Bước tới nội dung

Diễu binh Chiến thắng Điện Biên Phủ 2024

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thông tin
Thời gian7 tháng 5 năm 2024
Địa điểmSân vận động Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Quốc gia Việt Nam
Tổ chứcViệt Nam Bộ Quốc phòng
Tham gia12.000 người của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an
LoạiDiễu binh, diễu hành

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2024, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thực hiện cuộc diễu binh, diễu hành quy mô lớn nằm trong chuỗi chương trình Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lễ diễu binh, diễu hành được thực hiện tại Sân vận động Điện Biên với sự tham gia của khoảng 12.000 người từ các lực lượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Sự kiện được cho là "biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ". Đêm trước buổi lễ chính đã có một sự kiện nghệ thuật diễn ra rộng khắp tại 5 điểm cầu trên cả nước ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Thanh Hóa và điểm cầu chính tại Điện Biên. Kết thúc buổi lễ cũng đã có màn pháo hoa và trình diễn ánh sáng nghệ thuật.

Sự kiện chính đã được diễn ra vào lúc 7 giờ sáng ngày 7 tháng 5 trong bối cảnh trời mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều hoạt động cũng như việc đón chờ đoàn diễu hành, diễu binh cũng không bị hoãn lại. Đến 8 giờ, cơn mưa bắt đầu ngớt, các hoạt diễu hành, diễu binh về các cung đường của tỉnh Điện Biên đã được diễn ra bình thường. Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu (en), Quốc vụ khanh Patricia Mirallès phụ trách Cựu Chiến binh và Ký ức chiến tranh Pháp cũng đã có mặt tại sự kiện.

Chuẩn bị[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 21 tháng 2 năm 2024, truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố về việc tổ chức diễu binh, diễu hành mừng 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2024). Cuộc diễu binh do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng tiểu ban diễu binh, diễu hành thực hiện. Sau các kế hoạch diễu binh, diễu hành ở đơn vị, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 các đơn vị sẽ tập huấn tập trung tại Trung tâm huấn luyện quân sự Quốc gia TB4. Theo Thượng tướng Nghĩa, cuộc diễu hành, diễu binh "là nội dung cốt lỗi", "là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện hình ảnh, uy tín của Quân đội".[1] Sự kiện còn được cho là "biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ".[2] Sau đó một tuần, địa điểm tổ chức diễu binh là sân vận động Điện Biên với sức chứa khoảng 10 nghìn người bắt đầu được tu sửa. Tổng cộng chi phí cho công tác sửa chữa vào khoảng 14 tỷ đồng và hoàn thành trước ngày 10 tháng 3.[3] Ngày 3 tháng 3, Bộ Quốc phòng thông qua Quyết định số 821/QĐ-BQP, phê duyệt Đề án tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 2024. Tổng cộng 12.000 người từ 4 lực lượng, bao gồm: Lực lượng pháo lễ, lực lượng Không quân, lực lượng diễu binh, diễu hành và lực lượng đứng trên sân khấu sẽ tham gia.[4] Đến ngày 4 tháng 4, công tác kiểm tra diễu binh đã được thực hiện tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 ở Hà Nội với sự tham gia của Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòngĐại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an. Nhiều công tác an ninh, an toàn cũng được yêu cầu thực hiện chặt chẽ và tuyệt đối.[5] Nhiều lực tượng đã tổng cộng có 3 tháng tập luyện và 15 ngày tập trung tại tỉnh Điện Biên.[6]

Đến ngày 5 tháng 5, trước khi diễn ra cuộc diễu binh chính thức hai ngày, buổi tổng duyệt toàn bộ mọi quy trình đã được thực hiện với sự tham gia của Binh chủng Pháo binh thực hiện.[7] Đến ngày 6 tháng 5, biểu trưng chính thức cho sự kiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố và sử dụng cho các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm. Tác giả của biểu trưng theo công bố là họa sỹ Tô Minh Anh đến từ Hà Nội. Biểu trưng của sự kiện là con số cách điệu "7" và "0" với màu đỏ tượng trưng cho chiến thắng và màu xanh dương thể hiện cho hòa bình, đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc.[8]

Cuộc diễu hành, diễu binh[sửa | sửa mã nguồn]

Hôm trước sự kiện chính[sửa | sửa mã nguồn]

Vào đêm trước khi cuộc diễu binh diễn ra, chương trình "Dưới lá cờ quyết thắng" được tổ chức tại 5 điểm cầu ở Việt Nam lần lượt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Kon TumĐiện Biên. Chương trình được tổ chức như thể hiện sự kết hợp giữa hiện tại và quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam. Lần lượt các ca khúc đã được diễn ra phủ khắp các điểm cầu như: "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "Hò kéo pháo", "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", "Chiến thắng Điện Biên", "Tiến về Hà Nội", "Giai điệu Tổ quốc"... Trọng tâm của chương trình là điểm cầu tại thành phố Điện Biên Phủ với màn trình diễn của 700 máy bay không người lái về các biểu tượng, hình ảnh của chiến dịch. Tiêu ngữ "Độc lập – Tự do – Hạnh phúc" cùng với chim bồ câu cũng đã xuất hiện trên bầu trời.[9] Sau phần trình diễn, chương trình pháo hoa tầm cao cũng được thực hiện tại điểm cầu Điện Biên.[10]

Sự kiện chính[sửa | sửa mã nguồn]

Khai mạc cho chương trình chính là phần xếp hình nghệ thuật "Bản hùng ca Điện Biên" do chiến sĩ, nghệ sĩ của Đoàn nghi lễ quân đội thực hiện cùng màn biểu diễn trống hội của 1.000 diễn viên đương là học viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Trên nền nhạc quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 21 loạt pháo đã được bắn. Cùng lúc đó là lễ chào cờ với lần lượt 9 máy bay trực thăng treo Đảng kỳ và Quốc kỳ Việt Nam bay ngang qua bầu trời sân vận động Điện Biên.[11] Trong thời gian này, một cơn mưa lớn đã diễn ra tại Điện Biên. Mặc dù vậy, nghi lễ vẫn được thực hiện và nhiều người dân vẫn được cho là tập trung rất đông hai bên đường trước khi diễn ra diễu binh chính thức.[12] Trước buổi lễ, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có buổi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.[13]

Chúng ta tin tưởng và tự hào rằng những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng…

 – Thủ tướng Phạm Minh Chính[14]

Sau phần trình diễn khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có diễn văn khai mạc Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng. Theo diễn văn, ông được cho là gửi lời thay mặt cho lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện sự biết ơn vô hạn đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, ông cũng gửi lời cảm ơn đến "các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cùng nhiều tầng lớp khác đã có công giành lấy chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong diễn văn, cũng có đoạn gửi lời tri ân đến Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa cùng lực lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình toàn cầu; đặc biệt đó là CampuchiaLào trong chiến dịch Điện Biên Phủ và giải phóng dân tộc Việt Nam. Ông ca ngợi đây là chiến thắng "toàn dân, toàn diện, trường kỳ" và "dựa vào sức mình là chính". Đây là một trong những tiền đề trong việc giải phóng lần lượt cả hai miền và tiến tới thống nhất đất nước lần lượt ở các cuộc chiến như Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Chiến dịch Mùa Xuân 1975Chiến dịch Hồ Chí Minh.[13] Sau phần phát biểu của ông Chính, sau đó là phần phát biểu của Phạm Đức Cư – một cựu chiến binh, đại diện cho chiến sỹ và các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và Vũ Quỳnh Anh – Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện cho tầng lớp thế hệ trẻ ở Việt Nam. Tại buổi lễ, Phạm Minh Chính cũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.[13]

Đến 8 giờ các cơ mưa trước đó bắt đầu giảm và trời tạnh hẳn vào lúc 8 giờ 45 phút. Đây cũng là thời điểm cuộc diễu hành, diễu binh chính thức được bắt đầu ngay sau phần đọc diễn văn.[15] Phần diễu hành, diễu binh của các lực lượng lần lượt bao gồm: Khối nghi trượng với xe mô hình Quốc huy, Đảng kỳ, Quốc kỳ, xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xe rước biểu trưng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ.[16] Trong số khối nghi trượng có xe chỉ huy đi trước xe Tổ Quân kỳ do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy.[17] Khối lực lượng vũ trang với 24 khối với Quân đội, Dân quân tự vệ là 16 khối bao gồm: khối nữ Quân nhạc; khối chiến sĩ Điện Biên; khối sĩ quan Lục quân; khối Hải quân; khối Phòng không – Không quân; khối Biên phòng; khối Cảnh sát biển; khối nữ sĩ quan Quân y; khối lực lượng Tác chiến không gian mạng; khối lực lượng nữ Gìn giữ hòa bình Việt Nam; khối chiến sĩ Lục quân; khối Đặc công; khối Đặc nhiệm; khối nữ dân quân các dân tộc Tây Bắc; khối nữ du kích miền Nam; khối Hồng kỳ cùng 8 khối Công an bao gồm: khối nam sĩ quan An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông; khối nữ chiến sĩ Cảnh sát Đặc nhiệm; khối nam chiến sĩ Cảnh sát Đặc nhiệm; khối Cảnh sát Cơ động Kỵ binh; Khối Quần chúng với 9 khối gồm: cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc và Khối Nghệ thuật.[18] Ngoài ra, hình ảnh xe đạp thồ gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được cho là xuất hiện trong cuộc diễu binh.[19]

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi mà một trong các khối diễu binh, diễu hành đi qua.

Sau khi diễu hành trong sân vận động Điện Biên, các khối diễu binh, diễu hành với mô hình xe Quốc huy dẫn đầu và khối Nghệ thuật đi sau tiếp tục diễu binh, diễu hành thêm 1 km trên đường Hoàng Văn Thái. Đến nút giao tại ngã tư A1 giữa đường Hoàng Văn Thái – Võ Nguyên Giáp, các khối diễu hành di chuyển thành 3 hướng lần lượt: 8 Khối lực lượng vũ trang và các khối tỉnh Điện Biên dọc theo đường Võ Nguyên Giáp đi về hướng đường 7 tháng 5 ở phường Him Lam, đi qua khu di tích đồi A1, quảng trường 7 tháng 5, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; 7 Khối lực lượng quân đội đi thẳng qua cầu A1, đường Nguyễn Hữu Thọ về khu vực trạm y tế phường Thanh Trường, cầu Mường Thanh; 9 Khối lực lượng công an rẽ trái theo đường Võ Nguyên Giáp vào khu đô thị Pom La ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, đi qua Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.[20]

Tác động[sửa | sửa mã nguồn]

Tham dự[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu

Tại sự kiện diễu binh, ở phía chính phủ Việt Nam có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Trần Thanh Mẫn, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Tô Lâm, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nên, Đại tướng Phan Văn Giang cùng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng NghĩaChủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Riêng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có gửi lẵng hoa chúc mừng đến sự kiện. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các nguyên lãnh đạo như nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước như Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân.[11]

Về quốc tế, sự kiện còn có sự tham gia của 270 đại biểu và phóng viên quốc tế bao gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath; Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu (en) và Quốc vụ khanh phụ trách về Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh Pháp: Phó Ủy viên, Trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Khánh Vĩ tham dự...[21] Sự kiện được cho là trên tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".[22]

Thư cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng[sửa | sửa mã nguồn]

Đến ngày 14 tháng 5 năm 2024, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư gửi lời cảm ơn đến chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Trong bức thư, ông Giang đã cảm ơn các lực lượng đã hỗ trợ quân đội di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên và ngược lại cũng như sự đón tiếp nồng nhiệt của quần chúng nhân dân. Cụ thể, ông Giang đã "thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm và sự giúp đỡ quý báu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, để các lực lượng Quân đội, dân quân, tự vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".[23] Ông nói thêm bản thân mong rằng địa phương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống ấy, "đùm bọc, giúp đỡ và tham gia xây dựng" Tổ quốc.[24]

Đón nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Quần chúng nhân dân[sửa | sửa mã nguồn]

Từ 1 giờ sáng ngày 7 tháng 5, ngày diễn ra sự kiện diễu binh chính thức, nhiều người dân đã bắt đầu tập trung đông tại các khu vực diễn ra diễu binh như sân vận động Điện Biên, nghĩa trang A1... Nhiều người dân chia sẻ, ngay sau khi thuê được chỗ ở liền ngay lập tức tắm rửa, ăn uống rồi di chuyển đến sân vận động để đón chờ diễu binh. Đến 3 giờ sáng, tại khu vực ngã tư Nghĩa trang A1, nhiều người dân đã cầm theo cờ, ghế và hoa đến tập trung theo các con đường. Tại một đoạn tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Công Chất và toàn bộ tuyến Trường Chinh, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Phú Xuyên Khung, Trần Can và Phan Đình Giót, từ lúc 4 giờ 30 sáng, lực lượng chức năng đã phong tỏa và cấm tất cả loại phương tiện trừ xe ưu tiên được lưu thông. Đến 5 giờ sáng, xe ô tô bị cấm lưu thông vào thành phố Điện Biên, riêng xe máy được di chuyển, tuy nhiên, phải gửi xe vào bãi giữ xe theo quy định. Khu vực đường quanh Nghĩa trang A1 đến 5 giờ 30 phút sáng ngày diễu binh đã đông kín người dân vây quanh.[25] Nhiều người dân các dân tộc thiểu số cũng đã xuất hiện dọc hai bên đường.[26]

Dòng người chào đón đoàn diễu hành, diễu binh được cho là kéo dài lên tới 5 km từ sân vận động Điện Biên.[6] Dọc theo các tuyến đường, nhiều cựu chiến binh cũng cầm theo ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.[17] Nhiều người dân chia sẻ kể từ Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2014 đến nay thì Điện Biên mới được đông đảo người dân trong và ngoài nước đến đông vui như vậy. Hình ảnh "Em bé tượng đài" trên tờ báo VnExpress do nhà báo Giang Huy chụp lại cũng đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Hình ảnh được ca ngợi như sự giao thoa giữa thế hệ trước và thế hệ sau trong công cuộc xây dựng và đổi mới Việt Nam. Ngoài ra, cộng đồng mạng cũng lan truyền hình ảnh Thượng tá Phạm Đại Đồng – Phó trưởng Phòng huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đưa cho một bé gái ven đường còi chỉ huy của mình đã nhận được đông đảo cổ vũ của cộng đồng mạng.[27]

Các cơ sở giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Tại tỉnh Điện Biên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ cùng toàn huyện Điện Biên đã có công văn nghỉ học các ngày 2, 3 và 7 tháng 5 do ảnh hưởng từ việc cấm các tuyến đường. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cũng có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục khuyến khích tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia cổ vũ đối với các trường học dọc theo tuyến đường có đoàn diễu binh đi qua và xem truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình.[28][29] Ngoài ra, một số trường học trên cả nước cũng đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt, cho phép các học sinh tạm dừng học để theo dõi truyền hình trực tiếp diễu binh như Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội ChâuNghệ An; Trường Trung học phổ thông Hoài Đức B, Trường Trung học cơ sở Thanh Am,[30] Trường Trung học cơ sở Linh Đàm, Trường Trung học cơ sở Đồng Quang ở Hà Nội;[31] Trường Tiểu học – Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Văn Lang ở Quảng Ninh; Trường Trung học phổ thông Hồng Đức ở Thái Bình;[30] Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở Quảng Nam[32]... Hệ thống Giáo dục Everest cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có liên quan trong toàn bộ ba cấp học của toàn hệ thống.[33]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Ái Vân (21 tháng 2 năm 2024). “Tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  2. ^ “Chi tiết Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 8 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  3. ^ Văn Thành Chương (28 tháng 2 năm 2024). “Sân vận động sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  4. ^ Chung Việt (8 tháng 4 năm 2024). “Chương trình lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  5. ^ Hà Thanh; Nam Trần (4 tháng 4 năm 2024). “Công an, Quân đội hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo điện tử Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  6. ^ a b Tuấn Huy (7 tháng 5 năm 2024). “Đồng bào Điện Biên lưu luyến chia tay cán bộ, chiến sĩ”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ Đình Huy (5 tháng 5 năm 2024). “Đại pháo rền vang trong buổi tổng duyệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  8. ^ “Ý nghĩa của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 6 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  9. ^ Đình Huy (6 tháng 5 năm 2024). “Mãn nhãn màn tạo hình chiến thắng Điện Biên Phủ của 700 máy bay không người lái”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  10. ^ Minh Thảo (6 tháng 5 năm 2024). “Háo hức đón xem Chương trình nghệ thuật đặc biệt qua màn hình LED và ngắm pháo hoa tầm cao”. Báo Điện Biên Phủ. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  11. ^ a b TTXVN; Quân đội Nhân dân (7 tháng 5 năm 2024). “Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  12. ^ Hoàng Mạnh Thắng; Như Ý; Trường Phong (7 tháng 5 năm 2024). “Người dân đội mưa chờ xem diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  13. ^ a b c PV (7 tháng 5 năm 2024). “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ Điện Biên Phủ”. Báo Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  14. ^ Hà Thanh; Thiên Điểu; Nguyễn Khánh; Nam Trần (7 tháng 5 năm 2024). “Diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Người dân trầm trồ xem kỵ binh trên phố”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  15. ^ Trung Kiên (7 tháng 5 năm 2024). “Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được cử hành trang trọng”. Báo Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  16. ^ Phạm Tiếp (7 tháng 5 năm 2024). “Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca”. Báo Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  17. ^ a b Tuấn Huy; Việt Trung (25 tháng 5 năm 2024). “Vang mãi bản hùng ca Điện Biên Phủ”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  18. ^ Song Hoàng (6 tháng 5 năm 2024). “Chi tiết lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. VnEconomy. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  19. ^ “Những điểm nhấn trong hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. VietnamPlus. 10 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  20. ^ Việt Tùng (7 tháng 5 năm 2024). “Toàn cảnh Lễ Diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Tạp chí Nông thôn mới. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  21. ^ Đình Huy; Đậu Tiến Đạt (7 tháng 5 năm 2024). “Cả nước hướng về Điện Biên”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  22. ^ Khánh Minh (4 tháng 4 năm 2024). “Bộ trưởng Pháp sẽ thăm Việt Nam, dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024.
  23. ^ Vương Trần (15 tháng 5 năm 2024). “Đại tướng Phan Văn Giang gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân 4 tỉnh”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  24. ^ “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cảm ơn cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thuộc TP Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên”. Báo Quân khu 4. 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  25. ^ “Điện Biên ngày 7/5: Tưng bừng, rộn ràng từng góc phố”. Báo Điện Biên Phủ. 7 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  26. ^ Thạch Thảo; Chí Hiếu; Trọng Tùng; Đinh Tuấn; Nguyễn Đức; Kiều Oanh (7 tháng 5 năm 2024). “Ấm áp tình quân dân giữa mảnh đất Điện Biên anh hùng”. VietNamNet. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  27. ^ Vũ Cảnh (9 tháng 5 năm 2024). “Những điều còn đọng mãi!”. Báo Bảo vệ Pháp luật. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  28. ^ BT (1 tháng 5 năm 2024). “Các cơ sở giáo dục nghỉ học tham gia hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  29. ^ Trung Kiên (1 tháng 5 năm 2024). “Học sinh, sinh viên tham gia cổ vũ đoàn diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  30. ^ a b Sam (8 tháng 5 năm 2024). “Nhiều trường học trên cả nước tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  31. ^ Phạm Mai (7 tháng 5 năm 2024). “Các trường học sôi nổi chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  32. ^ Châu Nữ (7 tháng 5 năm 2024). “Thiếu nhi Quảng Nam hướng về Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Quảng Nam. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  33. ^ Lê Vân (8 tháng 5 năm 2024). “Giáo dục lịch sử cho học sinh qua truyền hình trực tiếp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Báo Tin tức. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]