thốn[13] nên chỉ sau một tuần tập trung, 11 cầu thủ phía Nam (thành viên các đội Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng, Hải Quan, Cảng Sài Gòn) cùng "đào ngũ".[14]

Sau năm 1991, đội tuyển Việt Nam bắt đầu được triệu tập thường xuyên hơn để thi đấu các giải đấu chính thức trong khu vực và một số trận giao hữu không chính thức. Trận giao hữu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam là trước câu lạc bộ Adelaide City của Úc tại Hà Nội (thắng 1–0).

Tại các kì SEA Games

SEA Games 16

Thể thao Việt Nam hòa nhập lại với thể thao khu vực năm 1989 tại SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia. Tuy nhiên, tại SEA Games này, bóng đá không được đoàn Việt Nam đưa vào danh sách tham dự. Đội dự tuyển bóng đá Việt Nam thống nhất lần đầu tiên được triệu tập để tham dự SEA Games 16 (1991). Đội do ông Vũ Văn Tư (huấn luyện viên đội Quảng Nam - Đà Nẵng) và ông Nguyễn Kim Hằng (huấn luyện viên đội Hải Quan) dẫn dắt. Tuy nhiên, trong khi đội tuyển tập trung tại Nhổn (Hà Nội), 11/14 cầu thủ thuộc các đội Cảng Sài Gòn, Đà Nẵng và Hải Quan đã tự động "đào ngũ" khỏi đội tuyển vì điều kiện sinh hoạt, luyện tập thiếu thốn và phải chịu án kỉ luật sau đó. Trong số các cầu thủ đào ngũ, có Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Trần Minh Toàn, Trương Văn Lợi, Bùi Thông Tuân, Phan Công Thìn (Đà Nẵng), Đặng Trần Chỉnh (Cảng Sài Gòn), Trương Văn Dưỡng (Hải quan) v.v... Trong số các cầu thủ miền Nam, chỉ còn Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng PhẩmLưu Tấn Liêm ở lại. Huấn luyện viên Vũ Văn Tư buộc phải từ nhiệm sau 7 ngày dẫn dắt đội[15].

Để lấp chỗ trống, những người có trách nhiệm trong Liên đoàn đã phải huy động thêm một số cầu thủ Thể Công cùng huấn luyện viên của họ là ông Nguyễn Sĩ Hiển lên làm nhiệm vụ. Ngoài ra, hai cầu thủ khác của Cảng Sài Gòn là Lư Đình TuấnĐỗ Văn Minh cũng được gọi bổ sung. Tại SEA Games năm đó, Việt Nam chỉ giành được một điểm sau trận hòa 2–2 với chủ nhà Philippines và để thua Indonesia 0–1, Malaysia 1–2. Ba bàn thắng của Việt Nam đều do công của tiền đạo Nguyễn Văn Dũng (Công nghiệp Hà Nam Ninh). Trận hòa với Philippines là trận đấu quốc tế chính thức đầu tiên của đội tuyển Việt Nam thống nhất.

SEA Games 17

Sau khi dự vòng loại World Cup 1994 với duy nhất một trận thắng trước Indonesia bằng bàn thắng của Hà Vương Ngầu Nại (Cảng Sài Gòn), Đội tuyển Việt Nam giữ gần như nguyên bộ khung đội hình để đá SEA Games 17 tại Singapore dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trần Bình Sự. Tiền đạo Nguyễn Văn Tám của Tiền Giang được gọi bổ sung trong khi Võ Hoàng Bửu bị chấn thương phải chia tay đội. Ngoài một số cầu thủ đang ở độ chín của phong độ như Nguyễn Mạnh Cường (Câu lạc bộ Quân đội), Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn (Cảng Sài Gòn), đội tuyển Việt Nam còn trình làng một số cầu thủ trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Hồng Sơn (Câu lạc bộ Quân đội), Lê Huỳnh Đức (CA Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, đội tuyển chỉ giành được duy nhất một chiến thắng trước Philippines với tỉ số 1–0 bằng bàn thắng của Nguyễn Văn Long (CLB Quân đội) ghi ở phút thứ 66. Đây cũng là bàn thắng duy nhất mà đội ghi được tại SEA Games này vì trong hai trận còn lại, Việt Nam đều thúc thủ mà không ghi được bàn thắng nào (thua Indonesia 0–1 ở trận đầu ra quân sau khi Chu Văn Mùi bị dính thẻ đỏ và Singapore 0–2). Đội Việt Nam phải dừng bước ngay từ vòng bảng.

SEA Games 18

Sau hai kỳ SEA Games hội nhập lại mà không đạt được thành tích nào, Liên đoàn bóng đá Việt Nam có một quyết định cách mạng khi bắt đầu thuê huấn luyện viên ngoại. Người đầu tiên giúp đội là huấn luyện viên Karl Heinz Weigang, đây là một người quen của bóng đá Việt Nam khi ông chính là huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam Cộng hòa dẫn dắt đội lập kỳ tích giành Cúp Merdeka năm 1966. Ông chấp nhận đến Việt Nam làm việc 5 tháng không lương. Sau 7 tuần dẫn dắt đội, ông trở về Đức, trong khoảng thời gian này, nhờ nhà tài trợ mới của bóng đá Việt Nam là Strata, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã thuê ông Edson Tavares.

Huấn luyện viên người Brasil ngay lập tức đem lại thành công ngoài mong đợi cho bóng đá Việt Nam qua các trận đấu tại Cúp Độc Lập 1995. Tại giải này, Việt Nam tham dự hai đội tuyển và cả hai đều thi đấu thành công, đều vào bán kết giải này. Đặc biệt, đội tuyển Việt Nam giành một thắng lợi "lịch sử" trước đội tuyển Estonia tại vòng bảng bằng bàn thắng của tiền đạo Lê Huỳnh Đức (CATPHCM). Điều làm ngạc nhiên nhất là thể lực của các cầu thủ Việt Nam tăng lên đáng kể và do đó nhiều người nghi ngờ ông Tavares cho các cầu thủ sử dụng các "viên kẹo bí ẩn" [16]. Ngay sau khi đội Việt Nam 1 thua câu lạc bộ Housing Bank ở trận bán kết ngày 12 tháng 1 năm 1995, Tavares tuyên bố từ chức với lý do không nhận được sự hợp tác của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.[17] Ông Weigang lại được mời về dẫn dắt đội.

Ông Weigang quyết định cho đội đi tập huấn tại châu Âu. Trong năm 1995, đội thi đấu tổng cộng 34 trận và có rất nhiều tiến bộ. Lứa cầu thủ đó sau này được coi như thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam:[18] gồm thủ môn Nguyễn Văn Cường; trung vệ đội trưởng Nguyễn Mạnh Cường; hậu vệ Trần Công Minh, Lê Đức Anh Tuấn, Nguyễn Chí Bảo, Đỗ Khải, Nguyễn Hữu Thắng; tiền vệ Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Đang; các tiền đạo Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Huỳnh Quốc Cường.[18]. Ngoài ra, trong đội hình tham dự SEA Games 18, còn có một số các tên tuổi khác như: Trịnh Tấn Thành (Đồng Tháp), Lư Đình Tuấn (Cảng Sài Gòn), Trần Thanh Nhạc (Đồng Tháp), Nguyễn Liêm Thanh (Công An TPHCM) và Nguyễn Hoàng Anh Dũng (Bình Định). Ngoài ra, tiền vệ Trần Quan Huy (Cảng Sài Gòn) là cầu thủ được đăng ký trong danh sách dự phòng.

Tại SEA Games 18, Việt Nam đã gây sốc trong trận ra quân tại vòng bảng bằng thắng lợi trước Malaysia với tỉ số 2–0 bằng các pha lập công của Huỳnh Quốc CườngVõ Hoàng Bửu (phạt đền). Sau chiến thắng 4–0 trước đội bóng yếu nhất bảng Campuchia, đội Việt Nam đã để thúc thủ trước Thái Lan với tỉ số 1–3, với bàn gỡ do công của Nguyễn Hữu Đang. Trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng, do Indonesia hơn Việt Nam hiệu số bàn thắng nên Việt Nam cần phải thắng được Indonesia để lọt vào bán kết. Đội tuyển Việt Nam cuối cùng đã giành thắng lợi 1–0 bằng bàn thắng của Nguyễn Hữu Đang, sau pha kiến tạo đầy nỗ lực của Trần Công Minh.

Tại vòng bán kết, Việt Nam gặp Myanmar, lúc đó là một trong những đội bóng xuất sắc nhất tại khu vực. Đội tuyển Việt Nam đã để Myanmar dẫn trước 0–1 trước khi Lê Huỳnh Đức san hòa tỉ số sau một lỗi để mất bóng của hậu vệ đội bạn. Sau đó, Myanmar đã phải nhận 2 thẻ đỏ. Trận đấu kết thúc ở hiệp phụ sau khi Trần Minh Chiến ghi bàn thắng vàng cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, trận thắng này cũng gây ra nhiều tổn thất cho đội tuyển Việt Nam: vì nhiều lý do khác nhau như thẻ phạt, chấn thương, nên một số trụ cột của đội đã không thể góp mặt trong trận chung kết gặp lại Thái Lan, trong đó có thể kể đến Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Chiến. Đội tuyển Việt Nam nhanh chóng nhận thất bại 0–4 trong trận chung kết.

Tuy nhiên, một thế hệ thành công của bóng đá Việt Nam được hình thành và giúp đội tuyển có được nhiều thành tích trong các giải đấu khu vực sau đó. Mặc dù không hề giành được một chức vô địch nào nhưng nhiều người hâm mộ vẫn gọi đội tuyển Việt Nam giai đoạn 1995 – 1999 là "thế hệ vàng" - thế hệ đã đưa bóng đá Việt Nam trở lại thành một thế lực của khu vực Đông Nam Á. Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam khởi nguồn từ SEA Games 18 sau này còn có thêm các gương mặt: thủ môn Nguyễn Văn Phụng, Trần Minh Quang; các hậu vệ Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thiện Quang, Đỗ Mạnh Dũng; các tiền vệ Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Văn Sỹ, Vũ Minh Hiếu; hay tiền đạo Đặng Phương Nam, Văn Sĩ Hùng.[19] Đội tuyển dưới thời ông Weigang đã đem lại hai tấm huy chương đầu tiên cho bóng đá Việt Nam thời tái hội nhập là tấm huy chương bạc SEA Games 1995 và tấm huy chương đồng Tiger Cup 1996.

SEA Games 19

SEA Games 19 được khởi đầu bằng thất bại 0–1 của Đội tuyển Việt Nam trước Malaysia. Tại trận đấu này, hậu vệ phải Trần Công Minh bị dính chấn thương nên không thể tham dự, thay cho anh là Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Thử thách tiếp theo là trận đấu gặp đội tuyển chủ nhà Indonesia trên sân vận động Senayan với gần 10 vạn khán giả. Đội tuyển Việt Nam bị dẫn trước sau bàn thắng của Bima Sakti vào phút 18. Tình thế càng khó khăn hơn của Việt Nam khi ngay đầu hiệp 2, đội tuyển Việt Nam phải nhận tổn thất lớn do trung vệ Đỗ Văn Khải bị phạt thẻ đỏ trực tiếp. Tuy nhiên, ngay sau chiếc thẻ đỏ này, đội tuyển Việt Nam bất ngờ gỡ hòa. Văn Sỹ Hùng tung của ngả bàn đèn đẹp mắt từ đường phạt góc của Triệu Quang Hà ở phút 58 đưa hai đội về vạch xuất phát. Tuy nhiên, đội tuyển Indonesia nhanh chóng tận dụng lợi thế hơn người để nâng cách biệt thành 2–1 với bàn thắng của Kurniawan Dwi Yulianto vào phút 65. Một lần nữa, tinh thần thi đấu hết mình của Việt Nam lại được đền đáp. Vào phút 89, Lê Huỳnh Đức cướp bóng của một hậu vệ Indonesia trước khi chọc khe cho Văn Sỹ Hùng hoàn tất cú đúp, gỡ hòa 2–2 cho Việt Nam.

Sau hai trận đầu, đội tuyển Việt Nam chỉ có được một điểm duy nhất và họ phải thắng 2 trận cuối cùng, đồng thời chờ đợi các đối thủ sẩy chân để lọt vào bán kết. Hai điều kiện này đều xảy ra. Đội tuyển Việt Nam vượt qua Lào với tỉ số 2–1 bằng cú đúp của Vũ Minh Hiếu, và Philippines 3–0 nhờ các bàn thắng của Triệu Quang Hà, Lê Huỳnh Đức và tiền đạo Nguyễn Công Vinh. Đồng thời, ở trận đấu cuối cùng, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam là Malaysia bất ngờ thúc thủ 0–1 trước đội tuyển Lào nhờ bàn thắng của tiền đạo Keolakhone.

Tại vòng bán kết, Việt Nam gặp lại Thái Lan và một lần nữa thúc thủ với tỉ số 1–2. Kiatisuk ghi bàn mở tỉ số. Bàn gỡ hòa 1–1 của Việt Nam do công của Lê Huỳnh Đức sau một lỗi lầm sơ đẳng của hàng phòng ngự đối phương. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó ít phút, đến lượt thủ môn Trần Minh Quang của Việt Nam phạm sai sót khi phát bóng trúng chân của Kiatisuk giúp tiền đạo này hoàn tất cú đúp khiến Việt Nam nhận thất bại.

Đội tuyển Việt Nam nhận được huy chương đồng tại SEA Games này sau chiến thắng muộn màng 1–0 trước Singapore tại trận tranh giải ba. Nguyễn Phúc Nguyên Chương là người đã ghi bàn thắng đẹp mắt từ một cú volley ngoài vòng cấm địa vào phút 90 đem về tấm huy chương thứ hai cho Việt Nam tại đấu trường SEA Games từ thời kì tái hội nhập.

SEA Games 20

SEA Games 20 là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á cuối cùng các đội tuyển quốc gia tham dự. Kể từ giải lần sau, đại diện cho các quốc gia ở môn bóng đá nam sẽ là các đội tuyển U23 (nghĩa là không chấp nhận cho cầu thủ trên 23 tuổi thi đấu). Lần tham dự này, các cầu thủ trẻ nhất đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Đức Thắng và Đặng Phương Nam đều sinh năm 1976 (23 tuổi).

Do Brunei rút lui nên chỉ còn lại 9 đội tuyển chia làm hai bảng. Đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng 5 đội, cùng bảng với 2 đối thủ chính là Thái Lan và Myanmar. Trận khai mạc của bảng, Việt Nam giành chiến thắng đậm đà 9-0 trước Lào. Trung phong Lê Huỳnh Đức ghi bàn rất sớm và anh hoàn thành cú poker (4 bàn) ngay trong hiệp 1. Văn Sỹ Hùng cũng lập hattrick trong trận này. Khi gặp Myanmar, bàn thắng của Trương Việt Hoàng từ chấm penalty và bàn thắng của tiền đạo Đặng Phương Nam giúp Việt Nam chiến thắng 2-0. Bước vào trận tranh ngôi đầu với Thái Lan, Việt Nam nhập cuộc tự tin và Phương Nam có một pha bay người đánh đầu tung lưới Thái Lan. Tuy nhiên bàn thắng không được công nhận do anh rơi vào tư thế việt vị. Kết thúc trận đấu Việt Nam được 1 điểm với trận hòa 0 bàn thắng. Trận thủ tục cuối cùng vòng bảng gặp Philippines, Việt Nam đã giành thắng lợi nhờ cú đúp của Đặng Phương Nam.

Tại bán kết, Việt Nam gặp Indonesia, trận đấu kịch tính trải qua hơn 80 phút. Khi hầu như tất cả mọi người đều chuẩn bị tâm lý cho hiệp phụ thì bất ngờ hậu vệ trái Đức Thắng có đường chuyền dài cho Nguyễn Hồng Sơn, sau một nhịp tiếp bóng bằng ngực anh tung chân đá volley vào góc xa, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Tại giải lần này, Hồng Sơn chỉ ghi được 1 bàn thắng, nhưng đó là bàn thắng đưa Việt Nam vào trận chung kết.

Việt Nam tái ngộ đối thủ đầy duyên nợ - Thái Lan. Trước trận đấu này thủ môn Trần Minh Quang đang giữ kỷ lục giữ sạch lưới lâu nhất với 450 phút. Tuy nhiên, một lần nữa huấn luyện viên Alfred Riedl cùng Việt Nam ngậm ngùi nhìn người Thái đoạt bộ huy chương vàng với thắng lợi 2-0.

Cũng tại kỳ đại hội này, nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác ca khúc "Tôi yêu bóng đá" dành tặng cho Việt Nam. Đây là kì SEA Games cuối cùng, đội tuyển Việt Nam tham dự.

Tại các giải vô địch Đông Nam Á

Tiger Cup 1996

Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996 với tên gọi Tiger Cup. Đội dự tuyển Việt Nam với bộ khung gồm các cầu thủ từng tham gia SEA Games 18 đã đi tập huấn dài ngày ở Đức và có một số trận giao hữu không chính thức với một số CLB như Juventus (Italia), Middlesex Wanderers (Đội bóng nghiệp dư của Anh). Một số gương mặt mới được tăng cường như Nguyễn Hồng Hải (Lâm Đồng), Nguyễn Thiện Quang (CATPHCM), Nhan Thiện Nhân (An Giang), Ngô Quang Trường (SLNA), Nguyễn Văn Phụng (Cảng Sài Gòn), Đặng Phương Nam (CLBQĐ), Nguyễn Phan Hoài Linh (CATPHCM), Bùi Hữu Lợi (CAHN), Ngô Việt Trung (Lâm Đồng), Nguyễn Phúc Nguyên Chương (Cảng Sài Gòn), Trần Tấn Lợi (An Giang), Nguyễn Văn Hùng (Đồng Tháp), v.v... Một số cựu binh cũng được gọi lại như Chu Văn Mùi (CATPHCM). Tuy nhiên sau khi danh sách dự Tiger Cup được gút lại, chỉ còn Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Thiện Quang, Ngô Quang Trường, Đặng Phương Nam, Nguyễn Phan Hoài Linh, Nguyễn Văn Phụng được giữ lại. Các cầu thủ từng dự SEA Games 18 là Nguyễn Liêm Thanh, Trần Thanh Nhạc, Trịnh Tấn Thành, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh Dũng không còn có tên trong danh sách đội tuyển.

Trong một buổi tập của đội trên sân Thống Nhất, tiền đạo Trần Minh Chiến tái phát chấn thương và cũng phải chia tay với đội và chia tay luôn với bóng đá đỉnh cao.

Đội tuyển Việt Nam bước vào chiến dịch Tiger Cup 1996 bằng trận thắng 3–1 trước đối thủ yếu Campuchia vào ngày quốc khánh 2/9 bằng ba bàn thắng của Trần Công Minh, Lê Huỳnh Đức và một quả phạt đền của Võ Hoàng Bửu. Campuchia cũng gỡ được một bàn do công của Sony.

Tại trận đấu thứ 2, Việt Nam có một trận hòa vất vả trước Lào với tỉ số 1–1. Đây là một trận đấu bị tình nghi "làm độ" khi trung vệ Nguyễn Hữu Thắng đã có một pha vào bóng thô bạo không cần thiết với cầu thủ đội Lào để phải nhận một thẻ đỏ trực tiếp. Đội bạn tận dụng ưu thế hơn người để ghi bàn trước ở phút thứ 72 do công của Chalana Luang-Amath trước khi Lê Huỳnh Đức sút phạt san hòa tỉ số ở phút 85. Sau trận đấu, ông Weigang đã đòi đuổi trung vệ Nguyễn Hữu Thắng khỏi đội tuyển do nghi ngờ bán độ. 4 cầu thủ họ Nguyễn khác trong đội tuyển cũng bị dính vào nghi án này.

Ở trận đấu phải thắng trước Myanmar trong lượt trận thứ 3, các cầu thủ Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ này. Do hai đội đều chuẩn bị trang phục trắng cho trận đấu nên rốt cuộc, Myanmar phải "mượn" một bộ quần áo xanh lam nhạt lạ lẫm trước khi trở lại với trang phục đỏ trong hiệp 2. Việt Nam vươn lên dẫn trước ở phút thứ 6 sau pha sút cận thành của Hữu Đang. Tuy nhiên, đến phút 24, Maung Maung Htay đã sút xa gỡ hòa cho Myanmar. Thế dẫn trước của Việt Nam được xác lập ngay trong hiệp 1 với pha đánh đầu thành bàn của Lê Huỳnh Đức. Sang hiệp hai, Việt Nam ghi liên tiếp hai bàn nữa do công của Trần Công MinhNguyễn Hồng Sơn. Trong đó, bàn thắng của Trần Công Minh ở phút 48 là một trong những bàn thắng đẹp nhất giải. Việt Nam kết thúc trận đấu với chiến thắng 4–1.

Tại trận cuối cùng của vòng bảng, Việt Nam cầm hòa Indonesia 1–1. Bàn thắng của Việt Nam do công của Võ Hoàng Bửu từ một cú phạt đền ở phút 77 sau khi Kurniawan giúp Indonesia dẫn trước ở phút 43.

Việt Nam tái ngộ Thái Lan ở trận bán kết. Cũng như trận chung kết SEA Games một năm trước, Thái Lan nhanh chóng chiếm lĩnh thế trận vào ghi liên tiếp 4 bàn thắng, trong đó có một cú đúp của tiền đạo Natipong và một bàn của Kiatisuk. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gỡ được 2 bàn do công của Võ Hoàng Bửu (phạt đền) và Nguyễn Hồng Sơn sau một pha chọc khe của Lê Huỳnh Đức.

Việt Nam gặp lại Indonesia trong trận tranh hạng 3. Ngay ở phút thứ 8, Nguyễn Hồng Sơn đi bóng lắt léo bên biên trái, trước khi chuyền sệt vào để Huỳnh Quốc Cường tung cú đánh gót mở tỉ số. Trong một nỗ lực khác của Nguyễn Hồng Sơn, hậu vệ Yeyen đã tự đưa bóng về lưới nhà ở phút 27. Tuy nhiên, Indonesia gỡ được một bàn do công của Kurniawan ở phút 66. Tỉ số được nâng lên 3–1 cho Việt Nam với bàn thắng của từ chấm phạt 11 mét của Võ Hoàng Bửu trước khi trung vệ Tecuari gỡ một bàn nữa cho Indonesia ở phút 85. Kết quả cuối cùng, Việt Nam thắng Indonesia 3–2 và giành huy chương đồng. Thủ môn Nguyễn Văn Phụng được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Tiger Cup 1996 là giải đấu khẳng định một lần nữa sự trở lại của đội tuyển Việt Nam với tư cách là một đội bóng mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, giải đấu này cũng để lại nhiều khuất tất sau nghi án trong trận đấu với Lào. Với 4 bàn thắng đều từ chấm phạt đền, Võ Hoàng Bửu là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất của Việt Nam. 3 trong số 4 quả phạt đền đó được tạo ra sau các pha đi bóng của tiền đạo mới 20 tuổi Đặng Phương Nam.

Tiger Cup 1998

Lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai một giải bóng đá tầm cỡ quốc tế, độ nóng của giải đấu không chỉ tồn tại ở Hà Nội hay TPHCM mà còn lan tỏa đến tất cả các địa phương nhỏ trên toàn quốc. 8 đội tuyển vượt qua vòng loại chia thành hai bảng. Việt Nam nằm ở bảng B với Singapore, Malaysia, Lào thi đấu tại sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.

Trận ra quân bảng B, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên mới Alfred Riedl gặp Lào và có chiến thắng 4–1, Nguyễn Hồng Sơn là cầu thủ mở tỉ số sau tình huống xoay người và khứa bóng vào góc xa điệu nghệ, 3 bàn thắng còn lại được ghi do công của Nguyễn Văn SỹLê Huỳnh Đức (2 bàn). Sau trận hoà 0-0 với Singapore trong cơn mưa nặng hạt, Việt Nam dẫn đầu bảng B, hơn Singapore về hiệu số bàn thắng. Các quan chức của LĐBĐ Việt Nam trù tính rằng Việt Nam sẽ đứng nhất bảng B. Do muốn đội tuyển Việt Nam được đá trên sân Thống Nhất một trận để phục vụ người dân miền Nam nên Ban tổ chức Tiger Cup Việt Nam đã thay đổi luật một cách vô lý ngay sau lượt trận thứ 2. Thay vì giữ thông lệ đội nhất bảng không phải di chuyển, họ đã yêu cầu đội nhất mỗi bảng đấu phải bay ra Hà Nội và TPHCM để thi đấu bán kết, còn đội nhì bảng được ở lại sân mà họ đã thi đấu vòng bảng. Tuy nhiên, những tính toán đó đã không xảy ra. Trận đấu cuối cùng gặp Malaysia tại bảng B, Việt Nam thắng 1-0 bằng pha vô-lê cực kỳ đẳng cấp của Nguyễn Hồng Sơn, trong khi Singapore thắng Malaysia 4–1 và dẫn đầu bảng. Đội tuyển Việt Nam được ở lại Hà Nội chơi trận bán kết, cũng vì đội nhất bảng phải di chuyển nên trận đấu cuối cùng ở bảng B giữa Indonesia và Thái Lan, cả hai đội đều muốn... vị trí nhì bảng để ở lại TPHCM chơi bán kết và tránh được đội chủ nhà. Khi trận đấu sắp kết thúc, với tỷ số 2-2 Indonesia sẽ giành vị trí nhất bảng do hơn Thái Lan hiệu số bàn thắng bại, hậu vệ Indonesia cố tình đốt lưới nhà để... nhường ngôi nhất bảng A cho Thái Lan. Đây là một vết nhơ trong lịch sử bóng đá thế giới, cầu thủ đó sau này đã bị FIFA cấm thi đấu vĩnh viễn. Thái Lan đã có vị trí nhất bảng A không mong muốn, do đó họ phải bay ra Hà Nôi để gặp tuyển Việt Nam..

Trận bán kết, Việt Nam của huấn luyện viên Riedl đã chơi một trận cầu thăng hoa vượt sức tưởng tượng. Tiền vệ Trương Việt Hoàng ghi bàn thắng để đời với một cú volley ngoài vòng cấm địa, mở tỉ số cho Việt Nam. Sang hiệp 2, Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng ghi liên tiếp 2 bàn nữa để nhận chìm đương kim vô địch Thái Lan với tỷ số 3–0. Tuy nhiên, ở cuối trận, Văn Sỹ Hùng nhận thẻ đỏ và không được tham dự trận chung kết.

Nhưng khi giấc mơ đến thật gần, đội tuyển Việt Nam đã chơi trận chung kết dưới sức khi gặp lại Singapore. Thiếu vắng Văn Sỹ Hùng, thay vì tiền đạo trẻ Nguyễn Tuấn Thành, lão tướng 35 tuổi Nguyễn Văn Dũng (khi đó là vua phá lưới giải vô địch quốc gia) được tin cậy xung trận cùng Lê Huỳnh Đức trên hàng công nhưng không để lại ấn tượng gì. Bàn thắng được ghi do lưng của hậu vệ Sasi Kumar đã đánh bại thủ thành Trần Tiến Anh, qua đó đem chiếc Cup vàng rời khỏi Việt Nam trong sự chết lặng của các cổ động viên trên sân Hàng Đẫy. Đồng thời đây cũng là giấc mơ mà những Hồng Sơn hay Huỳnh Đức còn thực hiện dang dở

Tiger Cup 2000

Giải bóng đá của thiên niên kỷ mới lần này được tổ chức trên đất Thái Lan. Việt Nam nằm cùng bảng với 2 đối thủ chính: Singapore và Malaysia. Sau trận đầu hòa không bàn thắng trước Malaysia, Việt Nam đã "đòi được món nợ" trước Singapore với chiến thắng 1–0 do pha đánh đầu cận thành của Lê Huỳnh Đức. Đương kim vô địch Singapore chính thức bị loại sau trận hòa 1–1 với Malaysia.

Tại bán kết, Việt Nam gặp Indonesia, Nguyễn Hồng Sơn gỡ hòa 1–1 cho Việt Nam ở cuối hiệp 1. Khi trận đấu gần kết thúc, Indonesia vượt lên dẫn trước 2–1, lúc này hầu như toàn bộ đội hình Việt Nam đều dâng sang phần sân đối phương nhằm tìm cơ hội trong những phút ít ỏi còn lại, và tiền đạo Vũ Công Tuyền đã làm tất cả vỡ òa với tình huống gỡ hòa của mình, 2 đội bước vào hiệp phụ. Thời điểm đó, do luật Bàn Thắng Vàng còn tồn tại nên khi bị thủng lưới, Việt Nam không còn cơ hội gỡ hòa và đành chấp nhận thất bại cay đắng, 3–2 nghiêng về Indonesia là kết quả cuối cùng.

Trận tranh hạng 3 với Malaysia, Việt Nam đã không còn tinh thần thi đấu nên đã dễ dàng buông suôi đồng thời để thua 0–3. Trong khi đó, Thái Lan một lần nữa thể hiện sức mạnh vượt trội của đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á khi đè bẹp Indonesia 4–1 và đăng quang ngay trên sân nhà. Các cầu thủ thuộc thế hệ vàng Việt Nam sau giải đấu này đã giải nghệ khá nhiều. Đây là dấu hiệu cho sự tuyệt vọng của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam

Tiger Cup 2002

Lần đầu tiên giải được tổ chức ở trên 2 quốc gia, đó là Indonesia đăng cai bảng A và Singapore bảng B. Việt Nam không được đánh giá cao do đội hình chắp vá, gồm nhiều cầu thủ mới được tham dự lần đầu, và thời gian để huấn luyện viên Calisto nắm quyền là rất ngắn. Tuy nhiên, các cầu thủ đã thi đấu rất tốt và đạt được thành tích ngoài mong đợi. Đây là thời kỳ chuyển giao thế hệ, những tên tuổi mới được phát hiện và đa số sau đó đều trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia: Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, Trần Trường Giang, Trịnh Xuân Thành, lão tướng Huỳnh Hồng Sơn, Phạm Văn Quyến...

Sau trận mở màn giành chiến thắng tương đối dễ trước Campuchia (9–2), Việt Nam gặp chủ nhà Indonesia và bị dẫn trước 1–0. Trong vòng vài phút, Việt Nam đã lội ngược dòng nhờ 2 tình huống tỏa sáng cá nhân: Tài Em có cú sút ngoài vòng cấm địa bằng chân trái gỡ hòa 1–1, Lê Huỳnh Đức sút nối rất đẹp sau pha dứt điểm của Minh Phương nâng tỷ số lên 2–1, tuy nhiên 2–2 mới là kết quả cuối cùng của trận đấu này do pha bóng mất tập trung của hàng hậu vệ Việt Nam lúc sắp hết giờ. Việt Nam tiếp tục chiến thắng Philippines 4–1 (khi đó có tiền đạo Gonzales đang chơi bóng ở châu Âu). Trận đấu gặp Myanmar mới là trận chung kết sớm thực sự, bởi nếu thua, Việt Nam sẽ xách vali về nước sớm và thực lực đội tuyển Myanmar vẫn còn khá bí ẩn. Myanmar có pha mở tỉ số từ sớm, sau đó Xuân Thành có tình huống sút xa gỡ hòa 1–1 cho Việt Nam trước khi hiệp 1 khép lại. Đặng Phương Nam được tung vào sân và trong thời gian ngắn ngủi trên sân, anh ghi 2 bàn thắng và mang về 1 quả penalty - pha phạm lỗi của cầu thủ đội bạn khiến anh rời sân vì bị chấn thương. Chiến thắng 4–2 giúp Việt Nam đứng đầu bảng và sẽ đối đầu đương kim vô địch Thái Lan tại bán kết.

Thái Lan do thua Malaysia 1–3 nên xếp nhì bảng, phải đối đầu một Việt Nam đang thăng hoa, nhưng cuối cùng Thái Lan đã trả "món nợ" cách đây 4 năm khi ghi 4 bàn không gỡ vào lưới thủ môn Trần Minh Quang.

Hai bàn thắng của Trường Giang và Minh Phương giúp Việt Nam đánh bại Malaysia 2–1 và đoạt huy chương đồng, đánh dấu một giải đấu thành công vượt hơn mong đợi của Việt Nam, hơn nữa một thế hệ mới đã xuất hiện và người hâm mộ kỳ vọng rất nhiều vào những chàng trai này trong tương lai.

Tiger Cup 2004

Giải đấu hàng đầu khu vực đã trở lại Việt Nam, nhưng lần này tại vòng bán kết và chung kết sẽ diễn ra theo thể thức lượt đi - lượt về trên sân của 2 đội đó. Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Edson Tavarez đang chơi 1 lối chơi rất khác so với những năm trước, đội hình 3 tiền đạo gồm: Lê Huỳnh Đức chơi lùi, Lê Công Vinh bên cánh trái, Thạch Bảo Khanh cánh phải đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các đối thủ mạnh tại vòng loại World Cup 2006 như Hàn Quốc, Lebanon... Được giới chuyên môn đánh giá rất cao, Việt Nam hy vọng sẽ "lật đổ" được Thái Lan.

Nhưng đây là giải đấu tồi tệ nhất của cả Việt Nam và Thái Lan trong sân chơi khu vực. Lần đầu tiên cả hai bị loại ngay từ vòng bảng. Việt Nam hòa Singapore 1–1 trong ngày khai mạc, sau đó thắng Campuchia 9–2, thua Indonesia 0–3 tại SVĐ Mỹ Đình, thắng Lào 3–0.

AFF Cup 2007

Do Đại hội Thể thao châu Á tổ chức ở Qatar diễn ra vào tháng 12 nên Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) quyết định hoãn giải đấu lại một tháng (khởi tranh vào tháng 1 năm 2007 thay vì lịch cũ là tháng 12 năm 2006 theo đúng quy trình 2 năm 1 lần) để tạo điều kiện cho các đội tuyển Olympic thuộc khu vực tham gia sân chơi châu Á. Hãng bia Tiger cũng ngừng tài trợ nên giải được đổi tên theo tên của liên đoàn: AFF Cup. Kể từ lần này, AFF Cup sẽ có vòng loại, chọn ra 8 đội mạnh nhất chia làm hai bảng (các đội tuyển yếu của khu vực là Lào, Philippines, CampuchiaBrunei thi đấu với nhau, chọn 2 đội cùng với 6 đội tuyển mạnh miễn vòng loại là: Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Myanmar tham dự giải). Có 2 quốc gia được đăng cai làm chủ nhà vòng bảng, sau đó vòng bán kết và chung kết sẽ diễn ra với thể thức lượt đi - lượt về, 2 đội thua bán đồng hạng 3. Cách thức tổ chức như vậy kể từ giải này sẽ trở thành truyền thống và thông lệ cho các giải lần sau.

Việt Nam hòa 1–1 với Indonesia ở trận khai mạc, hòa 0–0 sau đó với chủ nhà Singapore. Do đó, muốn chắc suất lọt vào bán kết, Việt Nam cần thắng đậm Lào, đề phòng trường hợp Singapore hòa Indonesia, khi đó cả ba đội đều có 5 điểm và hiệu số bàn thắng bại là yếu tố quyết định hai cái tên đi tiếp. Thực tế diễn ra với đúng với kịch bản dự đoán, 3 đội bằng điểm nhau và Singapore nhất bảng, Việt Nam xếp thứ nhì nhờ trận thắng Lào 9–0.

Tại bán kết, Việt Nam gặp đội nhất bảng kia là Thái Lan, lượt đi diễn ra trên sân Thái Lan và họ giành chiến thắng 2–0 nhờ màn tỏa sáng của Datsakorn Thonglao. Lượt về trên sân Mỹ Đình, 2 đội hòa nhau mà không có bàn thắng nào được ghi. Việt Nam đồng hạng 3 cùng Malaysia.

AFF Cup 2008

Đội hình xuất phát của Việt Nam tại trận chung kết lượt về AFF Cup 2008.

Thái Lan đăng cai bảng A Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2008 với sự góp mặt của Việt Nam, Malaysia, Lào; Indonesia làm chủ nhà bảng B đối đầu ĐKVĐ Singapore, Myanmar và Philippines. Việt Nam ở giải lần này không được đánh giá cao, từ khi huấn luyện viên Henrique Calisto nắm đội, đội tuyển toàn hòa và thua trong các trận giao hữu trước đó. Nghi ngờ càng tăng sau trận khai mạc khi Việt Nam thua 0–2 trước Thái Lan tại Phuket, khiến họ buộc phải thắng đối thủ trực tiếp là Malaysia mới có cơ hội đi tiếp. Tài năng trẻ Phạm Thành Lương là người mở tỉ số cho Việt Nam bằng cú sút xa rất đẹp mắt, sang hiệp 2, khi tỉ số đang là 1–1, tiền vệ vào sân thay người Nguyễn Vũ Phong có tình huống ngoặt bóng và dứt điểm nâng tỉ số lên 2–1, sau đó các cầu thủ áo đỏ lui về cố thủ bên sân nhà. Do rơi vào thế đường cùng, Malaysia phải dâng cao và có bàn thắng gỡ hòa khi trận đấu chỉ còn vài phút là kết thúc. Tuy nhiên Vũ Phong thêm một lần tỏa sáng khi đường chuyền vượt tuyến bên sân nhà lên cho Lê Công Vinh của anh vô tình chạm đất và nảy qua đầu thủ môn đội bạn dang băng lên, ấn định chiến thắng 3–2 cho Việt Nam. Trận cuối vòng bảng, Việt Nam thắng Lào 4–0 và lọt vào vòng bán kết có phần may mắn. Bảng đối diện, Singapore đứng đầu bảng sau 3 trận toàn thắng, trong đó có chiến thắng 2–0 trước chủ nhà Indonesia đầy thuyết phục ở trận cuối.

Đối đầu nhà vô địch Singapore đang có phong độ cực tốt tại bán kết, Việt Nam đã lột xác hoàn toàn. Trận đấu lượt đi 2 đội hòa nhau 0–0. Lượt về tại Singapore, Công Vinh có màn đột phá táo bạo trước khi chuyền vào cho Nguyễn Quang Hải đối mặt lưới trống, dứt điểm tung lưới đối phương và ghi bàn thắng duy nhất giúp Việt Nam lọt vào chung kết. Gặp lại Thái Lan tại trận chung kết lượt đi trên sân khách, Việt Nam gây bất ngờ khi dẫn trước 2–0 trong hiệp một bằng bàn thắng của Vũ Phong và Công Vinh. Mặc dù để đội chủ nhà gỡ lại một bàn nhưng kết quả 2–1 vẫn giúp Việt Nam có thêm nhiều tự tin trước trận đấu cuối cùng tại Mỹ Đình.

Trong trận chung kết lượt về ngày 28 tháng 12 năm 2008, khi bị dẫn trước 1–0 đến phút bù giờ cuối cùng, tiền vệ Nguyễn Minh Phương vào sân thay Nguyễn Minh Châu. Anh đứng trước quả đá phạt ở khoảng cách 30m, cú đá bóng xoáy của anh tìm đến Công Vinh, người nhô cao đánh đầu ngược làm tung lưới Thái Lan, mang về chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên cho Việt Nam.

AFF Cup 2010

Đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010 gặp đội tuyển Malaysia.

Lần thứ 3 Việt Nam có vinh dự được đăng cai một bảng đấu khu vực, gồm Singapore, Myanmar và Philippines. Vào lúc này, trình độ các đội tuyển quốc gia tại Đông Nam Á đã xích lại gần nhau hơn. Nhà đương kim vô địch có màn ra mắt các cổ động viên nhà rất ấn tượng khi chiến thắng đậm đà 7–1 trước Myanmar, dù không có sự phục vụ của tiền đạo chủ lực Lê Công Vinh. Nguyễn Anh Đức (2 bàn), Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Trọng Hoàng (2 bàn), Lê Tấn Tài, Nguyễn Vũ Phong là những người lập công. Lượt trận thứ 2, Việt Nam bất ngờ bị Philippines dội gáo nước lạnh khi thất thủ 0–2. Vì vậy, Việt Nam (hiện đang có 3 điểm) buộc phải thắng Singapore (4 điểm) để giành chiếc vé tiếp theo vào bán kết sau Philippines. Trận đấu diễn ra kịch tính suốt 90 phút, trong đó Vũ Phong ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu từ đường chuyền của Phạm Thành Lương sau tình huống phản công nhanh, giúp Việt Nam loại Singapore ngay vòng đấu bảng và tiến vào bán kết.

Tại bán kết Việt Nam thua Malaysia, đội về sau lên ngôi vô địch với tổng tỉ số 0–2 sau 2 lượt trận. Việt Nam chia tay cặp tiền vệ xuất sắc Minh Phương - Tài Em, để lại nhiều sự nuối tiếc cho người hâm mộ vì Minh Phương chỉ mới bước qua độ tuổi 30, còn Tài Em chỉ mới 28. Còn HLV Henrique Calisto sau đó tổ chức cuộc họp báo từ chức HLV trưởng đội tuyển

AFF Cup 2012

Đội tuyển Việt Nam lần đầu sử dụng huấn luyện viên nội tham gia đấu trường khu vực. Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng của câu lạc bộ Hà Nội T&T là người có được vinh dự này. Nằm tại bảng đấu với đối thủ mạnh là chủ nhà Thái Lan, PhilippinesMyanmar, lúc đầu đội tuyển Việt Nam rất tự tin vào cơ hội đi tiếp. Tuy nhiên do thời điểm đó bóng đá Việt Nam lại đang khủng hoảng tài chính trầm trọng khi các ông bầu đồng loạt rút vốn đầu tư khỏi các CLB V-league khiến nhiều cầu thủ có nguy cơ thất nghiệp, dẫn đến tâm lý thi đấu của họ trở nên nặng nề và thiếu quyết tâm khi tham dự giải. Kết quả là đội bóng bị loại sớm ngay sau vòng đấu bảng. Việt Nam hòa Myanmar 1–1, thua Philippines 0–1 và thua Thái Lan 1–3. Kết thúc giải chỉ với 1 điểm có được, Việt Nam may mắn hơn Myanmar về hiệu số bàn thắng/bại nên được miễn đấu vòng loại để tham gia giải lần sau. Đây được coi là giải đấu tệ nhất của đội tuyển Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại khi mà đội bóng của chúng ta không có nổi một chiến thắng

AFF Cup 2014

Thời kỳ chuyển tiếp rõ rệt tại đội tuyển Việt Nam khi huấn luyện viên người Nhật Bản Miura Toshiya đến tiếp quản. Các trụ cột trên lý thuyết đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp như: Huỳnh Quang Thanh, Nguyễn Vũ Phong, Huỳnh Quốc Anh, Nguyễn Minh Đức, Dương Hồng Sơn... đều bị loại hoặc không được gọi. Thay vào đó những gương mặt trẻ lại được tín nhiệm: Trần Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Vũ Minh Tuấn, Võ Huy Toàn, Nguyễn Hải Anh, Ngô Hoàng Thịnh... Đội tuyển Việt Nam chọn cách chơi bóng bổng, bóng dài, tích cực chuyền xa và thể lực được cải thiện đáng kể. Tại vòng bảng, đội tuyển Việt Nam lần thứ 4 được chơi trên sân nhà và họ đã thể hiện bộ mặt tích cực khi hòa đội tuyển Indonesia của huấn luyện viên Alfred Riedl tỉ số 2–2, thắng đội tuyển Lào 3–0 và đặc biệt thăng hoa trước đội tuyển Philippines với cách biệt 3–1, bước vào vòng bán kết với vị thế đội nhất bảng.

Đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở bán kết là đội tuyển Malaysia. Mặc dù thắng với tỉ số 2–1 ở trận bán kết lượt đi trên sân đối phương, nhưng ở trận bán kết lượt về tại sân nhà Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam phải nhận trận thua 2–4 trước Malaysia một cách khó hiểu (thua chung cuộc 4–5) và nhường tấm vé vào chơi chung kết cho đối thủ.

AFF Cup 2016

HLV Nguyễn Hữu Thắng là người được Liên Đoàn BĐVN tin tưởng chọn làm HLV trưởng ĐTQG ở giải đấu AFF Suzuki Cup 2016, ĐTVN đã đạt thành tích khá tốt trong các trận giao hữu trước giải, trong đó có chiến thắng 2-0 trước Syria và 3-2 trước đối thủ trong khu vực là Indonesia (đội đang được dẫn dắt bởi cựu HLV đội tuyển Việt Nam là Alfred Riedl)

Trước AFF Suzuki Cup 2016, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ toàn thắng ở vòng bảng. “Những ngôi sao vàng” có tới 6 lần không thua trước đối phương ở bảng đấu của mình nhưng đan xen trong những chiến thắng có cả các kết quả hòa. Phải đến AFF Cup năm nay, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng, Việt Nam mới có lần đầu tiên toàn thắng ở vòng bảng. Đội bóng áo đỏ đánh bại chủ nhà Myanmar 2-1, thắng tối thiểu Malaysia 1-0 và vượt qua Campuchia 2-1 trong thế bị mất người. 9 điểm tuyệt đối đầu tiên trong lịch sử tham dự AFF Cup giúp Việt Nam đứng đầu bảng B, qua đó gặp lại Indonesia ở hai lượt trận bán kết. Ngoài ra ở vòng bảng năm nay, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ để thủng lưới 2 bàn – thành tích để lọt lưới ít thứ 3 trong 11 kỳ tham dự AFF Cup (chỉ nhiều hơn năm 1998 và 2007). 

[20] Đang có phong độ cao, Việt Nam bất ngờ thua Indonesia trên sân khách với tỷ số 1-2 ở trận bán kết lượt đi tại Bogor. Nhưng Việt Nam xuất sắc thắng 2-1 trong 90 phút lượt về tại Mỹ Đình trong thế thiếu người vì thủ môn Trần Nguyên Mạnh bị thẻ đỏ do đánh nguội đối phương. Hai đội phải bước vào hiệp phụ. Đội khách đã tận dụng thế hơn người và hậu vệ Quế Ngọc Hải phải làm thủ môn bất đắc dĩ để có bàn thắng san bằng tỷ số từ chấm penalty ở phút 97, qua đó châm dứt ước mơ vô địch của Việt Nam, trận lượt về kết thúc với tỷ số 2-2 và tổng tỷ số sau hai lượt là Indonesia thắng 4-3. Tuyển Việt Nam đồng hạng 3 sau một giải đấu rất xuất sắc với nhiều cầu thủ trẻ lần đầu tham dự giải. Đây cũng là lần cuối cùng AFF Cup diễn ra với thể lệ đá vòng loại, chọn 8 đội vào vòng chung kết chơi vòng bảng, sau đó là bán kết, chung kết. Từ giải lần sau AFF Cup sẽ bỏ vòng loại và tất cả đội tuyển thành viên thuộc Liên đoàn BĐ Đông Nam Á sẽ chơi theo thể thức khác.

AFF Cup 2018

Đội hình xuất phát của Việt Nam tại trận chung kết lượt về AFF Cup 2018.

AFF Cup thay đổi thể thức thi đấu ở vòng bảng khi mỗi đội được chơi 2 trận trên sân nhà và 2 trận trên sân khách. Việt Nam rơi vào bảng A cùng với Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia. Đội bước vào giải đấu với sự kì vọng rất lớn của truyền thông và người hâm mộ, sau khi chứng kiến những kì tích của lứa U23 và Olympic ở các giải tầm châu lục (á quân U-23 châu Á và hạng tư ASIAD). Điều này khiến HLV Park Hang-seo cảm thấy áp lực[21]. Đội có sự trẻ hóa mạnh mẽ khi nòng cốt tham dự giải là các cầu thủ lứa U23 đã giành huy chương bạc U-23 châu Á và đứng thứ tư Asiad 2018 như Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức, Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng,... Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo cũng triệu tập một số cựu binh như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Anh ĐứcNguyễn Trọng Hoàng[22].

Việt Nam mở đầu giải bằng chiến thắng nhàn nhã 3-0 trên sân của Lào. Tiếp theo sau đó, đội giành thắng lợi quan trọng 2-0 trên sân nhà trước Malaysia, dù cầm bóng ít hơn đối phương do chủ yếu chơi phòng ngự phản công. Mặc dù sau đó không thể ghi bàn và chấp nhận kết quả hòa 0-0 trên sân Myanmar, Việt Nam kết thúc vòng bảng với chiến thắng 3-0 trên sân nhà trước Campuchia để đứng đầu bảng với 10 điểm và không thủng lưới lần nào.

Tại vòng bán kết, Việt Nam chơi lấn lướt và thắng đội bóng được đánh giá rất cao là Philippines với tỷ số 2-1 ở Bacolod trong trận lượt đi. Ở trận lượt về trên sân nhà, Việt Nam sử dụng lối chơi phòng ngự phản công, thắng đối thủ 2-1 ở những phút cuối cùng và chung cuộc thắng với tổng tỷ số 4-2 để vào chung kết AFF Cup lần đầu tiên sau 10 năm. Vào chung kết, Việt Nam gặp lại Malaysia, đội đã vượt qua ĐKVĐ Thái Lan tại bán kết nhờ luật bàn thắng trên sân khách sau khi hòa với tỷ số 2-2 chung cuộc. Tại trận chung kết lượt đi trên sân Bukit Jalil của Malaysia, dưới sức ép khủng khiếp của gần 90,000 khán giả đối phương, Việt Nam vẫn thi đấu bình tĩnh và bất ngờ vươn lên dẫn trước 2-0 dù sau đó đã để Malaysia gỡ hòa 2-2. Với lợi thế không thua cũng như ghi được 2 bàn trên sân khách, Việt Nam chỉ cần giữ sạch lưới trong trận lượt về là giành chức vô địch. Trong trận chung kết lượt về, bàn thắng duy nhất của Nguyễn Anh Đức vào phút thứ sáu giúp Việt Nam sớm dẫn trước đối thủ, buộc Malaysia phải ghi ít nhất 2 bàn nếu muốn vô địch. Trong thời gian còn lại của trận đấu, hàng thủ Việt Nam chơi chắc chắn trước sức ép liên tiếp của đội bạn để bảo toàn tỷ số 1-0, qua đó thắng chung cuộc 3-2 để lần thứ hai đăng quang giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Ở lễ trao giải sau đó, cầu thủ Nguyễn Quang Hải được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.

Với chiến thắng này, Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 với thành tích bất bại xuyên suốt giải với 6 chiến thắng và 2 trận hòa, đồng thời vượt qua nhà vô địch World Cup 2018Pháp (để thua Hà Langiải UEFA Nations League 2018-19 để trở thành đội bóng sở hữu chuỗi trận bất bại liên tiếp dài nhất mọi thời đại của một đội tuyển quốc gia (chuỗi 16 trận bất bại liên tiếp).[23]

Tại các giải châu lục và thế giới

Vòng loại World Cup 1994

Vòng loại World Cup 1994 là giải đấu đầu tiên đội tuyển Việt Nam tái hòa nhập với giải đấu hàng đầu thế giới. Tại vòng loại này, Việt Nam ở cùng bảng đấu với các đội CHDCND Triều Tiên, Qatar, IndonesiaSingapore. Đội tuyển Việt Nam do ông Trần Bình Sự làm huấn luyện viên trưởng. Trong đội hình Việt Nam khi đó, có một số cầu thủ tiêu biểu như: các thủ môn: Trương Văn Lợi, Phạm Văn Hùng; các hậu vệ: Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Phương Trung, Chu Văn Mùi, Nguyễn Mạnh Cường, Hồ Văn Tam...; các tiền vệ: Bùi Thông Tân, Lư Đình Tuấn, Võ Hoàng Bửu, Đinh Thế Nam, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hồng Sơn, Phan Thanh Hùng...; các tiền đạo: Nguyễn Xuân Thanh, Hà Vương Ngầu Nại, Lê Huỳnh Đức, Đinh Thanh Hải, Phạm Đức Hợp. Các trận đấu lượt đi diễn ra tại Qatar. Trong trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam thống nhất tại vòng loại World Cup vào ngày 9 tháng 4 năm 1993, Việt Nam đã để thua trắng CHDCND Triều Tiên 0–3 tại sân Khalifa (Doha). Trong trận tiếp theo, Việt Nam tiếp tục thua trắng chủ nhà Qatar 0–4.

Ngày 13 tháng 4 năm 1993, Việt Nam để thua Singapore 2–3 trong một trận cầu đầy nuối tiếc. Với bàn mở tỉ số ở phút 14, Lư Đình Tuấn trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam ghi bàn tại vòng loại World Cup. Tuy nhiên, Singapore đã nhanh chóng ghi liên tiếp 3 bàn ở các phút 19, 35 và 73 do công của Fandi Ahmad, Steven Tan (phạt đền) và Sundram Moorthy. Bàn còn lại của Việt Nam trong trận đấu này do công của Phan Thanh Hùng (phút 77).

Ngày 16 tháng 4 năm 1993, trong trận đấu cuối cùng của lượt đi với Indonesia, Việt Nam đã giành được thắng lợi đầu tiên tại vòng loại World Cup với tỉ số 1–0. Bàn thắng duy nhất được ghi vào phút 61 do công của tiền đạo Hà Vương Ngầu Nại (Cảng Sài Gòn). Sau đó Việt Nam tiếp tục để thua cả bốn trận đấu lượt về diễn ra tại Singapore (0–1 trước CHDCND Triều Tiên, 0–4 trước Qatar, 0–1 trước Singapore và 1–2 trước Indonesia). Bàn thắng duy nhất của lượt về được ghi do công của Nguyễn Hồng Sơn (phút 30 trong trận thua Indonesia 1–2). Với duy nhất một trận thắng, đội tuyển Việt Nam xếp cuối bảng với 2 điểm sau 8 trận, ghi được 4 bàn thắng.

Vòng loại Asian Cup 1996

Tại vòng loại Cúp bóng đá châu Á 1996, Việt Nam đứng ra đăng cai bảng đấu có sự hiện diện của 3 đội nữa là Hàn Quốc, Trung Hoa Đài BắcGuam. Cả bốn đội sẽ đá vòng tròn 1 lượt để chọn đội nhất bảng giành vé dự VCK. ĐTTVN thắng 4-1 trong trận mở màn gặp Trung Hoa Đài Bắc và hủy diệt Guam 9 bàn không gỡ. Tuy nhiên, đội để thua đậm 0-4 trước Hàn Quốc trong trận tranh ngôi nhất bảng và mất vé dự Asian Cup vào tay đối thủ.

Vòng loại World Cup 1998

Tại vòng loại World Cup 1998, đội tuyển Việt Nam ở cùng bảng với các đội Trung Quốc, TajikistanTurkmenistan. Đội tuyển mở đầu vòng loại vào ngày 4 tháng 4 năm 1997 tại sân Pamir (Dushanbe) bằng thất bại 0–4 trước đội chủ nhà Tajikistan. Ở trận thứ 2, trên sân Turkmenistan, đội thua tiếp với tỉ số 1–2 với bàn gỡ duy nhất của tuyển thủ Nguyễn Công Vinh (Đường sắt Việt Nam) ở phút 71. Tại trận đấu thứ 3 trên sân Thống Nhất trước Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam để thua 1–3. Bàn gỡ của Việt Nam do công của Lê Huỳnh Đức ghi sau một pha đánh gót chuyền bóng của Nguyễn Liêm Thanh ở phút 38. Ba trận đấu còn lại của lượt về đều có tỷ số thua 0–4 cho đội tuyển Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam xếp cuối bảng vòng loại sau cả sáu thất bại. Những kết quả yếu kém này làm dấy nên những nghi ngờ về việc bán độ và dàn xếp tỉ số của một số tuyển thủ Việt Nam, trong đó nổi lên là trung vệ Lã Xuân Thắng khi cầu thủ này đã đánh đầu phản lưới nhà vào phút 24 trong trận đấu với Tajikistan trên sân vận động Thống Nhất.

Vòng loại Asian Cup 2000

Tại vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2000, Việt Nam được xếp vào bảng đấu cùng với Trung Quốc, PhilippinesGuam. Đội đè bẹp Guam 11-0 ở lượt trận đầu tiên, thắng Philippines 3-0 ở lượt trận tiếp theo nhưng sau đó lại để thua cay đắng 0-2 trước Trung Quốc nên không thể lấy được ngôi nhất bảng và đành dừng bước ở vòng loại.

Vòng loại World Cup 2002

Tại vòng loại World Cup 2002, ĐTVN chung bảng đấu với Saudi Arabia, BangladeshMông Cổ. Trước hai đối thủ yếu hơn là Bangladesh và Mông Cổ, đội tuyển Việt Nam chỉ để hòa 1 trận trước Bangladesh và thắng cả ba trận còn lại trước 2 đội bóng này. Tuy nhiên, đội đã không thể tạo nên bất ngờ trước một Saudi Arabia mạnh hơn hẳn khi lần lượt để thua đậm 0-5 trên sân khách và 0-4 trên sân nhà, đành nhìn đội bóng Tây Á này giành vé đi tiếp vào vòng loại cuối.

Vòng loại Asian Cup 2004

Năm 2003, trên danh nghĩa đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại Cúp bóng đá châu Á, LĐBĐ Việt Nam đã cử đội tuyển U–23 thi đấu nhằm cọ xát tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho SEA Games 22. Nằm ở bảng đấu có Oman, Hàn Quốc và Nepal, đội để thua đậm 0-5 trước Hàn Quốc ở trận mở màn. Ở trận đấu tiếp theo, đội thắng đội yếu nhất bảng Nepal 5-0. Ở lượt trận thứ ba, đội để thua tan nát trước Oman với tỷ số kỉ lục 0-6 và đã gần như không còn cơ hội vượt qua được vòng loại.

Việt Nam đã chơi khởi sắc hơn ở giai đoạn sau của vòng loại, đặc biệt, đội đã tạo nên một kỳ tích phi thường khi giành chiến thắng 1–0 trước Hàn Quốc - đội tuyển vừa đứng thứ 4 vòng chung kết World Cup 2002 một năm trước đó. Người ghi bàn thắng duy nhất đó chính là tiền đạo Phạm Văn Quyến, người sau đó tỏa sáng ở SEA Games 22. Ở loạt trận sau đó, đội thắng Nepal 2-0 và kết thúc vòng loại bằng trận thua nhẹ 0-2 trước Oman. Tuy không vượt qua vòng loại, nhưng đây là một chiến dịch hữu ích để HLV Alfred Riedl cho các cầu thủ trẻ cọ xát nhằm chuẩn bị cho SEA Games vào cuối năm.

Vòng loại World Cup 2006

Năm 2004, huấn luyện viên Edson Tavares trở lại Việt Nam dẫn dắt đội tuyển thi đấu ở vòng loại thứ nhất World Cup 2006 cùng bảng với Liban, Hàn Quốc và Maldives. Trước đó, huấn luyện viên tạm quyền Nguyễn Thành Vinh đã giúp Việt Nam có được chiến thắng đầu tiên 4–0 trước đối thủ Maldives vào ngày 18 tháng 2. Phan Văn Tài Em là người mở tỉ số, ngôi sao mới nổi Nguyễn Minh Hải ghi bàn thắng từ tình huống đánh đầu đẳng cấp nâng tỉ số lên 2–0, sang hiệp 2 Việt Nam ghi thêm 2 bàn nữa do công Tài Em và Phạm Văn Quyến từ chấm penalty. Tuy nhiên sau đó Việt Nam lại thất thủ 0–2 trước Liban trên sân Thiên Trường. Ngày 9 tháng 6, Việt Nam đã chơi đầy cố gắng và chỉ thua nhẹ 0-2 trước Hàn Quốc trên sân khách. Trong trận lượt về với Hàn Quốc tại sân Thống Nhất, Việt Nam đã thi đấu rất hay khi dẫn trước Hàn Quốc 1–0 nhờ tình huống đá bóng xoáy của Tài Em, dù Hàn Quốc sau đó đã lội ngược dòng giành chiến thắng chung cuộc 2–1. Tuy nhiên, đội đã bất ngờ thua sốc đối thủ dưới cơ Maldives 0-3 trên sân khách trong trận tiếp theo. Việt Nam kết thúc vòng loại với trận hòa 0–0 tại Liban và xếp thứ 3 chung cuộc.

Vòng chung kết Asian Cup 2007

Liên đoàn bóng đá châu Á thay đổi quy trình tổ chức từ năm chẵn sang năm lẻ, vì vậy Cúp bóng đá châu Á 2007 được diễn ra thay vì năm 2008 như chu kỳ cũ. Lần này 4 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam, MalaysiaIndonesia sẽ được đăng cai bốn bảng đấu và vòng tứ kết, trận đấu bán kết diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia và Jakarta, Indonesia. Trận chung kết tổ chức ở Indonesia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được vinh dự đăng cai một giải đấu bóng đá quy mô tầm cỡ châu lục, do được miễn vòng loại nên Việt Nam cũng lần đầu được tham dự. Nằm cùng bảng với đương kim vô địch giải lần trước Nhật Bản, đương kim vô địch Asiad 2006 Qatar, đương kim vô địch giải Tây Á Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Việt Nam dường như được xem là đội lót đường.

Thực tế đã diễn ra hoàn toàn khác, Việt Nam đã gây nên cú sốc lớn khi lần đầu tham dự đã lọt vào đến vòng tứ kết. Trận đấu đầu tiên, Việt Nam xuất sắc vượt qua UAE 2–0 nhờ bàn thắng của Huỳnh Quang ThanhLê Công Vinh, tuy nhiên cả hai bàn đó đều mang dấu ấn kiến tạo của Nguyễn Minh Phương. Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam còn dẫn trước Qatar ở trận đấu tiếp theo, Phan Thanh Bình là người tỏa sáng, kết quả cuối cùng 2 đội hòa nhau 1–1. Ở lượt trận cuối Việt Nam thậm chí còn mở tỷ số trước khi đối đầu với Nhật Bản dù sau đó bị đối thủ ghi lại bốn bàn. Tuy thua Nhật 4–1 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai bảng đấu và vào tứ kết với 4 điểm, trở thành đội duy nhất của Đông Nam Á lọt vào tứ kết năm đó. Tại tứ kết, Việt Nam thất thủ với tỷ số 0–2 trước Iraq. Đội tuyển Iraq sau đó cũng là nhà vô địch VCK Asian Cup 2007, sự kiện này được người hâm mộ ví như là một lời nguyền vô địch của đội tuyển Việt Nam ngay sau khi đội chủ nhà bị loại.

Vòng loại World Cup 2010

Một thời gian không lâu sau thành công ở Asian Cup 2007, Việt Nam tham gia tranh tài ở vòng loại World Cup 2010. Kết quả bốc thăm đưa thầy trò HLV Alfred Riedl tái ngộ UAE ở vòng loại đầu tiên. Người hâm mộ lẫn các cầu thủ Việt Nam đều tự tin có thể tạo thêm một cú sốc nữa trước đội bóng Tây Á này. Tuy nhiên UAE đã hoàn toàn lột xác trong lần tái đấu này. Họ thể hiện sự vượt trội về đẳng cấp khi thắng Việt Nam cả hai lượt đi-về với tổng tỷ số 6-0, qua đó phục hận thành công thất bại ở Asian Cup trước đó cũng như chấm dứt sớm giấc mơ World Cup của ĐTVN.

Vòng loại Asian Cup 2011

Ngay sau chức vô địch AFF Cup 2008, Việt Nam tràn trề quyết tâm vượt qua vòng loại Asian Cup 2011. Rơi vào bảng đấu có Syria, LibanTrung Quốc, đội chỉ thắng một trận trước Liban với tỷ số 3-1 trên sân nhà, hòa 2 trận khác trước Liban và Syria (đều trên sân khách), còn lại toàn thua. Đặc biệt đội đã nhận thất bại đậm kỉ lục 1-6 trước chủ nhà Trung Quốc ở Hàng Châu.

Vòng loại World Cup 2014

Đội tuyển tham dự vòng loại World Cup 2014 dưới sự dẫn dắt của HLV Falko Götz. Ở vòng 1, Việt Nam gặp đối thủ rất yếu là Macau và dễ dàng thắng áp đảo với tổng tỷ số 13-1 sau 2 lượt trận. Gặp Qatar ở vòng 2, đội để thua đậm 0-3 trên sân khách nhưng đã thi đấu quả cảm ở lượt về và thắng 2-1 trước đội bóng Tây Á. Dù không thể đi tiếp, ĐTVN hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu rời cuộc chơi.

Vòng loại Asian Cup 2015

Sau thất bại ở AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng từ chức và được thay thế bởi HLV Hoàng Văn Phúc. Sau đó, Việt Nam tham dự vòng loại Asian Cup 2015 khi rơi vào bảng đấu có Uzbekistan, Hong Kong và đặc biệt là gặp lại UAE. Tuy nhiên, thành tích vòng loại của đội lại vô cùng bết bát khi thua tới 5 trận, trong đó có trận thua 0-5 trước UAE. Việt Nam chỉ thắng duy nhất trận thủ tục cuối cùng trước Hong Kong với tỷ số 3-1 và xếp bét bảng vòng loại. Vì kết quả tệ hại ở vòng loại Asian Cup cũng như thất bại của U23 Việt Nam tại Sea Games 2013, Hoàng Văn Phúc đã từ chức.

Vòng loại World Cup 2018

Theo quy định của AFC, hai vòng đấu đầu tiên của Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2018 khu vực châu Á sẽ đồng thời là hai vòng đấu đầu tiên của Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2019. Theo xếp hạng, Việt Nam được vào thẳng vòng loại thứ 2, cùng bảng với Indonesia, Iraq, Thái Lan, và Trung Hoa Đài Bắc. Tuy nhiên, do Indonesia sau đó bị FIFA cấm thi đấu nên bảng đấu này chỉ còn 4 đội. Việt Nam khởi đầu bằng thất bại 0-1 trước chủ nhà Thái Lan trên sân vận động Rajamangala và thắng chật vật đội yếu nhất bảng là Trung Hoa Đài Bắc 2-1 trên sân khách. Đội sau đó gây bất ngờ bằng trận hòa ấn tượng 1-1 trước đối thủ mạnh Iraq trên sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, đội đã thua tâm phục khẩu phục trong trận tái đấu với kình địch Thái Lan trên sân nhà với tỳ số 0-3 và cạn dần cơ hội đi tiếp.

Năm 2016, Việt Nam thay HLV trưởng khi Toshiya Miura bị sa thải và được thay thế bởi HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đội thi đấu ấn tượng trong trận đấu tiếp theo ở vòng loại khi đại thắng Trung Hoa Đài Bắc 4-1 trên sân nhà, cộng thêm việc Iraq bị đội đầu bảng Thái Lan cầm chân 2-2 thì một trận thắng trước Iraq trên sân khách sẽ giúp Việt Nam chiếm ngôi nhì bảng và cùng Thái Lan bước vào vòng loại cuối. Tuy nhiên, Iraq đã chơi đúng sức trong trận cầu then chốt, hạ Việt Nam 1-0 để tự giành vé vào vòng trong. ĐTVN chỉ đứng thứ 3 khi kết thúc vòng loại thứ 2 và do đó không thể lọt vào vòng loại cuối cùng để tranh vé World Cup.

Vòng loại và vòng chung kết Asian Cup 2019

Số đội tham dự vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á 2019UAE được AFC tăng từ 16 lên 24 nên cơ hội góp mặt ở sân chơi này cũng rộng mở hơn cho Việt Nam. Với việc kết thúc vòng 2 của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á với vị trí thứ 3, Việt Nam đủ tiêu chuẩn lọt vào vòng 3 của vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2019 và cùng bảng với các đội Afghanistan, Campuchia, và Jordan. Đội tuyển Việt Nam khởi đầu với hai trận hòa 1-1 với Afghanistan trên sân khách và hòa 0-0 với đội được đánh giá mạnh nhất bảng là Jordan trên sân nhà. Sau đó, Việt Nam vượt qua Campuchia trong cả hai trận lượt đi trên sân khách (thắng 2-1) và lượt về trên sân nhà (thắng 5-0). Trong đó đáng chú ý là trận lượt đi trên sân của Campuchia diễn ra chỉ 12 ngày sau khi U22 Việt Nam bất ngờ bị loại ngay khi kết thúc vòng bảng môn bóng đá nam của Sea Games 29 khiến huấn luyện viên trưởng lúc đó là Nguyễn Hữu Thắng phải từ chức và rất nhiều cầu thủ sa sút tinh thần. Huấn luyện viên tạm quyền Mai Đức Chung đã vực dậy tinh thần của các cầu thủ và chỉ sau hai trận thắng trước Campuchia, Việt Nam từ vị trí áp chót bảng, xếp dưới cả Campuchia, đã vươn lên nhì bảng, bằng điểm và chỉ kém hiệu số bàn thắng so với Jordan. Tại trận áp chót của vòng loại thứ 3, khi chỉ cần 1 điểm để vượt qua vòng loại, đội tuyển dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên mới Park Hang-seo tiếp tục hòa Afghanistan trên sân nhà với tỷ số 0-0 để vượt qua vòng loại và chính thức góp mặt tại vòng chung kết trước một lượt đấu. Đội kết thúc chiến dịch vòng loại bằng kết quả hòa 1-1 trong trận cầu thủ tục trên sân của Jordan.

Theo kết quả bốc thăm, Việt Nam rơi vào bảng D của Asian Cup 2019 cùng với 3 đối thủ đến từ Trung ĐôngIran, IraqYemen[24]. Đội tham dự giải chưa đầy 1 tháng sau chức vô địch AFF Cup 2018 và đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng. Đội có nhiều xáo trộn về nhân sự khi HLV Park Hang-seo quyết định loại 2 cầu thủ kinh nghiệm là Nguyễn Văn QuyếtNguyễn Anh Đức để nhường chỗ cho một số cầu thủ trẻ hơn như Trần Minh Vương, Ngân Văn ĐạiHồ Tấn Tài. Đội cũng có những tổn thất về lực lượng khi 2 trung vệ Trần Đình TrọngLục Xuân Hưng đã dính chấn thương và phải chia tay Asian Cup.

Đội tuyển Việt Nam trước lượt trận thứ hai bảng D Cúp bóng đá châu Á 2019 gặp đội tuyển Iran.

Trong trận mở màn vòng bảng gặp Iraq, Việt Nam 2 lần vượt lên dẫn trước trong hiệp 1 nhờ bàn phản lưới nhà của cầu thủ Iraq và pha lập công của Nguyễn Công Phượng. Tuy nhiên, sau đó đội đã thua ngược 2-3 trong thời gian còn lại của trận đấu. Ở lượt trận thứ hai, sự chênh lệch về thể lực và đẳng cấp khiến Việt Nam để thua 0-2 trước đội được đánh giá mạnh nhất bảng là Iran. Ở lượt trận cuối, khi cần giành chiến thắng với cách biệt 3 bàn để chắc suất đi tiếp, Việt Nam đã giành chiến thắng 2-0 trước Yemen nhờ pha sút phạt của Nguyễn Quang Hải và pha đá phạt đền thành công của đội trưởng Quế Ngọc Hải. Vì chỉ giành chiến thắng 2-0 nên cơ hội đi tiếp của Việt Nam phụ thuộc vào 2 trận đấu của hai đội đang xếp thứ 3 lúc đó là OmanLiban. Kết thúc vòng bảng, Việt Nam đứng thứ 3 với 3 điểm và giành quyền đi tiếp ở vị trí cuối cùng trong top 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất nhờ hơn Liban về chỉ số fair-play. Tại vòng 1/8, Việt Nam tái ngộ với đối thủ đã gặp ở vòng loại là Jordan, đội bóng vừa đánh bại ÚcSyria để đi tiếp với tư cách nhất bảng B. Để Jordan thi đấu lấn lướt và ghi bàn dẫn trước trong hiệp 1, Việt Nam trong hiệp 2 đã ghi được bàn gỡ hòa nhờ công của Công Phượng. Hai đội không ghi thêm bàn thắng nào sau đó và hoà nhau 1-1 suốt 120 phút thi đấu. Ở loạt sút luân lưu, Việt Nam đã giành chiến thắng với tỉ số 4-2, giành vé vào tứ kết và dừng bước khi chịu thất bại 0-1 trước đối thủ Nhật Bản ở tứ kết.

Trang phục thi đấu

Màu áo thi đấu chính của đội tuyển là bộ trang phục toàn đỏ, màu áo phụ là bộ trang phục toàn trắng. Từ năm 1999 đến năm 2003, tài trợ trang phục thi đấu cho đội tuyển Việt Nam là hãng thời trang Adidas, từ 2005 đến hết năm 2008, hãng cung cấp trang phục thi đấu cho đội tuyển Việt Nam là Li Ning, từ tháng 01 năm 2009, Nike đảm nhiệm vai trò này theo một hợp đồng 5 năm.[25][26] Trang phục thi đấu cho đội tuyển trong giai đoạn 2015-2019 do hãng Grand Sport tài trợ[27]

Trang phục chính
1995
1998
2005–2008
2009–2010
2010–2012
2012-2014[28]
2014–2016
2018-2019
2019-nay
Trang phục phụ
2005–2008
2009–2010
2010–2012
2012-2014
2014-2016
2016-2017
2019-nay

Các nhà tài trợ

Các nhà tài trợ chính cho đội tuyển gồm Yanmar, Grand SportHonda Việt Nam.[29], Suzuki, Sony Ngoài ra còn một số nhà tài trợ phụ khác.

Thành tích

Cấp thế giới

Giải vô địch bóng đá thế giới

Vòng chung kết Vòng loại
Năm Kết quả St T H B Bt Bb St T H B Bt Bb
1930 Không tham dự vì chưa thống nhất đất nước Không tham dự vì chưa thống nhất đất nước
1934
1938
1950
1954
1958
1962
1966
1970
1974
1978
1982
1986
1990
1994 Không vượt qua vòng loại 8 1 0 7 4 18
1998 6 0 0 6 2 21
2002 6 3 1 2 9 9
2006 6 1 1 4 5 9
2010 2 0 0 2 0 6
2014 4 3 0 1 15 5
2018 6 2 1 3 7 8
2022 Chưa xác định Chưa xác định
Tổng cộng 0 0 0 0 0 0 38 10 3 25 42 76

Cấp châu lục

Cúp bóng đá châu Á

Vòng chung kết Vòng loại
Năm Kết quả St T H B Bt Bb St T H B Bt Bb
1956 Hạng tư 3 0 1 2 6 9 2 0 1 1 7 3
1960 Hạng tư 3 0 0 3 2 12 2 2 0 0 5 1
1964 Không tham dự Không tham dự
1968
1972
1976
1980
1984
1988
1992
1996 Không vượt qua vòng loại 3 2 0 1 13 5
2000 3 2 0 1 14 2
2004 6 3 0 3 8 13
2007 Tứ kết 4 1 1 2 4 7 Chủ nhà
2011 Không vượt qua vòng loại 6 1 2 3 6 11
2015 6 1 0 5 5 15
2019 Tứ kết 5 1 1 3 5 7 12 4 5 3 16 11
Tổng cộng Tốt nhất: Tứ kết 15 2 3 10 17 35 40 15 8 17 74 61

Đại hội Thể thao châu Á

  • (Nội dung thi đấu dành cho cấp đội tuyển quốc gia cho đến kỳ Đại hội năm 1998)
Thành tích tại Á vận hội
Năm Kết quả St T H B Bt Bb
Ấn Độ 1951 Không tham dự
Philippines 1954
Nhật Bản 1958
Indonesia 1962
Thái Lan 1966
Thái Lan 1970
Iran 1974
Thái Lan 1978
Ấn Độ 1982
Hàn Quốc 1986
Trung Quốc 1990
Nhật Bản 1994
Thái Lan 1998 Vòng bảng 2 0 0 2 0 6
Tổng cộng Tốt nhất: Vòng bảng 2 0 0 2 0 6

Cấp khu vực

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á

Đội tuyển Việt Nam trước trận chung kết Cúp AFF 2008 lượt về với Thái Lan
Thành tích tại Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á
Năm Kết quả St T H B Bt Bb
1996 Hạng ba 6 3 2 1 14 10
1998 Á quân 5 3 1 1 8 2
2000 Hạng tư 6 3 1 2 14 6
2002 Hạng ba 6 4 1 1 21 12
2004 Vòng bảng 4 2 1 1 13 5
2007 Bán kết 5 1 3 1 10 3
2008 Vô địch 7 4 2 1 11 6
2010 Bán kết 5 2 1 2 8 5
2012 Vòng bảng 3 0 1 2 2 5
2014 Bán kết 5 3 1 1 12 8
2016 Bán kết 5 3 1 1 8 6
2018 Vô địch 8 6 2 0 15 4
Tổng cộng Tốt nhất: Vô địch 65 34 17 14 136 72

Đại hội Thể thao Đông Nam Á

  • (Nội dung thi đấu dành cho cấp đội tuyển quốc gia cho đến kỳ Đại hội năm 1999)
Thành tích tại SEA Games
Năm Kết quả St T H B Bt Bb
Thái Lan 1959 Không tham dự
Myanmar 1961
Malaysia 1965
Thái Lan 1967
Myanmar 1969
Malaysia 1971
Singapore 1973
Thái Lan 1975
Malaysia 1977
Indonesia 1979
Philippines 1981
Singapore 1983
Thái Lan 1985
Indonesia 1987
Malaysia 1989
Philippines 1991 Vòng bảng 3 0 1 2 3 5
Singapore 1993 Vòng bảng 3 1 0 2 1 3
Thái Lan 1995 Á quân 6 4 0 2 10 8
Indonesia 1997 Hạng ba 6 3 1 2 9 6
Brunei 1999 Á quân 6 4 1 1 14 2
Tổng cộng 2 lần Á quân 24 12 3 9 37 24

Cúp VFF

  • (Đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U-23 Việt Nam luân phiên nhau từng năm làm đại diện nước chủ nhà.)
Cúp VFF
Năm Kết quả St T H B Bt Bb
Việt Nam Cúp Agribank 2004 Á quân 3 2 0 1 4 3
Việt Nam Cúp Agribank 2006 Á quân 3 2 1 0 5 2
Việt Nam Cúp T&T 2008 Á quân 2 0 2 0 2 2
Việt Nam Cúp VFF Sơn Hà 2010 Hạng tư 3 0 1 2 1 5
Việt Nam Cúp VFF 2012 Hạng ba 3 1 1 1 5 2
Tổng cộng Tốt nhất: Á quân 13 5 5 4 17 14

Kết quả thi đấu

Kết quả thi đấu năm 2017

      Thắng       Hòa       Thua

Giao hữu
Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2019 (Vòng 3)

Kết quả thi đấu năm 2018

Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2019 (Vòng 3)
Giao hữu
AFF Cup 2018
Giao hữu

Kết quả thi đấu năm 2019

Asian Cup 2019
Giao hữu
  • 1: Non FIFA 'A' international match

Danh sách cầu thủ

Đội hình hiện tại

Danh sách 23 cầu thủ được triệu tập để tham dự Asian Cup 2019[30].
Số liệu thống kê tính đến ngày 25 tháng 1 năm 2019 sau trận gặp Nhật Bản.

Số VT Cầu thủ Ngày sinh (tuổi) Trận Bàn Câu lạc bộ
1 1TM Bùi Tiến Dũng 28 tháng 2, 1997 (27 tuổi) 1 0 Việt Nam FLC Thanh Hóa
13 1TM Nguyễn Tuấn Mạnh 31 tháng 7, 1990 (33 tuổi) 4 0 Việt Nam Sanna Khánh Hòa BVN
23 1TM Đặng Văn Lâm 13 tháng 8, 1993 (30 tuổi) 16 0 Thái Lan Muangthong United

2 2HV Đỗ Duy Mạnh 29 tháng 9, 1996 (27 tuổi) 20 0 Việt Nam Hà Nội
3 2HV Quế Ngọc Hải (Đội trưởng) 15 tháng 5, 1993 (30 tuổi) 39 2 Việt Nam Thể Công
4 2HV Bùi Tiến Dũng 2 tháng 10, 1995 (28 tuổi) 17 0 Việt Nam Thể Công
5 2HV Đoàn Văn Hậu 19 tháng 4, 1999 (25 tuổi) 16 0 Việt Nam Hà Nội
12 2HV Nguyễn Phong Hồng Duy 13 tháng 6, 1996 (27 tuổi) 7 0 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai
17 2HV Hồ Tấn Tài 6 tháng 11, 1997 (26 tuổi) 0 0 Việt Nam Becamex Bình Dương
21 2HV Nguyễn Thành Chung 8 tháng 9, 1997 (26 tuổi) 1 0 Việt Nam Hà Nội

6 3TV Lương Xuân Trường (Đội phó) 28 tháng 4, 1995 (28 tuổi) 27 1 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai
7 3TV Nguyễn Huy Hùng 2 tháng 3, 1992 (32 tuổi) 24 2 Việt Nam Quảng Nam
8 3TV Nguyễn Trọng Hoàng 14 tháng 4, 1989 (35 tuổi) 63 12 Việt Nam FLC Thanh Hóa
14 3TV Trần Minh Vương 28 tháng 3, 1995 (29 tuổi) 3 0 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai
15 3TV Phạm Đức Huy 20 tháng 1, 1995 (29 tuổi) 7 1 Việt Nam Hà Nội
16 3TV Đỗ Hùng Dũng 8 tháng 9, 1993 (30 tuổi) 13 0 Việt Nam Hà Nội
19 3TV Nguyễn Quang Hải (1997-04-12)12 tháng 4, 1997 (20 tuổi) 17 5 Việt Nam Hà Nội

9 4 Nguyễn Văn Toàn 12 tháng 4, 1996 (28 tuổi) 20 4 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai
10 4 Nguyễn Công Phượng 21 tháng 1, 1995 (29 tuổi) 29 8 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai
11 4 Ngân Văn Đại 9 tháng 2, 1997 (27 tuổi) 2 0 Việt Nam Hà Nội
18 4 Hà Đức Chinh 22 tháng 9, 1997 (26 tuổi) 6 0 Việt Nam SHB Đà Nẵng
20 4 Phan Văn Đức 11 tháng 4, 1996 (28 tuổi) 14 2 Việt Nam Sông Lam Nghệ An
22 4 Nguyễn Tiến Linh 20 tháng 10, 1997 (26 tuổi) 8 2 Việt Nam Becamex Bình Dương

Triệu tập gần đây

Danh sách những cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển quốc gia trong 12 tháng qua:

Vt Cầu thủ Ngày sinh (tuổi) Số trận Bt Câu lạc bộ Lần cuối triệu tập
TM Phạm Văn Cường 19 tháng 7, 1990 (33 tuổi) 0 0 Việt Nam Quảng Nam AFF Cup 2018 PRE

HV Lâm Anh Quang 24 tháng 4, 1991 (33 tuổi) 0 0 Việt Nam SHB Đà Nẵng v  Jordan (Vòng loại Asian Cup 2019)
HV Lục Xuân Hưng INJ 15 tháng 4, 1995 (29 tuổi) 0 0 Việt Nam FLC Thanh Hóa Cúp bóng đá châu Á 2019 PRE
HV Phạm Xuân Mạnh INJ 9 tháng 2, 1996 (28 tuổi) 1 0 Việt Nam Sông Lam Nghệ An v  Jordan (Vòng loại Asian Cup 2019)
HV Vũ Văn Thanh INJ 14 tháng 4, 1996 (28 tuổi) 16 2 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai v  Jordan (Vòng loại Asian Cup 2019)
HV Dương Thanh Hào 23 tháng 6, 1991 (32 tuổi) 0 0 Việt Nam Than Quảng Ninh AFF Cup 2018 PRE
HV Phạm Văn Thành 16 tháng 3, 1994 (30 tuổi) 0 0 Việt Nam Hà Nội AFF Cup 2018 PRE
HV Đinh Viết Tú 16 tháng 8, 1997 (26 tuổi) 0 0 Việt Nam Nam Định AFF Cup 2018 PRE
HV Trần Đình Trọng INJ 25 tháng 4, 1997 (26 tuổi) 9 0 Việt Nam Hà Nội AFF Cup 2018
HV Ngô Tùng Quốc 27 tháng 1, 1998 (26 tuổi) 0 0 Việt Nam Cần Thơ Cúp bóng đá châu Á 2019 PRE

TV Vũ Minh Tuấn 19 tháng 9, 1990 (33 tuổi) 15 4 Việt Nam Thể Công v  Jordan (Vòng loại Asian Cup 2019)
TV Hồ Khắc Ngọc 2 tháng 8, 1992 (31 tuổi) 1 0 Việt Nam Sông Lam Nghệ An v  Jordan (Vòng loại Asian Cup 2019)
TV Đinh Thanh Bình 19 tháng 3, 1998 (26 tuổi) 0 0 Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai Cúp bóng đá châu Á 2019 PRE
TV Đinh Thanh Trung RET 24 tháng 1, 1988 (36 tuổi) 23 2 Việt Nam Quảng Nam AFF Cup 2018 PRE

Nguyễn Hoàng Quốc Chí 4 tháng 12, 1991 (32 tuổi) 0 0 Việt Nam Sanna Khánh Hòa BVN AFF Cup 2018 PRE
Nguyễn Văn Quyết 27 tháng 6, 1991 (32 tuổi) 51 14 Việt Nam Hà Nội AFF Cup 2018
Nguyễn Anh Đức RET 25 tháng 1, 1985 (39 tuổi) 32 11 Việt Nam Becamex Bình Dương AFF Cup 2018
Nguyễn Hoàng Đức 11 tháng 1, 1998 (26 tuổi) 0 0 Việt Nam Thể Công Cúp bóng đá châu Á 2019 PRE

Ghi chú:

  • [a] Cầu thủ rút khỏi đội tuyển.
  • SUS Cầu thủ bị cấm thi đấu cho đội tuyển.
  • INJ Cầu thủ rút khỏi đội tuyển vì chấn thương.
  • RET Cầu thủ từ giã đội tuyển.
  • WD Cầu thủ rút khỏi đội tuyển không vì lí do chấn thương.
  • PRE Cầu thủ chỉ nằm trong danh sách sơ bộ.

Thành phần ban huấn luyện

Vị trí Họ tên
Trưởng đoàn Việt Nam Dương Vũ Lâm
Giám đốc kỹ thuật Đức Hans-Jürgen Gede
Huấn luyện viên trưởng Hàn Quốc Park Hang-seo
Trợ lý huấn luyện viên Hàn Quốc Lee Young-Jin
Trợ lý huấn luyện viên Việt Nam Lư Đình Tuấn (HCM)
Huấn luyện viên thể lực Brasil Willander Fonseca
Huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Đức Cảnh (Hải Phòng)
Trợ lý ngôn ngữ Việt Nam Phan Huy Tuấn (VFF)
Bác sĩ Việt Nam Nguyễn Trọng Thủy (Lâm Đồng)
Bác sĩ Việt Nam Trần Huy Thọ
Bác sĩ Việt Nam Trần Nguyên Giáp

Kỷ lục

Ghi chú: Cầu thủ in đậm vẫn còn đang thi đấu.

Cầu thủ khoác áo nhiều nhất
# Tên Thời gian thi đấu Số lần khoác áo CLB hiện tại
1 Lê Công Vinh 2004–2016 83 Giải nghệ
2 Phạm Thành Lương 2008–2016 78 Việt Nam Hà Nội
3 Nguyễn Minh Phương 2002–2010 73 Giải nghệ
4 Lê Huỳnh Đức 1995–2004 66 Giải nghệ
5 Lê Tấn Tài 2006–2014 63 Việt Nam Becamex Bình Dương
6 Nguyễn Trọng Hoàng 2009– 57 Việt Nam FLC Thanh Hóa
7 Nguyễn Văn Quyết 2011– 54 Việt Nam Hà Nội
8 Phan Văn Tài Em 2002–2011 50 Giải nghệ
9 Nguyễn Hồng Sơn 1993–2001 48 Giải nghệ
10 Nguyễn Vũ Phong 2006–2014 46 Giải nghệ
Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất
# Tên Số bàn Trung bình Bàn đầu Bàn cuối CLB hiện tại
1 Lê Công Vinh 51 0.61 20/8/2004 26/11/2016 Giải nghệ
2 Lê Huỳnh Đức 28 0.42 4/1/1995 23/12/2002 Giải nghệ
3 Nguyễn Hồng Sơn 16 0.33 Giải nghệ
4 Nguyễn Văn Quyết 14 0.26 29/6/2011 10/10/2017 Việt Nam Hà Nội
5 Phan Thanh Bình 13 0.42 27/9/2003 10/12/2008 Giải nghệ
6 Nguyễn Trọng Hoàng 12 0.24 31/5/2009 23/11/2016 Việt Nam FLC Thanh Hóa
7 Nguyễn Minh Phương 12 0.16 15/12/2002 2/12/2010 Giải nghệ
8 Nguyễn Anh Đức 11 0.30 24/6/2007 15/12/2018 Việt Nam Becamex Bình Dương
9 Thạch Bảo Khanh 10 0.45 20/8/2004 6/6/2005 Giải nghệ

Huấn luyện viên trưởng

Danh sách huấn luyện viên tính từ năm 1991

Huấn luyện viên Thời gian Trận Thắng Hòa Bại Thành tích
Hàn Quốc Park Hang-seo 11 tháng 10 năm 2017[31]–nay 17 9 5 3 Vô địch AFF Suzuki Cup 2018
Tứ kết AFC Asian Cup 2019
Việt Nam Mai Đức Chung (quyền) 27 tháng 8 năm 2017[32]–10 tháng 10 năm 2017[31] 2 2 0 0
Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng Tháng 3, 2016[33]–Tháng 8, 2017 [34] 15 8 5 2 Vô địch AYA Bank Cup 2016

Hạng 3 AFF Suzuki Cup 2016

Nhật Bản Miura Toshiya Tháng 5, 2014[35]–Tháng 3, 2016[33] 13 7 3 3 Hạng 3 AFF Suzuki Cup 2014
Việt Nam Hoàng Văn Phúc Tháng 1, 2013[36]–Tháng 4, 2014[37] 3 1 0 2
Việt Nam Nguyễn Văn Sỹ (quyền) Tháng 10, 2013–Tháng 11, 2013 4 1 0 3
Việt Nam Phan Thanh Hùng Tháng 8, 2012[38]–Tháng 12, 2012[39] 14 5 5 4
Đức Falko Götz Tháng 6, 2011[40]–Tháng 12, 2011[41] 5 3 0 2
Việt Nam Mai Đức Chung (quyền) 2011[42]
Bồ Đào Nha Henrique Calisto Tháng 6, 2008[43]–Tháng 3, 2011 42 11 11 20 Hạng 3 AFF Suzuki Cup 2010
Vô địch AFF Suzuki Cup 2008
Á quân T&T Cup 2008
Áo Alfred Riedl 2005–Tháng 10, 2007[44] 23 8 8 7 Hạng 3 AFF Championship 2007
Tứ kết AFC Asian Cup 2007
Á quân Agribank Cup 2006
Á quân Cúp Nhà vua 2006
Việt Nam Trần Văn Khánh (quyền) 2004[45] 1 1 0 0
Brasil Edson Tavares Tháng 2, 2004–Tháng 12, 2004 11 4 1 6 Á quân Agribank Cup 2004
Việt Nam Nguyễn Thành Vinh (quyền) Tháng 1, 2004–Tháng 3, 2004[46] 1 1 0 0
Áo Alfred Riedl Tháng 2, 2003–Tháng 10, 2003 7 3 0 4
Bồ Đào Nha Henrique Calisto Tháng 8, 2002–Tháng 12, 2002 10 5 3 2 Hạng 3 AFF Tiger Cup 2002
Brasil Dido 2001 6 3 1 2
Áo Alfred Riedl Tháng 8, 1998 – 2000 32 16 6 9 Á quân AFF Tiger Cup 1998
Anh Colin Murphy Tháng 10, 1997 6 3 1 2
Việt Nam Lê Đình Chính (quyền) 1997[47] 1 0 0 1
Việt Nam Trần Duy Long 1997[47] 5 0 0 5
Đức Karl-Heinz Weigang 1995–Tháng 6, 1997 Hạng 3 AFF Tiger Cup 1996
Brasil Edson Tavares 1995
Việt Nam Trần Duy Long (quyền) 1994–1994 1 1 0 0
Việt Nam Trần Bình Sự 1993[48] 11 2 0 9
Việt Nam Nguyễn Sỹ Hiển 1991[49] 3 0 1 2
Việt Nam Vũ Văn Tư 1991[13]

Thứ hạng trong bảng xếp hạng của FIFA

Biểu đồ thứ hạng của đội tuyển Việt Nam trong bảng xếp hạng của FIFA[50]

Thành tích đối đầu với từng quốc gia

  • Cập nhật lần cuối ngày 20 tháng 1 năm 2019.[51]
Đội tuyển St T H B Bt Bb
 Afghanistan 2 0 2 0 1 1
 Albania 1 0 0 1 0 5
 Bahrain 1 1 0 0 5 3
 Bangladesh 2 1 1 0 4 0
 Bosna và Hercegovina 1 0 0 1 0 4
 Campuchia 8 8 0 0 41 5
 Trung Quốc 6 0 0 6 3 20
 Đài Bắc Trung Hoa 4 3 1 0 11 4
 Estonia 1 1 0 0 1 0
 Guam 2 2 0 0 20 0
 Hồng Kông 7 4 1 2 11 8
 Ấn Độ 2 1 0 1 3 4
 Indonesia 24 5 9 10 27 35
 Iran 1 0 0 1 0 2
 Iraq 4 0 1 3 3 7
 Jamaica 1 1 0 0 3 0
 Nhật Bản 4 0 0 4 1 10
 Jordan 3 1 2 0 2 2
 Kazakhstan 1 1 0 0 2 1
 CHDCND Triều Tiên 13 1 5 7 10 25
 Hàn Quốc 6 1 0 5 2 17
 Kuwait 2 1 0 1 2 3
 Lào 11 10 1 0 47 3
 Liban 4 1 2 1 4 4
 Ma Cao 2 2 0 0 13 1
 Malaysia 19 11 3 5 25 19
 Maldives 2 1 0 1 4 3
 Mozambique 1 1 0 0 1 0
 Mông Cổ 2 2 0 0 5 0
 Myanmar 11 7 3 1 34 10
 Nepal 2 2 0 0 7 0
 Oman 2 0 0 2 0 8
 Palestine 1 0 0 1 1 3
 Philippines 12 9 1 2 26 11
 Qatar 6 2 1 3 5 14
 Ả Rập Xê Út 2 0 0 2 0 9
 Singapore 18 7 7 4 19 15
 Sri Lanka 4 1 3 0 7 6
 Syria 3 1 1 1 2 1
 Tajikistan 2 0 0 2 0 8
 Thái Lan 21 2 4 15 17 41
 Turkmenistan 6 1 0 5 4 12
 UAE 5 1 0 4 3 13
 Uzbekistan 2 0 0 2 1 6
 Yemen 1 1 0 0 2 0
 Zimbabwe 1 0 0 1 0 6
Tổng cộng 230 95 48 87 374 333

Thành tích

1 Vô địch (2): 2008, 2018
2 Á quân (1): 1998
3 Hạng ba (6): 1996, 2002, 2007, 2010, 2014, 2016
Bạc Huy chương bạc (5): 1995, 1999, 2003, 2005, 2009
Đồng Huy chương đồng (2): 1997
Bạc Huy chương bạc (1): 2006
Bạc Huy chương bạc (3): 2004, 2006, 2008
Đồng Huy chương đồng (1): 2012
Đồng Huy chương đồng (1): 2006
1 Vô địch (1): 2016
  • Cúp Dunhill Việt Nam
3 Bán kết (1): 1999

Tham khảo

  1. ^ https://www.foxsportsasia.com/football/asian-football/1006301/vietnam-football-2018-review-golden-dragons-aff-cup-champions-afc-u23/
  2. ^ http://www.goal.com/en-au/news/gritty-vietnam-u23-seal-place-2018-afc-u-23-championship/14tt4b4tt0lyk17dteiq1lilqw
  3. ^ “Việt Nam lọt vào top 10 sự kiện bóng đá châu Á”. VnExpress. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2009.
  4. ^ “2008 qua 10 sự kiện do độc giả VietNamNet bình chọn”. Vietnamnet. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2009.
  5. ^ Đại nhảy vọt, Việt Nam vào top 100 BXH FIFA
  6. ^ Falah Abdullah (30 tháng 11 năm 2012). “Thailand - Vietnam: The Golden Star need to secure a win at all costs” (bằng tiếng Anh). goal.com. Truy cập 7 tháng 9 năm 2015.
  7. ^ “VIETNAM READY TO FACE ANY TEAM, SAYS MIURA” (bằng tiếng Anh). footballchannel.asia. 16 tháng 4 năm 2015. Truy cập 7 tháng 9 năm 2015.
  8. ^ Dương Trung Quốc. “Một Trăm năm bóng đá Việt Nam”. Vietnamnet. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  9. ^ “Lịch sử hình thành CLB Bóng đá Thể Công”. www.thecong.vn. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2009.
  10. ^ “Quái chiêu Hà Nội: Tòng "cháy" & tuyệt chiêu”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2009.
  11. ^ “https://en.wikipedia.org/wiki/1956_AFC_Asian_Cup_qualification”. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  12. ^ “BĐVN sau đỉnh AFF Cup: Lối mòn hay lộ trình?”. Vietnamnet. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2009.
  13. ^ a b “Sông Hàn tràn lên… tuyển”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  14. ^ “Xung quanh sự cố "mất hộ chiếu" của Hồng Sơn: Lời thì thầm của con gấu”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2010.
  15. ^ Các ông thầy nội trong lịch sử BĐVN
  16. ^ "Ông hãy đưa giúp tôi thuốc này đến các cầu thủ, nếu họ hỏi thì bảo đó là doping"
  17. ^ Tôi không tin vào sự hợp tác của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
  18. ^ a b HOÀI LÊ - SĨ HUYÊN. "Thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam”. Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2010.
  19. ^ N. Khôi. “Chương trình trận đấu chia tay "Thế hệ vàng": Có gì hấp dẫn?”. Tuổi trẻ Online. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2010.
  20. ^ “Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á”.
  21. ^ https://vnexpress.net/the-thao/hlv-park-hang-seo-aff-cup-la-dieu-khoan-dac-biet-trong-hop-dong-cua-toi-3829686.html
  22. ^ https://vnexpress.net/the-thao/hlv-park-hang-seo-goi-8-cau-thu-ha-noi-len-tuyen-viet-nam-3821266.html
  23. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên news.zing.vn
  24. ^ https://vnexpress.net/bong-da/viet-nam-chung-bang-iran-va-iraq-o-asian-cup-2019-3745314.html
  25. ^ “Từ tháng 1/2009, ĐTVN sẽ mặc áo đấu Nike”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2009.
  26. ^ “Hôm nay, ĐTVN thay áo mới”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2009.
  27. ^ “Đội tuyển Việt Nam có trang phục thi đấu mới”. Thanh Niên Online. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2014.
  28. ^ Đức Nguyễn. “Ra mắt mẫu áo đấu "tuyệt đẹp" của ĐT Việt Nam”. Báo Bóng đá. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2009.
  29. ^ “Honda Vietnam becomes main sponsor for National Team”. VFF. 4 tháng 2 năm 2013. Truy cập 4 tháng 2 năm 2013.
  30. ^ “Bất ngờ với sự thay đổi số áo cầu thủ tuyển Việt Nam dự Asian Cup 2019”. Lao động. 6 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2019. Không cho phép mã đánh dấu trong: |publisher= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
  31. ^ a b “Park Hang-seo ra mắt trên cương vị HLV trưởng tuyển Việt Nam”. https://thethao.vnexpress.net. VNE. Truy cập 11 tháng 10 năm 2017. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  32. ^ “VFF chỉ định HLV Mai Đức Chung thay thế Hữu Thắng dẫn dắt tuyển Việt Nam”. http://thethaovanhoa.vn. Truy cập 27 tháng 8 năm 2017. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  33. ^ a b “HLV Hữu Thắng: "Mourinho cũng bị sa thải, huống hồ tôi". Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2016.
  34. ^ “HLV Mai Đức Chung dẫn dắt tuyển Việt Nam”. VNE. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2017.
  35. ^ Lâm Thỏa. “Ông Toshiya Miura trở thành tân HLV trưởng ĐT Việt Nam”.
  36. ^ “HLV Hoàng Văn Phúc chính thức trở thành HLV trưởng ĐTQG và ĐT U23 QG”. vff.org.vn. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2013.
  37. ^ Tuấn Thành. “VFF kết thúc hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc”. bongdaplus.vn. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2014.
  38. ^ HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam
  39. ^ HLV Phan Thanh Hùng từ chức sau thảm bại
  40. ^ HLV Falko Goetz ký hợp đồng với VFF chiều 6/6
  41. ^ VFF chính thức cắt hợp đồng với HLV Falko Goetz
  42. ^ Tuấn Linh. “HLV Mai Đức Chung tạm ngồi "ghế nóng" ĐTVN”. Vietnamnet. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2011.
  43. ^ Ông Calisto chính thức trở thành HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam
  44. ^ HLV trưởng Alfred Riedl chính thức từ chức
  45. ^ “...chỉ định HLV thủ môn Trần Văn Khánh”. Vnexpress.net. 12 tháng 12 năm 2004.
  46. ^ “HLV Tavares sẽ dẫn dắt tuyển VN từ trận gặp Lebanon”. Thể thao Tuổi trẻ. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2009.
  47. ^ a b “Vietnam sacked”. AFP. 31 tháng 10 năm 1997.
  48. ^ “...bệnh ê kíp”. Nguyễn Nguyên. 6 tháng 2 năm 1997.
  49. ^ “Bơi khỏi ao làng”. Thể thao & Văn hóa Online. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2010.
  50. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên BXH
  51. ^ “Thành tích đối đấu giữa các đội tuyển trên trang chủ của FIFA”. Truy cập 28 tháng 03 năm 2018.

Xem thêm

Liên kết ngoài

Danh hiệu
Tiền nhiệm:
 Singapore
Vô địch Đông Nam Á
2008
Kế nhiệm:
 Malaysia
Tiền nhiệm:
 Thái Lan
Vô địch Đông Nam Á
2018
Kế nhiệm:
Đương nhiệm