Cồn Hô

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cồn Hô hay cồn Cá Hô[1] là một cồn giữa sông Cổ Chiên, thuộc ấp Mỹ Hiệp A,[2]Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.[3] Cồn cách thành phố Trà Vinh khoảng 20 km,[4] nằm ở khu vực tiếp giáp 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.[5] Cồn có diện tích 25 ha (0,25 km2).[6]

Tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Cồn Hô được đặt theo tên của loài cá hô.

Tên của cồn xuất phát từ hình dạng của cồn giống một con cá hô đang bơi hướng ra biển, nên được người dân địa phương gọi là cồn Hô. Một lý giải khác, ngày trước có một con cá hô rất lớn, chết và xác trôi dạt đến cồn, người dân địa phương chôn cất và lấy tên loài cá đặt tên cho cồn.[3]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử khai khẩn cồn chỉ khoảng 100 năm, ban đầu người dân chủ yếu đánh bắt cá quanh cồn.[7] Vào khoảng thập niên 1940, người dân lên cồn khai hoang để trồng trọt.[8]

Vào tháng 10 năm 2020, lần đầu tiên, hoạt động khai thác dịch vụ du lịch trên cồn được triển khai.[4] Ngày 2 tháng 4 năm 2021, chính quyền huyện Càng Long đã thảo luận cùng tổ chuyên gia thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) bàn về kế hoạch "Nghiên cứu phát triển du lịch Cồn Hô, Huyện Càng Long, Tỉnh Trà Vinh". Định hướng phát triển du lịch đi đến cồn từ năm 2030 đến năm 2050.[9] Năm 2022, cồn được ước tính đã đón 1.500 đến 2.000 khách du lịch, trong đó hơn một nửa là du khách nước ngoài.[8]

Năm 2023, các tác giả Nguyễn Văn Chất, Tạ Duy Linh, Dương Đức Minh đã xuất bản Du lịch tự thân Cồn Hô, tỉnh Trà Vinh - cách tiếp cận mới trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Việt Nam, là tài liệu nghiên cứu đáng kể về cồn Hô.[10] Đầu năm 2024, cồn Hô có một tuyến đường bằng thảm xơ dừa dài 1,2 km hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường được tài trợ bởi một công ty du lịch lữ hành.[2] Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn lựa 4 “Ðiểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” trong đó có Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô (Trà Vinh).[11]

Nhân khẩu[sửa | sửa mã nguồn]

85% đất canh tác trồng bưởi da xanh.

Các hộ gia đình sinh sống trên cồn gồm dân cư 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.[5] Vào năm 2020, có 24 hộ dân canh tác trên cồn nhưng chỉ có 14 hộ là sinh sống tại đây, 10 hộ dân khác sống trong bờ, họ vượt sông qua cồn để canh tác và trở về vào cuối ngày.[12] Vào năm 2023, dân số là 23 hộ.[1] Thống kê đầu năm 2024, dân số gồm 21 hộ với 66 người.[6]

Tự nhiên và đời sống[sửa | sửa mã nguồn]

Cồn hình thành từ sự bồi lắng phù sa trong khoảng 300 năm.[3] Ban đầu thực vật trên cồn chỉ toàn dừa nước,[3] bần.[7] Người dân địa phương lên cồn sinh sống đã khai khẩn đất đai thành các vườn cây ăn quả. Họ đã củng cố bờ đê quanh cồn. Người dân canh tác các loại cây ăn quả: ổi, cam, bưởi, chuối sáp,[5] dừa.[12] 85% diện tích cồn trồng bưởi,[1][7] phổ biến nhất là bưởi da xanh.[4] Việc đi lại với đất liền thông qua các tuyến ghe, tàu qua sông.[5] Đời sống không có nước máy,[2] không đèn điện, chỉ dùng đèn dầu.[13]

Từ tháng 10 năm 2020,[4] dân địa phương khai thác du lịch sinh thái theo mô hình tự thân vận động. Du lịch tại chỗ phục vụ ẩm thực, tham quan miệt vườn cây ăn quả,[5][3] câu cá, ngâm chân thảo dược,...[4] Cho đến 2023, cồn Hô đã đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch.[1] Trong 21 hộ dân thì có 8 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch.[6]

Khu vực cồn Hô thường xuyên bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở, diện tích của cồn đã từng rộng gần 30 ha nhưng do sạt lở nên chỉ còn 25 ha.[14] Phần mất nhiều nhất là khu vực đầu cồn, đất sạt lở tụt xuống sông. Chính quyền và người dân đã gia cố một bờ kè bằng cọc tràm và rọ đá.[15] Bên cạnh đó, đời sống người dân cũng thường xuyên biến động và khó khăn bởi tình trạng nông nghiệp được mùa, mất giá, cũng như nhiều thời điểm du lịch vắng khách.[16]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d Quốc Thái (ngày 28 tháng 11 năm 2023). “Độc đáo "tour đèn dầu" trên Cồn Hô”. báo Phụ nữ Tp. HCM. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  2. ^ a b c Phượng Khánh (ngày 1 tháng 2 năm 2024). “Trải thảm toàn bộ tuyến đường Cồn Hô đón khách du lịch dịp Tết”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  3. ^ a b c d e Tùng Sơn, Thanh Long (ngày 3 tháng 9 năm 2022). “Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang”. báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  4. ^ a b c d e Ái Lam (ngày 19 tháng 11 năm 2022). “Mộc mạc cồn Hô, Trà Vinh”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  5. ^ a b c d e Trường Nguyên (ngày 1 tháng 9 năm 2022). “Cồn Hô - Điểm du lịch sinh thái tự thân cộng đồng”. báo Trà Vinh. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  6. ^ a b c Huỳnh Biển (ngày 25 tháng 3 năm 2024). “Miệt cồn Trà Vinh có gì hấp dẫn mà du khách trong và ngoài nước rủ nhau đến khám phá trải nghiệm?”. báo Xây dựng. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  7. ^ a b c Sốc Kha (ngày 5 tháng 2 năm 2024). “Trải nghiệm Cồn Hô: Du lịch "tự thân". báo Trà Vinh. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  8. ^ a b theo HNM (ngày 23 tháng 12 năm 2022). “Trải nghiệm nhịp sống miền Tây ở Trà Vinh”. báo Điện Biên Phủ. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam. “KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG CÙNG CỒN HÔ, HUYỆN CÀNG LONG, TỈNH TRÀ VINH”. Bộ kế hoạch và đầu tư, Cục đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  10. ^ Nguyễn Văn Chất, Tạ Duy Linh, Dương Đức Minh (2023). “Du lịch tự thân Cồn Hô, tỉnh Trà Vinh - cách tiếp cận mới trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Việt Nam”. sti.vista.gov.vn. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  11. ^ “4 "Ðiểm du lịch tiêu biểu BÐSCL năm 2024". Cổng thông tin điện tử Thành phố Cần Thơ. ngày 26 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  12. ^ a b Các Ngọc (ngày 20 tháng 11 năm 2020). “Thú vị cồn Hô”. báo Người lao động. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  13. ^ Lê Thanh Lượng (ngày 10 tháng 1 năm 2022). “Cồn Hô, "viên ngọc thô" đậm chất Nam bộ”. báo Sài Gòn Tiếp Thị. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  14. ^ Hồ Giang (ngày 11 tháng 4 năm 2024). “Trà Vinh: Khảo sát tình trạng triều cường dâng cao và sạt lở đất”. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  15. ^ N Q Chinh (ngày 30 tháng 3 năm 2022). “Cảnh báo tình trạng sạt lở đất tại khu vực đầu cồn Hô xã Đức Mỹ, huyện Càng Long”. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  16. ^ Hoàng Mẫn (ngày 16 tháng 7 năm 2020). “Khám phá nét hoang sơ Cồn Hô”. báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]