Dương Văn Ngộ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dương Văn Ngộ
Dương Văn Ngộ vào tháng 8 năm 2017 tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn
Sinh3 tháng 3 năm 1930
Sài Gòn, Liên bang Đông Dương
Mất1 tháng 8 năm 2023(2023-08-01) (93 tuổi)
Thành phố Hồ Chí Minh
Quốc tịch Việt Nam
Nổi tiếng vì
  • Gắn bó với nghề viết thư tay hơn 70 năm
  • Người viết thư tay thuê cuối cùng của Việt Nam
  • Người dịch và viết thư thuê lâu năm nhất ở Việt Nam
Con cái6 người[1]

Dương Văn Ngộ (3 tháng 3 năm 1930 – 1 tháng 8 năm 2023) là một nhân viên của Bưu điện trung tâm Sài Gòn. Với sự nghiệp kéo dài hơn 70 năm, ông đã chắp bút cho hàng nghìn bức thư gửi đi khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, ông còn được biết đến là người viết thư tay thuê cuối cùng của Việt Nam.

Tiểu sử và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Ông Dương Văn Ngộ, tháng 4 năm 2011
"Tôi nghĩ đây là cuộc sống của mình, chỉ có cái chết mới giúp tôi thôi nghĩ về nó."

– Dương Văn Ngô tâm sự về nghề của mình[2]

Dương Văn Ngộ sinh ngày 3 tháng 3 năm 1930 tại Phú Lâm (nay là quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh), trong một gia đình có gốc là người Hoa.[1] Cả nhà ông có 6 anh chị em, trong đó ông là con thứ 5.[3] Cha ông làm nghề thợ nguội, còn mẹ ông do không có việc làm nên tìm đến những kho hàng lấy bao bố rách về vá lại kiếm tiền trang trải cuộc sống.[4] Trong những năm 1942, ông là một trong những học trò nghèo hiếm hoi được nhận vào học ở trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong).[1] Ông bắt đầu gắn bó với nghề bưu chính từ năm 16 tuổi, ban đầu làm việc tại Bưu điện khu Thị Nghè. Đến năm 1948, ông trở thành nhân viên chính thức của Bưu điện Sài Gòn. Công việc ban đầu của ông là lựa thư trong hộp để chuyển đi, sau đó lần lượt trải qua nhiều công việc chuyên môn trong nghề. Ngoài ra, cũng có lúc Dương Văn Ngộ được điều sang làm ở Bộ giao thông và Bưu điện.[5] Năm 36 tuổi, ông được bưu điện cho đi học tiếng Anh và Pháp nhằm phục vụ công việc.[6] Dương Văn Ngộ kể rằng lúc đầu mình được học tiếng Pháp ở Trường Tiểu học Phú Lâm, còn việc thông thạo tiếng Anh là nhờ được Ban giám đốc cho đi học ở Hội Việt Mỹ. Đặc biệt, nhờ có sự hướng dẫn của một phi công người Mỹ nên trình độ ngoại ngữ của ông được nâng cao.[7][8]

Năm 1990, khi đến tuổi về hưu, Dương Văn Ngộ xin một chỗ ngồi ở Bưu điện thành phố để viết thư thuê cùng 6 người khác.[2][9] Sau này, tất cả những người khác đều qua đời và chỉ còn lại mình ông.[5][9] Ông được bố trí một bàn làm việc tại một góc của trung tâm Bưu điện, phía cuối dãy hành lang.[5][10] Từ thứ 2 đến thứ 6, ông Ngộ đều đặn làm việc từ 8 giờ sáng đến 3 giờ rưỡi chiều.[11] Công việc của ông vẫn là viết thư tay, ngoài ra ông còn hướng dẫn thông tin cho những người lần đầu đến bưu điện.[12] Những vật song hành với ông gồm chiếc túi da đen, cuốn từ điển cùng chiếc kính lúp.[5][13][14] Dương Văn Ngộ thông thạo ba thứ tiếng là Đức, Pháp, Anh[13] và thường viết thư cho khách bằng tiếng Việt, Anh và Pháp.[12] Kể từ năm 1990, ông đã viết thuê cho hàng nghìn bức thư gửi đi khắp thế giới đến người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Hungary, Thái Lan và Ấn Độ...[8][15] Từ lâu, Dương Văn Ngộ đã không xem công việc này chỉ là để kiếm sống mà thôi, mà còn làm nó vì yêu nghề và muốn quảng bá cho đất nước.[6] Dù công nghệ chuyển giao khiến lượng khách ít dần đi, nhưng bù lại số người đến xin chụp hình cùng ông tâng lên.[12] Sau này, do tuổi cao sức yếu nên ông chính thức nghỉ hưu.[16][17]

Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]

Ông có một người vợ cũng sinh năm 1930.[4] Gia đình ông có sáu người con, gồm 2 trai, 4 gái. Trong đó, có một người con gái không được bình thường về trí tuệ và mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người chị.[18] Khi kể về gia đình mình, ông hào hứng khoe rằng con cháu đều học giỏi.[19]

Qua đời[sửa | sửa mã nguồn]

Dương Văn Ngộ qua đời tại nhà riêng tối ngày 1 tháng 8 năm 2023, thọ 94 tuổi. Ông sẽ được an táng tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương vào sáng 5 ngày 8.[20]

Thành tựu[sửa | sửa mã nguồn]

Báo chí gọi ông là Người viết thư tình xuyên thế kỷ, Người giữ hồn cho những lá thư tay, Người nối thế giới bằng cây bút mực,[8][17] Ông còn được xem là người viết thư tay cuối cùng của Sài Gòn,[21][22] cũng như của Việt Nam.[23][24] Dương Văn Ngộ được xem là biểu tượng của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn.[25]Ngoài ra, ông còn có mặt trên trên các tờ báo nước ngoài, như Toronto Star, Der Spiegel, Al Jazeera...[7][23][26]

  • Năm 2009, Dương Văn Ngộ đã được Trung tâm Sách kỷ lục công nhận là người viết thư thuê lâu nhất Việt Nam vào năm 2009.[10][12][27]
  • Năm 2012, ông đã có cuộc hội ngộ với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.[24]
  • Năm 2016, ông nhận Giải thưởng cá nhân từ Ủy ban Giải thưởng Kova của tập đoàn Kova, với số tiền thưởng 20 triệu đồng.[28]
  • Năm 2020, ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam".[29]

Tham khảo và chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Ngô Đồng (12 tháng 6 năm 2016). “Sài Gòn và ký ức của ông lão gần nửa thế kỉ viết thư tình”. Công an. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  2. ^ a b Trần Mai. “Chứng nhân của những cánh thư”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  3. ^ “Người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn”. Dân trí. 11 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  4. ^ a b Đức Cương (30 tháng 6 năm 2016). “Người dùng bút mực "kết nối thế giới". Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  5. ^ a b c d Phạm Hữu (2 tháng 7 năm 2019). “Người Sài Gòn chung tình: 70 năm gắn với bưu điện, cụ ông U90 vẫn viết thư”. Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  6. ^ a b Mỹ Phượng (18 tháng 8 năm 2016). “Cụ ông 86 tuổi dịch thư ở bưu điện Sài Gòn”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  7. ^ a b Phương Dung; Huỳnh Giao (22 tháng 9 năm 2019). “Ông Ngộ - Người cuối cùng giữ hồn cho những lá thư tay”. VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  8. ^ a b c Tâm Phúc (30 tháng 10 năm 2016). “Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện trung tâm Sài Gòn”. Pháp luật Plus. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  9. ^ a b Duy Phong (24 tháng 2 năm 2017). “Giữa Sài Gòn hoa lệ, có một ông lão gần 90 tuổi vẫn ngày ngày thầm lặng kết nối cả thế giới”. Vietnammoi. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  10. ^ a b Sơn Nghĩa (6 tháng 3 năm 2016). “Kỷ lục gia viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam”. Báo ảnh Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  11. ^ Hương Giang; Thu Thảo (1 tháng 5 năm 2018). “Góc trời riêng của người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn”. Phụ nữ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  12. ^ a b c d Thành Hoa (19 tháng 6 năm 2019). “Cụ Dương Văn Ngộ – người mẫu đặc biệt của Bưu điện TPHCM”. Sài Gòn tiếp thị. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  13. ^ a b Hoàng Dương (30 tháng 7 năm 2014). “Người viết thư thuê xuyên thế kỷ”. Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  14. ^ Kim Loan (14 tháng 7 năm 2019). “Người viết thư tay”. Sài Gòn giải phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  15. ^ Anh Vân (23 tháng 9 năm 2007). 'Trúng số bạc tỷ cũng không bỏ nghề viết thư thuê'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  16. ^ Kim Vân (12 tháng 4 năm 2021). “Ông cụ viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn sức khỏe đã yếu, nghỉ việc vẫn lén con bắt xe buýt lên bưu điện”. Gia đình.net. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2023. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  17. ^ a b Tiến Luyến (30 tháng 4 năm 2021). “Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam”. Báo Dân sinh. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  18. ^ “Chuyện cảm động về người viết thư tay xuyên thế kỷ ở Sài Gòn”. Kỷ lục.vn. 9 tháng 7 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  19. ^ Vĩnh Phú (14 tháng 4 năm 2017). “Chuyện cảm động "kỷ lục gia" viết thư thuê”. Báo Giao thông. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  20. ^ VnExpress. “Người viết thư thuê cuối cùng của Sài Gòn qua đời”. vnexpress.net. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  21. ^ Lê Vân (6 tháng 5 năm 2007). “Người đưa tin cuối cùng ở Sài Gòn”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  22. ^ Nguyễn My; Tấn Cương (8 tháng 6 năm 2016). “Người dịch thư thuê cuối cùng ở Bưu điện thành phố”. Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  23. ^ a b Valerie, Plesch (21 tháng 3 năm 2019). “Vietnam's last public letter writer, 'a witness of Saigon'. Al Jazeera. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  24. ^ a b T.T.D (2 tháng 11 năm 2012). “Hội ngộ ở bưu điện”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  25. ^ Thu Hoa (18 tháng 8 năm 2017). “Duong Van Ngo, a public letter writer at the Saigon Central Post Office”. VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  26. ^ Hà Linh (24 tháng 3 năm 2019). “Báo chí Arab kể câu chuyện về người viết thư tay thuê cuối cùng ở Việt Nam”. Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  27. ^ Mỹ Phượng (22 tháng 8 năm 2016). “Chuyện về Kỷ lục gia 86 tuổi viết và dịch thư ở bưu điện Sài Gòn”. Kỷ lục.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  28. ^ Quốc Linh (18 tháng 12 năm 2016). “Cổ vũ nghị lực vượt khó và đam mê khoa học”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập 4 tháng 8 năm 2021.
  29. ^ thanhnien.vn (2 tháng 8 năm 2023). “Người viết thư tay thuê cuối cùng ở TP.HCM qua đời”. thanhnien.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]