Vương Tư Triều

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Vương Tư Triều (tiếng Trung: 王思潮; bính âm: Wang Sichao; sinh năm 1937 – mất ngày 17 tháng 6 năm 2016) là nhà thiên văn học hành tinh, nhà thiên thạch học, chuyên gia UFO và nhà văn khoa học phổ thông người Trung Quốc. Ông từng là nhà nghiên cứu tại Đài thiên văn Tử Kim Sơn thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.[1][2]

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Vương Tư Triều quê ở Triều An, Quảng Đông. Tốt nghiệp Khoa Vật lý của Đại học Bắc Kinh năm 1963. Ông làm việc tại Đài thiên văn Tử Kim Sơn thuộc Viện Khoa học Trung Quốc từ thập niên 1960 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999.[3][4]

Ông bắt đầu nghiên cứu thiên thạch học từ những năm 1970 và từng tham gia khảo sát thiên thạch nhiều lần.[5] Ông còn là thành viên của Ủy ban Danh mục Thiên thạch của Hiệp hội Thiên thạch Quốc tế lần thứ 3.[6]

Khi Sao chổi Halley quay trở lại vào năm 1986, Vương Tư Triều và Trương Gia Tường, một nhà nghiên cứu khác tại Đài thiên văn Tử Kim Sơn, liền bay đến Úc để quan sát kỹ càng hiện tượng này.[4] Năm 1994, Vương Tư Triều giữ chức vụ Tổng thư ký Nhóm điều phối quan sát sự va chạm của sao chổi.[6]

Sau khi Vương Tư Triều nghỉ hưu tại Đài thiên văn Tử Kim Sơn, ông đã cống hiến hết mình cho việc phổ biến khoa học.[7] Quyển Sổ tay hướng dẫn quan sát dành cho những người đam mê thiên văn học do ông chủ biên được xuất bản năm 2012.[8]

Ngày 17 tháng 6 năm 2016, Vương Tư Triều qua đời tại Nam Kinh do mắc phải chứng xuất huyết não.[3][9]

Sao Diêm Vương[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một cuộc phỏng vấn với Xinhuanet, Vương Tư Triều đã bình luận về cuộc bỏ phiếu năm 2006 của Liên minh Thiên văn Quốc tế về tình trạng của Sao Diêm Vương trong vị thế là một hành tinh:

Sự giáng cấp này là một kết quả khoa học và nó phản ánh sự hiểu biết hiện tại của nhân loại về hệ mặt trời ... Trước tiên chúng ta phải có được định nghĩa rõ ràng về các hành tinh và hệ mặt trời, rồi sau đó chúng ta mới có thể thực hiện các sứ mệnh thăm dò hành tinh theo cách thức tốt hơn.

— Vương Tư Triều, [1]

Nghiên cứu UFO[sửa | sửa mã nguồn]

Trong một cuộc phỏng vấn với China Science News, Vương Tư Triều nói rằng sau khi xem một số báo cáo về trường hợp nhìn thấy UFO từ khu vực Dương Châu vào năm 1971, ông bắt đầu quan tâm đến hiện tượng UFO và khởi đầu việc nghiên cứu những vụ chứng kiến UFO một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần khoa học.[3] Năm 2005, Vương Tư Triều được mời tham gia Hội nghị UFO Thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Đại Liên.[10]

Ngày 23 tháng 8 năm 2010, Vương Tư Triều bày tỏ niềm tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh và khả năng UFO đến thăm Trái Đất,[11][12] "Ít nhất 96% vũ trụ bao la vẫn chưa rõ ràng đối với con người. Chúng ta nên khám phá những điều chưa biết một cách khoa học với tâm hồn cởi mở".[13] Ông tin rằng hiện tượng UFO nên được "nêu giả thuyết một cách táo bạo và suy luận cẩn thận".[11] Ông cũng loại trừ quan điểm gần đây của nhà thiên văn học người Anh Stephen Hawking[14] rằng một cuộc gặp mặt giữa cư dân Trái Đất và người ngoài hành tinh như vậy sẽ là một thảm họa.

Nếu họ thân thiện với chúng ta, chúng ta có thể thúc đẩy nền văn minh nhân loại thông qua trao đổi và hợp tác với họ. Nếu không, miễn là chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc xâm lược của họ, chúng ta có thể đánh trả dựa trên những điểm yếu của họ. Rốt cuộc, họ là những thực thể sống, họ sẽ để lộ sơ suất của mình ra.

— Vương Tư Triều, [15]

Vương Tư Triều còn cung cấp một số dữ liệu cụ thể từ phân tích định lượng những vụ chứng kiến UFO. Ông cho biết giữa độ cao 130 km và 1.500 km, UFO đã xuất hiện nhiều lần. Ông nói rằng UFO quan sát được có thể bay chậm hơn nhiều so với "vận tốc vũ trụ đầu tiên", và một số chậm tới 0,29 km/giây và chúng có thể bay ở độ cao 1.460 km trong hơn 25 phút. Ông kết luận rằng UFO này có khả năng phản trọng lực.[15]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Sổ tay hướng dẫn quan sát mới dành cho những người đam mê thiên văn học (2011)
  • Du hành trên bầu trời đầy sao - Quan sát và tìm kiếm các nhà thiên văn (2014)
  • Du hành trên bầu trời đầy sao - Kiến thức cơ bản cho người yêu thiên văn (2014)
  • Con đường không gian (2016)

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Yan, Yangtze (25 tháng 8 năm 2006). “Pluto's demotion stirs mixed feelings”. Xinhua. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2007.
  2. ^ “王思潮:50年捉一场迷藏”. 中国科学报. 22 tháng 2 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2020.
  3. ^ a b c 龚菲 (17 tháng 6 năm 2016). “中科院紫金山天文台研究员、UFO研究专家王思潮逝世”. 澎湃新闻. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
  4. ^ a b 朱晓颖、盛捷、王苏毅 (19 tháng 6 năm 2016). “各界悼念中国近地天体探测碰撞天文研究最早推动者王思潮”. 中新网. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  5. ^ 朱晓颖 (22 tháng 8 năm 2011). “民众搜集陨石热情高 紫金山天文台提醒"别买假”. 中新网. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  6. ^ a b “著名天文学家王思潮辞世 研究外星文明40多年”. 人民網. 18 tháng 6 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2019.
  7. ^ 蔡玉高、王珏玢 (19 tháng 9 năm 2016). “紫金山上"追星人"——已故天文学家王思潮一生坚守科普情怀”. 新华网. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2018.
  8. ^ 盛捷 (14 tháng 1 năm 2012). “《天文爱好者观测手册》在南京首发”. 人民网. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2018.
  9. ^ “UFO专家王思潮突发脑溢血辞世 去世前一周还在开讲座”. 新浪網. 18 tháng 6 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2018.
  10. ^ “专家解释UFO现象 认为外星人存在可能性很大”. 南京晨报. 新浪網. 14 tháng 9 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2020.
  11. ^ a b “天文学家王思潮:39年追踪UFO 坚信外星人的存在”. 中新网. 26 tháng 7 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2018.
  12. ^ “中科院专家:外星人未必带来灾难 他们也有弱点”. 中新网. 22 tháng 8 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2018.
  13. ^ “王思潮:25年后有望与外星人接触”. 人民網. 1 tháng 12 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2019.
  14. ^ Aliens Exist, and We Should Avoid Them At All Costs, Says Stephen Hawking
  15. ^ a b Wang Qianyuanxue (23 tháng 8 năm 2010). “Academician: Aliens exist, but also have weaknesses”. People's Daily. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2010.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]