Diệp Huyện Quy Tỉnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiền sư
diệp huyện quy tỉnh
葉縣歸省
Tên khai sinhhọ Cổ
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiĐại thừa
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiLâm Tế tông
Sư phụThủ Sơn Tỉnh Niệm
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhhọ Cổ
Ngày sinhthế kỷ 10
Nơi sinhKý Châu
Mất
Nơi mấtDiệp Huyện Quảng Giáo Viện
Giới tínhnam
Quốc giaĐại Tống
 Cổng thông tin Phật giáo

Diệp Huyện Quy Tỉnh (zh: 葉縣歸省, ja: Sekken Kisei, ?-?) là Thiền sư Trung Quốc đời Tống thuộc Lâm Tế Tông. Sư là một trong hai đệ tử nối pháp xuất sắc nhất của Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm. Sư là một vị Thiền sư có cơ phong giáo hóa đệ tử rất nghiêm khắc và quyết liệt.

Cơ duyên ngộ đạo[sửa | sửa mã nguồn]

Sư họ Cổ, quê ở Ký Châu. Sư xuất gia và thụ giới cụ túc từ lúc còn trẻ.

Trong lúc du phương, sư đến tham vấn Thiền sư Thủ Sơn. Một hôm, Thủ Sơn đưa một khúc tre lên hỏi: "Gọi là Trúc bề thì xúc phạm, chẳng gọi trúc bề thì trái, vậy gọi là cái gì?". Sư chụp trúc bề, ném xuống đất, nói: "Là cái gì?". Thủ Sơn bảo: "Mù!". Sư nhân đây triệt ngộ.

Hoằng pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi đắc đạo, sư đến trụ trì tai Diệp Huyện Quảng Giáo Viện (zh: 葉縣廣敎院) và mở mang tông phong.

Một hôm, sư cùng một vị tăng đi đường, nhân thấy một tử thi, tăng hỏi: "Xe ở đây mà trâu ở đâu?". Sư đáp: "Ngươi đã bước chân đi". Tăng thưa: "Trâu cũng không mà đi cái gì?". Sư bảo: "Ngươi đã không trâu, tại sao đạp nát gót chân?". Tăng thưa: "Thế ấy là chính từ Diệp Huyện đến". Sư bảo: "Chớ chạy loạn!".

Có vị tăng hỏi sư về Công án Cây bách của Triệu Châu. Sư bảo: "Ta chẳng tiếc nói với ngươi, mà ngươi có tin không?". Tăng thưa: "Lời của Hoà thượng quý trọng, con đâu dám chẳng tin". Sư bảo: "Ngươi lại nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?". Vị tăng hoát nhiên có ngộ nhập, bấc giác thốt lên: "Chao!" một tiếng. Sư hỏi: "Ngươi thấy đạo lí gì?". Vị tăng bèn làm bài tụng:

Phiên âm:

Thiềm đầu thủy đích

Phân minh lịch lịch

Đả phá càn khôn

Đương hạ tâm tức.

Dịch nghĩa:

Giọt mưa trước thềm

Rành rẽ rõ ràng

Đập nát càn khôn

Liền đó tâm dứt.

Sư có chút bệnh, biết mình sắp tịch. Vị tăng khám bệnh đến, hỏi sư: " Hoà thượng, tứ đại vốn không, bệnh từ chỗ nào đến?". Sư đáp: "Từ chỗ Xà-lê hỏi đến". Tăng thưa: "Khi con chẳng hỏi thì sao?". Sư đáp: "Xuôi tay nằm dài trong hư không". Tăng thốt lên: "Chao!". Sư liền tịch.

Sư có để lại tác phẩm Diệp Huyện Quảng Giáo Tỉnh Ngữ Lục (zh: 葉縣廣敎省語錄, 1 quyển).

Pháp ngữ[sửa | sửa mã nguồn]

Sư dạy chúng rất tận tình, tha thiết: "Thiền sinh hành khước cần phải để tâm, tham học phải đủ con mắt tham học, kiến địa phải được câu kiến địa, mới có phần tương thân, không bị các cảnh làm lầm, cũng chẳng rơi vào đường ác. Cứu kính xong xuôi thế nào? Có khi câu đến mà ý chẳng đến, quên duyên cảnh trước phân biệt việc bóng dáng. Có khi ý đến mà câu chẳng đến, như mù rờ voi mỗi người có lối nói khác. Có ý câu đều đến, đập nát cõi hư không ánh sáng soi mười phương. Có khi ý câu đều chẳng đến người mù chạy ngang bỗng nhiên rơi xuống hầm".

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Từ điển Thiền Tông Hán Việt. Hân Mẫn & Thông Thiền biên dịch. TP HCM 2002.
  • Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán