Thành viên:Có ăn thì tìm đến, có đòn thì tìm đi./nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trong triết học luân lý và triết học chính trị, khế ước xã hội là một lý thuyết hoặc mô hình ra đời vào Thời đại Khai sáng và thường liên quan đến tính chính danh của thẩm quyền mà nhà nước áp đặt lên mỗi cá nhân. Lập luận khế ước xã hội thường cho rằng các cá nhân đã dứt khoát hoặc ngầm bằng lòng từ bỏ một số quyền tự do và phục tùng thẩm quyền của nhà cai trị hoặc nghe theo quyết định số đông để bảo vệ một số quyền còn lại và duy trì trật tự xã hội. Mối quan hệ giữa quyền tự nhiên và quyền hợp pháp thường là chủ đề chính của lý thuyết khế ước xã hội. Thuật ngữ “khế ước xã hội” xuất phát từ tác phẩm The Social Contract năm 1762 của Jean-Jacques Rousseau. Mặc dù tiền thân của khế ước xã hội đã có từ thời cổ đại, trong triết học Hy Lạp, triết học Khắc kỷ, luật La Mã và luật Giáo hội, thời kỳ hoàng kim của khế ước xã hội là từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, khi nó nổi lên như một học thuyết hàng đầu về tính chính danh chính trị.

Điểm khởi đầu của hầu hết dạng lý thuyết khế ước xã hội đều đến từ việc khảo nghiệm tình trạng nhân loại trong điều kiện mất trật tự chính trị (như Thomas Hobbes gọi là trạng thái tự nhiên). Trong điều kiện này, hai thứ duy nhất ràng buộc hành động của mỗi cá nhân là lương tri và sức mạnh. Từ điểm khởi đầu chung, các nhà lý thuyết khế ước xã hội tìm cách chứng minh lý do tại sao bất cứ cá nhân có lý trí nào cũng sẽ tự nguyện bằng lòng từ bỏ quyền tự do tự nhiên để hưởng lợi ích từ trật tự chính trị. Các nhà lý thuyết khế ước xã hội và quyền tự nhiên nổi bật trong thế kỷ 17 và 18 là Hugo Grotius, Thomas Hobbes, Samuel von Pufendorf, Joh Locke, Jean-Jacques Rousseau và Immanuel Kant, mỗi người lại có một cách tiếp cận ý niệm thẩm quyền chính trị khác nhau. Grotius ấn định cá nhân con người vốn sẵn quyền tự nhiên. Thomas Hobbes thì nổi tiếng với diễn ngôn cho rằng trong một “trạng thái tự nhiên”, đời sống con người sẽ thật “đơn độc, nghèo nàn, tệ hại, tàn bạo và ngắn ngủi.” Trong trường hợp thiếu vắng trật tự chính trị và luật pháp, mọi người có quyền tự do tự nhiên vô hạn, bao gồm “quyền làm mọi thứ” và do đó, thoải mái có những hành vi như hãm hiếp hoặc giết người; “cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả” (bellum omnium contra omnes) sẽ bùng nổ. Để tránh điều đó, những người tự do phải giao kèo với nhau để thiết lập một cộng đồng chính trị (xã hội dân sự) thông qua một khế ước xã hội. Theo đó, tất cả họ đều được an toàn khi chịu phục tùng một quốc chủ chuyên chế, một người hoặc một nhóm người. Dù cho các chiếu lệnh của quốc chủ có thể rất độc đoán và bạo tàn, Hobbes coi chính quyền chuyên chế là phương án thay thế duy nhất cho tình trạng tự nhiên vô chính phủ đáng kinh hãi. Hobbes khẳng định rằng con người chắc chắn bằng lòng từ bỏ quyền tự nhiên của mình để ủng hộ quyền chuyên chế của chính quyền (dù là quân chủ hay nghị viện). Ngoài ra, Locke và Rousseau lập luận rằng mỗi người giành được quyền công dân, đổi lại, phải chấp nhận nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền của người khác, từ bỏ một vài quyền tự do.

Khẳng định trọng tâm mà lý thuyết khế ước xã hội tiếp cận là luật pháp và trật tự chính trị không phải tự nhiên có, mà là sản phẩm do con người sáng tạo. Khế ước xã hội và trật tự chính trị mà nó tạo nên đơn thuần là phương tiện hướng tới một mục tiêu – lợi ích của mọi cá nhân liên quan – và chỉ chính danh khi họ làm tròn bổn phận trong khế ước. Hobbes cho rằng chính quyền không phải là một bên tham gia khế ước ban đầu và công dân không có nghĩa vụ phải phục tùng một chính quyền quá yếu kém, không thể hành động hiệu quả để trấn áp chủ nghĩa bè phái và bất ổn dân sự. Theo một số nhà lý thuyết khế ước xã hội khác, khi chính quyền không đảm bảo quyền tự nhiên cho công dân hoặc thỏa mãn tối đa lợi ích xã hội (như Rousseau gọi là “ý chí công cộng”), công dân có thể chối bỏ nghĩa vụ tuân theo chính quyền hoặc thay đổi ban lãnh đạo thông qua bầu cử hoặc các biện pháp khác bao gồm bạo lực nếu cần thiết. Locke đinh ninh các quyền tự nhiên là bất khả xâm phạm, và do đó, Chúa nắm quyền trị vì, chứ không phải chính quyền. Trong khi đó, Rousseau tin rằng dân chủ (chế độ đa số) là cách hữu hiệu nhất để đảm bảo phúc lợi mà vẫn duy trì được tự do cá nhân dưới nền pháp quyền. Ý niệm của Locke về khế ước xã hội được đưa ra trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Lý thuyết khế ước xã hội bị lu mờ trong thế kỷ 19, thời của chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa Hegel và chủ nghĩa Marx; nó được hồi sinh vào thế kỷ 20, đáng chú ý với thí nghiệm tưởng tượng của John Rawis.

Mô hình[sửa | sửa mã nguồn]

Mô hình khế ước xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Mô hình khế ước xã hội khái quát là:

I chọn R trong M và điều này cho I* lý do để xác nhận và tuân thủ R trong chừng mực những lý do để I chọn R trong M được (hoặc có thể được) chia sẻ bởi I*.

M là thiết định có chủ đích; R là luật pháp, nguyên tắc hoặc thể chế; I là những người (giả định) ở vị trí ban đầu và trạng thái tự nhiên tham gia khế ước xã hội; I* là những cá nhân trong thế giới thực tuân theo khế ước xã hội.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Khái niệm khế ước xã hội ban đầu được đặt ra bởi Glaucon, như Plato đã mô tả trong The Republic, Quyển II.

Điều con người thường nói ấy là theo lẽ tự nhiên gây hại hoặc tổn thương là có lợi, chịu thiệt hoặc tổn thương là không có lợi, nhưng con người không để ý cái không có lợi do chịu thiệt vượt xa cái có lợi vì gây hại tạo nên. Bởi thế sau khi nếm thử cả hai, làm sai trái, nhận sai trái, con người quyết định, do không thể tránh né cái này, đón nhận cái kia, bất lợi không thể tránh được, có lợi không thể đạt nổi, tốt hơn hết là dung hòa cả hai, bảo đảm không làm sai trái hoặc nhận sai trái. Vì vậy con người tiến hành làm luật pháp và thỏa hiệp hỗ tương, từ đó con người dùng chữ ‘hợp pháp’, ‘phải lẽ’ để miêu tả mọi thứ pháp điển quy định. Đó là nguồn gốc và bản chất công bình chính trực. Đó là dung hòa giữa cái ưa thích hơn hết, làm sai trái mà không bị trừng phạt, và cái đáng ghét hơn cả, gánh chịu sai trái mà không được bồi thường. Là dung hòa giữa hai cái, công bình chính trực được thừa nhận, vì không phải tự nó có lợi, mà vì nó có giá trị tương đối ngăn cản con người làm điều sai trái. Người thực sự có khả năng làm điều sai trái sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp như thế với bất kỳ ai. Nếu làm vậy người đó sẽ hóa điên.