Thành viên:Ootengu210/Nữ ca sĩ hói đầu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nữ ca sĩ hói đầu
Tác giảEugène Ionesco
Nhân vật
  • Ông Smith
  • Bà Smith
  • Ông Martin
  • Bà Martin
  • Cô hầu gái Mary
  • Đội trưởng đội cứu hoả
Ngày công diễn11 tháng 5 năm 1950 (1950-05-11)
Nơi công diễnThéâtre des Noctambules
Paris, France
Ngôn ngữ gốctiếng Pháp
Thể loạiKịch phi lý
Bối cảnhMột buổi tối tại nhà một gia đình trung lưu người Anh

Nữ ca sĩ hói đầu (tiếng Pháp: La cantatrice chauve) là vở kịch đầu tay của nhà viết kịch người Pháp gốc Rumani Eugène Ionesco.

Đạo diễn trẻ Nicolas Bataille dàn dựng cho buổi ra mắt vở diễn vào ngày 11 tháng 5 năm 1950 tại Théâtre des Noctambules, Paris. Từ năm 1957, vở kịch đã được trình diễn thường xuyên tại Théâtre de la Huchette và nhận được giải Molière d'honneur. Tác phẩm giữ kỷ lục thế giới cho vở kịch được dàn dựng liên tục trong cùng một rạp hát trong thời gian dài nhất. Dù không gây được chú ý vào ban đầu, nhưng về sau vở kịch đã được một vài nhà văn và nhà phê bình kỳ cựu ủng hộ và cuối cùng nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình. Đến những năm 1960, Nữ ca sĩ hói đầu được công nhận là một tác phẩm kinh điển hiện đại, một tác phẩm quan trọng của thể loại Kịch Phi lý và là một trong những vở kịch được trình diễn nhiều nhất tại Pháp.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Ý tưởng về vở kịch đến với Ionesco khi ông đang cố gắng học tiếng Anh bằng phương pháp Assimil. Ấn tượng với nội dung và các cuộc hội thoại của cách học này, thường rất điềm tĩnh và kỳ lạ, ông quyết định viết một vở kịch phi lý có tên L'anglais sans peine (Tiếng Anh không vất vả). Các tựa đề khác của vở kịch có thể là Il pleut des chiens et des chats (Trời mưa tầm tã); L'heure anglaise (Giờ tiếng Anh) và Big Ben Follies.

Trên thực tế thì tựa đề của tác phẩm xuất phát từ một sai sót trong buổi diễn tập của diễn viên Henri-Jacques Huet: Đoạn độc thoại của vị đội trưởng đội cứu hỏa ban đầu có đề cập đến cụm từ "l'institutrice blonde" (cô giáo tóc vàng), nhưng Huet đã nói thành "la cantatrice chauve", và Ionesco quyết định lấy cụm từ này làm tựa đề.

Tóm lược nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Gia đình Smith là một cặp vợ chồng truyền thống đến từ Luân Đôn, họ mời cặp vợ chồng nhà Martin đến thăm. Sau đó có sự tham gia của cô hầu gái Mary và đội trưởng đội cứu hỏa địa phương, người yêu của Mary. Hai gia đình tham gia vào những trò đùa vô nghĩa, kể những câu chuyện và đọc những bài thơ vô nghĩa. Có lúc, bà Martin trò chuyện với chồng như thể ông là một người lạ bà vừa mới gặp. Khi đội trưởng đội cứu hỏa chuẩn bị rời đi, anh ta nhắc đến "nữ ca sĩ hói đầu" lúc đi ngang qua, khiến những người khác cảm thấy không thoải mái. Bà Smith đáp rằng "cô ấy luôn để kiểu tóc đó." Khi đội trưởng đội cứu hỏa đã đi khỏi, vở kịch trở thành một loạt các cuộc trò chuyện hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau và kết thúc với việc cả hai cặp vợ chồng đồng thanh hét lên "Không phải hướng đó. Hướng này nè!" ("C’est pas par là, c’est par ici!") ngay trước khi mọi thứ tối đen. Khi đèn sáng trở lại, mọi thứ quay lại từ đầu, nhưng với cảnh nhà Martin diễn lại những câu thoại của nhà Smith trong một lúc, sau đó bức màn khép lại.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Cảnh 1

Vở kịch bắt đầu với cảnh bà Smith kể lại các sự kiện vào buổi tối với ông Smith. Họ nói về cái chết của Bobby Watson, một người mà họ biết. Vở kịch sau đó quay lại thực tại và họ nhận ra rằng Bobby đã chết cách đây bốn năm. Đột nhiên họ quay lại lúc ông còn sống và đính hôn với một người phụ nữ cũng được gọi là Bobby Watson. Sau đó họ quay lại thực tại và nhận ra rằng ông ta để lại hai đứa con và họ tiếp tục bàn tán về việc vợ anh ta sẽ tái hôn. Suy đoán rằng bà vợ sắp đặt cho một người họ hàng khác với cùng cái tên đó, nhưng vì tất cả bọn họ đều có cùng tên và làm việc tại cùng một ngành nên nhà Smith gặp khó khăn trong việc xác định ai là ai.

Cảnh 2

Cô hầu gái Mary của họ bước vào, thông báo rằng gia đình Martin đã đến. Gia đình Smith rời đi.

Cảnh 3

Gia đình Martin bước vào, và Mary quở trách họ thì đã đến trễ; sau đó cô rời đi.

Cảnh 4

Sau khi vào phòng, hai vợ chồng nhà Martin nhận ra rằng họ đã gặp nhau từ trước. Họ ngạc nhiên khi biết rằng cả hai đều đến từ thành phố Manchester, đều đi cùng một chuyến tàu đến Luân Đôn, đều đi toa hạng ba, đều sống tại số 19 phố Bromfield, đều ngủ trên cùng một cái giường, và đều có một cô con gái hai tuổi tên Alice với một mắt đỏ và một mắt trắng. Họ đi đến kết luận rằng họ là vợ chồng. Họ nhận ra nhau và ôm hôn nhau.

Cảnh 5

Mary xuất hiện trên sân khấu với gia đình Martin, hai người họ đang ngủ. Cô nói với khán giả rằng cả hai người họ đều nhầm lẫn, rằng họ không phải là vợ chồng, nhưng đừng bận tâm, hãy cứ để nguyên mọi thứ như vậy.

Cảnh 6

Khi chỉ còn hai người, gia đình Martins đồng ý với nhau rằng bây giờ họ đã tìm thấy nhau, họ nên sống như trước đây.

Cảnh 7

Khi gia đình Smith quay trở lại, họ nói chuyện về và với những vị khách của họ. Chuông cửa reo và ông Smith ra mở cửa.

Cảnh 8

Đội trưởng đội cứu hỏa bước vào. Anh thất vọng khi không tìm thấy hỏa hoạn ở nhà Smith, nhưng họ hứa sẽ gọi anh nếu có sự cố xảy ra. Họ kể với nhau những câu chuyện vô nghĩa trong khi đang chờ điều gì đó xảy ra.

Cảnh 9

Mary bước vào và kể câu chuyện của cô, trong đó cô phát hiện ra rằng cô là người yêu của Đội trưởng đội cứu hỏa. Gia đình Smith đẩy cô ra khỏi phòng.

Cảnh 10

Đội trưởng đội cứu hỏa rời đi.

Cảnh 11

Nhà Martin và nhà Smith kể lại những câu chuyện vô nghĩa. Sau đó, hai cặp vợ chồng cãi nhau. Ánh sáng mờ dần. Khi đèn sáng trở lại, gia đình Martin đang ở trong phòng khách nhà Smith, lặp lại những câu thoại lúc mở đầu vở kịch của nhà Smith.

Ý nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Giống như nhiều vở kịch thuộc thể loại phi lý khác, chủ đề cơ bản của Nữ ca sĩ hói đầu không hiện ra một cách rõ ràng. Nhiều ý kiến cho rằng vở kịch thể hiện sự trống rỗng trong giao tiếp của xã hội hiện đại. Kịch bản không tuân theo trình tự tạo ấn tượng rằng các nhân vật thậm chí không lắng nghe nhau trong nỗ lực điên cuồng để được lắng nghe. Có suy đoán cho rằng vở kịch được nhại lại theo cách hài hước gần như cùng lúc với lần trình diễn đầu tiên, nhưng Ionesco nói trong một bài luận viết cho các nhà phê bình rằng ông không có ý định đó, nhưng nếu ông nhại lại bất kỳ thứ gì thì đó sẽ là tất cả.

Nữ ca sĩ hói đầu dường như được viết theo một vòng lặp liên tục. Phân cảnh cuối có chứa các chỉ dẫn sân khấu để bắt đầu lại màn trình diễn ngay từ đầu, với cặp vợ chồng nhà Martin thay thế cho cặp vợ chồng nhà Smith và ngược lại. Tuy nhiên, quyết định này chỉ được thêm vào sau buổi biểu diễn thứ một trăm của vở kịch, ban đầu nhà Smith mới là người bắt đầu lại, theo đúng như phân cảnh đầu tiên.

Theo Ionesco, ông đã nghĩ đến vài đoạn kết khác nhau trong đầu, bao gồm một đoạn cao trào trong đó "tác giả" hoặc "người quản lý" phản đối khán giả, và thậm chí một phiên bản mà khán giả bị bắn bằng súng máy. Tuy nhiên, cuối cùng ông ấy quyết định chọn một giải pháp rẻ hơn, đó là vòng lặp. Ionesco nói với Claude Bonnefoy trong một bài phỏng vấn: "Tôi muốn mang lại ý nghĩa cho vở kịch bằng cách bắt đầu lại tất cả với hai nhân vật. Bằng cách này, phần kết sẽ trở thành phần mở đầu lần nữa, nhưng vì có hai cặp đôi trong vở kịch, lần đầu xuất hiện sẽ là nhà Smith và lần thứ hai là nhà Martin, để gợi ý bản chất có thể hoán đổi lẫn nhau giữa các nhân vật: nhà Smith là nhà Martin và nhà Martin là nhà Smith".