Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/08

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 8 năm 2007
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Kinh tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Nền kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới nếu tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa. GDP Trung Quốc năm 2006 là 2.680 tỷ USD. GDP bình quân đầu người danh nghĩa năm 2006 là 2.000 USD (7.600 USD nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), vẫn còn thấp so với rất nhiều nền kinh tế khác trên thế giới (thứ 110 trên 183 quốc gia năm 2005). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của nước này tăng lên nhanh chóng nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao. Năm 2005, 70% GDP của Trung Quốc là trong khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế quốc doanh chịu sự chi phối của khoảng 200 doanh nghiệp quốc doanh lớn, phần nhiều ở trong các ngành dịch vụ tiện ích (điện, nước, điện thoại…), công nghiệp nặng, và nguồn năng lượng.

Kể từ năm 1978 chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cải cách nền kinh tế từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo kiểu Liên Xô sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường trong khi vẫn duy trì khuôn khổ chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Chế độ này được người ta gọi là “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc” và là một loại kinh tế hỗn hợp. Các cải cách này bắt đầu từ năm 1978 đã giúp hàng triệu người thoát nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 53% dân số năm 1981 xuống còn 8% vào năm 2001. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã chuyển đổi từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán đến hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng quyền tự chủ của các quan chức địa phương và các thủ trưởng nhà máy, cho phép sự phát triển đa dạng của doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụcông nghiệp nhẹ và mở cửa nền kinh tế để tăng ngoại thươngđầu tư nước ngoài.

Ekaterina I của Nga

Ekaterina I của Nga
Ekaterina I của Nga

Ekaterina I hay Catherine I (15 tháng 4 năm 1684 – 17 tháng 5 năm 1727) là Nữ hoàng của Đế quốc Nga từ năm 1725 cho đến khi qua đời. Bà là vợ kế của Pyotr Đại đế và cùng trị vì với chồng như đồng–Sa hoàng từ 1724 đến 1725, khi Pyotr I chết.

Gốc gác của Ekaterina I (có nhũ danhMarta Samuilovna Skavronskaya) có nhiều bí ẩn. Cuộc đời của bà cho đến lúc gặp Sa hoàng năm 1703, khi lên 19 tuổi, chỉ là những ức đoán. Sự kiện có vẻ gần đúng nhất là bà thuộc một gia đình nông dân Latvia, có lẽ theo Thiên chúa giáo. Khi còn nhỏ, cha bà (Samuel Skavronski) qua đời vì bệnh dịch hạch, và không bao lâu sau mẹ bà cũng mất. Marta được nhận vào gia đình giáo sĩ Ernst Glück, không hẳn làm gia nhân nhưng cũng phụ giúp công việc trong nhà. Có vẻ bà không được xem là thành viên chính thức của gia đình, vì không được học hành gì cả. Khi rời khỏi gia đình này, bà vẫn chưa biết đọc và biết biết.

Khi thành thiếu nữ, bà có sắc đẹp thu hút. Có người cho rằng bà vợ ông giáo sĩ tỏ ra lo lắng người chồng hoặc các con trai sa ngã. Vì thế, Marta được khuyên bảo chấp nhận một binh sĩ Thụy Điển trong trung đoàn đang trú đông gần đó. Theo các lời kể lại khác nhau, bà hoặc là chỉ đính hôn hoặc là thật sự kết hôn với anh kia trong thời gian ngắn ngủi tám ngày trong mùa hè 1702. Sau đó, với đà tiến công nhanh chóng của quân Nga, trung đoàn Thụy Điển phải thình lình rút lui, và Marta không bao giờ gặp lại hôn phu hoặc người chồng nữa.

Lập trình hướng đối tượng

Mã nguồn C++
Mã nguồn C++

Lập trình hướng đối tượng (gọi tắt là OOP, từ chữ Anh ngữ object-oriented programming), hay còn gọi là lập trình định hướng đối tượng, là kĩ thuật lập trình hỗ trợ công nghệ đối tượng. OOP được xem là giúp tăng năng suất, đơn giản hóa độ phức tạp khi bảo trì cũng như mở rộng phần mềm bằng cách cho phép lập trình viên tập trung vào các đối tượng phần mềm ở bậc cao hơn. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng OOP dễ tiếp thu hơn cho những người mới học về lập trình hơn là các phương pháp trước đó.

Một cách giản lược, đây là khái niệm và là một nỗ lực nhằm giảm nhẹ các thao tác viết mã cho người lập trình, cho phép họ tạo ra các ứng dụng mà các yếu tố bên ngoài có thể tương tác với các chương trình đó giống như là tương tác với các đối tượng vật lý.

Những đối tượng trong một ngôn ngữ OOP là các kết hợp giữa mã và dữ liệu mà chúng được nhìn nhận như là một đơn vị duy nhất. Mỗi đối tượng có một tên riêng biệt và tất cả các tham chiếu đến đối tượng đó được tiến hành qua tên của nó. Như vậy, mỗi đối tượng có khả năng nhận vào các thông báo, xử lý dữ liệu (bên trong của nó), và gửi ra hay trả lời đến các đối tượng khác hay đến môi trường.

Berlin

Berlin là thủ đô và là thành phố lớn nhất và đông dân cư nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Thành phố Berlin còn là một tiểu bang của Liên bang Đức. Tính trong Liên minh châu Âu, Berlin là thành phố lớn thứ hai sau London.

Trong quá khứ, Berlin đã nhiều lần là thủ đô của các nước Đức như Đế chế Phổ (từ năm 1701), Đế chế Đức (từ năm 1871), và nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau khi nước Đức thống nhất ngày 3 tháng 10 năm 1990, Berlin trở thành thủ đô của toàn liên bang Đức. Sau Quyết nghị Thủ đô của Quốc hội Liên bang Đức vào năm 1991 thành phố cũng thực thi chức năng của mình là trụ sở của chính phủ và quốc hội từ năm 1999.

Berlin là một trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học quan trọng của châu Âu. Đô thị lớn này là một điểm nút giao thông và một trong những thành phố thu hút được nhiều khách du lịch nhất của lục địa này. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hát và viện bảo tàng tại Berlin có danh tiếng quốc tế.

Dân số Berlin khoảng 3,4 triệu người, trong đó có 23% theo phái Tin lành, 9% Công giáo, 6% theo đạo Hồi, 0,4% theo Do Thái giáo và 60% không theo tôn giáo nào.

Iceland

Quốc kỳ Iceland
Quốc kỳ Iceland

Iceland, tên chính thức Cộng hòa Iceland, còn có tên gọi khác là Băng Đảo, là một đảo quốc thuộc khu vực châu Âu theo thể chế cộng hòa. Đây là một trong những quốc gia thưa dân nhất thế giới; tính đến tháng 7 năm 2007, dân số của Iceland là 301.931 người, với mật độ dân số 2,93 người/km².

Iceland nằm giáp vòng Cực Bắc nên có khí hậu rất lạnh giá. Tuy nhiên đất nước này lại nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương, nên có rất nhiều núi lửa, suối nước nóng và nguồn địa nhiệt khổng lồ. Iceland cũng có rất nhiều sông băng. Nhờ có dòng hải lưu Gulf Stream chảy gần bên, khí hậu Iceland được ôn hòa hơn đôi chút.

Lịch sử của Iceland bắt đầu vào năm 874, khi một thuyền trưởng người Na Uy tên là Ingólfur Arnarson khám phá ra hòn đảo. Trong thế kỷ tiếp theo, người Na Uyngười Celt đã đến sinh sống tại Iceland. Đất nước này là một phần của Na UyĐan Mạch từ năm 1262 đến năm 1944. Sau khi giành được độc lập, nền kinh tế quốc gia này đã phát triển mạnh mẽ, cùng với hệ thống phúc lợi xã hội vào hàng tốt nhất thế giới. Đất nước này xếp thứ 5 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, và thứ 2 về chỉ số phát triển con người (HDI). Với một nền kinh tế thị trường, Iceland có các ngành dịch vụ, tài chính rất phát triển. Do có nhiều quang cảnh thiên nhiên độc đáo, Iceland đang ngày càng thu hút khách du lịch quốc tế. Iceland là một thành viên của các tổ chức như Liên hiệp quốc, NATO, EFTA, EEA, OECD nhưng không tham gia Liên minh Châu Âu.