Mingei

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Khái niệm mingei (民芸?) (Hán Việt: Dân Nghệ) mô tả các đồ thủ công hay tác phẩm nghệ thuật dân gian được phát triển từ giữa những năm 1920 tại Nhật Bản bởi triết gia, nhà mỹ học Yanagi Sōetsu (1889–1961), cùng với một nhóm thợ thủ công, bao gồm thợ gốm Hamada Shōji (1894–1978) và Kawai Kanjirō (1890–1966). Đó là một nỗ lực có ý thức để phân biệt đồ thủ công thông thường và đồ dùng chức năng (đồ gốm, đồ sơn mài, hàng dệt, v.v.) với các loại hình nghệ thuật "cao cấp"[1][2]

Chén trà - đồ mỹ nghệ của Shōji Hamada

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Áo khoác da của Lính cứu hỏa, cuối thế kỷ 19. Bảo tàng Brooklyn

Khi còn trẻ, Yanagi bắt đầu yêu thích gốm sứ thời đại Joseon (1392-1910). Năm 1916, ông đã thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Hàn Quốc. Tại đây, ông bắt đầu sưu tập các món đồ, đặc biệt là đồ gốm do các thợ thủ công địa phương của Hàn Quốc làm. Nhận ra rằng đồ gốm thời Joseon được làm bởi những "thợ thủ công vô danh", Yanagi cảm thấy rằng hẳn phải có một loại "hình thức nghệ thuật" tương tự như vậy ở Nhật Bản. Do đó, khi trở về nhà, ông bắt đầu quan tâm đến di sản văn hóa phong phú của đất nước mình và bắt đầu sưu tập những món đồ thủ công "đang biến mất". Các đồ vật trong bộ sưu tập của ông bao gồm đồ gỗ, đồ sơn mài, đồ gốm và hàng dệt may - từ Okinawa và Hokkaidō (Ainu), cũng như từ lục địa Nhật Bản.

Do đó, ở một số khía cạnh quan trọng nhất định, Phong trào thủ công Dân gian Nhật Bản (日本民芸運動) là nhờ Yanagi đã sớm quan tâm đến Hàn Quốc, nơi ông thành lập Bảo tàng Thủ công Dân gian Triều Tiên (朝鮮民俗美術館]) tại Cảnh Phúc Cung - cung điện cũ của hoàng gia Triều Tiên ở Seoul vào năm 1924. Vào năm sau - sau khi thảo luận với hai người bạn thợ gốm, Hamada Shōji và Kawai Kanjirō - cụm từ mà họ đặt ra để mô tả tác phẩm của người thợ thủ công là mingei - 民藝. Đây là một thuật ngữ kết hợp, được hình thành từ minshū (民衆) (Dân chúng), và kōgei (工藝) (Đồ thủ công nghệ thuật). Bản thân Yanagi đã dịch nó sang tiếng Anh là "folk craft" (Đồ thủ công dân gian) chứ không phải từ "folk art" (nghệ thuật dân gian), vì ông không muốn mọi người quan niệm về mingei như một nghệ thuật "cao cấp" lấy cảm hứng từ cá nhân (bijutsu 美術 - Mỹ thuật).[3]

Nhận thấy rằng công chúng nói chung cần được giáo dục để hiểu về vẻ đẹp của đồ thủ công Nhật Bản, Yanagi bắt đầu truyền bá quan điểm của mình trong một loạt bài báo, sách và bài giảng. Tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của ông - Kōgei no Michi (工藝の道, Con đường của đồ thủ công mỹ nghệ) được xuất bản vào năm 1928. Năm 1931, ông thành lập tạp chí Kōgei (工藝, Thủ công mỹ nghệ), trong đó ông và một nhóm bạn thân có suy nghĩ giống ông, có thể bày tỏ quan điểm của họ. Mặc dù Yanagi đã chính thức tuyên bố thành lập Phong trào Thủ công Dân gian (日本民芸運動) vào năm 1926, nhưng nó chỉ thực sự bắt đầu khi tạp chí này được xuất bản và số lượng người theo dõi Yanagi đã tăng lên đáng kể do đọc nội dung của tạp chí này. Năm 1936, với sự hỗ trợ tài chính từ một số doanh nhân Nhật Bản giàu có, Yanagi đã có thể thành lập Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản (Nihon Mingeikan - 日本民芸館) và ba năm sau, vào năm 1939, ra mắt tạp chí thứ hai, Mingei - 民藝 (Dân nghệ). Đây vẫn là tạp chí chính thức của Hiệp hội Thủ công Dân gian Nhật Bản (Nihon Mingei Kyōkai - 日本民芸協会), được thành lập vào năm 1931.[4]

Như vậy Phong trào Thủ công Dân gian có 3 dấu mốc: Thứ nhất là Bảo tàng Thủ công Dân gian, nơi trưng bày các đồ vật được coi là "mingei" thực sự và Yanagi dự định sẽ thiết lập một "tiêu chuẩn về cái đẹp"[5]; Thứ hai là Hiệp hội Thủ công Dân gian, tổ chức quảng bá những lý tưởng của Yanagi trên khắp Nhật Bản và xuất bản hai tạp chí hàng tháng; Thứ 3 là cửa hàng thủ công dân gian, Takumi (工), hoạt động như một cửa hàng bán lẻ hàng thủ công dân gian lớn ở Tokyo.[6]

Triết lý[sửa | sửa mã nguồn]

Trụ cột triết lý của mingei là "thủ công mỹ nghệ của dân chúng" (民衆的な工芸, minshūteki na kōgei). Đề xuất về triết lý và thẩm mỹ của Yanagi là vẻ đẹp được tìm thấy trong những đồ vật thông thường và tiện dụng hàng ngày được làm bởi những người thợ thủ công vô danh - trái ngược với những hình thức nghệ thuật cao hơn do các nghệ sĩ có tên tuổi tạo ra. Trong cuốn sách đầu tiên phác thảo khái niệm về mingei của mình, được xuất bản lần đầu vào năm 1928, ông lập luận rằng những đồ vật tiện dụng do người bình thường làm ra là "vượt qua cái đẹp và cái xấu[7]", đồng thời nêu ra một số tiêu chí mà ông cho là cần thiết đối với thủ công dân gian mingei "thực sự".

Trọng tâm chính của Yanagi là vẻ đẹp. Ông lập luận rằng vẻ đẹp của thủ công dân gian nằm ở việc sử dụng các vật liệu tự nhiên và sản xuất thủ công "tự nhiên"; phương pháp và thiết kế truyền thống, tính đơn giản và công năng trong hình thức và thiết kế, tính đa dạng, có nghĩa là hàng thủ công dân gian có thể được sao chép và tái sản xuất với số lượng lớn, dẫn đến không tốn kém. Vẻ đẹp cũng được tìm thấy trong thực tế là hàng thủ công dân gian được làm bởi những người thợ thủ công vô danh[8] chứ không phải bởi những nghệ nhân nổi tiếng có tên tuổi. Cuối cùng, là "vẻ đẹp của sức khỏe", theo đó thái độ lành mạnh trong quá trình sản xuất hàng thủ công dân gian dẫn đến các đồ thủ công lành mạnh[9]. Nói cách khác, vẻ đẹp và đồ thủ công dân gian là sản phẩm của truyền thống Nhật Bản - một truyền thống mà ông nhấn mạnh rằng mingei nên đại diện cho các khu vực mà chúng được sản xuất và sử dụng các vật liệu tự nhiên được tìm thấy ở đó.

Cuốn sách "The Unknown Craftsman" (Thợ thủ công vô danh) của Yanagi đã trở thành một tác phẩm có ảnh hưởng kể từ lần đầu tiên được phát hành bằng tiếng Anh vào năm 1972. Trong đó, ông xem xét cách người Nhật nhìn nhận và đánh giá cao nghệ thuật cũng như vẻ đẹp trong những món đồ thủ công hàng ngày. Tuy nhiên, theo thừa nhận của chính Yanagi, lý thuyết của ông không chỉ đơn giản là một phong trào thủ công dựa trên thẩm mỹ, mà là "một phong trào tinh thần" trong đó những người thợ thủ công nên làm việc theo lý tưởng đạo đức và tôn giáo, nếu muốn đạt được vẻ đẹp. Về mặt này, có thể lập luận rằng ông đã chọn thể hiện tầm nhìn của mình về "tâm linh" thông qua phương tiện là đồ thủ công dân gian và do đó, ông quan tâm đến cách thức đồ thủ công dân gian được tạo ra, hơn là bản thân những đồ thủ công này với vai trò là những món đồ. Với điều kiện chúng được làm theo một bộ quy tắc nhất định do chính ông đặt ra, chúng sẽ tự nhiên phù hợp với khái niệm "cái đẹp" của ông[10].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Yanagi, Soetsu (1889-1961)”. Truy cập 10 tháng 11 năm 2023.
  2. ^ Moeran, Brian. Lost Innocence: Folk Craft Potters of Onta, Japan. Berkeley & Los Angeles: University of California Press, 1984.
  3. ^ Bernard Leach, Hamada: Potter. Tokyo: Kodansha International, 1976, pp. 90-91.
  4. ^ Moeran, Brian, "Yanagi Muneyoshi and the Japanese Folk Craft Movement." Asian Folklore Studies, Volume 40, Number 1, 1981, p. 89.
  5. ^ Yanagi Sōetsu, "Mingeikan no shimei" (The mission of the Folk Craft Museum). Kōgei, Volume 10, p. 3, 1936.
  6. ^ Moeran, 1981, p. 90.
  7. ^ Yanagi Sōetsu, Kōgei no Michi (The Way of Crafts). Selected Works, Volume 1. Tōkyō: Nihon Mingeikan, 1955.
  8. ^ Yanagi Sōetsu, The Unknown Craftsman: A Japanese Insight into Beauty. Translated and adapted by Bernard Leach. Tokyo: Kodansha International, 1972.
  9. ^ Kikuchi Yuko, "The myth of Yanagi's originality: The formation of 'Mingei' theory in its social and historical context". Journal of Design History, Volume 7, Number 4, 1994, p. 247.
  10. ^ Moeran, 1981, p. 93.