Thượng phụ Tây phương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thánh tượng Giáo hoàng Lêô Cả (400–461), giáo hoàng đầu tiên được gọi bằng tước hiệu Thượng phụ Tây phương

Thượng phụ Tây phương (tiếng Latinh: Patriarcha Occidentis) là một trong các tước hiệu chính thức của giám mục Giáo phận Rômathượng phụ và đấng có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội Latinh.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Tước hiệu Thượng phụ Tây phương được thành lập sau sự giải thể của hệ thống tổ chức giáo hội cổ xưa với nền tảng là ba trung tâm tông đồ, bao gồm tòa thượng phụ Rôma, Antioch (cả hai do thánh Phêrô thiết lập) và Alexandria (do thánh Máccô, môn đệ của thánh Phêrô, thiết lập) và sự thành lập của Ngũ đầu chế thông qua việc thăng cấp tòa giám mục Constaninopolis trong Công đồng Constantinopolis I và thăng cấp tòa giám mục Giêrusalem trong Công đồng Calcêđônia lên tòa thượng phụ.[1][2][3] Trong hệ thống Ngũ đầu chế, tất cả các tòa thượng phụ (ngoại trừ tòa thượng phụ Rôma) đều nằm dưới thẩm quyền của Đế quốc Đông La Mã và có lãnh thổ được xác định cách rõ ràng. Trong khi đó, tòa thượng phụ Rôma trở thành tông tòa có thẩm quyền đối với các lãnh thổ thuộc Đế quốc Tây La Mã.

Vào năm 450, trong một lá thư của Hoàng đế Đông La Mã Theodosius II gửi Giáo hoàng Lêô Cả, ông đã dùng tước hiệu Thượng phụ Tây phương để nhắc đến vị giáo hoàng (đây là lần đầu tiên một giáo hoàng được nhắc đến với tước hiệu này). Sau sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã vào năm 476 và sự kiện Hoàng đế Justinianus I ra Sắc lệnh năm 554 áp đặt luật pháp Đông La Mã lên thành Rôma,[4] hệ thống giáo hội Ngũ đầu chế bắt đầu có hiệu lực trên khắp lãnh thổ đế quốc. Đến năm 642, trong bối cảnh các hoàng đế Đông La Mã đòi hỏi các thượng phụ ủng hộ Nhất tính thuyết (tiếng Anh: miaphysitism), Giáo hoàng Thêôđorô I được bầu làm giáo hoàng và trở thành Thượng phụ Tây phương đầu tiên.[5][6][7][8]

Vào ngày 22 tháng 3 năm 2006, thành Vatican đã ra một thông báo nhằm giải thích rằng việc tước hiệu Thượng phụ Tây phương bị loại ra khỏi Niên giám Tòa Thánh là để thể hiện một "thực tế lịch sử mang tính thần học" và coi việc đó là "hữu ích trong các cuộc đối thoại đại kết". Thành Vatican công bố rằng tước hiệu Thượng phụ Tây Phương thể hiện mối quan hệ đặc biệt cũng như quyền tài phán của Giáo hoàng đối với giáo hội Latinh, và rằng việc loại bỏ tước hiệu này không có hàm ý thay đổi mối quan hệ đặc biệt giữa Giáo hoàng với giáo hội Latinh hay bóp méo mối quan hệ giữa Tòa Thánh và các Giáo hội Đông phương, như đã được tuyên bố trọng thể trong Công đồng Vaticanô II.[9]

Vào năm 2024, Giáo hoàng Phanxicô tái lập tước hiệu Thượng phụ Tây phương.[10]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ "Quinisext Council" [Công đồng Quinisext]. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2010. "Giáo hội Tây phương và Giáo hoàng không được đại diện tại công đồng này. Tuy vậy Hoàng đế Justinianos II đã đề nghị Giáo hoàng, cùng với các giám mục Đông phương, ký vào giáo luật của công đồng. Giáo hoàng Sergiô I (687–701) đã từ chối ký vào giáo luật trên và do đó giáo luật của công đồng Quinisext chưa bao giờ được Giáo hội Tây phương công nhận."
  2. ^ Geanakoplos, Deno John (1984). Byzantium: Church, Society, and Civilization Seen Through Contemporary Eyes (bằng tiếng Anh). University of Chicago Press. tr. 203. ISBN 978-0-226-28461-3.
  3. ^ Vlasto, A. P. (2 tháng 10 năm 1970). The Entry of the Slavs Into Christendom: An Introduction to the Medieval History of the Slavs (bằng tiếng Anh). Cambridge University Press. tr. 308. ISBN 978-0-521-07459-9.
  4. ^ J. F. Haldon, Byzantium in the seventh century (Cambridge, 2003), 17–19.
  5. ^ Meyendorff, John (1983). Byzantine Theology: Historical Trends and Doctrinal Themes . New York: Fordham University Press. ISBN 9780823209675.
  6. ^ Meyendorff, John (1989). Imperial unity and Christian divisions: The Church 450–680 A.D. The Church in history. 2. Crestwood, NY: St. Vladimir's Seminary Press. ISBN 9780881410563.
  7. ^ Ostrogorsky, George (1956). History of the Byzantine State. Oxford: Basil Blackwell.
  8. ^ Allen, Pauline: "Sophronius of Jerusalem and Seventh Century Heresy" Oxford University Press 2009
  9. ^ “Press release regarding the suppression of the title "Patriarch of the West" in the "Annuario Pontificio" 2006”. Pontifical Council for the Commission of Christian Unity. christianunity.va. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2022.
  10. ^ G. Trần Đức Anh, O.P. (11 tháng 4 năm 2024). “Đức Thánh cha tái lập tước hiệu "Thượng phụ Tây phương". Radio Veritas Asia. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2024.