Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Giám mục
 
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Giám mục Tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng
(1963–1988)
Giáo hộiCông giáo Rôma
Chức vụ chính yếu
Giám mục chính tòa Tiên khởi
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Huế
TòaGiáo phận Đà Nẵng
Bổ nhiệmNgày 18 tháng 1 năm 1963
Tựu nhiệmNgày 1 tháng 5 năm 1963
Hết nhiệmNgày 21 tháng 1 năm 1988
Tiền nhiệmTiên khởi
Kế nhiệmPhanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách
Giám mục chính tòa
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo tỉnhGiáo tỉnh Huế
TòaGiáo phận Qui Nhơn
Bổ nhiệmNgày 24 tháng 11 năm 1960
Hết nhiệmNgày 18 tháng 1 năm 1963
Tiền nhiệmChức vụ được thiết lập
Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi
Đại diện Tông tòa Qui Nhơn
Kế nhiệmĐa Minh Hoàng Văn Đoàn
Đại diện Tông tòa
Địa phận Bùi Chu
TòaHiệu tòa Sozopolis in Haemimonto
Bổ nhiệmNgày 3 tháng 2 năm 1950
Hết nhiệmNgày 24 tháng 11 năm 1960
Tiền nhiệmĐa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn
Kế nhiệmChức vụ bị bãi bỏ
Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh
Giám mục Chính tòa Bùi Chu
Giám quản Tông Tòa
Địa phận Qui Nhơn
Bổ nhiệmNgày 5 tháng 7 năm 1957
Hết nhiệmNgày 24 tháng 11 năm 1960
Tiền nhiệmPaul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi
Kế nhiệmChức vụ bị bãi bỏ
Đa Minh Hoàng Văn Đoàn
Giám mục Chính tòa Qui Nhơn
Hội đồng Giám mục
Phó Chủ tịch
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tựu nhiệmTháng 1 năm 1968
Hết nhiệmKhông rõ
(1977?)
Tiền nhiệmTiên khởi
Kế nhiệmPhilipphê Nguyễn Kim Điền
Phaolô Nguyễn Văn Bình
Các chức khácGiám mục Hiệu tòa Sozopolis in Haemimonto (1950–1960)
Truyền chức
Thụ phong Linh mụcNgày 23 tháng 12 năm 1933
bởi Hồng y Marchelli Selvaggiani
Tấn phongNgày 4 tháng 8 năm 1950
bởi Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ (chủ phong); Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và Giám mục Santos Ubierna Ninh (phụ phong)
Thông tin cá nhân
Sinh(1909-05-14)14 tháng 5 năm 1909
Ninh Bình, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất21 tháng 1 năm 1988(1988-01-21) (78 tuổi)
Duy Xuyên, Quảng Nam, Việt Nam
Nơi an tángVườn Nghĩa, phía trái nhà thờ Trà Kiệu.
Quốc tịchViệt Nam
Cha mẹPhêrô Phạm Xuân Quế
Giáo dụcCử nhân Thần học
Cử nhân Triết học
Tiến sĩ Triết học
Alma materĐại học Apollinaire
Đại học Công giáo Paris
Khẩu hiệu"Vâng lời Thầy con thả lưới"
Cách xưng hô với
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi
Danh hiệuĐức Giám mục
Trang trọngĐức Giám mục, Đức Cha
Thân mậtCha
Khẩu hiệuIn verbo Tuo laxabo rete
TòaGiáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Qui Nhơn

Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (14 tháng 5 năm 1909 – 21 tháng 1 năm 1988) là một giám mục Công giáo Rôma người Việt Nam. Ông là Giám mục tiên khởi của Giáo phận Qui NhơnGiáo phận Đà Nẵng. Trước đó, ông cũng là Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Vâng lời Thầy, con thả lưới".

Là một người có quan điểm chống Cộng, ông đã có những hoạt động tôn giáo, chính trị phức tạp trong khuôn khổ Chiến tranh Đông Dương.

Thân thế và tu học[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14 tháng 5 năm 1909 trong một gia đình Công giáo đạo đức và có nhiều người con tại xứ Tôn Đạo, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.[1][2] Thân phụ ông là ông Phêrô Phạm Xuân Quế và thân mẫu là bà Anna. Thân phụ, về giáo hội là phó trương, trưởng hội thánh Giuse và Nghĩa Binh Thánh Thể, về đời sống xã hội, hỗ trợ phát triển nghề đan ren cho toàn huyện. Thân mẫu thuộc dòng ba Phan Sinh, sau di cư sinh sống tại giáo xứ An Lạc, Tổng giáo phận Sài Gòn. Trong dòng tộc có nhiều người theo đuổi con đường tu trì.[3] Ông có một ông chú là linh mục Trọng,[4] và người cháu là linh mục Phát, theo dòng Chúa Cứu Thế.[5]

Năm mười một tuổi, cậu bé Chi được linh mục Clément Pléneau Kim (MEP) cho nhập trường thử Ba Làng. Sau một năm, cậu được cho theo học tại Tiểu chủng viện Phúc Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình). Năm 1927, chủng sinh Chi tốt nghiệp Tiểu chủng viện với kết quả xuất sắc,[6] luôn đứng đầu cả lớp về học lực và hạnh kiểm,[3] do đó được Giám mục Alexandre Marcou Thành chọn đi du học tại Trường Truyền giáo Rôma.[1] Trong thời gian học tại đây, chủng sinh Chi và chủng sinh Phaolô Nguyễn Văn Bình có dịp trở thành bạn của nhau.[4]

Thời kỳ linh mục[sửa | sửa mã nguồn]

Phó tế Phạm Ngọc Chi được thụ phong chức linh mục ngày 23 tháng 12 năm 1933 tại Thánh đường Gioan Laterano, do Hồng y Marchelli Selvaggiani (Giám quản Giáo phận Rôma)[7] chủ sự.[1] Tân linh mục Chi là một trong số 37 người được truyền chức trong đợt này, và đã cử hành "lễ mở tay" (lễ đầu tiên trong tư cách linh mục) của mình vào lễ Giáng sinh năm 1933.[3] Tân linh mục Phạm Ngọc Chi tiếp tục nội trú tại trường cũ của mình, và theo học tại Đại học Apollinaire và tốt nghiệp các văn bằng Tiến sĩ Triết học, Cử nhân Thần học và Cử nhân Giáo luật. Năm 1935, ông nghiên cứu tại Đại học Công giáo Paris.[1]

Năm 1936, linh mục Phạm Ngọc Chi quay trở về Việt Nam và nhận chức giáo sư Đại chủng viện Phát Diệm, theo lời mời của Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.[1] Năm 1944, ông được cử làm Phó giám đốc của Đại chủng viện Phát Diệm. Năm 1945, ông trở thành cố vấn của tân Giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ trong các vấn đề luật pháp và chính trị và giữ vai trò này cho đến năm 1950.[8]

Nội dung thư luân lưu số 5 của Lê Hữu Từ ngày 3 tháng 12 năm 1945 đề cập đến tầm quan trọng của việc bầu cử và hướng dẫn bầu cử, nhân dịp tổ chức bầu cử [đầu tiên] của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[9] Giám mục Từ và linh mục Hoàng Quỳnh, thông qua Liên đoàn Công giáo và Công giáo Cứu quốc tuyên truyền cho liên danh gồm 4 ứng viên Công giáo chiếng thắng trước các ứng viên Việt Minh. Kết quả sơ bộ cho thấy các ứng viên Công giáo giành phần thắng trong hầu hết các huyện trong tỉnh, tuy vậy khi kết quả chính thức được công bố, chỉ một ứng viên Công giáo giành phần thắng. Cho rằng có sự gian lận trong bầu cử, Giám mục Từ đánh điện văn phản đối kết quả đến chính phủ và chuẩn bị biểu tình. Chính phủ sau đó gửi điện văn cho biết việc kiểm phiếu nhầm lẫn, và xác định linh mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã trúng cử. Giám mục Từ sau đó cho phép linh mục Chi khước từ sự trúng cử này.[10]

Năm 1946, Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án Hôn phối Địa phận đồng thời vào Hội đồng Cố vấn Địa phận.[1] Năm 1947, linh mục Chi được chọn làm Giám đốc Đại chủng viện Phát Diệm.[8]

Dưới tác động từ thông điệp của Giáo hoàng Piô XI, cũng như Giám mục Lê Hữu Từ, ông kịch liệt chống đối những người Cộng sản. Năm 1946, ông được Hội đồng Địa phận Phát Diệm đề cử ra tranh cử Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được công bố trúng cử sau khi có thư xác nhận từ chính phủ tại Hà Nội nhưng ông quyết định khước từ.

Thời kỳ Giám mục[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Bùi Chu[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 3 tháng 2 năm 1950, Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm linh mục Phạm Ngọc Chi chức Giám mục hiệu tòa Sozopolis và Đại diện Tông tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu. Giám mục Tân cử nhận giáo phận ngày 21 tháng 3 cùng năm.[11] Tân giám mục di chuyển bằng tàu Hòa Bình đến nhận giáo phận dù chưa được tấn phong chức giám mục vì Địa phận Bùi Chu trống tòa từ khi Giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn qua đời cuối tháng 11 năm 1948 và Địa phận nằm dưới sự quản lý của Giám quản Tông Tòa Lê Hữu Từ.[12] Lễ tấn phong đã diễn ra vào ngày 4 tháng 8[gc 1] năm 1950 tại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu[11][8] với sự tham gia của 20.000 giáo dân, không kể các khách mời.[12] Lý do chọn ngày này vì đây là ngày kính thánh Đa Minh, thánh bổn mạng của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn.[12] Chủ phong trong nghi thức truyền chức là Giám mục Lê Hữu Từ, trong khi hai giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình ThụcSantos Ubierna Ninh đóng vai trò phụ phong.[11] Tân giám mục chọn cho mình khẩu hiệu: Vâng lời Thầy, con thả lưới.[13] Giám mục Chi là Giám mục Việt Nam thứ sáu kể từ khi Việt Nam có giám mục bản xứ đầu tiên vào năm 1933.[14]

Địa phận Bùi Chu được trao cho tân giám mục Phạm Ngọc Chi có tình hình chính trị phức tạp, nhiều vùng "xôi đậu". Giám mục Chi đã sắp xếp để ổn định đời sống giáo dân về nhân sự và phát triển các dòng tu. Ông đã phát triển đời sống tôn giáo của giáo dân bằng các việc tổ chức cấm phòng, thuyết trình về Đức Mẹ Maria, dẫn đến việc thành lập Hội Thánh Mẫu. Ông cũng cho thiết lập Đoàn Truyền Giáo gồm các giáo dân trẻ được trang bị vốn kiến thức giáo lý. Đoàn này, trong giai đoạn 1950-1954, đã đưa 40.000 người gia nhập Công giáo. Về văn hóa, Giám mục Chi cho thành lập trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (1949) và chuyển thành trường công lập, phát triển các trường tiểu học ở các giáo xứ (50 trường tiểu học và 259 trường sơ cấp). Địa phận Bùi Chu cũng cho phát hành tuần báo Thời Mới (1950).[12] Giám mục Chi tiến hành tập trung cho việc truyền giáo. Ông cho thiết lập Dòng nữ Đa Minh Bùi Chu (1951) và Dòng Đức Mẹ Đồng Công (1953). Ông cũng cho mời các tu sĩ từ Hội Truyền giáo Bỉ (S.A.M) và tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa.[11]

Cuối tháng 11 năm 1951, Giám mục Phạm Ngọc Chi tham gia cuộc họp của các giám mục Đông Dương và cùng với bốn Giám mục Việt Nam khác (Giám mục Lê Hữu Từ, Trịnh Như Khuê, Hoàng Văn Đoàn và Ngô Đình Thục), ký tên vào Thư Chung năm 1951.[15] Năm 1952, Giám mục Chi đã mời linh mục Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh làm Thư ký Tòa giám mục.[16]

Trong sách Thập Giá và Lưỡi Gươm, linh mục Trần Tam Tỉnh cho rằng từ năm 1950, nhiều khu vực Công giáo nhận được sự hỗ trợ súng từ Pháp và do các giáo sĩ (linh mục) trực tiếp chỉ huy. Đoàn quân này do Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ quản lý tại Địa phận Phát Diệm và do Giám mục Phạm Ngọc Chi quản lý tại khu vực Địa phận Bùi Chu. Cũng theo linh mục Tỉnh, các lực lượng trên "vượt xa tư cách gọi là chỉ để tự vệ khi bị cộng sản tấn công, bởi vì nó tung ra các hoạt động chủ yếu là hành quân càn quét, có khi bao trùm cả vùng, có lúc chỉ ở địa phương nhỏ."[17]

Giám mục Phạm Ngọc Chi và Giám mục Lê Hữu Từ là hai giáo sĩ duy nhất có quân đội riêng, ngoại trừ chính Tòa Thánh Vatican, theo Ronald H. Spector.[18] Cùng với Giám mục Từ, Giám mục Chi cũng là một nhà lãnh đạo không chỉ về tinh thần mà còn về phương diện thế tục trong vùng lãnh thổ do ông độc lập quản lý, không thuộc về cựu hoàng Bảo Đại, Pháp hay thậm chí là Chủ tịch Hồ Chí Minh.[19][20] Tài liệu giải mật của CIA, trên thực tế xếp Giám mục Chi vào nhóm các giám mục theo chủ nghĩa dân tộc cách cực đoan, cùng với Giám mục Ngô Đình Thục và Giám mục Lê Hữu Từ.[21]

Đặc trách Di dân và Công giáo Tiến Hành[sửa | sửa mã nguồn]

Với phong trào di cư vào năm 1954, Giám mục Phạm Ngọc Chi nhận được thư từ Khâm sứ Tòa Thánh John Dooley ủy thác quản lý hàng giáo sĩ di cư. Ông cũng được Giám mục Jean Cassaigne Sanh, Đại diện Tông Tòa Sài Gòn ủy thác cho việc quản lý các di dân thuộc về [lãnh thổ giáo luật] Địa phận Sài Gòn Đáp ứng các yêu cầu trên, Giám mục Phạm Ngọc Chi cho thiết lập Uỷ ban Hỗ trợ Định cư (hoạt động cho đến ngày 31 tháng 12 năm 1956) với nhiều kết quả: 300 nhà thờ, nhiều trường học và bệnh viện đã được xây dựng tại các trại di cư.[11] Kết quả của sự tích cực của Giám mục Chi là các giáo xứ toàn tòng có gốc gác giáo dân miền Bắc di cư tại các vùng Gò Vấp, Hóc Môn,... thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn và các giáo xứ dọc các kênh vùng Cái Sắn, giáo phận Long Xuyên. Giám mục Chi đã giúp hỗ trợ về cả tinh thần và vật chất cho các giáo dân di cư đến các trại định cư tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam, mà nay hình thành nên các giáo xứ lớn.[2] Tại Thành phố Sài Gòn, Giám mục Chi cũng cho xây dựng nhiều công trình: nhà Bùi Chu, Trung tâm Công giáo, nhà in Nguyễn Bá Tòng, trường Chu Văn An, trường trung học Nguyễn Bá Tòng,...[6] Theo tác giả Phạm Bá Nhạ, Giám mục Chi được chính phủ [Việt Nam Cộng hòa] bổ nhiệm là Chủ tịch Uỷ ban Hỗ trợ Định cư thuộc Tổng ủy Di cư, nhằm liên lạc với cơ quan viện trợ Công giáo Mỹ. Uỷ ban này đã quản lý hàng giáo sĩ di cư, cũng như tái định cư cho gần một triệu di dân từ Cà Mau đến Bến Hải bằng việc tìm đất định cư (giám mục Chi trực tiếp tham gia việc này), hỗ trợ vật liệu xây dựng và lương thực.[12]

Sau khi hoàn tất phần việc và giải thể Uỷ ban Hỗ trợ Định cư, do sự đề cử của Thanh tra Tông Tòa đến Việt Nam Giuseppe Caprio,[gc 2] Giám mục Phạm Ngọc Chi được Tòa Thánh đặt chuyên trách về Công giáo Tiến hành Việt Nam, với chức danh Đặc uỷ Tông Tòa.[23][24] Trên cương vị này, ông đã triệu tập hội nghị trên toàn quốc (Việt Nam Cộng hòa), soạn thảo các quy định, nghiên cứu các đoàn thể và phong trào, cũng như thiết lập tuần báo "Việt Tiến". Giám mục Chi cũng đã cho thiết lập Trụ sở Huấn luyện Công giáo Tiến hành tại Đà Lạt, cũng như xúc tiến đề nghị thành lập Trung tâm Công giáo Việt Nam tại Sài Gòn.[23] Trung tâm này được tài trợ bởi Tòa Thánh Vatican, Công giáo Hoa Kỳ và Tây Đức, được khánh thành vào ngày 18 tháng 1 năm 1957, và Giám mục Chi trở thành Giám đốc Tiên khởi của trung tâm.[25] Trong thập niên 1960, các đoàn thể Công giáo Tiến hành đã được tổ chức cách quy củ tại các giáo phận miền Nam Việt Nam.[2]

Giám mục Qui Nhơn[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 5 tháng 7 năm 1957, Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi làm Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Nha Trang mới thiết lập.[26] Trong cùng ngày, Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục Phạm Ngọc làm Giám quản Tông Tòa[gc 3] Hạt Đại diện Tông Tòa Qui Nhơn.[23] Trên thực tế, dù Giám mục Piquet Lợi quản lý [vùng đất thuộc về tân địa phận Qui Nhơn], nhưng ông đã không thể đến vùng đất này vì luôn trú tại Nha Trang do hoàn cảnh chiến sự. Tân giám quản Qui Nhơn Giám mục Chi nhậm chức trong hoàn cảnh không có bất kỳ ngân khoản và không có bất kỳ [giáo sĩ có thẩm quyền nào] đứng ra bàn giao tân địa phận. Về cơ sở vật chất, Tòa giám mục bị Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến sử dụng và các chủng viện đã bị đóng cửa từ lâu. Giám mục Chi tạm trú tại đại chủng viện bỏ hoang. Trong tình hình này, về tài chính, Tòa Thánh, Caritas Quốc tế và nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ, trong khi về nhân sự có được sự giúp đỡ của các tu sĩ và linh mục gốc Phát Diệm và Bùi Chu.[12]

Cuối tháng 8 cùng năm, Giám mục Chi phân chia tân địa phận của mình thành sáu giáo hạt. Thời kỳ làm Giám mục của ông tại Qui Nhơn có việc tổ chức Đại hội Thánh Mẫu Trà Kiệu, và thiết lập ba trường trung học Đà Nẵng, Qui Nhơn và Tuy Hòa. Địa phận Qui Nhơn, theo số liệu năm 1958 có 115 linh mục, 16 đại chủng sinh, 156 tiểu chủng sinh.[23] Nguồn từ Niên Giám Tòa Thánh 1961 cho biết đến thời điểm tháng 11 năm 1960, Giám mục Chi vẫn là Đại diện Tông Tòa Bùi Chu, kiêm nhiệm chức Giám quản Tông Tòa Qui Nhơn.[28][27] Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Giám mục Phạm Ngọc Chi trở thành Giám mục chính tòa Qui Nhơn khi giáo phận này được thành lập.[29]

Thời gian Giám mục Chi làm Giám mục Qui Nhơn, việc truyền giáo và gia nhập đạo Công giáo đạt được nhiều kết quả tích cực.[24] Từ năm 1958, khoảng 50.000 đến 100.000 người gia nhập đạo. Địa phận có ba vùng truyền giáo lớn: Châu Ổ (Quảng Ngãi; dòng Chúa Cứu Thế phụ trách), Mỹ Chánh (Bình Định; dòng Đồng Công quản lý), Đông Mỹ (Phú Yên; các linh mục Phát Diệm chịu trách nhiệm). Do hình hình gia nhập đạo nhiều, hàng trăm nhà thờ được xây dựng và giám mục Chi xin Tòa Thánh phân tách địa phận.[12] Trả lời về vấn đề này, Giám mục Chi cho biết làn sóng gia nhập đạo là do các tôn giáo ở Qui Nhơn bị quân Cộng sản đàn áp nhiều năm, do đó họ cảm thấy thiếu một phương diện siêu nhiên và thời kỳ này có nhiều người Công giáo tốt làm gương. Giám mục Chi khẳng định Giáo hội không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là tại Địa phận Qui Nhơn. Giám mục.[30]

Giám mục Đà Nẵng[sửa | sửa mã nguồn]

Trước biến cố năm 1975

Giám mục [Giám quản] Qui Nhơn Phạm Ngọc Chi đề xuất tách Địa phận Qui Nhơn, và được Francis De Nittis, Quyền Quản lý Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương ủng hộ.[31] Giáo hoàng Gioan XXIIItông sắc In Vitae Naturalis Similitudinem tách Đà Nẵng ra khỏi Giáo phận Qui Nhơn và bổ nhiệm Giám mục Chi làm giám mục tiên khởi của giáo phận mới vào ngày 18 tháng 1 năm 1963. Tân giám mục Đà Nẵng chính thức nhận tân giáo phận vào ngày 1 tháng 5 năm 1963.[23][32] Quyết định nhận làm giám mục quản lý một giáo phận mới hình thành là một phần của giáo phận mình đang quản lý đã làm nhiều quan chức Tòa Thánh Vatican cảm kích và thán phục.[2]

Tân giáo phận được đặt dưới quyền quản lý của Giám mục Chi có lãnh thổ bao gồm thị xã Đà Nẵng, tỉnh Quảng Tín và tỉnh Quảng Nam, Việt Nam Cộng hòa, với diện tích trên 11.500 km.2 Giáo dân giáo phận gồm 84.000 người và 15.000 dự tòng trên tổng dân cư 1.100.000 người. Về nhân sự và cơ sở vật chất, giáo phận tân lập có 40 linh mục, một số ít tu sĩ, 35 địa sở và 365 họ nhánh.[32]

Chủ sự lễ nhậm chức của Tân giám mục Tiên khởi Đà Nẵng là Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta với lễ nhận sắc và nhậm chức diễn ra vào chiều ngày 1 tháng 5. Cá nhân tân giám mục cho rằng Đà Nẵng được tách thành một giáo phận riêng lẻ vì lịch sử vẻ vang và tương lai đầy hứa hẹn [trong Giáo hội].[24] Giáo dân và các đoàn thể Công giáo đã đến sân bay Đà Nẵng đón tân giám mục. Cùng đi máy bay từ Qui Nhơn đến Đà Nẵng, ngoài Giám mục Chi và Tổng giám mục Asta còn có hai tổng giám mục và năm giám mục khác.[8][33] Số lượng linh mục của tân giáo phận là 40.[24] Chính Giám mục Chi đã thiết lập xây dựng các cơ sở tại Tòa giám mục Đà Nẵng,[23] và trong thời gian chờ xây dựng cơ sở này, ông tạm trú tại nhà xứ nhà thờ chính tòa Đà Nẵng trong vòng một năm, và sau khi Tiểu chủng viện được xây dựng hoàn tất, ông tạm trú tại tầng hai Tiểu chủng viện Thánh Gioan [Đà Nẵng].[6][34] Trong giai đoạn làm Giám mục Đà Nẵng, Giám mục Chi tham dự Công đồng Vatican II với tư cách nghị phụ.[23] Giám mục Chi là một trong số 17 giám mục Việt Nam tham dự Công đồng này.[35]

Giáo phận Đà Nẵng do Giám mục Chi quản lý chính thức thiết lập Bệnh viện An Bình, Phú Thượng do các tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa đảm nhận. Về đào tạo, Giáo phận thiết lập Tiểu chủng viện Thánh Gioan (1970), Phân khoa Triết học Đại chủng viện Xuân Bích Hòa Bình (1974).[23] Ngoài ra, Giám mục Chi cho xây dựng Nhà hưu dưỡng Linh mục, Ðại Chủng viện Hòa Bình và Trung tâm Công giáo Tiến Hành bênh cạnh nhà thờ chính tòa Đà Nẵng. Giám mục Chi cũng cho phép hoặc mời các nhà dòng đến truyền giáo trong Giáo phận, bên cạnh hai dòng nữ Thánh Phaolô và Mến Thánh Giá Quy Nhơn trong lãnh thổ địa phận trước năm 1963.[24] Dự án trường Mỹ Thuật đặt dưới quyền quản lý của dòng Don Bosco không thành hiện thực do tình hình của quốc gia.[34]

Giám mục Phạm Ngọc Chi được chọn làm Phó chủ tịch, kiêm Thủ quỹ Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam trong phiên họp đầu tháng 1 năm 1968 của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Tổng giám mục Sài Gòn.[36] Nhiệm kỳ được xác định là bốn năm, 1967-1971.[37] Ông tái đắc cử chức Phó Chủ tịch, kiêm Thủ quỹ Hội đồng trong phiên họp đầu tháng 1 năm 1971 tại Trung tâm Công giáo Sài Gòn. Giám mục Chi cũng là Uỷ viên Uỷ ban Truyền bá Phúc Âm, một trong bốn Uỷ ban của Hội đồng Giám mục nhiệm kỳ 1971-1974.[38] Ban Thường vụ bổ sung thêm hai giám mục vào năm 1974, Giám mục Chi vẫn thuộc về Ban Thường vụ nhưng không rõ chức danh.[37]

Giám mục Phạm Ngọc Chi đã tháp tùng Hồng y Spellman trong chuyến thăm Sài Gòn của ông này. Năm 1967, Giám mục Phạm Ngọc Chi nhân danh chính mình và đại diện cho linh mục, giáo dân gửi điện văn đến Hồng y Josef-Léon Cardijn sau khi hồng y bày tỏ ý muốn yêu cầu phía Hoa Kỳ tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của Việt Nam và rút quân khỏi Việt Nam. Theo linh mục Trần Tam Tỉnh viết trong sách Thập Giá và Lưỡi Gươm, trong nội dung thư, Giám mục Chi bày tỏ sự đau buồn vì cho rằng hồng y "cổ võ một nền hòa bình giả dối" và có hành động liều lĩnh do thiếu vấn ý trước với Tòa Khâm sứ Việt Nam và Hội đồng Giám mục Việt Nam.[39]

Giám mục Phạm Ngọc Chi cùng Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tham dự Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ II vào năm 1969 tại Rôma.[37] Trong một chuyến công du Hoa Kỳ tháng 12 năm 1969, ông tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với sách lược Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon và khước từ sự liên hiệp với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Giám mục Chi, sự liên hiệp ở miền Bắc Việt Nam chỉ được một lúc rồi Cộng sản gạt tất cả những người không Cộng sản ra khỏi chính phủ...[40] Giám mục Chi góp mặt trong phái đoàn của Hội đồng Giám mục Việt Nam đi dự Hội nghị Hội đồng Giám mục Á châu vào cuối tháng 11 năm 1970 tại Manila, Philippines.[41]

Giám mục Phạm Ngọc Chi đã nêu cảm nghĩ của mình với tác giả sách Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, 1945-1954 rằng việc cáo buộc ông là người thuộc chính quyền Ngô Đình Diệm, điều mà ông cho rằng phải nói ngược lại. Cá nhân Giám mục Chi cho rằng Tổng thống Diệm không ưa gì mình, và đáng lẽ gia đình họ Ngô phải biết ơn ông, vì ông đã từng thừa lệnh Giám mục Lê Hữu Từ cứu giúp ông Ngô Đình Nhu và ông bà Trần Văn Chương khi còn là Giám đốc Đại chủng viện Phát Diệm. Giám mục Chi thừa nhận có nói chuyện với ông Ngô Đình Cẩn trong khoảng năm phút, vì đến thăm bà thân mẫu của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, [cũng là thân mẫu ông Cẩn]. Các sự kiện được nhắc lại là cách Giám mục Chi phản ứng với nội dung Mặc Thu viết trong cuốn sách Đảng Cần Lao có một số nội dung về mình.[30]

Giai đoạn từ khi thành lập giáo phận cho đến năm 1975 là giai đoạn xây dựng các cơ sở vật chất cũng như thiết lập các tổ chức và nhân sự trong Giáo phận Đà Nẵng. Thống kê năm 1975, giáo phận có 94.580 giáo dân, sinh hoạt tôn giáo trong 4 giáo hạt được chia thành 35 giáo xứ. Số lượng linh mục là 105, trong đó có 6 linh mục nước ngoài, 73 đại chủng sinh, 238 tiểu chủng sinh, 8 nam tu và 308 nữ tu. Trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1975, Giáo phận Đà Nẵng quan tâm đến các công tác xã hội: giáo dục (16 trường trung học, 40 trường tiểu học với lần lượt 11.170 và 23.190 học sinh và các trường hướng nghiệp; y tế có các bệnh viện tư nhân Công giáo, Dường đường Thánh Phaolô và bệnh viện An Bình hoàn tất khi chiến tranh kết thúc, cho đến năm 2016 được phía quân đội sử dụng. Giáo phận dưới thời Giám mục Chi trong giai đoạn này cũng điều hành các trại tạm cư, viện dưỡng lão và cô nhi viện, cũng như Nhà in Thanh Công, cơ sở in ấn của Giáo phận, thiết lập từ năm 1962.[32]

Sau biến cố năm 1975

Từ ngày 29 tháng 3 năm 1975, Giáo phận Đà Nẵng nằm trong vùng quản lý của một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Khoảng chừng 40 đến 50 nghìn giáo dân thuộc giáo phận đã rời giáo phận để tản cư, để lại con số giáo dân Đà Nẵng khoảng 40 nghìn người. Dưới thời chính quyền mới, các cơ sở giáo dục cũng như từ thiện được bàn giao cho chính quyền quản lý và sử dụng. Về đào tạo giáo sĩ, tiều chủng viện ngừng hoạt động và các đại chủng sinh chuyến đến học tại giáo xứ Phú Thượng cho đến năm 1982. Một số sinh hoạt mục vụ tôn giáo như thăm viếng và trao các bí tích, việc phong chức, thuyên chuyển linh mục rơi vào tình trạng rất khó khăn.[32]

Từ năm 1975 cho đến khi qua đời, Giám mục Phạm Ngọc Chi hầu như không xuất hiện cách công khai, kể các cuộc họp Hội đồng Giám mục Việt Nam.[2] Với biến cố năm 1975, Giám mục Phạm Ngọc Chi đã chọn và tấn phong chức Giám mục phó cho linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách vào ngày 6 tháng 6 năm 1975.[42] Niên Giám Tòa Thánh 1975 cũng xác nhận ngày bổ nhiệm tân giám mục Sách là ngày 6 tháng 6.[43] Từ con số 40 linh mục thuộc giáo phận Đà Nẵng vào năm 1963, số linh mục tăng lên con số 117 vào năm 1975. Sau biến cố năm 1975, giáo phận còn lại khoảng 50 linh mục. Giám mục Chi cho rất nhiều linh mục đi du học cũng như khuyến khích các linh mục dưới 40 tuổi xuất ngoại, và trong mỗi phân ngành riêng biệt, ông cho ba linh mục theo học cùng một loại văn bằng để có nhân sự thay thế.[24] Ông không tham dự Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam I diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm 1980. Cùng vắng mặt còn có bốn giám mục khác.[44]

Giám mục Phạm Ngọc Chi phải học tập cải tạo, và ông học một mình cùng Phó Trưởng Ty Công An Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Lê Lực. Trong tháng đầu tiên, Giám mục Chi học tập mỗi ngày tám tiếng, đến nửa đầu tháng hai, mỗi ngày còn bốn tiếng, và hai tuần cuối cùng, mỗi ngày hai tiếng. Sau khi hoàn thành việc học tập cải tạo, ông Lực thưởng Giám mục Chi một phiếu mua xăng, đồng thời lưu ý rằng do giáo dân còn cần đến Giám mục Chi và vì tuổi tác của giám mục, vì khoan hồng và nhân đạo, Nhà nước không bắt giữ ông. Ông Lực cũng lưu ý rằng việc Giám mục Chi sau này có bị bắt giữ hay không tùy thuộc vào thái độ của ông, vì Tội của ông thì nhiều hơn cát ngoài biển.[8][34]

Tính đến lễ kỷ niệm 50 năm linh mục của mình, Giám mục Phạm Ngọc Chi đã cử hành lễ thứ 18.598 của mình.[3] Mọi việc mừng dịp kỷ niệm này đều diễn ra cách lặng lẽ và âm thầm, và cá nhân Giám mục Chi đã mừng lễ của chính mình với linh mục thư ký.[45] Vào mùa hè năm 1984, các linh mục [Đà Nẵng] biết ý định về nghỉ dưỡng tại Phú Thượng của Giám mục Phạm Ngọc Chi. Tuy vậy, đầu tháng 7 năm 1984, linh mục xứ Trà Kiệu được chính Giám mục Chi hỏi ý về ý định của ông về hưu dưỡng tại Trà Kiệu theo lời khuyên của nhiều người. Sau cuộc gặp này một tuần, Giám mục Chi chính thức đến an dưỡng tại Trà Kiệu.[5] Theo thông tin từ linh mục Hoàng Xuân Nghiêm, ngày 10 tháng 7 năm 1984, Tòa giám mục bị công an tỉnh bất ngờ bao vây và phong tỏa. Phòng Giám mục và linh mục quản lý bị kiểm tra. Một ngày sau, Giám mục Chi được yêu cầu đến làm việc và theo linh mục Nghiêm, bị áp lực phải nhượng lại Tòa giám mục, Tiểu chủng viện Gioan và Tu viện Gioan Thiên Chúa lại cho Nhà nước. Nhà nước cũng hứa sẽ xây một tòa nhà Tòa giám mục khác thay cho tòa nhà cũ. Cũng theo linh mục Nghiêm, cho đến tháng 1 năm 1988, vẫn không được thực hiện. Giám mục Phạm Ngọc Chi bị "giam lỏng" tại Trà Kiệu từ ngày 20 tháng 7 cho đến khi qua đời, cũng theo linh mục Nghiêm.[8] Theo linh mục Thăng, vào ngày di chuyển đến Trà Kiệu, Giám mục Chi rất rạng rỡ, và bản thân giám mục đã được đưa đến thăm viếng hai cộng đoàn nữ tu. Tuy vậy, chỉ sau đó một tuần, tình hình Giám mục Chi đổi khác. Sức khỏe Giám mục Chi thất thường, từng nhiều lần lâm bệnh nặng, cũng như từng nhập viện điều trị vào giữa tháng 10 năm 1985.[5] Việc cai quản giáo phận lại cho Giám mục phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, kể từ ngày 10 tháng 7 năm 1984.[34] Giám mục Phạm Ngọc Chi chính thức về an dưỡng tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu từ ngày 10 tháng 7 năm 1984.[42] Giám mục Chi đã viết thư gửi linh mục Quản hạt Hội An Lê Như Hảo vào ngày 28 tháng 7 cùng năm, sau khi chính thức tới Trà Kiệu để báo tin mình đang cư trú ở trong phần đất thuộc quyền linh mục Hảo. Cá nhân Giám mục Chi cho biết sự đổi chỗ cư trú của mình là bất ngờ và vội vã, và ông chưa thể chào từ biệt ở Đà Nẵng. Giám mục Chi cho biết linh mục Trà Kiệu và chính quyền đã sắp xếp nơi cư trú cho mình, đồng thời loan báo rằng đã báo cáo Tòa Thánh về việc hết trách nhiệm giám mục vào ngày mình trọn 70 tuổi. Giám mục Chi, trong thư, khẳng định đã trao toàn bộ quyền điều hành cho giám mục phó Nguyễn Quang Sách vào dịp tĩnh tâm (cấm phòng) năm 1983.[45]

Qua đời

Giám mục Chi qua đời ngày 21 tháng 1 năm 1988.[46] Trước đó, vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập giáo phận Đà Nẵng, 18 tháng 1 năm 1988, sức khỏe Giám mục Phạm Ngọc Chi chuyển biến xấu và ông rơi vào tình trạng hôn mê. Vào ngày Giám mục Chi qua đời, các giám mục khác thuộc miền Trung Việt Nam có mặt vào lúc ông lâm chung, do có giấy triệu tập tham gia một cuộc họp tại Hà Nội, và các giám mục này phải đến Đà Nẵng nhận vé máy bay để bay đến Hà Nội. Linh mục Quản xứ Trà Kiệu Nguyễn Trường Thăng được một cán bộ công an đề xuất yêu cầu bình viện Duy Xuyên truyền oxy cho Giám mục Chi. Được truyền oxy vào khoảng 12 giờ, Giám mục Chi qua đời vào lúc 14 giờ 25 phút.[5]

Thi hài cố giám mục được đưa đến tầng trệt nhà thờ Trà Kiệu để giáo dân đến viếng. Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các chủ sự nghi thức tẫn liệm.[5] Lễ an táng cố giám mục được cử hành tại nhà thờ Trà Kiệu vào ngày 23 tháng 1.[34] Chủ tế là Giám mục kế vị Nguyễn Quang Sách, đồng tế có bốn giám mục các giáo phận miền Trung khác. Tổng giám mục Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền tham dự lễ tang, ngồi cạnh bàn thờ.[5] Khoảng 40 linh mục tham gia đồng tế tang lễ, trong khi con số giáo dân tham dự lễ tang khoảng 5.000 người.[34] Ông được chôn cất tại Vườn Nghĩa, phía trái cạnh nhà thờ Trà Kiệu,[47] trong nghĩa trang các linh mục. Việc đề nghị được xin quay video [tang lễ] không được chấp nhận, trong khi việc chụp ảnh chỉ được thực hiện bởi các hiệu ảnh có giấy phép. Phim màu [tang lễ] sau đó chỉ được in một số tấm.[5]

Di chúc của Giám mục Phạm Ngọc Chi được viết vào ngày 21 tháng 11 năm 1984. Trong chúc thư của Giám mục Chi có đoạn: Đối với những người thù ghét tôi, làm khổ tôi, nếu có, tôi không có buồn giận ai cả. Trái lại, tôi xin Chúa chúc lành cho họ. Họ làm như thế là làm cho tôi, vì tôi có dịp lập công, đền tội, nhất là trong những ngày sau hết đời tôi. Về nơi chôn cất thì ở đâu cũng được. Cũng trong di chúc này, Giám mục Chi cho rằng ông không giúp được giáo dân Trà Kiệu ngoài các hy sinh và lời cầu nguyện và là gánh nặng khi ông đau bệnh và trong dịp tang lễ.[4]

Trong đời sống mục vụ cá nhân, Giám mục Chi nổi bật ở hai đặc điểm: sự đúng giờ và sự cố gắng trả lời mọi thư từ liên lạc. Việc giữ mọi liên lạc và trả lời tất cả thư từ được Giám mục Chi nhắc nhớ linh mục quản lý của mình nhiều lần.[24] Giám mục Chi, trong suốt khoảng thời gian làm giám mục, đã truyền chức cho khoảng 1.000 linh mục, và mở "tu hội muộn" nhằm gia tăng số lượng linh mục. Giám mục Chi được nhớ đến vì tại các địa phận mà ông quản lý, ông đều thiết lập các tờ báo giáo phận, đẩy mạnh hoạt động truyền giáo, cử các giáo dân du học, mở các cô nhi viện, các trường học cũng như các nhà thờ, chủng viện và tu viện. Giám mục Chi có tài ăn nói và ngoại giao, do đó đóng vai trò dẫn đường cho đoàn các giám mục Việt Nam tham dự các sự kiện quốc tế và tại Tòa Thánh. Ông cũng thường đóng vai trò đại diện đón tiếp các phái đoàn ngoại quốc đến thăm Hội đồng Giám mục Việt Nam.[34]

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày sinh của Giám mục Chi vào giữa tháng 5 năm 2007, Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục chính tòa Đà Nẵng quyết định thành lập Quỹ Giáo dục Phạm Ngọc Chi, là quỹ giáo dục học của Giáo phận Đà Nẵng.[48]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Phạm Ngọc Chi đã biên soạn các sách:[11]

  • Phúc Âm dẫn giải (hai tập), xuất bản năm 1952, thuộc Tủ sách Liên giáo phận.
  • Cha Đa Miêng, Tông đồ người hủi (sách dịch), xuất bản năm 1957, thuộc Tủ sách Ra khơi.

Tông truyền[sửa | sửa mã nguồn]

Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được tấn phong giám mục năm 1950, thời Giáo hoàng Piô XII, bởi:[49]

Dưới đây là sơ đồ tính Tông truyền từ giám mục Việt Nam đầu tiên được giám mục ngoại quốc chủ phong cho đến đời Giám mục Phạm Ngọc Chi.[49]

Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đóng vai trò chủ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục:[49]

Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đóng vai trò phụ phong trong nghi thức truyền chức cho các giám mục:[49]

Tóm tắt chức vụ[sửa | sửa mã nguồn]

Danh hiệu Công giáo
Tiền nhiệm:
Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn
Đại diện Tông Tòa
Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu

1950–1960
Kế nhiệm:
Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh
Tiền nhiệm:
Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi
Giám mục chính tòa
Giáo phận Qui Nhơn

1960–1963
Kế nhiệm:
Đa Minh Hoàng Văn Đoàn
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Giám mục chính tòa
Giáo phận Đà Nẵng

1963–1988
Kế nhiệm:
Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Phó Chủ tịch
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1968–1974(?)
Kế nhiệm:
Philipphê Nguyễn Kim Điền
Phaolô Nguyễn Văn Bình
Tiền nhiệm:
Không rõ
Giám đốc
Trung tâm Công giáo Việt Nam

1968–1971(?)
Kế nhiệm:
Không rõ
Tiền nhiệm:
Không rõ
Giám đốc
Trung tâm Công giáo Việt Nam

1968–1971(?)
Kế nhiệm:
Không rõ
Tiền nhiệm:
Không rõ
Giám đốc Caritas Việt Nam
Hội đồng Giám mục Việt Nam[53]

Không rõ
Kế nhiệm:
Không rõ
Tiền nhiệm:
Tiên khởi
Uỷ viên Ban Thường vụ
Hội đồng Giám mục Việt Nam

1974–1977
Kế nhiệm:
Chức vụ bị hủy bỏ

Thứ tự bổ nhiệm - tấn phong giám mục[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền nhiệm:
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần V
Tađêô Lê Hữu Từ
14 tháng 6 năm 1945
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần VI
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

3 tháng 2 năm 1950
Kế nhiệm:
Đợt bổ nhiệm Giám mục người Việt lần VII
Đa Minh Hoàng Văn Đoàn
12 tháng 3 năm 1950
Tiền nhiệm:
Giám mục người Việt thứ 5 được tấn phong
Tađêô Lê Hữu Từ
29 tháng 10 năm 1945
Giám mục người Việt thứ 6 được tấn phong
Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

4 tháng 8 năm 1950
Kế nhiệm:
Giám mục người Việt thứ 7 được tấn phong
Giuse Maria Trịnh Như Khuê
15 tháng 8 năm 1950

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nhiều nguồn bác bỏ thông tin lễ tấn phong Giám mục được cử hành ngày 15 tháng 8 năm 1950 được ghi trong nguồn sách của Trần Anh Dũng.
  2. ^ Sau khi đảm nhận chức Thanh tra Tông Tòa, sau này linh mục Giuseppe Caprio làm Nhiếp chính Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam Cộng hòa cho đến năm 1959. Ông được phong Tổng giám mục năm 1961 và nhận tước hồng y năm 1979.[22]
  3. ^ Sau khi tra cứu văn bản gốc về Tông Hiến thành lập Hàng Giáo phẩm năm 1960, qua đó Giáo hoàng khẳng định Giám mục Chi vẫn là Đại diện Tông Tòa Bùi Chu, chỉ kiêm chức Giám quản Tông Tòa Qui Nhơn.[27][28] Do đó, nguồn sách của Trần Anh Dũng ghi chức danh "Đại diện Tông Tòa" là chưa chuẩn xác.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f Trần Anh Dũng 2009, tr. 416
  2. ^ a b c d e “CHÂN DUNG LINH MỤC VIỆT NAM: ĐỨC CHA PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 8 tháng 10 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2024.
  3. ^ a b c d Phạm Bá Nha (ngày 14 tháng 5 năm 2005). “Kỷ niệm sinh nhật Giám Mục truyền giáo Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988)”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  4. ^ a b c Gm. Phạm Ngọc Chi. “Trích Chúc Thư của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  5. ^ a b c d e f g Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng (ngày 1 tháng 9 năm 2012). “NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA ĐỨC CHA PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI”. Linh địa Trà Kiệu. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2024.
  6. ^ a b c Gioan Lê Quang Vinh (ngày 14 tháng 5 năm 2009). “Đức Cha Phạm Ngọc Chi: vị mục tử mà cả triệu người Việt ghi ơn”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  7. ^ “Các Hồng y vinh thăng bởi Piô XI (1927-330” (bằng tiếng Anh). G Catholic. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  8. ^ a b c d e f Linh mục Hoàng Xuân Nghiêm (ngày 23 tháng 1 năm 1988). “Ðôi giòng tiểu sử của Ðức cố Giám MụcPhêrô Maria Phạm Ngọc Chi”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ Xuân Huy và Đoàn Độc Thư 1973, tr. 49-53
  10. ^ Xuân Huy và Đoàn Độc Thư 1973, tr. 62-63
  11. ^ a b c d e f Trần Anh Dũng 2009, tr. 417
  12. ^ a b c d e f g Phạm Bá Nha (ngày 15 tháng 5 năm 2005). “Kỷ niệm sinh nhật Giám Mục Truyền Giáo Phạm Ngọc Chi (1909-1988) (bài 2)”. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  13. ^ Trần Anh Dũng 2001, tr. 176
  14. ^ Trần Anh Dũng 2001, tr. 170
  15. ^ UB Loan Báo Tin Mừng/ HĐGMVN (ngày 1 tháng 12 năm 2010). “Giáo hội Công giáo Việt Nam và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua (1)”. Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2024.
  16. ^ ngày 15 tháng 10 năm 2017. “THÀNH LẬP HÀNG GIÁO PHẨM CÔNG GIÁO VIỆT NAM”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  17. ^ Trần Tam Tỉnh 1988, tr. 93, 94
  18. ^ Spector, Ronald H. (Ngày 1 tháng 7 năm 2013). “Phat Diem: Nationalism, Religion, and Identity in the Franco-Viet Minh War”. Journal of Cold War Studies (bằng tiếng Anh). 15 (3). doi:10.1162/JCWS_a_00369.
  19. ^ 'Theocratic' Bishoprics Art Found In 'Red' Area” (bằng tiếng Anh). The St. Louis Review. 12 tháng 1 năm 1951. Truy cập Ngày 1 tháng 6 năm 2024.
  20. ^ “BATTLE OF INDO-CHINA: Arms & the Bishops” (bằng tiếng Anh). Times. 8 tháng 1 năm 1951. tr. 1. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2023. Truy cập Ngày 1 tháng 6 năm 2024.
  21. ^ “VIETNAMESE NATIONALIST GROUPS” (PDF) (bằng tiếng Anh). CIA. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 3 tháng 9 năm 2023. Truy cập Ngày 1 tháng 6 năm 2024.
  22. ^ “CAPRIO Card. Giuseppe” [CAPRIO HY. Giuseppe] (bằng tiếng Anh). Văn phòng Báo chí Toà Thánh. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  23. ^ a b c d e f g h Trần Anh Dũng 2009, tr. 418
  24. ^ a b c d e f g “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2024.
  25. ^ Trần Anh Dũng 2001, tr. 23
  26. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1957, tr. 975
  27. ^ a b HĐGMVN (ngày 5 tháng 10 năm 2017). “TÔNG HIẾN THÀNH LẬP HÀNG GIÁO PHẨM - VENERABILIUM NOSTRORUM”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  28. ^ a b Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1961, tr. 348
  29. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1961, tr. 80
  30. ^ a b Xuân Huy và Đoàn Độc Thư 1973, tr. 247, 248
  31. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1964, tr. 238, 239
  32. ^ a b c d Lm. Phêrô Hoàng Gia Thành (ngày 10 tháng 4 năm 2016). “Lược Sử Giáo Phận Đà Nẵng”. Giáo phận Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  33. ^ Phạm Cảnh Đáng (ngày 20 tháng 1 năm 2009). “Giáo phận Đà Nẵng mừng 46 năm ngày thành lập và Lễ giổ ĐC Phạm Ngọc Chi”. VietCatholic News. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  34. ^ a b c d e f g Phạm Bá Nha (ngày 16 tháng 5 năm 2005). “Kỷ niệm sinh nhật Giám Mục truyền giáo Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988)”. VietCatholic. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  35. ^ Trần Anh Dũng 2009, tr. 277
  36. ^ Trần Anh Dũng 2009, tr. 280-281
  37. ^ a b c Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP (ngày 18 tháng 3 năm 2021). “TỎA SÁNG NGỌC QUÝ NƯỚC TRỜI – NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM GIÁO HỘI VIỆT NAM 60 NĂM”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  38. ^ Trần Anh Dũng 2009, tr. 285-286
  39. ^ Trần Tam Tỉnh 1988, tr. 154
  40. ^ Trần Tam Tỉnh 1988, tr. 161, 162
  41. ^ Trần Anh Dũng 2001, tr. 29
  42. ^ a b Trần Anh Dũng 2009, tr. 419
  43. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1975, tr. 733
  44. ^ Trần Anh Dũng 2001, tr. 34
  45. ^ a b “Tưởng Nhớ Đức Cố Giám Mục tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng: Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi”. VietCatholic News. ngày 15 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  46. ^ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh 1988, tr. 240
  47. ^ Toma Trương Văn Ân (ngày 20 tháng 1 năm 2018). “Lễ giỗ lần thứ 30 Đức Cha Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi tại giáo phận Đà Nẵng”. VietCatholic News. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  48. ^ Đỗ Minh An (ngày 20 tháng 5 năm 2007). “Giáo phận Đà Nẵng phát động Qũi Giáo Dục Phạm Ngọc Chi. VietCatholic News. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2024.
  49. ^ a b c d “Bishop Pierre Marie Phạm Ngọc Chi † Bishop of Ðà Nẵng, Viet Nam” [Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục của Đà Nẵng, Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Catholic Hierarchy. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
  50. ^ “Bishop Thaddée Anselme Lê Hữu Từ, O. Cist. † Vicar Apostolic Emeritus of Phát Diêm, Viet Nam - Titular Bishop of Daphnusia” [Giám mục Tađêô Anselmô Lê Hữu Từ, O. Cist. †, Nguyên Đại diện Tông Tòa của Phát Diệm, Việt Nam] (bằng tiếng Anh). Catholic Hierarchy. Bản gốc lưu trữ Ngày 6 tháng 7 năm 2020. Truy cập Ngày 6 tháng 7 năm 2020.
  51. ^ “Archbishop Pierre Martin Ngô Ðình Thục † Archbishop Emeritus of Huế, Viet Nam, Titular Archbishop of Bulla Regia” [Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, nguyên Tổng giám mục Huế, Việt Nam, Tổng giám mục Hiệu tòa Bulla Regia] (bằng tiếng Anh). Catholic Hierarchy. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2023. Truy cập Ngày 4 tháng 3 năm 2024.
  52. ^ “Bishop Santos Ubierna, O.P. † Vicar Apostolic of Thái Binh, Viet Nam, Titular Bishop of Lamdia” [Giám mục Santos Ubierna, O.P. † Đại diện Tông Tòa của Thái Bình, Việt Nam, Giám mục Hiệu tòa của Lamdia] (bằng tiếng Anh). Catholic Hierarchy. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2024.
  53. ^ Xuân Huy và Đoàn Độc Thư 1973, tr. 246

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]