Minh Cảnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Minh Cảnh
Biệt danhHoàng đế Vọng cổ
Giọng ca Vô tiền khoáng hậu
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Văn Cảnh
Ngày sinh
8 tháng 1, 1937 (87 tuổi)
Nơi sinh
Sài Gòn, Liên bang Đông Dương
Nghề nghiệpNghệ sĩ cải lương
Sự nghiệp âm nhạc
Dòng nhạcVọng cổ
Hợp tác vớiNSƯT Diệu Hiền
NSƯT Mỹ Châu
NSƯT Minh Phụng
NSND Lệ Thủy
NS Phượng Liên
NSƯT Thanh Kim Huệ
NSND Minh Vương
Tác phẩm
Sự nghiệp sân khấu
Năm hoạt động1960–nay
Thể loạiCải lương
Tác phẩm
  • Máu nhuộm sân chùa
  • Mùa thu trên Bạch Mã Sơn

Minh Cảnh (sinh ngày 8 tháng 1 năm 1937) [1] là một nghệ sĩ cải lương gạo cội của sân khấu miền Nam, ông thành danh trong thời kì hưng thịnh nhất của bộ môn nghệ thuật này. Ông sở hữu chất giọng đặc biệt mà giới chuyên môn đánh giá là thuộc hàng "Danh ca". Ngoài ra, ông còn được báo chí và giới mộ điệu cải lương đặt cho danh xưng là "Hoàng đế Vọng cổ", " Đệ nhất danh ca" vì ông có nhiều sáng tạo khi ca vọng cổ, rất hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Vào những năm đầu thập niên 1960 khi mới nổi tiếng, ông còn được ca ngợi qua nhiều mỹ từ như "Thần đồng", "Giọng ca đợt sóng mới". [2][3]

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh đã được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ. Sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử ở Đài Phát Thanh.

Năm 1960, ông được nghệ sĩ Văn Được và nhạc sĩ đàn cò Ngọc Sáu giới thiệu với ông bầu Long để theo hát cho đoàn Kim Chung. Trong thời gian này Minh Cảnh được nhạc sĩ Bảy Trạch dạy thêm nhiều làn điệu, rồi được ra sân khấu trong các vở: Tuyết phủ chiều đông, Chiều thu sầu ly biệt, Nghệ sĩ mù đất Hà Tiên, Phù Kiều trường hận,Tiếng cười Bao Tự,…

Năm 1961, Minh Cảnh nổi danh với bài vọng cổ "Tu là cội phúc" của soạn giả Viễn Châu và bắt đầu được mời thu đĩa ở hãng Asia, Việt Hải,... với hàng loạt các bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu như: Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá, Sầu vương ý nhạc, Lòng dạ đàn bà, Hoa đào năm ngoái, Người điên yêu trăng, Cô gái bán trái sầu riêng (với Mỹ Châu), Ni cô và Kiếm sĩ (với Diệu Hiền)..., các bài vọng cổ của soạn giả Thu An như Em bé đánh giầy, Trống loạn Thăng Long thành,...

Năm 1963, ông chuyển sang đoàn Kim Chung 2 khi mới vừa thành lập làm kép chánh và nổi danh qua các vở: Manh áo quê nghèo, Lời thơ trên tuyết, Bẻ kiếm bên trời, Trinh nữ lầu xanh, Bên cầu vọng thê, Bích Vân cung kỳ án, Lưỡi kiếm thần, Hận đầu xanh,… Từ đó ông trở thành một kép chánh lừng danh của đại bang Kim Chung thời bấy giờ.

Giữa năm 1967, sau khi rời đoàn Kim Chung, Minh Cảnh thành lập một đoàn hát riêng mang tên mình "Minh Cảnh kịch đoàn". Tuy nhiên, trong một lần biểu diễn bay lượn khi đóng tuồng "Kiếm sĩ người dơi" thì ông không may gặp tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chấn thương. Để chạy chữa thì Minh Cảnh phải bỏ ra nhiều tài sản, qua đó thì đoàn hát của ông cũng rơi vào cảnh khó khăn đến mức tan rã.

Vào thập niên 1970, Minh Cảnh trở thành giọng ca trụ cột của hãng dĩa Việt Nam. Các vở cải lương nổi tiếng được ông thu âm vào băng đĩa như: Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Dốc sương mù, Đêm lạnh chùa hoang, Bao Công tra án Quách Hòe,...Những bài tân cổ giao duyên hát cùng Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên như: Rước tình về với quê hương, Duyên quê, Lời người lính xa xôi, Hai mùa mưa,Trăng sáng vườn chè, Mưa trên phố Huế, Lẻ bóng, Chuyến xe lam chiều,...Dĩa hát của Minh Cảnh vào thời điểm này được phủ sóng rộng rãi trên khắp miền Nam và được giới mộ điệu cải lương đón nhận nồng nhiệt với mức doanh thu cao mang lại lợi tức cho hãng dĩa Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh.

Ông chính là chủ nhân của câu vọng cổ 53 chữ trong bản thu âm “Quán gấm đầu làng”. Qua đó, giúp đặt nền móng đầu tiên cho việc hát vọng cổ hơi dài ở Việt Nam. Cách ca bay bổng, lả lướt, trữ tình kết hợp làn hơi dài và đầy cùng chất giọng thanh trong về âm sắc của ông đã ảnh hưởng sâu rộng với nhiều giọng ca chuyên và không chuyên thế hệ sau. Ngoài ra ông còn tiên phong hát giọng Huế và đưa hò Huế vào vọng cố (Bao giờ em quên, Mưa trên phố Huế,...)

Trong thời hoàng kim của nghệ sĩ Minh Cảnh, ông được ví như người thay thế vị trí Út Trà Ôn ở độ ăn khách và ái mộ của khán giả. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong số ít nghệ sĩ cải lương hiếm hoi có võ nghệ thực sự. Thậm chí tài tử Hồng Kông Khương Đại Vệ còn thán phục võ nghệ của Minh Cảnh khi có dịp gặp ông ở Sài Gòn.

Sau năm 1975, Minh Cảnh tiếp tục góp giọng ca trên các đài phát thanh với một số bài vọng cổ rất ấn tượng như Áo bà ba kỷ niệm ngày thu, Cánh chim trên biển, Bông điệp Sài Gòn, Bông súng trắng, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Vui bước chân ta,...

Những năm 1980 - 1990, khi kỹ thuật Video nở rộ, ông cũng thực hiện thu Video nhiều bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên và các tuồng cải lương như Tô Võ chăn dê, Trên đường lưu diễn, Trống loạn Thăng Long thành, Tu là cội phúc, Sầu Vương ý nhạc, Tàu đêm năm cũ, Cô lái đò, Cổ xe độc mã , Máu nhuộm sân chùa, Mùa Thu trên Bạch Mã Sơn,...

Năm 1999, Nhà Văn hoá Thanh Niên và đài truyền hình HTV tổ chức chương trình "Những cánh chim không mỏi" với chuyên đề "Tiếng hát vượt thời gian" dành cho ông.

Hiện nay, dù đã lớn tuổi nhưng người hâm mộ đánh giá giọng ca của nam nghệ sĩ vẫn như ngày nào. Từng câu chữ, cách xử lý bài hát đều mang đậm dấu ấn của ông khiến người hâm mộ vô cùng thích thú.[4][5][6]

Năm 2023, nghệ sĩ Minh Cảnh trở về quê nhà hoạt động nghệ thuật với 2 chương trình Bao Công tra án Quách Hòe và Tằm tơ nhả ngọc; gồm các trích đoạn cải lương và bài vọng cổ ghi đậm dấu ấn của ông như Máu nhuộm sân chùa, Mùa Thu trên Bạch Mã Sơn, Bao công tra án Quách Hòe, Tấm lòng của biển, Võ Đông Sơ, Quán gấm đầu làng, Sầu vương ý nhạc, Tu là cội phúc...[7]

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Cha của nghệ sĩ Minh Cảnh là ông Nguyễn Văn Mùi (người Việt, quê ở Quảng Bình), còn mẹ của ông bà Nguyễn Thị Sâm (người Hoa lai Việt, gốc Quảng Đông) sinh sống ở quận 5 Sài Gòn. Ông là anh lớn nhất trong gia đình có 8 anh chị em mà đa số cũng theo nghệ thuật như nhạc sĩ guitar Tony Xuân, nghệ sĩ Minh Long (đoàn Hương Bưởi, Đồng Nai), Minh Cảnh em (có thời gian cộng tác đoàn Trần Hữu Trang), nghệ sĩ Cảnh Trân....

Ông kết hôn lần đầu tiên với nghệ sĩ Kiều My (chị ruột của nghệ sĩ Bích Hạnh) từ lúc còn cộng tác với đoàn Kim Chung. Bà qua đời sau tai nạn xe. Hai ông bà có chung 5 người con tên Phượng, Nhi, Tâm, Hoàng, Sơn. Năm 2005, nghệ sĩ Minh Cảnh định cư tại Mỹ do người vợ sau tên Tuyết Minh bảo lãnh [8][9]

Giọng ca[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ sĩ Minh Cảnh có chất giọng trung tính đặc biệt là đồng pha kim nên ngân vang, dài, cao vút và thanh trong; ông có thể buông hơi ngân giọng dài mà không bị ngắt quãng, mờ âm như ca tụng mà từng âm rõ ràng có thẩm âm thanh trong cho người nghe xúc cảm (Sầu vương ý nhạc, Mưa trên phố Huế...).

Nghệ sĩ Minh Cảnh tự tạo cách ca khác biệt với trường phái ca của tiền bối Út Trà ÔnHữu Phước (chân phương, trầm hùng, truyền cảm). Ông ca hơi dài (vô vọng cổ nhiều chữ), đưa hò Huế vào vọng cổ; giữ nét chân phương vừa phải và bổ sung sự nhấn nhá, lả lướt, lạng bẻ (Chiều mưa anh về , Nhớ vợ hiền ...), có thể xem ông đã xây dựng trường phái ca ngâm Minh Cảnh . Nếu xem bên nghệ sĩ nam Út Trà Ôn đi đầu về ca chân phương thì thiên về ca hoa lá là Minh Cảnh. Nhưng đặc biệt là ca nhẹ như mây; tự nhiên, trầm bổng, lả lướt theo tiếng đàn mà không cần ráng hơi, vuốt chữ (Tu là cội phúc, Hoa đào năm ngoái, Cổ xe độc mã...). Ca hơi dài, chắc nhịp, ca theo lối hò Huế đã có thế hệ nối tiếp nhưng ca nhẹ như mây thì đến nay chưa có người kế thừa. [10]

Các vai diễn nổi bật[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Cuộc đời nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh ở tuổi U90: Cả đời mang ơn khán giả”. laodong.vn. 27 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.
  2. ^ “Nghệ sĩ Minh Cảnh: 'Hoàng đế vọng cổ' tan cơ nghiệp vì 'gãy cánh'. antt.vn. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  3. ^ 'Đệ nhất vọng cổ' Minh Cảnh: Giã từ sân khấu sau biến cố, xế chiều ở trời Tây”. VietNamNet News (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  4. ^ “Nghệ sĩ Minh Cảnh”. Báo Công an Nhân dân Điện tử. Truy cập 25 tháng 5 năm 2023.
  5. ^ “Cuộc sống sau biến cố của nghệ sĩ Minh Cảnh và cái duyên với "nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga”. laodong.vn. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  6. ^ “Nghệ sĩ Minh Cảnh: 'Hoàng đế vọng cổ' tan cơ nghiệp vì 'gãy cánh'. Truy cập 25 tháng 5 năm 2023.
  7. ^ thanhnien.vn (18 tháng 7 năm 2023). “Nghệ sĩ Minh Cảnh bất ngờ có live show thứ hai”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.
  8. ^ sao, Ngôi. “Tuổi thơ vắng tình thương cha mẹ của Nhật Sơn”. Ngoisao. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  9. ^ “Diễn Đàn Cải lương Số”. diendan.cailuongso.com. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  10. ^ “Minh Cảnh, giọng ca « nhẹ như mây »”. RFI. 28 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Ông hoàng cải lương
Út Trà Ôn | Minh Cảnh | Minh Phụng | Thanh Tòng | Minh Vương | Thanh Tuấn | Chí Tâm | Vũ Linh | Linh Tâm | Kim Tử Long