Bước tới nội dung

Thành viên:Diepmaikg/nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CHÙA QUAN ĐẾ

Tên gọi di tích:

- Tên chính thức: Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Quan Đế

- Tên gọi khác: Chùa Vĩnh Lạc, Vĩnh Lạc Miếu, chùa Quan Đế - Rạch Giá, miếu Quan Thánh Đế, chùa Ông.

Loại hình di tích: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 1570-VH/QĐ ngày 05/9/1989 của Bộ Văn hóa.

Địa điểm, đường đi đến di tích:

Di tích thuộc Khu phố 2, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá.

Nếu đi bằng đường bộ theo đường Trần Phú là đến di tích. Nếu đi đường thủy thì theo vịnh Rạch Giá vào cảng Rạch Giá hoặc theo dọc sông Kiên về phía hạ nguồn đến cảng Rạch Giá, theo đường Trần Phú đến di tích.

Sự kiện, nhân vật lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích:

Di tích là miếu thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công), là một công trình kiến trúc có nhiều tác phẩm trang trí mang tính nghệ thuật độc đáo của người Hoa. Năm 1752, khu vực quanh chùa là vùng đất hoang vu, chưa có tên làng đã có một số di dân người Hoa đến đây lập nghiệp, dựng làng lấy tên là làng Vĩnh Lạc bởi lấy một phần thôn Lạc Dục và một phần làng Vĩnh Huề nhập lại.

Một số người Hoa trong làng dựng 1 ngôi miếu thờ Hội Đồng, gọi tên là miếu Vĩnh Lạc để thờ các vị tiền nhân có công khai mở làng. Năm 1837, miếu Vĩnh Lạc được xây dựng lại đặt tên là chùa “Già Đá cổ tự”. Trong sách Đại Nam nhất thống chí, mục “Từ Miếu” có ghi: “Đền cổ Già Đá, ở huyện Kiên Giang, nguyên trước gọi là miếu Hội Đồng”. Năm 1852, vua Tự Đức đã phong sắc cho miếu thờ phụng Quan Thánh Đế. Năm 1882, miếu Vĩnh Lạc được xây dựng lại đến năm 1925 hoàn thành lấy tên là chùa Quan Đế. Do miếu xây dựng trên nền chùa cổ Giá Đà nên người dân thường gọi là chùa Quan Đế. Vì vậy Ban quản trị để bảng tên chữ quốc ngữ là “Chùa Quan Đế”.

Từ năm 1925 – 1975, chùa Quan Đế đã được tu bổ nhiều lần nên một vài hạng mục có thay đổi. Năm 2020, chùa được tu bổ lại toàn bộ chính điện, phục chế là một số tranh bích họa bị hư hỏng và một số chi tiết trang trí, tôn tạo cảnh quan khuôn viên chùa.

Di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí như chuông đồng, lư đồng thời Tự Đức, một số đồ gốm Việt, điêu khắc gỗ đầu thế kỷ XX, sắc phong của vua Tự Đức. Đặc biệt là hệ thống tranh bích họa được vẽ từ năm 1924 là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị đặc biệt.

Tại di tích có tổ chức lễ cúng Vía Quan Thánh Đế gồm 2 lễ:

- Ngày vía Hiển Thánh (ngày Vía Sanh) là ngày cúng Quan Công quy y tam bảo vào ngày 13 tháng 1 ÂL.

- Ngày Vía Tử vào ngày 23 tháng 6 ÂL.

Lễ cúng tế tại di tích thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái với nhiều lễ vật phong phú như: heo quay, vịt, xôi bánh, trái cây,... nổi bật là các loại bánh đặc trưng của người Hoa như: Bánh quả đào, bánh tổ, bánh đậu xanh, bông lan,…trông đầy màu sắc, rực rỡ. Riêng lễ Hiển Thánh phải cúng chay, còn các ngày khác thì cúng mặn. Lễ vía Quan Thánh đế quân là một lễ hội mang đậm tính văn hóa và nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Hoa ở Kiên Giang, đóng góp vào tạo bản sắc văn hóa Nam bộ phong phú và đa dạng. Trước đây tại chùa vào các ngày lễ thường diễn ra múa lân, tổ chức văn nghệ (hát tuồng Triều Châu), đấu thầu lồng đèn, đố thai, biểu diễn lân sư rồng, thi viết thư pháp, thu hút rất đông người tham dự. Hiện nay một số hoạt động đã bị mai một.

Khảo tả di tích:

Di tích được xây dựng trên khuôn viên diện tích 3.603m2, xunh quanh có tường rào báo. Cổng được thiết kế theo kiểu cổng tam quan, 3 cửa, mái 1 tầng gắn ngói âm dương. Đỉnh nóc gắn hình hoa văn sóng nước, giữa có ngọn bảo đăng (đèn ngọc) cách điệu. Giữ mái có bảng chữ “Chùa Quan Đế” bên trên bằng chữ quốc ngữ, bên dưới bằng chữ Hán Nôm. Cột hai bên có 2 liễng đối.

Trong sân khuôn viên di tích có nhà chính điện và nhà hậu liên kề nhau, quay mặt về hướng Bắc. Nhà hậu được xây kiểu nhà cấp bốn, để làm nơi làm việc, hội họp và lưu giữ đồ vật phụng cúng của chùa. Phía trái của nhà hậu có 1 cửa thông ra đường. Phía trước chính điện có một bức bình phong và bàn thờ Ông Thiên. Do diện tích nhỏ nên trong sân chỉ có 1 vài cây kiểng.

Chính điện được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống 3 gian, 2 chái, mái 1 tầng, lợp ngói âm dương. Hành lang phía trước có 6 cột tròn kết nối nhau bằng 2 dãy bờ tường vây. Mái hành lang hình mái cua bầu tròn. Bờ tường là những bức trang đắp nổi hình cây lá, hoa, chim, thú rất tinh xảo. Trên đỉnh mái ở giữa đặp nổi “Lưỡng long chầu nhật”, hai bên có 2 tượng cá chép hóa long bằng gốm màu. Ở 4 góc đầu mái đao có 2 đôi tượng Ông Tơ – Bà Nguyệt bằng gốm tỉnh xảo, sống động có niên đại trên 100 năm.

Võ ca và võ quy được phân cách với gian chính bằng một khoảng không, bên trên có mái mai cua. Giang chính có 6 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột gỗ căm xe được kê trên đá tẳng. Bộ vì kéo của chùa theo kiểu bộ vì kéo Huế biến thể có 1 cột trốn ở giữa đỡ lấy bộ rường bên trên. Mỗi đầu rường cột và kèo đều được chạm trổ. Từ xà tới mái có đắp nổi, đính mảnh gốm nhiều màu miêu tả cảnh vật thiên nhiên rất sinh động. Từ xà ngang hợp với 4 vì kéo thành hình tam giác. Chính điện có 3 cửa vào ra. Nóc hai mái giữa 4 cột lao, mỗi hàng cột có một bao lam hoặc nội lưỡng vọng. Giàn chạm hàng thứ nhất chạm lọng “Long phụng chầu mặt nguyệt”, xen kẽ với hoa lá. Giàn thứ hai chạm  lọng “Long chầu mặt nguyệt”. Chen giữa hoa lá là một lưỡng vọng chạm cảnh “Bát tiên quá hải”. Nét chạm trổ mô tả từng hành động của các nhân vật và 9 con rồng mang phong cách rồng Nguyễn. Đứng ngoài nhìn vào chùa, trên mỗi khung bao đều có hai câu đối, hoành phi.

Vách tường phía tả và phía hữu của chính điện có 12 bức bích họa miêu tả những trường đoạn theo cốt truyện Tam Quốc chí. Số bích họa còn lại miêu tả chim thú, phong cảnh và các tích truyện cổ Trung Hoa khác. Đặc biệt trên mỗi bức bích họa đều có điền thơ bằng chữ Hán viết theo lối chữ thảo rất bay bướm tạo thêm nét sinh động và hoa mỹ cho mỗi bức tranh. Màu vẽ các bức bích họa là một loại màu đặc biệt dù đã hơn một trăm năm vẫn giữ được màu sắc và đường nét ban đầu.Các phần bao lam, đầu hồi chính điện được chạm trổ rất tinh xảo. Ngoài cảnh long, phụng còn nhiều cảnh chạm chim, thú, hoa lá và cảnh thiên nhiên cách điệu. Tượng Quan Vân Trường được tạc theo phong cách tả chân dung của nghệ thuật tạo hình đầu thế kỷ XX. Tượng cân đối hài hòa, toát lên vẻ uy mãnh và trang nhã của một bậc chính nhân quân tử. Hai bên khán thờ chính có 2 bức tượng Châu Xương và Quan Bình đứng hầu. Có 1 con ngựa gỗ có kích thước gần giống thật.

Di tích là một công trình kiến trúc độc đáo với nhiều, giàn chạm trổ, bích họa, mảng trang trí bằng nhiều chất liệu phải mất 43 năm mới hoàn thành (1882 – 1925). Trong di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật khí thờ, nhạc khí loại lớn và 2 sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1952 cho Quan Thánh Đế và Hỏa thần.

Giá trị di tích:

Di tích là công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật đặc sắc, tổng hợp nét văn hóa truyền thống giữa người Việt và người Hoa, những người chung tay khai khẩn vùng đất hoang trở thành khu đô thị phồn thịnh cuối thế kỷ XIX. Di tích là nơi lưu giữ nhiều giá trị về đời sống văn hóa truyền thống dân tộc Hoa tại Kiên Giang. Giá trị di tích là tấm gương phản chiếu trung thực về lòng kiên nhẫn, bàn tay khéo léo, tài nghệ tinh xảo của các nghệ nhân Việt Nam.

Nguyễn Diệp Mai (Kiên Giang)