Cổng thông tin:Lịch sử/Mở đầu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lịch sử là môn học về nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra. Sự kiện bao gồm sự kiện bản thể luận và sự kiện nhận thức luận nên do đó, trong thực tế, chỉ có một số sự kiện lịch sử được xem là "thật". Đa số các nhà nghiên cứu các sự kiện lịch sử này (thường được gọi là sử gia) tin rằng quan điểm hiện tại của chúng ta có thể đổi cách hiểu những sự kiện xưa. Vì thế cách giải thích những sự kiện xưa thay đổi thường xuyên qua các thời kỳ. Những giải thích dựa theo các nguồn gốc "căn bản" – những văn kiện được viết ra vào lúc đó hay gần sau lúc đó – thường được xem là có giá trị nhất.

Lịch sử ít nhất có hai nghĩa. Thứ nhất là sự biến đổi của vật tồn tại trong hiện thực được diễn đạt khác đi và định nghĩa là Lịch sử. Tuy nhiên việc bảo tồn quá trình đó là không có và cuối cùng biến mất. Một ý nghĩa khác của lịch sử là chỉ kết quả ghi chép lại với đối tượng là sự biến chuyển đang dần biến mất đó tức là ghi chép lịch sử. Như vậy cái trước được gọi là nghĩa rộng: toàn thể các sự kiện, cái thứ hai được gọi là sách lịch sử. Các nhà nghiên cứu đều có mong muốn nghiên cứu sâu lịch sử và dự đoán tương lai.

Tuy nhiên cả ghi chép lịch sử cũng không có khả năng ghi lại trung thực toàn bộ những gì diễn ra trong quá khứ vì nó chịu sự chi phối của lượng thông tin và độ chính xác của thông tin mà người chép sử có; phương pháp luận, định kiến chính trị, hệ tư tưởng, nhân sinh quan, các giá trị đạo đức của anh ta và nhất là bối cảnh chính trị xã hội mà anh ta đang sống. Tất cả những yếu tố này trở thành bộ lọc và lăng kính bóp méo sự thật lịch sử. Sử học chỉ là một cách tiếp cận của nhà sử học đối với những sự kiện trong quá khứ chứ không phải là sự phản ánh chính xác những sự kiện đó như chúng từng xảy ra. Edward Hallett Carr trong tác phẩm Lịch sử là gì? đã chỉ ra điều đó. Chính vì vậy các ghi chép trong chính sử bao gồm sự phản tỉnh hay bất lợi cho kẻ thắng thường có độ tin cậy cao hơn.