Bầu cử Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam năm 2024

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bầu cử Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam năm 2024

← 2023 20 – 22 tháng 5 năm 2024 2026 →
 
Đề cử Chủ tịch nước
Tô Lâm
Chủ tịch Quốc hội
Trần Thanh Mẫn
Đảng Đảng Cộng sản Đảng Cộng sản
Phiếu đại cử tri 472 475
Tỉ lệ 99,79% 100%

Chủ tịch nước
Chủ tịch Quốc hội
trước bầu cử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch nước
Chủ tịch Quốc hội
sau bầu cử

  • Chủ tịch nước: Tô Lâm
  • Chủ tịch Quốc hội: Trần Thanh Mẫn

Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau khi Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước vào ngày 20 tháng 3 và Vương Đình Huệ từ chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 26 tháng 4 năm 2024, Việt Nam tiếp tục bị trống hai vị trí lãnh đạo trong thời gian dài. Đến giữa cuối tháng 5, kỳ họp thường kỳ thứ 7 của Quốc hội Việt Nam khóa XV được diễn ra với giai đoạn đầu nhằm kiện toàn các chức danh đang còn trống. Cuộc bầu cử cũng được diễn ra trong bối cảnh được cho là "thay đổi thế hệ" trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sắp được diễn ra vào năm 2026. Do là chế độ đơn đảng, trước khi bầu cử, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã giới thiệu Tô Lâm cho chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt NamTrần Thanh Mẫn cho chức danh Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình bầu cử Chủ tịch Quốc hội được diễn ra trong ngày 20 tháng 5 năm 2024 và bầu cử Chủ tịch nước được diễn ra vào ngày 21 – 22 tháng 5 năm 2024.

Đến cuối phiên họp thường kỳ ngày 21 tháng 5 của Quốc hội khóa 15, với 475/475 phiếu tín nhiệm, chiếm tỉ lệ 100% tổng số đại biểu tham gia bầu cử, Trần Thanh Mẫn chính thức được bầu trở thành Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thứ 13. Trong phiên họp sáng ngày 22 tháng 5, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước cho Tô Lâm với 472/473 số phiếu từ các đại biểu có mặt, chiếm tỉ lệ 99,79%. Sau khi nhậm chức, Tô Lâm đã trở thành Đại tướng thứ ba và là Đại tướng Công an nhân dân thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước. Ông cùng với Trần Thanh Mẫn được nhiều cơ quan truyền thông phương Tây đánh giá là có khả năng trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, cũng có đánh giá cho rằng, việc ông Lâm trở thành Chủ tịch nước có thể sẽ làm rõ nét hơn về nhà nước cảnh sát.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Hàng loạt cán bộ cấp cao từ chức[sửa | sửa mã nguồn]

Bắt đầu vào ngày 20 tháng 3 năm 2024, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định cho phép Võ Văn Thưởng, người giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương ĐảngChủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nhiệm do phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu", "vi phạm về quy định những điều đảng viên không được làm" và một số lý do khác.[1][2] Tuy nhiên, trong các báo cáo không đề cập đến các hành vi sai trái của ông.[3] Theo một số cơ quan truyền thông phương Tây, các sai phạm của ông có thể liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn trong thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.[4][5] Không lâu sau đó, vào ngày 26 tháng 4 năm 2024, truyền thông nhà nước Việt Nam tiếp tục thông báo quyết định cho phép Vương Đình Huệ, người giữ chức Ủy viên Bộ Chính trịChủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nhiệm.[6] Ông trở thành "trụ" thứ ba trong số tứ trụ của Việt Nam từ chức trong vòng một nhiệm kỳ sau Nguyễn Xuân PhúcVõ Văn Thưởng. Đồng thời, cũng là người thứ 5 thôi chức khỏi vị trí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13.[7] Ông từ chức với lý do vi phạm "Quy định những điều Đảng viên không được làm", "Quy định về trách nhiệm nêu gương của các bộ, đảng viên" và "Chịu trách nhiệm người đứng đầu".[6] Thông tin ông từ chức được đưa ra vài ngày sau khi Phạm Thái Hà – trợ lý của ông bị bắt giữ do các sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An. Việc miễn nhiệm ông đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 2 tháng 5 năm 2024.[8] Sau đó không lâu, một cán bộ cấp cao khác là Trương Thị Mai cũng bị cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng.[9]

Trước đó, trong chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã khiến nhiều cán bộ cấp cao cũng đã phải rời khỏi vị trí của mình như Nguyễn Xuân Phúc từ chức do phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu", Chu Ngọc Anh bị xét xử 3 năm tù giam, Nguyễn Thanh Long bị xét xử 18 năm tù giam... do những sai phạm liên quan đến Việt Á.[10] Sự từ chức của nhiều cán bộ cấp cao được diễn ra trong giai đoạn chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nằm trong giai đoạn được cho là đẩy mạnh nhất.[11] Sau ông Trọng, Tô Lâm được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng trong chiến dịch khi góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam khi đưa quốc gia này lên vị trí 83 về chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm 2023, khi còn nằm ở vị trí 113 vào năm 2016.[12] Ngoài ông Trọng, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng Tô Lâm chính là người nhắm vào các sai phạm của các chính trị gia cấp cao.[13] Ông thậm chí còn được xem như trợ lý thân cận của ông Trọng.[14] Tuy nhiên, cũng có nhiều cáo buộc cho rằng chiến dịch này đang được sử dụng cho mục đích chính trị nhằm tranh giành quyền lực nội bộ trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sắp diễn ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu phủ nhận cáo buộc này.[11]

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Phú Trọng năm 2023.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Vào năm 2021, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.[15] Ông là 1 trong 10 trường hợp "đặc biệt" đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[16] Vào năm 2024, ở độ tuổi 79, sức khỏe của ông Trọng được cho là suy giảm. Hồi ngày 14 tháng 4 năm 2019, khi ông Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ hai cũng được cho là bị đột quỵ khi đang công tác tại Kiên Giang. Trong nhiều lần công khai sức khỏe với báo chí, ông Trọng cũng khẳng định bản thân mình "không khỏe lắm".[17] Trước khi bế mạc Đại hội lần thứ 13, ông Trọng cũng có phát biểu về tình hình sức khỏe của mình, "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".[18] Theo truyền thông phương Tây, vì ảnh hưởng sức khỏe và ở giai đoạn tuổi tác cao, nhiều khả năng cao ông không thể tiếp tục nhiệm kỳ mới với vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, nhiều đối thủ bắt đầu chen chân hạ bệ nhau để tranh giành quyền lực và kế nhiệm ông Trọng.[19][20]

Diễn biến[sửa | sửa mã nguồn]

Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu công tác nhân sự[sửa | sửa mã nguồn]

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 2024, sau một phiên họp tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thống nhất giới thiệu Đại tướng Tô Lâm giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội.[21] Việc ông Lâm được lựa chọn giữ chức vụ Chủ tịch nước được cho là đã được Trung ương Đảng Việt Nam quyết định từ đầu tuần trước đó, trước khi thông tin này được công bố chính thức trên báo chí. Theo chính phủ Việt Nam, cả hai đã nhận được "sự ủng hộ rộng rãi" từ Trung ương.[22] Đây là phiên họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị Trung ương khóa XIII lần thứ 9 được thông qua.[23] Việc giới thiệu công tác nhân sự được diễn ra vài ngày sau khi Bộ Chính trị Việt Nam bổ sung thêm 4 Ủy viên Bộ Chính trị bao gồm Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh HoàiĐỗ Văn Chiến.[24]

Theo Bùi Văn Cường – Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việc Đảng giới thiệu cán bộ cho Quốc hội bầu cử ở các vị trí các cơ quan Nhà nước được xem là "một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng".[25] Đồng thời, trong trường hợp Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước, ông vẫn được cho là sẽ kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an cho đến hết nhiệm kì.[25][26] Tuy nhiên, lịch sử chính trị Việt Nam sau năm 1976 chưa có Chủ tịch nước nào kiêm nhiệm chức danh Bộ trưởng, bởi vì Chủ tịch nước là một chức danh nguyên thủ quốc gia, còn Thủ tướng Chính phủngười đứng đầu chính phủ.[27] Thủ tướng Chính phủ không có phạm vi và quyền hạn trên nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước.[28] Dù vậy, theo quy định của Hiến phápĐiều lệ Đảng không có quy định Chủ tịch nước không thể kiêm nhiệm một chức vụ trong Chính phủ Việt Nam.[29][30] Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 21 tháng 5, theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quốc hội Việt Nam đã quyết định bổ sung việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Lâm.[31][32]

Bầu cử[sửa | sửa mã nguồn]

Bầu cử Chủ tịch Quốc hội[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.
Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội.

Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thường kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng ngày 20 tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách các ứng cử viên cho Quốc hội để bầu Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, các đoàn được cho phép thảo luận về danh sách đề cử. Đầu phiên họp buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và tiếp thu ý kiến trở lại từ các đại biểu quốc hội sau khi thảo luận tại đoàn. Sau khi thảo luận, Ban kiểm phiếu bầu cử được Quốc hội thành lập. Quá trình bầu cử Chủ tịch Quốc hội được diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.[33] Với 475 phiếu bầu từ các đại biểu quốc hội có mặt (chiếm tỉ lệ 100%), Trần Thanh Mẫn chính thức được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[34] Ngay sau đó, buổi tuyên thệ nhậm chức của ông cũng được diễn ra trong tòa nhà Quốc hội. Cụ thể, lời tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".[35][36] Việc tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội cũng là bắt buộc khi được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội cũng đã được thông qua trước khi ông Mẫn tuyên thệ nhậm chức.[36]

Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông cho biết bản thân mình cảm thấy vui mừng khi được tín nhiệm. Trong diễn văn, ông Mẫn cho biết bản thân rất biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang... và lời cảm ơn đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng người dân trong và ngoài nước. Sau những lời bày tỏ và cảm ơn, ông khẳng định sẽ giữ vững độc lập dân tộcchủ nghĩa xã hội cùng sự vận dụng và phát triển từ chủ nghĩa Marx–Lenin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh.[36] Đến sáng ngày 22 tháng 5, ông Mẫn được phê duyệt giữ chức Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh với 463/463 đại biểu quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 100% (95,07% đối với tổng số đại biểu quốc hội).[37]

Bầu cử Chủ tịch nước[sửa | sửa mã nguồn]

Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước.
Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước.

Trước đó, theo Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam Bùi Văn Cường, trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ không miễn nhiệm chức vụ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong trường hợp ông được bầu làm Chủ tịch nước.[25] Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 21 – ngày họp thứ hai của kỳ họp thường kỳ thứ 7, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức bỏ phiếu sau khi có đơn trình yêu cầu từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ sung quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an đối với Tô Lâm trong chương trình của kỳ họp. Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua với 468/469 đại biểu quốc hội tán thành, chiếm 96,1% tổng số đại biểu tham gia bỏ phiếu. Quy trình miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông Lâm được công bố thực hiện đồng thời với nội dung bầu cử Chủ tịch nước.[31][32] Như vậy, quyết định miễn nhiệm Tô Lâm khỏi chức vụ Bộ trưởng không nằm trong chương trình ban đầu của kỳ họp thường kỳ thứ 7 của quốc hội Việt Nam.[38] Vào cuối giờ chiều ngày thứ hai của kỳ họp thường kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình danh sách các ứng cử đến Quốc hội để các đại biểu quốc hội bầu Chủ tịch nước, sau khi danh sách được trình, các đại biểu quốc hội được cho là sẽ tiến hành thảo luận tại Đoàn về các ứng cử viên.[39][40] Theo danh sách, Tô Lâm là ứng cử viên duy nhất tham gia bầu cử. Đầu phiên họp sáng ngày 22 tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu nhận giải trình, tiếp thu ý kiến từ các đại biểu quốc hội sau khi được thảo luận tại Đoàn. Đồng thời ngay sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu cử Chủ tịch nước thông qua hình thức bỏ phiếu kín.[40] Với 472/473 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 99,79% số phiếu, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết bầu Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021–2026. Vào lúc 9 giờ 2 phút, theo giờ Việt Nam, nghi thức tuyên thệ của ông chính thức được bắt đầu và được truyền hình lẫn phát thanh trực tiếp. Khi tuyên thệ, ông Lâm mặc vest cùng cà vạt đỏ. Cụ thể lời tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".[41][42] Đồng thời, ông cũng chính thức bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an như phê duyệt trước đó sau khi giữ chức Chủ tịch nước.[43][44] Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao quyền điều hành Bộ Công an cho Thượng tướng Trần Quốc Tỏ.[45]

Đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân...

– Chủ tịch nước Tô Lâm[46]

Sau khi nhậm chức, Tô Lâm đã có bài phát biểu chung trước Quốc hội Việt Nam. Đầu tiên, ông đã gửi lời cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người đã tín nhiệm cho ông. Ông cho biết, bản thân mình sẽ "dốc toàn bộ tâm sức, trí lực" nhằm để "phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân". Ông cũng đã nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu của mình như một "lãnh tụ thiên tài". Đồng thời, ông cũng cam kết thực hiện nghiêm túc quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch nước với tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Ngoài ra, ông cũng khẳng định phấn đấu đưa Việt Nam thành "nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong bài phát biểu, ông đã tuyên bố sẽ "vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx–Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối đổi mới của Đảng" và cam kết thực hiện nhà nước "của dân, do dân, vì dân". Việc "đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" cũng được ông khẳng định trong cương vị của Chủ tịch nước, đồng thời cam kết "ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, 'tự chuyển biến', 'tự chuyển hóa'". Về chính sách đối ngoại, ông Lâm tuyên bố sẽ vẫn "đa phương hóa, đa dạng hóa" các mối quan hệ ngoại giao theo chính sách ngoại giao cây tre.[46][47] Khi nhậm chức, ông Lâm trở thành Chủ tịch nước thứ ba tại Việt Nam mang hàm Đại tướng và là người thứ hai mang hàm Đại tướng Công an nhân dân.[a]

Kết quả bầu cử[sửa | sửa mã nguồn]

Kết quả Bầu cử Chủ tịch Quốc hội
Ứng cử viênĐảngPhiếu bầu%
Trần Thanh MẫnĐảng Cộng sản Việt Nam475100.00
Tổng cộng475100.00
Phiếu bầu hợp lệ475100.00
Phiếu bầu không hợp lệ/trống00.00
Tổng cộng phiếu bầu475100.00
Cử tri phiếu bầu đã đăng ký48797.54
Nguồn: [34]
Kết quả Bầu cử Chủ tịch nước
Ứng cử viênĐảngPhiếu bầu%
Tô LâmĐảng Cộng sản Việt Nam472100.00
Tổng cộng472100.00
Phiếu bầu hợp lệ47299.79
Phiếu bầu không hợp lệ/trống10.21
Tổng cộng phiếu bầu473100.00
Cử tri phiếu bầu đã đăng ký48797.13
Nguồn: [41][42]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Trong nước[sửa | sửa mã nguồn]

Đăng tải trên báo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng được cho là đã chúc mừng khi Trung ương Đảng thống nhất quyết định giới thiệu ông Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước và Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội.[48] Sau cuộc bầu cử, báo Tri thức và Cuộc sống đã dẫn lời Phạm Văn Hòa – Đại biểu quốc hội đoàn Đồng Tháp, ông cho biết, bản thân và cử tri địa phương đã rất mong đợi về cuộc bầu cử. Ông cho biết, mình tin tưởng và kỳ vọng vào Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn trong các vai trò mới. Trong khi đó, Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, cả hai người vừa được bầu đều có năng lực và kinh nghiệm quản lý, ông khẳng định, "Với khả năng, năng lực, kinh nghiệm... của mình, tôi mong và tin rằng, các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó".[49] Chia sẻ trên báo Chính phủ, nhà báo Đức Tuân cho rằng nội dung phát biểu của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gây ấn tượng sâu sắc cho nhiều cử tri cùng người dân Việt Nam. Nhà báo này phân tích, cụm từ "Nhân dân" được cho là đã xuất hiện hơn cả chục lần cho thấy chính sách của các nhà lãnh đạo khi lấy nhân dân là chủ thể trong quá trình lãnh đạo của mình.[50] Trả lời trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một cử tri đã cho rằng ông Lâm khi đã "đặt tay lên cuốn hiến pháp và tuyên thệ sẽ thực sự đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu".[51]

Quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Trước cuộc bầu cử[sửa | sửa mã nguồn]

Theo hãng thông tấn Reuters, việc Tô Lâm được bổ nhiệm trở thành Chủ tịch nước là một trong các bước khả thi để đưa ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thay ông Nguyễn Phú Trọng.[26] Cũng theo hãng thông tấn, việc bầu cử các chức vụ này tại Việt Nam phần lớn như một bước thủ tục.[52] South China Morning Post cũng có bình luận tương tự khi cho rằng vị trí Chủ tịch nước chính là bước đệm của ông Lâm. Nhiều ý kiến phân tích từ Hoa Kỳ cho rằng, nước này sẽ có thể lấy lại những thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây nếu như những người bảo thủ ít quan tâm lợi ích của nước này lên nắm quyền trước hoặc trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14.[53] Trả lời trên BBC News, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore cho rằng Hiến pháp Việt Nam không cho phép việc vừa là Chủ tịch nước lại đi kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an như Tô Lâm. Cụ thể, trong khi Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an là thành viên của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Việc này được cho là sẽ gây ra xung đột thẩm quyền và không tập trung dân chủ của Việt Nam. Trong trường hợp này, ông Lâm có thể miễn nhiệm chức vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tư cách là nguyên thủ quốc gia nhưng ông Phạm Minh Chính cũng có quyền miễn nhiệm ông ở chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Một số ý kiến khác lại cho rằng, Hiến pháp Việt Nam cũng không cấm cụ thể việc Chủ tịch nước có quyền kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng khác. Trước đây, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng đã từng có thời gian kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.[27] Nhiều tờ báo cũng đã nhắc lại bê bối ăn bít tết vàng vào năm 2021 khi nhắc đến Tô Lâm.[54]

Tuy nhiên, sau đó Quốc hội Việt Nam lại ra thông báo về việc sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ Công an của ông Lâm, BBC News cho rằng đó là do Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp khó về công tác nhân sự hoặc sự bất đồng trong nhóm lãnh đạo cấp cao.[55] Đài Á Châu Tự Do lại cho rằng, chính trị Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều bất ổn thông qua việc thay đổi từ không miễn nhiệm sang miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an của ông Lâm ở thời điểm cận kề. Ngoài ra, đài phát thanh này cũng cho rằng, việc "đấu đá nội bộ" sẽ vẫn còn khi Phạm Minh Chính và Tô Lâm đều xuất thân từ công an.[56]

Sau cuộc bầu cử[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi kiện toàn hai chức danh, Reuters cho biết Việt Nam đã tạm thời chấm dứt các bất ổn chính trị sau hai tháng. Carl Thayer – giáo sư danh dự và là chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Lực lượng Quốc phòng ÚcCanberra, cho rằng, các cuộc đấu tranh chính trị sẽ tạm thời giảm bớt sau khi ông Lâm được bầu cử. Tương tự Florian Feyerabend – đại diện Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer của Đức cho rằng, "Việc ông được thăng chức Chủ tịch nước, rõ ràng là Tô Lâm còn có nhiều tham vọng hơn là nghỉ hưu, đây cũng là bệ phóng để ông giành lấy chức Tổng Bí thư".[57] Theo BBC News, khi Tô Lâm lên nắm quyền sẽ càng cho thấy rõ nét về một nhà nước cảnh sát.[58] Chỉ trong vòng một nhiệm kỳ, chưa đầy 18 tháng, Việt Nam đã phải thay đổi liên tục đến ba Chủ tịch nước. Theo The New York Times, việc ông Mẫn và ông Lâm được lọt vào tứ trụ[b] sẽ có thể giúp hai người tham gia tranh cử giành lấy vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ kế tiếp. Tuy nhiên, thời báo này cũng cho rằng khả năng ông Lâm sẽ chiến thắng cao hơn ông Mẫn do ông đóng vai trò một phần trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng do ông Trọng khởi xướng. Đặc biệt là sự góp mặt của ông trong việc bắt giữ một quan chức Việt Nam từ Berlin gây chú ý toàn cầu vào năm 2017.[60] Ở mặt khác, Al Jazeera dẫn lời Zachary Abuza – Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng khi không còn giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Lâm sẽ "có thể ở thế yếu hơn để hạ bệ Phạm Minh Chính".[61]

Trong khi đó, Bloomberg News được cho là đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của ông Lâm. Tuy nhiên, hãng thông tấn này cho rằng, việc bầu cử ông giữ chức Chủ tịch nước cũng không thể làm thay đổi chính sách kinh tế hay đối ngoại của nước này vốn do Bộ Chính trịBan Chấp hành Trung ương quyết định.[12] Trên một bài viết của hãng thông tấn Associated Press, trích nhận định từ nhà sáng lập Dự án 88[c] việc Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước có thể sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn trong việc đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận.[13] Tương tự, Đài Á Châu Tự DoAl Jazeera cũng đưa ra quan ngại khi ông Lâm nhậm chức.[61][63]

Phản ứng[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Trần Thanh Mẫn nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia kiêm Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế,[64] Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Esteban Lazo Hernández, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar[65]Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla đã gửi điện chúc mừng đến ông Mẫn.[66] Riêng Mông Cổ đã gửi thư mời ông Mẫn sang thăm nước này nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.[64] Tương tự, ngày 22 tháng 5, ngay sau khi Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam, Lào, CampuchiaTrung Quốc cũng đã lần lượt gửi điện chúc mừng đến ông. Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith đã bày tỏ sự "phấn khởi" và đánh giá cao sự tin tưởng của "Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam" dành cho ông Lâm.[67] Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình cũng đã gửi công điện chúc mừng, Tập được cho là đã "vui mừng" khi ông Lâm giữ chức Chủ tịch nước.[68] Cùng ngày, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni cũng đã gửi điện chúc mừng đến Việt Nam và hy vọng dưới chính quyền của ông, Việt Nam và Campuchia sẽ "càng gắn bó gần gũi".[67] Tại La Havana, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel cũng đã gửi thư chúc mừng Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước.[69]

Ngoài ra còn có Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin KhürelsükhTổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow cũng đã gửi thư chúc mừng ông Lâm được bầu giữ chức vụ mới.[64][70] Vào ngày 23 tháng 5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong cuộc điện đàm với Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, đã gửi lời chúc mừng đến ông Lâm sau khi ông được bầu giữ chức Chủ tịch nước. Guterres cũng bày tỏ về khả năng thăm Việt Nam và gặp gỡ Tô Lâm.[71] Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Toàn quyền Canada Mary Simon, Quốc vương Nhà nước Kuwait Mishal Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Cộng hòa Bolivariana Venezuela Nicolás Maduro, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Phó Quốc vương Qatar Abdullah Bin Hamad Al-Thani, Tổng thống Cộng hòa Nicaragua Daniel Ortega SaavedraPhó Tổng thống Cộng hòa Nicaragua Rosario Murillo, v.v.. những ngày sau đó cũng đã lần lượt gửi thư chúc mừng đến ông Lâm và ông Mẫn.[66][72][73]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Người đầu tiên mang hàm Đại tướng Quân đội nhân dânLê Đức Anh (1992–1997), người thứ hai là Đại tướng Công an nhân dân Trần Đại Quang (2016–2018).
  2. ^ Thuật ngữ ám chỉ 4 vị trí lãnh đạo quan trọng nhất tại Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt NamThủ tướng Chính phủ.[59]
  3. ^ Một tổ chức xã hội thúc đẩy và vận động nhân quyền ở Việt Nam tại Hoa Kỳ.[62]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Anh Văn (20 tháng 3 năm 2024). “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ”. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
  2. ^ Lê Hiệp (20 tháng 3 năm 2024). “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi chức”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ “Việt Nam: Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức”. Đài phát thanh quốc tế Pháp. 20 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
  4. ^ Sui-Lee Wee (20 tháng 3 năm 2024). “Vietnam's President Resigns Over Communist Party Breaches, State Media Says” [Chủ tịch nước Việt Nam từ chức vì vi phạm điều lệ Đảng Cộng sản, theo truyền thông nhà nước]. The New York Times (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
  5. ^ “Vietnam's President Vo Van Thuong resigns amid anticorruption campaign” [Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức giữa chiến dịch chống tham nhũng]. Al Jazeera (bằng tiếng Anh). 30 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ a b Nguyễn Hoàng (26 tháng 4 năm 2024). “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  7. ^ “Giới quan sát: Vương Đình Huệ từ chức cho thấy dấu hiệu khủng hoảng chính trị thượng tầng”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. 27 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  8. ^ Thái Sơn (22 tháng 4 năm 2024). “Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.
  9. ^ “Đồng chí Trương Thị Mai thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 19 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  10. ^ “Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giữa tin đồn thay đổi nhân sự cấp cao”. BBC News Tiếng Việt. 19 tháng 3 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2024.
  11. ^ a b Khanh Vu; Francesco Guarascio (21 tháng 3 năm 2024). Nick Macfie; William Mallard; Neil Fullick (biên tập). “What's next for Vietnam after Vo Van Thuong resigns?” [Điều gì xảy ra tiếp theo tại Việt Nam sau khi Võ Văn Thưởng từ chức?]. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2024.
  12. ^ a b Nguyen Dieu Tu Uyen; Nguyen Xuan Quynh (21 tháng 5 năm 2024). “Vietnam Elects Police Minister as New President” [Việt Nam bầu Bộ trưởng Công an làm Chủ tịch nước mới]. Bloomberg News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  13. ^ a b David Rising (22 tháng 5 năm 2024). “Vietnam's top security official To Lam confirmed as president” [Quan chức an ninh hàng đầu của Việt Nam, Tô Lâm được xác nhận là Chủ tịch nước]. Associated Press (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  14. ^ “Vietnam public security minister To Lam elected as president” [Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước]. Kyodo News. 22 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  15. ^ Lê Hiệp (31 tháng 1 năm 2021). “Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư khóa XIII”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  16. ^ Lê Hiệp; Vũ Hân (31 tháng 1 năm 2021). “10 trường hợp "đặc biệt" trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  17. ^ “Sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được quan tâm, công an địa phương bất ngờ bác bỏ”. BBC News Tiếng Việt. 14 tháng 1 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  18. ^ Đà Trang; Viễn Sự; Tiến Long (1 tháng 2 năm 2021). “Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Tôi xin nghỉ nhưng Đại hội bầu, đảng viên phải chấp hành'. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ “Head of Vietnam's parliament resigns amid corruption probe” [Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì điều tra tham nhũng]. AP News (bằng tiếng Anh). 26 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  20. ^ Wee, Sui-Lee (26 tháng 4 năm 2024). “Resignation of Vietnam's Parliament Chief Stirs Fresh Political Chaos” [Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức sẽ gây ra sự hỗn loạn chính trị mới]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  21. ^ Trường Phong (18 tháng 5 năm 2024). “Trung ương giới thiệu Đại tướng Tô Lâm để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước”. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.
  22. ^ “Vietnam Communist Party names police minister as state president” [Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm Bộ trưởng Công an làm Chủ tịch nước]. The Japan Times (bằng tiếng Anh). 19 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  23. ^ “Trung ương giới thiệu bầu đồng chí: Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 19 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.
  24. ^ “Bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 18 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.
  25. ^ a b c Nguyễn Tùng (19 tháng 5 năm 2024). “Quốc hội chưa phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an”. Tạp chí Tri thức. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.
  26. ^ a b Phuong Nguyen; Khanh Vu; Francesco Guarascio (19 tháng 5 năm 2024). Giles Elgood; Lincoln Feast (biên tập). “Vietnam Communist party names police minister as state president” [Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ tịch nước]. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  27. ^ a b “Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an?”. BBC News Tiếng Việt. 19 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.
  28. ^ Minh An (2 tháng 3 năm 2023). “Chủ tịch nước có quyền hạn và nghĩa vụ như thế nào?”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  29. ^ Nguyễn Sinh Hùng (28 tháng 11 năm 2023). “Hiến pháp số /. của Quốc hội: Hiến pháp năm 2013”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  30. ^ “Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua)”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 20 tháng 9 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  31. ^ a b Lê Hiệp (21 tháng 5 năm 2024). “Sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  32. ^ a b Thu Trang (21 tháng 5 năm 2024). “Chiều 21/5: Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm”. Báo Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  33. ^ Lê Bảo (20 tháng 5 năm 2024). “Chiều nay, biểu quyết bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội”. Báo Sức khỏe & Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  34. ^ a b Phùng Đô (20 tháng 5 năm 2024). “Ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội”. Báo Giao thông. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  35. ^ Anh Phương (20 tháng 5 năm 2024). “Đồng chí Trần Thanh Mẫn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  36. ^ a b c “Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ, phát biểu nhậm chức”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 20 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  37. ^ VT (22 tháng 5 năm 2024). “Đồng chí Trần Thanh Mẫn giữ chức Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh”. Báo Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  38. ^ Khanh Vu (21 tháng 5 năm 2024). Martin Petty (biên tập). “Vietnam lawmakers clear way for top policeman to take presidency” [Các nhà lập pháp Việt Nam dọn đường cho người đứng đầu công an làm Chủ tịch nước]. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  39. ^ Mai Mai (21 tháng 5 năm 2024). “Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử bầu Chủ tịch nước”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  40. ^ a b “Sáng mai (22/5), Quốc hội bầu Chủ tịch nước”. Báo Chính phủ. 21 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  41. ^ a b Thành Chung (22 tháng 5 năm 2024). “Quốc hội bầu Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  42. ^ a b Hải Liên (22 tháng 5 năm 2024). “Đại tướng Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  43. ^ Văn Duẩn; Huy Thanh (22 tháng 5 năm 2024). “Tiến hành phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm”. Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  44. ^ Luân Dũng (22 tháng 5 năm 2024). “Chủ tịch nước Tô Lâm trình Quốc hội phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh”. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  45. ^ Nhóm PV (22 tháng 5 năm 2024). “Thượng tướng Trần Quốc Tỏ được giao quyền điều hành hoạt động của Bộ Công an”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  46. ^ a b Hải Liên (22 tháng 5 năm 2024). “Tân Chủ tịch nước Tô Lâm: Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến định”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  47. ^ “Nguyện dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân*”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (bằng tiếng Anh). 22 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  48. ^ CPV (19 tháng 5 năm 2024). “Party Central Committee nominates General To Lam as President, Vice National Assembly Chairman as top legislator” [Trung ương Đảng giới thiệu Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội làm lãnh đạo cơ quan lập pháp]. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  49. ^ Mai Loan (22 tháng 5 năm 2024). “Kỳ vọng lớn lao của ĐBQH với Chủ tịch nước Tô Lâm”. Báo Tri thức & Cuộc sống. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  50. ^ Đức Tuân (23 tháng 5 năm 2024). “Trách nhiệm cao, kỳ vọng lớn”. Báo Chính phủ. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2024.
  51. ^ Chân Luận; Lê Thoa (23 tháng 5 năm 2024). “Những cam kết của Đại tướng Tô Lâm, tân Chủ tịch nước trong lễ tuyên thệ”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2024.
  52. ^ Khanh Vu (20 tháng 5 năm 2024). Martin Petty (biên tập). “Vietnam parliament elects new speaker amid leadership reshuffle” [Quốc hội Việt Nam bầu Chủ tịch Quốc hội mới trong bối cảnh cải tổ lãnh đạo]. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  53. ^ SCMP Reporter (17 tháng 5 năm 2024). “Will Vietnam's anti-corruption drive usher in pro-China hardliners?” [Liệu nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam có tạo ra những thành viên theo đường lối cứng rắn thân Trung Quốc?]. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  54. ^ “Vietnamese Communist Party names top cop as state president” [Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm cảnh sát hàng đầu làm Chủ tịch nước]. The Straits Times (bằng tiếng Anh). 18 tháng 5 năm 2024. ISSN 0585-3923. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2024.
  55. ^ “Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ai sẽ thay?”. BBC News Tiếng Việt. 21 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  56. ^ “Miễn nhiệm chức Bộ trưởng công an của Đại tướng Tô Lâm phút 89?”. Đài Á Châu Tự Do. 21 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  57. ^ Khanh Vu; Francesco Guarascio (22 tháng 5 năm 2024). Martin Petty; Michael Perry (biên tập). “Vietnam appoints top policeman as country's new president” [Việt Nam bổ nhiệm cảnh sát hàng đầu làm tân Chủ tịch nước]. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  58. ^ “Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, hứa 'đoàn kết' trong ban lãnh đạo Đảng”. BBC News Tiếng Việt. 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  59. ^ "Tứ trụ" của Việt Nam là ai?”. Sputnik Việt Nam. 22 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  60. ^ Wee, Sui-Lee (22 tháng 5 năm 2024). “Power Struggle in Vietnam Brings Third President in Less Than 2 Years” [Tranh giành quyền lực ở Việt Nam với Chủ tịch nước thứ ba sau chưa đầy 2 năm]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  61. ^ a b “Vietnam's security chief To Lam becomes new president” [Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm trở thành tân Chủ tịch nước]. Al Jazeera (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  62. ^ Báo cáo giữa kỳ UPR gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc; Kỳ thứ ba (PDF). Hoa Kỳ: Dự án 88. 2021. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  63. ^ “Ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, giới hoạt động lo chính quyền sẽ gia tăng đàn áp”. Đài Á Châu Tự Do. 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  64. ^ a b c Trần Thường (23 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm”. VietNamNet. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2024.
  65. ^ TTXVN (21 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2024.
  66. ^ a b TTXVN (27 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn”. Báo Tin tức. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2024.
  67. ^ a b Hồ Điệp (22 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo các nước gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  68. ^ huaxia (22 tháng 5 năm 2024). “Xi extends congratulations to Vietnam's new president-Xinhua” [Tập gửi lời chúc mừng tân Chủ tịch nước Việt Nam]. Tân Hoa Xã. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  69. ^ “Presidente de Cuba felicita a par vietnamita tras elección” [Chủ tịch Cuba chúc mừng người bạn Việt Nam sau cuộc bầu cử]. Prensa Latina (bằng tiếng Tây Ban Nha). 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  70. ^ “Глава Туркмении поздравил То Лама с избранием на пост президента Вьетнама” [Người đứng đầu Turkmenistan chúc mừng Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam]. TACC (bằng tiếng Nga). 23 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2024.
  71. ^ Duy Linh (24 tháng 5 năm 2024). “Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chúc mừng và mong sớm gặp Chủ tịch nước Tô Lâm”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2024.
  72. ^ Dương Ngọc (24 tháng 5 năm 2024). “Chủ tịch Triều Tiên, Cuba... chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm”. Báo Người Lao Động. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2024.
  73. ^ Đậu Tiến Đạt (31 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2024.

Tư liệu[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nghị quyết Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021–2026 trên Hệ thống tư liệu – văn kiện Đảng của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Nghị quyết Quốc hội bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021–2026 trên Hệ thống tư liệu – văn kiện Đảng của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]