Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Đảo chính quán bia”

Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không có tóm lược sửa đổi
Thẻ: Soạn thảo trực quan Sửa đổi di động Sửa đổi từ trang di động
n Đã lùi lại sửa đổi của 116.101.68.172 (Thảo luận) quay về phiên bản cuối của Newone
Thẻ: Lùi tất cả
Dòng 13: Dòng 13:
|map_caption = Vị trí trong Đức
|map_caption = Vị trí trong Đức
|map_label =
|map_label =
| coordinates = {{coord|48.1304|N|11.592|E|region:DE-BY_type:event_scale:50000|display=inline,title}}
| coordinates =
| action = [[Hitler]] và các cộng sự đã lên kế hoạch chiếm giữ Munich và sau đó sử dụng Munich làm căn cứ cho một cuộc tuần hành chống lại chính phủ [[Cộng hòa Weimar]] của Đức
| action = [[Hitler]] và các cộng sự đã lên kế hoạch chiếm giữ Munich và sau đó sử dụng Munich làm căn cứ cho một cuộc tuần hành chống lại chính phủ [[Cộng hòa Weimar]] của Đức
| result = {{unbulleted list |''[[Reichswehr]]'' chiến thắng. |{{nowrap|Putsch thất bại, bắt giữ [[Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa|NSDAP]] khả năng lãnh đạo.}}}}
| result = {{unbulleted list |''[[Reichswehr]]'' chiến thắng. |{{nowrap|Putsch thất bại, bắt giữ [[Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa|NSDAP]] khả năng lãnh đạo.}}}}

Phiên bản lúc 05:28, ngày 25 tháng 9 năm 2019

Đảo chính quán bia

Marienplatz ở München trong Putsch Bia Hall
Thời gian8–9 tháng 11 năm 1923
Địa điểm48°07′49″B 11°35′31″Đ / 48,1304°B 11,592°Đ / 48.1304; 11.592
Hành độngHitler và các cộng sự đã lên kế hoạch chiếm giữ Munich và sau đó sử dụng Munich làm căn cứ cho một cuộc tuần hành chống lại chính phủ Cộng hòa Weimar của Đức
Kết quả
  • Reichswehr chiến thắng.
  • Putsch thất bại, bắt giữ NSDAP khả năng lãnh đạo.
Phiến quân v. Chính phủ

Đảng Quốc Xã

Cộng hòa Weimar

Chỉ huy và lãnh đạo
Hỗ trợ quân sự
2,000+ 130
Thương vong và tổn thất
16 Người chết
Khoảng một chục người bị thương
Nhiều người bị bắt và bị cầm tù
4 Người chết
Một vài người bị thương
Đảo chính quán bia trên bản đồ Đức
Đảo chính quán bia
Vị trí trong Đức

Đảo chính quán bia (tiếng Đức: Bürgerbräu-Putsch) hay Đảo chính Hitler-Ludendorff (tiếng Đức: Hitler-Ludendorff-Putsch) là cụm từ mà sử gia gọi biến cố xảy ra ngày 8 tháng 11 năm 1923 do Adolf Hitler điều động Đảng Đức Quốc xã gây ra, nhằm lật đổ chính quyền bang Bayern, từ đó dự định tiếp tục lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar[cần dẫn nguồn].

Nguyên nhân

Bang Bayern lúc bấy giờ do một tam đầu chế lãnh đạo: Gustav von Kahr (Thủ hiến bang), Đại tướng Otto von Lossow (tư lệnh quân đội ở bang) và Đại tá Hans von Seisser (Chỉ huy trưởng Cảnh sát Bayern). Tuy có thái độ thách thức với chính phủ trung ương, tam đầu chế này vẫn hành động thận trọng. Nhưng Hitler thấy rằng nếu để chính phủ trung ương có thêm thời gian và ổn định lại tình hình, Quốc xã sẽ mất cơ hội. Thêm nữa, Hitler cũng đang lo là tam đầu chế âm mưu một cuộc đảo chính không có ông để tách Bayern ra khỏi nước Đức. Với ý tưởng cực đoan cho một nước Đức hùng mạnh, thống nhất và theo chủ nghĩa quốc gia, Hitler kiên quyết chống đối ý đồ như thế.

Mục tiêu lớn lao của Hitler là chiếm chính quyền nước Đức, nhưng ông ta không có đủ sự hậu thuẫn để một mình lật đổ chính phủ. Ông cần có sự hậu thuẫn của bang Bayern, quân đội và cảnh sát. Bằng cách nào đó, ông phải đặt Kahr, Lossov và Seisser vào vị thế khiến cho họ phải hành động cùng với ông và không thể thối lui được. Ông ta quyết định bắt cóc tam đầu chế và ép buộc họ hành xử quyền hành theo ý ông muốn. Vì thế, trong một thời gian, Hitler đã có ý chiếm chính quyền bang Bayern để làm bàn đạp tiến lên chính phủ trung ương.

Sau vài âm mưu không thành, cơ hội đã đến. Báo chí đã đăng tải một thông báo vắn tắt cho biết, theo sự yêu cầu của vài tổ chức kinh doanh ở thành phố München, Thủ hiến Kahr sẽ đến phát biểu tại một buổi mít-tinh ở quán bia Bürgerbräukeller nằm ở vùng ngoại ô phía đông-nam thành phố. Đề tài phát biểu sẽ là về chính quyền Bayern. Tướng von Lossow, Đại tá von Seisser và nhiều nhân vật cao cấp khác sẽ hiện diện.

Có hai yếu tố khiến cho Hitler đi đến quyết định vội vã. Một là ông ta nghi ngờ Kahr có thể lợi dụng cuộc mít-tinh để tuyên bố nền độc lập cho Bayern và đưa vương triều Wittelsbach trở lại ngai vàng. Điều này đi ngược lại chủ trương của Hitler: một nước Đức thống nhất dưới chính thể độc tài không có vua, nên ông ta muốn ngăn chặn Kahr thực hiện việc này. Yếu tố thứ hai là cuộc mít-tinh tạo cơ hội quý báu để đẩy tam đầu chế vào rọ và uy hiếp họ tham gia cuộc cách mạng của Quốc xã. Thế nên, Hitler quyết định hành động lập tức. Các đội quân thuộc lực lượng bán quân sự SA[1] của Đảng Đức Quốc xã, dưới quyền chỉ huy của Ernst Julius Röhm, được khẩn cấp điều đến nhà hàng bia.

Diễn biến

Lúc 9:45 giờ tối ngày 8 tháng 11 năm 1923, sau khi Kahr đã phát biểu được nửa giờ trước đám đông khoảng 3.000 người, thì lực lượng SA kéo đến bao vây quán Bürgerbräukeller và Hitler tiến vào. Trong khi một số thuộc hạ của ông ta bố trí một khẩu súng máy ở cổng vào, Hitler nhảy lên một chiếc bàn và bắn một phát súng lục để gây sự chú ý của đám đông. Kahr ngừng nói giữa bài phát biểu. Đám đông nhìn quanh quẩn để tìm nguyên do của sự ngăn trở. Với sự hỗ trợ của Rudolf Hess (cánh tay phải của Hitler) và Ulrich Graf (cận vệ), Hitler tiến đến khán đài. Một thiếu tá cảnh sát định ngăn cản, nhưng Hitler chĩa khẩu súng lục vào anh ta và tiếp tục tiến đến. Kahr bước lùi ra khỏi diễn đàn và Hitler đến thế chỗ.

Hitler hô lớn: "Cách mạng Quốc gia đã bắt đầu! Lực lượng vũ trang gồm 600 người đã bao vây. Không ai được rời đi. Nếu không giữ yên lặng lập tức, tôi sẽ điều động súng máy. Chính quyền Bayern và chính quyền nước Đức đã bị lật đổ; một chính quyền quốc gia lâm thời đã được thành lập. Các doanh trại quân đội và cảnh sát đã bị chiếm đóng. Quân đội và cảnh sát đang tụ họp dưới lá cờ của Quốc xã."

Câu cuối cùng là bịa đặt; đó chỉ là một trò tháu cáy. Nhưng trong hoàn cảnh lộn xộn, không ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Riêng khẩu súng lục của Hitler là thật: nó đã nhã đạn. Lực lượng SA với súng trường và súng máy là thật. Bây giờ, Hitler ra lệnh Kahr, Lossov và Seisser đi theo ông ta vào một căn phòng riêng gần khán đài. Qua sự thúc ép của đội quân SA, ba nhân vật cao cấp nhất của Bayern tuân theo lời của Hitler trong khi đám đông ngắm nhìn mà kinh ngạc. Khi thấy các lãnh đạo ngoan ngoãn nghe theo lời Hitler và lực lượng SA chiếm đóng quán bia, cảnh sát không có hành động gì. Hitler đã dàn xếp để một sĩ quan cảnh sát làm nội gián cho Quốc xã ra lệnh cho nhóm cảnh sát làm nhiệm vụ ở quán bia không được ngăn cản, mà chỉ báo cáo vụ việc.

Khi đã đưa ba người vào căn phòng, Hitler bảo họ: "Không ai được rời khỏi phòng này khi mà tôi không cho phép." Rồi ông ta thông báo rằng họ sẽ giữ chức vụ trọng yếu hoặc là trong chính quyền Bayern hoặc trong chính phủ Đức mà ông đang thành lập cùng với Đại tướng Erich Ludendorff[2]. Trước đó, Hitler đã phái người đi tìm vị tướng nổi tiếng để mời ông đến quán bia, trong khi ông này không biết gì về âm mưu của Đảng Quốc xã.

Lúc đầu, ba người không muốn nói chuyện với Hitler. Ông ta tiếp tục kêu gọi họ. Cả ba phải cùng với ông ta tuyên cáo cách mạng và chính phủ mới; cả ba phải nhận chức vụ mà ông ta cử, nếu không họ không có quyền để tồn tại. Kahr sẽ là Phụ chính cho bang Bayern; Lossov làm Bộ trưởng Liên lạc Quốc hội; Seisser làm Bộ trưởng Bộ Cảnh sát của Đức. Cả ba người đều không có ấn tượng với những chức vụ như thế. Họ không trả lời!

Sự im lặng kéo dài khiến cho Hitler cảm thấy bất an. Cuối cùng, ông ta chĩa khẩu súng về phía họ: "Tôi có bốn viên đạn trong khẩu súng. Ba viên cho những người cộng sự, nếu họ bỏ rơi tôi. Viên đạn cuối cùng dành cho tôi!" Rồi chĩa súng vào màng tang mình, Hitler thốt lên: "Nếu đến chiều mai tôi không đạt chiến thắng, tôi sẽ chịu chết."

Kahr trả lời: "Ông Hitler, ông có thể ra lệnh cho người ta bắn tôi hoặc tự ông bắn tôi. Tôi chết hoặc sống cũng không hề gì."

Seisser cũng cất tiếng. Ông trách Hitler đã không giữ lời hứa rằng sẽ không nổi dậy chống lại cảnh sát.

Hitler trả lời: "Đúng là tôi có hứa. Xin lỗi, nhưng tôi phải làm nhiệm vụ cho tổ quốc."

Tướng von Lossow vẫn giữ im lặng trong sự khinh miệt. Nhưng khi Kahr bắt đầu thầm thì với ông, Hitler cắt ngang: "Ngưng! Không được nói nếu tôi không cho phép!"

Hitler không đạt kết quả gì trong việc thuyết phục họ. Cả ba người đang nắm giữ quyền lực ở Bayern đều không muốn theo ông ta, dù đang bị nòng súng đe dọa. Cuộc bạo loạn không diễn ra như dự trù. Rồi Hitler có động thái bất chợt. Không nói thêm một tiếng, ông chạy ra, bước lên khán đài, tuyên bố với đám đông rằng ba người trong căn phòng bên cạnh đã tham gia với ông để lập nên chính phủ trung ương mới.

Ông ta lớn tiếng: "Chính quyền Bayern bị bãi nhiệm. Chính phủ của những tội đồ Tháng Mười một[3] và Tổng thống Đức bị tuyên cáo bãi nhiệm. Một chính phủ quốc gia mới sẽ được công bố ngày hôm nay tại München. Một Quân đội Quốc gia Đức sẽ được thành lập ngay lập tức. Tôi đề nghị là, cho đến khi đã tính toán xong xuôi với những tội đồ Tháng Mười một, tôi sẽ giữ trách nhiệm lèo lái chính sách của Chính phủ Quốc gia... Ludendorff sẽ lãnh đạo Quân đội Quốc gia Đức... Nhiệm vụ của Chính phủ Quốc gia Đức lâm thời là tiến đến Berlin để giải thoát dân tộc Đức... Ngày mai, hoặc sẽ có Chính phủ Quốc gia của nước Đức, hoặc tất cả chúng ta sẽ chết!"

Không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng, Hitler đã thốt nên lời dối trá đầy bản lĩnh, và có hiệu lực. Khi đám đông nghe rằng Thủ hiến Kahr, Tướng von Lossow và Cảnh sát trưởng von Seisser đã theo phe Hitler, họ lập tức thay đổi thái độ. Nhiều tiếng reo hò cất lên, và âm thanh khiến cho ba người vẫn còn bị nhốt trong gian phòng kế bên có ấn tượng mạnh.

Thình lình, Đại tướng Erich Ludendorff được đưa ra giới thiệu. Vị anh hùng chiến tranh cảm thấy giận dữ vì Hitler không hề thông báo gì cho ông biết trước, và khi được biết rằng không phải ông mà chính anh cựu hạ sĩ Hitler sẽ là nhà lãnh đạo nước Đức, ông càng thêm bất mãn. Ông không nói lên được mấy lời với người trai trẻ hung hăng. Những Hitler chỉ muốn lợi dụng tên tuổi nổi tiếng của Ludendorff làm bình phong hầu cứu vãn tình thế tuyệt vọng và giúp thuyết phục ba nhà lãnh đạo Bayern ngoan cố. Ludendorff chịu làm việc này. Ông bảo bây giờ là vấn đề hệ trọng cho quốc gia, và khuyên ba người nên cộng tác.

Cảm thấy e dè vì sự quan tâm của vị tướng, ba người có vẻ như thuận lòng, tuy sau này Lossow cho biết ông ta không đặt mình dưới sự chỉ đạo của Ludendorff. Riêng Kahr thì vương vấn với ý tưởng tái lập vương triều Wittelsbach, nhưng sau cùng nói sẽ hợp tác với tư cách là "Đại diện của nhà Vua."

Sự xuất hiện của Ludendorff đã cứu vãn tình hình cho Hitler. Quá vui mừng vì sự may mắn này, Hitler dẫn ba người trở ra khán đài, rồi mỗi người phát biểu ngắn gọn và cam kết cộng tác với nhau và với chế độ mới. Đám đông nhảy nhót trên bàn ghế mà la hét một cách nhiệt tình. Hitler lộ vẻ hớn hở. Bước lên khán đài lần nữa, ông ta nói lời đúc kết với đám đông:

"Bây giờ tôi muốn làm tròn tâm nguyện của tôi năm năm về trước lúc tôi là thương bệnh binh trong một quân y viện: tôi sẽ hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi những tội đồ Tháng Mười một bị lật đổ, cho đến khi trên đống tro tàn của nước Đức khốn khổ ngày hôm nay vươn lên lần nữa một nước Đức hùng mạnh và vĩ đại, tự do và huy hoàng."

Cuộc mít-tinh chuẩn bị kết thúc. Tại các cửa ra vào, Hess cùng với lực lượng SA giữ lại một số thành viên nội các bang Bayern và những nhà quý tộc khác khi họ muốn lẻn ra ngoài cùng với đám đông. Hitler trông chừng Kahr, Lossow và Seisser. Thế rồi, có tin lực lượng SA đã đụng độ với lính công binh. Hitler quyết định đi đến nơi để đích thân giải quyết vụ việc, để lại Ludendorff phụ trách kiểm soát tình hình ở quán bia. Đó là một sai lầm tai hại. Lossow là người đầu tiên lẻn đi. Ông cho Ludendorff biết ông phải trở về bản doanh quân đội gấp để ra mệnh lệnh cần thiết. Sau đó, Kahr và Seisser cũng biến mất.

Thất bại đầu tiên

Khi trở lại, Hitler thấy các con mồi đã vuột khỏi tầm tay. Ông đã tự tin mà nghĩ lúc này đáng lẽ các "bộ trưởng" của ông ta phải tất bật lo chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới, trong khi Ludendorff và Lossow phải vạch kế hoạch tiến về Berlin. Nhưng hầu như không có việc gì xảy ra. Ngay cả München vẫn chưa nằm trong tay lực lượng cách mạng. Röhm chỉ mới chiếm được doanh trại của Bộ Chiến tranh nhưng bỏ sót một số địa điểm chiến lược kể cả nhà bưu điện. Vì thế, tin tức về vụ bạo loạn được truyền đến Berlin và tướng Hans von Seeckt[4] truyền về lệnh cho quân đội ở Bayern phải trấn áp đám phản loạn.

Chỉ có vài sĩ quan cấp thấp và một số binh sĩ bỏ hàng ngũ vì ủng hộ Hitler và Röhm. Các sĩ quan cao cấp, dưới quyền Tướng von Danner, chỉ huy quân đội ở München, không những chuẩn bị tuân lệnh Seeckt mà còn thấy bất mãn vì cách Hitler đối xử với von Lossow. Theo quy củ của quân đội, một người dân thường chĩa súng vào một vị tướng đáng bị trừng phạt. Lúc gần sáng, quân đội đã tạo một vòng vây chung quanh lực lượng của Röhm đang chiếm đóng Bộ Chiến tranh.

Hitler và Ludendorff cùng đến gặp Röhm để xem xét tình hình. Röhm bị sốc mà thấy rằng ngoài mình ra, không có ai khác tham gia vào hoạt động quân sự nào để chiếm đóng những vị trí trọng yếu. Hitler cố gắng nối lại liên lạc với Lossow, Kahr và Seisser, nhưng không có kết quả. Poehner, cựu chỉ huy trưởng cảnh sát München và bây giờ ủng hộ Hitler, được phái đi cùng với Thiếu tá Huehnlein cùng với một toán quân SA đi chiếm tổng hành dinh cảnh sát, nhưng họ lập tức bị bắt giữ.

Riêng Gustav von Kahr, người cầm đầu chính quyền Bayern, đã lấy lại tinh thần và lòng dũng cảm. Ông ra lệnh đặt nhiều tấm pa-nô khắp thành phố, tố cáo nhóm phản loạn đã gây bạo động, và những lời tuyên bố của ba nhà lãnh đạo dưới sự đe dọa của nòng súng bây giờ không có hiệu lực. Đảng Quốc xã và lực lượng bán quân sự của họ bị giải tán.

Bộ tam đầu chế đã trở mặt với Hitler. Nền tảng cho cách mạng chính trị thành công – sự ủng hộ của quân đội, cảnh sát và nhóm chính trị đang cầm quyền – giờ đang tan rã. Ngay cả tên tuổi của Ludendorff bây giờ cũng không có hiệu lực tạo sự hậu thuẫn của quân đội. Hitler đề nghị vị tướng cùng ông ta rút ra ngoài thành phố để huy động sự hậu thuẫn của nông dân rồi tấn công München, nhưng ông này lập tức từ chối.

Hitler đã trù định một vụ bạo loạn, không phải là gây chiến tranh. Dù cho đầy phấn khích, Hitler vẫn tỉnh táo mà nhận ra rằng ông ta không có đủ thực lực để chống lại cảnh sát và quân đội. Ông ta muốn làm cách mạng cùng với quân đội, không phải chống lại họ. Dù có tính sắt máu trong những lời phát biểu và khi cầm súng uy hiếp tam đầu chế, ông ta không hề muốn những người cùng ghét bỏ nền Cộng hòa lại gây đổ máu với nhau.

Ludendorff cũng thế. Ông sẽ vui mà thấy Tổng thống Đức Friedrich Ebert và "bọn tay sai" bị treo cổ. Nhưng ông không muốn giết cảnh sát và quân đội – những người đã cùng ông chia sẻ tinh thần quốc gia.

Bây giờ, Ludendorff đề xuất với anh lãnh đạo Quốc xã đang lung lay tinh thần một kế hoạch mang chiến thắng đến với họ và tránh đổ máu. Ông tin chắc rằng binh sĩ và cảnh sát Đức – phần đông là cựu chiến binh – không bao giờ bắn một vị tướng huyền thoại đã từng chỉ huy họ đạt những chiến thắng trên các mặt trận. Ông và Hitler sẽ cùng với thuộc hạ tiến đến trung tâm thành phố. Ông tin rằng không những cảnh sát và quân đội không dám giết ông, mà còn sẽ quy thuận và chiến đấu theo mệnh lệnh của ông. Tuy còn hồ nghi, Hitler vẫn đồng ý. Dường như không có cách nào khác.

Sự đổ máu

Lúc 11 giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 1923, ngày kỷ niệm sự khai sinh của nền Cộng hòa Weimar, Hitler và Ludendorff dẫn đầu 3.000 quân SA hướng về trung tâm München. Bên cạnh họ còn có Hermann Göring (chỉ huy lực lượng SA), Scheubner-Richter, Alfred Rosenberg, Ulrich Graf (cận vệ của Hitler), và một số cấp lãnh đạo đảng. Tiếp theo sau là một xe tải mang súng máy cùng xạ thủ. Binh sĩ SA đeo súng trường trên vai, một số người gắn thêm lưỡi lê. Hitler lăm lăm khẩu súng lục trong tay. Không phải là lực lượng mạnh lắm, nhưng Ludendorff, vốn đã chỉ huy hàng triệu binh sĩ thiện chiến nhất của Đức trong Thế chiến thứ nhất, nghĩ rằng thế là đủ để đạt mục đích.

Vài trăm mét cách quán bia về hướng bắc, họ gặp phải chướng ngại vật đầu tiên. Một toán cảnh sát án ngữ trên cầu Ludwig dẫn đến trung tâm thành phố. Göring chạy đến nói chuyện với người chỉ huy cảnh sát, đe dọa sẽ bắn các con tin mà ông ta nói đang dẫn theo phía sau nếu cảnh sát bắn vào nhóm của ông. Trong đêm trước, Hess đã bắt giữ một số con tin kể cả hai thành viên nội các nhằm phục vụ cho mục đích như thế này. Không rõ có phải Göring tháu cáy hay không, nhưng dường như vị chỉ huy cảnh sát tin theo lời Göring nên để cho đoàn người đi qua êm thấm.

Xế trưa, đoàn người tiến đến gần mục tiêu là Bộ Chiến tranh, nơi Röhm và nhóm quân SA của ông ta vẫn còn chiếm đóng, bị quân đội bao vây bên ngoài. Cả hai bên chưa bắn phát súng nào. Phía Röhm là những cựu chiến binh và họ có nhiều chiến hữu phía bên kia. Không ai có lòng dạ nào mà bắn giết lẫn nhau.

Để tiến đến Bộ Chiến tranh và giải thoát Röhm, Hitler và Ludendorff dẫn đoàn người đi qua một con đường hẹp. Ở cuối con đường, một nhóm khoảng 100 cảnh sát đang án ngữ. Họ chiếm vị trí thuận lợi và nhóm này không muốn nhường đường.

Nhưng đoàn người lại cố gắng tìm cách đi qua. Ulrich Graf tiến lên phía trước và hô lớn đến vị chỉ huy cảnh sát: "Đừng bắn! Ngài Ludendorff đang đi đến!" Hitler phụ họa: "Đầu hàng đi! Đầu hàng đi!" Nhưng vị chỉ huy cảnh sát không muốn đầu hàng. Rõ ràng là cái tên Ludendorff không có ma lực gì đối với ông; đây là cảnh sát, không phải là quân đội.

Không ai được biết bên nào nổ súng trước. Bên này đổ lỗi cho bên kia. Một người bàng quan khai rằng Hitler đã bắn phát súng lục trước tiên. Người khác cho rằng chính Streicher bắn trước.

Dù sao chăng nữa, một tiếng súng đã nổ. Kế tiếp là hàng loạt súng vang lên từ hai phía, dập tắt mọi hy vọng của Hitler. Scheubner-Richter ngã xuống tắt thở. Göring bị một vết thương nặng. Trong vòng 60 giây, tiếng súng ngưng bặt, nhưng con đường la liệt những người. Mười sáu người bên Quốc xã và ba nhân viên cảnh sát chết hoặc đang hấp hối, nhiều người khác bị thương, những người còn lại – kể cả Hitler – nằm rạp trên mặt đường để tránh đạn.

Có một ngoại lệ. Ludendorff không nằm rạp. Vẫn đứng thẳng và hãnh diện với truyền thống quân đội, cùng với người tùy viên Thiếu tá Streck bên cạnh, ông điềm tĩnh đi giữa những họng súng của cảnh sát. Không có đảng viên Quốc xã nào đi cùng ông. Ngay cả vị lãnh tụ Adolf Hitler cũng không.

Vị Thủ tướng tương lai của Đế quốc thứ Ba là người đầu tiên bỏ chạy để được an toàn. Trước đó, ông ta đã vòng cánh tay trái để ôm lấy cánh tay phải của Scheubner-Richter, và khi người thuộc hạ ngã xuống, anh ta kéo vị lãnh tụ ngã theo khiến ông này bị trật khớp xương vai. Theo vài nhân chứng kể lại, Hitler "là người đầu tiên đứng dậy và quay đi", bỏ lại phía sau các đồng chí đang nằm la liệt trên mặt đường. Ông được đưa nhanh lên một chiếc xe rồi chạy đến một ngôi nhà vùng nông thôn. Hai ngày sau, ông ta bị bắt.

Ludendorff bị bắt ngay tại chỗ. Ông khinh thường nhóm phản loạn đã không đủ can đảm tiến bước theo ông, và cảm thấy cay đắng với quân đội đã không hậu thuẫn ông, đến nỗi ông tuyên bố từ nay về sau sẽ không nhìn đến sĩ quan nào và cũng không bao giờ mặc bộ quân phục sĩ quan nữa. Göring được sơ cứu rồi được đưa đi trốn lánh ở Áo. Hess cũng lẩn trốn ở Áo. Röhm đầu hàng tại Bộ Chiến tranh hai giờ sau. Trong vòng ít ngày, tất cả nhóm lãnh đạo ngoại trừ Göring và Hess đều bị bắt.

Phiên tòa xử tội phản quốc

Hitler đã thừa khôn ngoan để biến phiên tòa thành một diễn đàn để ông ta lên án những người đã bắt giữ mình và – điều này là quan trọng hơn – lần đầu tiên tên tuổi ông ta lan khỏi bang Bayern, và lan ra ngoài nước Đức. Ông ta biết rõ rằng những nhà báo khắp thế giới cũng như của các tờ báo Đức đang đổ xô đến München để tường thuật phiên tòa bắt đầu ngày 26 tháng 2 năm 1924. Khi phiên tòa kết thúc 24 ngày sau, Hitler đã biến thất bại thành chiến thắng, khiến cho dưới mắt quần chúng Kahr, Lossow và Seisser phải chịu một phần trách nhiệm về những nỗi khổ sở của họ. Hitler cũng đã tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân Đức bằng tài hùng biện và tinh thần quốc gia sôi sục, và đưa tên tuổi ông ta lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới.

Dù Ludendorff dễ trở nên nổi tiếng nhất trong số 10 bị can đứng trước vành móng ngựa, Hitler ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt. Từ đầu đến cuối, ông ta nắm phần áp đảo trong phiên tòa. Frank Guertner, Bộ trưởng Tư pháp bang Bayern và cũng là người bạn lâu năm của Hitler, đã dàn xếp để đảm bảo phiên xử tạo thuận lợi và khoan dung. Hitler được cho phép ngắt lời người khác bất cứ khi nào ông ta muốn, được tự do chất vấn nhân chứng, có cơ hội nói về mình bất kỳ lúc nào và bao lâu cũng được – bài phát biểu mở đầu của ông ta kéo dài 4 giờ đồng hồ, và đấy mới chỉ là khai mào cho những màn diễn thuyết tiếp theo.

Hitler không muốn lặp lại lỗi lầm của những người gây bạo loạn trước đó nói rằng họ không biết gì, không chủ định gì, không muốn gì. Thay vào đó, Hitler nghĩ rằng mình phải tỏ ra can đảm đứng trước thẩm phán mà nói: "Đúng vậy, đấy là điều chúng tôi muốn làm; chúng tôi muốn lật đổ Nhà nước."

Bây giờ, đứng trước hội đồng xét xử và phóng viên báo đài cả thế giới, Hitler hãnh diện tuyên bố: "Chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ tội đồ. Tôi đứng ở đây với tư cách là một nhà cách mạng... Chống lại những kẻ phản quốc năm 1918 thì không phải là tội phản quốc."

Nếu đấy là tội phản quốc, thì tam đầu chế lãnh đạo chính quyền, quân đội và cảnh sát của bang và những người đồng âm mưu với ông ta cũng phải có tội và đáng lẽ phải ra trước vành móng ngựa bên cạnh ông ta. Hitler đã khôn ngoan lôi tam đầu chế cùng vào cuộc:

Có điều chắc chắn là Lossow, Kahr và Seisser đều có cùng mục tiêu như chúng tôi – lật đổ chính phủ Đức... Nếu đảng chúng tôi thực sự phản quốc, thì xuyên suốt vụ việc Lossow, Kahr và Seisser đều có hành vi phản quốc cùng với đảng chúng tôi, vì trong những tuần lễ gần đây tất cả chúng tôi chỉ bàn bạc về những mục tiêu khiến cho chúng tôi bây giờ bị kết án.

Cả ba người khó có thể phủ nhận điều này, vì đấy là sự thật. Kahr và Seisser không thể đối chọi lại miệng lưỡi của Hitler. Chỉ có Tướng von Lossow tự biện hộ một cách thách thức: "Tôi không phải là kẻ vô nghề nghiệp gây náo loạn. Tôi có vị trí cao trong chính quyền Bang." Rồi vị tướng trút mọi câu mắng nhiếc của một nhà lãnh đạo quân sự lên cái anh cựu hạ sĩ, kẻ mới phất lên mang đầy tham vọng khiến cho anh ta muốn sai khiến cả quân đội và chính quyền Bang. Ông giải thích: Làm thế nào mà cái trò mị dân bừa bãi như thế lại đến từ những ngày gần đây chỉ lo đánh trống thổi kèn!

Chỉ đánh trống thổi kèn? Hitler biết cách đối đáp:

"Những kẻ tiểu nhân luôn có tư tưởng nhỏ nhoi! Xin hãy tin tôi, tôi thấy không đáng phải tranh luận với lời kết án của một bộ trưởng như thế. Tôi thấy một con người vĩ đại muốn đi vào lịch sử chỉ với tư cách là bộ trưởng thì không xứng đáng. Ông ta rồi có thể bị chôn bên cạnh những bộ trưởng khác. Tôi muốn trở thành người hủy diệt chủ nghĩa Mác-xít. Tôi sẽ hoàn tất nhiệm vụ này, và nếu thế, cái chức bộ trưởng đối với tôi là vô nghĩa."

Hitler đã bị kết án là muốn từ kẻ đánh trống thổi kèn nhảy lên địa vị nhà độc tài. Ông không phủ nhận điều này. Định mệnh đã an bài như thế.

Người được sinh ra làm nhà độc tài không để cho ai thúc đẩy, mà tự làm chủ con người mình. Ông ta không đợi cho ai đốc thúc, mà tự phấn đấu tiến lên. Như thế không có gì là xấu hổ. Một công nhân muốn nỗ lực trở thành lao động chuyên sâu thì có phải là đáng xấu hổ hay không?...Người nào cảm thấy mình có nghĩa vụ đối với nhân dân thì không nên nói: "Nếu cần đến tôi, tôi sẽ hợp tác. " Không được! Ông ta phải tiến lên mà nắm lấy nhiệm vụ.

Dù có thể phải nhận bản án tù lâu năm vì tội phản quốc, trong tiếng gọi của "nghĩa vụ đối với nhân dân" Hitler vô cùng tự tin. Trong khi đang bị giam chờ ngày ra tòa, ông ta đã phân tích những lý do cho sự thất bại, và dặn lòng sẽ không bao giờ lặp lại những lỗi lầm ấy. Mười ba năm sau khi đã đạt mục tiêu của mình, trong lễ kỷ niệm ngày bạo loạn ở quán bia, Hitler nói với cử tọa:

"Tôi có thể bình tâm mà nói rằng đấy là quyết định khinh suất nhất trong đời tôi... Nếu bây giờ nhìn thấy đảng viên của chúng ta trong tình trạng như vào năm 1923, các bạn có thể hỏi: "Họ từ trại tế bần nào thế?" Nhưng định mệnh an bài tốt cho chúng ta. Nếu chúng ta thành công bước đầu thì cuối cùng cũng chỉ sụp đổ vì tình trạng ấu trĩ ngày đó, cũng vì nền tảng tổ chức và tri thức còn non kém... Chúng ta đã nhận ra rằng lật đổ Nhà nước cũ thì không đủ, nhưng trước đấy phải xây dựng xong Nhà nước mới và sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm..."

Trong khi đang đối chất với các quan tòa và công tố viên, đầu óc Hitler đã định hình phương cách thành lập Nhà nước Quốc xã. Lần sau, ông ta sẽ lôi kéo Quân đội Đức hậu thuẫn thay vì chống đối ông ta. Trong bài phát biểu đúc kết, Hitler nêu ý tưởng dàn hòa với quân đội. Không có lời nào trách móc.

"Tôi tin rằng sẽ đến ngày mà quần chúng, những người hôm nay đứng dưới ngọn cờ đảng của chúng tôi, sẽ đoàn kết với những người đã bắn vào họ... Khi được biết cảnh sát đã nổ súng, tôi lấy làm vui mà thấy không phải Quân đội bị ô danh; Quân đội vẫn giữ thanh danh trong sạch như từ trước đến giờ. Một ngày nào đó, sẽ đến lúc Quân đội đứng bên cạnh chúng tôi, tất cả sĩ quan cũng như binh sĩ."

Đấy là lời tiên đoán chính xác, nhưng vị thẩm phán chủ tọa đã ngắt ngang: "Ông Hitler, ông bảo rằng cảnh sát đã bị ô danh. Tòa không chấp nhận câu nói ấy."

Bị cáo không hề chú ý đến lời khiển trách. Trong ngôn từ khiến cho cử tọa của phiên tòa bị thu hút một các mê mẩn, Hitler phát biểu lời kết luận:

"Lực lượng mà chúng tôi thành lập đang lớn mạnh từng ngày... Tôi vẫn ấp ủ niềm hy vọng hãnh diện là một ngày nào đấy, sẽ đến lúc những đại đội non yếu này trở thành những tiểu đoàn, tiểu đoàn thành trung đoàn, trung đoàn thành sư đoàn, rồi những phù hiệu sẽ được lấy lên từ đám bùn, rồi những lá cờ cũ sẽ tung bay, rồi sẽ có hòa giải theo sự phán xét thiêng liêng vĩ đại cuối cùng mà chúng tôi sẵn sàng đối mặt."

Hitler hướng đôi mắt nóng bỏng đến hội đồng xét xử:

"Không phải là quý tòa phán xử chúng tôi. Sự phán xử ấy sẽ do phiên hòa của lịch sử vĩnh cửu tuyên bố. Quý tòa sẽ phán xử như thế nào thì tôi đã biết. Nhưng phiên tòa ấy sẽ không hỏi chúng tôi: "Các ông nhận tội phản quốc hay không?" Phiên tòa ấy sẽ phán xử chúng tôi, vị Chủ nhiệm Hậu cần trong Quân đội cũ [[Ludendorff]], sĩ quan và binh sĩ của ông, như là những người Đức vốn chỉ muốn điều tốt cho nhân dân và Tổ quốc của họ, những người sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Quý tòa có thể tuyên bố hàng nghìn lần rằng chúng tôi có tội, nhưng vị nữ thần của phiên tòa lịch sử vĩnh cửu sẽ mỉm cười và rơi lệ để xóa đi cáo trạng của công tố và bản án của tòa này. Bởi vì nữ thần sẽ tha bổng cho chúng tôi."

Những bản án của các quan tòa trần tục không khác xa sự phán xét của lịch sử là bao. Ludendorff được tha bổng. Hitler và những người khác bị xử có tội. Nhưng đối mặt với luật pháp (Điều 81 Bộ Hình luật của Đức ghi "người có hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi Hiến pháp của Đế quốc Đức hoặc bất kỳ bang nào của Đức sẽ bị phạt tù chung thân), Hitler chỉ bị án 5 năm tù. Ngay cả các thẩm phán trần tục cũng phản đối bản án nặng nề, nhưng họ được vị thẩm phán chủ tọa trấn an rằng tội nhân sẽ có cơ hội được ân xá sau khi đã thực hiện bản án tù được 6 tháng. Cảnh sát cố tìm cách trục xuất Hitler vì là người nước ngoài – ông ta vẫn còn mang quốc tịch Áo – nhưng không thành công. Bản án được thi hành ngày 1 tháng 4 năm 1924. Không đầy 9 tháng sau, vào ngày 20 tháng 12, Hitler được trả tự do, hoàn toàn có quyền tiếp tục cuộc tranh đấu để lật đổ nhà nước dân chủ. Nếu là người theo phe cực hữu thì bản án cho tội phản quốc không đến nỗi nặng dù luật quy định thế nào chăng nữa.

Quyển sách Mein Kampf

Mùa hè 1924 năm ấy, trong tòa pháo đài Landsberg xưa cũ được sử dụng làm nhà tù nhìn xuống dòng sông Lech, Adolf Hitler, tội nhân nhưng được đối xử như là khách danh dự, với một căn phòng cho riêng mình và cảnh quan tuyệt vời bên ngoài, gọi Rudolf Hess đến đề bắt đầu đọc cho anh ta ghi lại từ chương này qua chương kia của một quyển sách có tựa đề Mein Kampf (Cuộc Tranh đấu của tôi).

Có lẽ nếu không xảy vụ bạo loạn, Hitler đã không có thời giờ viết nên quyển Mein Kampf vì bận lo phát triển Đảng Quốc xã, tranh đấu với các phe phái... Và dù có viết ra, với tư cách vô danh của tác giả, quyển sách cũng không được ai để ý đến.

Nhưng vụ bạo loạn đã tạo cho Hitler một thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, phân tích và đặt ra những kế hoạch kinh thiên động địa cho tương lai. Tuy thế, với cách lý luận rườm rà lê thê, quyển sách bị nhiều người cho là khó đọc, không lấy gì làm hấp dẫn.

Nhưng nếu có nhiều người Đức không thiên Quốc xã đọc quyển Mein Kampf trước năm 1933 và nếu các chính khách trên thế giới đọc cẩn thận quyển sách trong khi còn có thời giờ, thì cả nước Đức và thế giới hẳn đã có thể tránh khỏi thảm họa. Bởi vì, tuy người ta có thể kết tội Adolf Hitler về việc gì khác, không ai có thể lên án ông ta đã không viết ra trên giấy trắng mực đen chính xác mô hình nước Đức mà ông ta định tạo dựng nếu ông ta lên nắm chính quyền, cũng như mô hình thế giới mà ông ta muốn thay đổi bằng vũ lực. Cả nền tảng của Đế quốc thứ Ba và thứ Trật tự Mới tàn bạo mà Hitler đã áp đặt lên châu Âu trong những năm chiến thắng 1939-1945 được ghi rõ ràng trong quyển sách này.

Kết quả lâu dài

Cuộc bạo loạn tuy bị thất bại nhưng giúp cho Hitler được nổi danh cả nước, và trong con mắt nhiều người, đó là người yêu nước và nhà anh hùng. Chẳng bao lâu, bộ máy tuyên truyền của Đảng Quốc xã đã biến vụ việc thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất. Mỗi năm, ngay khi Hitler đã nắm chính quyền, ngay lúc Thế chiến thứ hai đang tàn phá, Hitler đều trở về nhà hàng bia ấy ở München đúng vào ngày 8 tháng 11 để ban huấn từ cho đảng viên.

Năm 1935, Hitler, lúc này là Thủ tướng, ra lệnh khai quật thi hài của 16 đảng viên Quốc xã ngã xuống trong cuộc bạo loạn và đặt trong tòa lăng mộ Feldherrnhalle. Khi khánh thành lăng mộ, Hitler tuyên bố: "Họ đã đi vào cõi vĩnh hằng của nước Đức. Nơi đây, họ hiện thân cho nước Đức và che chở cho nhân dân ta. Nơi đây, họ nằm xuống như là những nhân chứng đích thực cho phong trào của chúng ta." Ông ta không nói thêm, và dường như không có người Đức nào còn nhớ, rằng họ chính là những người mà Hitler đã bỏ mặc cho chết khi ông ta bỏ chạy.

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ SA (viết tắt từ tên Đức: Sturmabteilung), là đội quân riêng của Đảng Quốc xã, vì mặc đồng phục màu nâu nên còn được gọi là "Quân áo nâu", khác với lực lượng SS là "Quân áo đen."
  2. ^ Erich Ludendorff lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, trên thực tế là nhân vật số 2 của quân đội Đức.
  3. ^ Tội đồ Tháng Mười một là cụm từ mà Đảng Quốc xã khai thác để lên án những kẻ (chủ yếu là chính quyền dân sự và phe Mác-xít) bị gán tội phản quốc ở hậu phương. Theo quan điểm này, không phải Quân đội Đức bị chiến bại trong Thế chiến, mà bị đâm sau lưng, dẫn đến việc Đức phải ký hiệp định đình chiến ngày 11 tháng 11 năm 1918. Tư tưởng này xuất phát từ một số tướng lĩnh danh tiếng như Thống chế Paul von Hindenburg và Ludendorff rồi phổ biến rộng rãi trong nhiều tầng lớp người Đức, qua đó xuất hiện cụm từ "Truyền thuyết đâm sau lưng" ([Dolchstoßlegende] lỗi: {{lang-xx}}: văn bản có thẻ đánh dấu in xiên (trợ giúp)).
  4. ^ Hans von Seeckt là người thành lập và chỉ huy một lực lượng bí mật 100.000 người để tránh sự hạn chế của Hòa ước Versailles.

Tham khảo

  • The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany của William L. Shirer, Nhà xuất bản Simon & Schuster, Inc. (1960).