Thảo luận:Nguyễn An Ninh

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Thêm đề tài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bình luận mới nhất: 7 năm trước bởi Huỳnh Nhân-thập trong đề tài Trung lập

Untitled[sửa mã nguồn]

Nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng này mà Wiki có bài viết còn quá ít, thậm chí chưa có tấm ảnh thì thật thiếu sót lớn. Hoaithu ntu 14:48, ngày 9 tháng 9 năm 2007 (UTC)Trả lời

Tôi đã bổ sung tư liệu. Bùi Thụy Đào Nguyên (thảo luận) 19:52, ngày 10 tháng 4 năm 2008 (UTC)Trả lời


Tài liệu tham khảo: Thời Niên Thiếu và Ngã Rẽ Cuộc Đời[sửa mã nguồn]

Trích từ gia phả Nguyễn - Trương do trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả thuộc Hội Nghiên Cứu Lịch Sử TP.HCM thực hiện tháng 12 năm 2013:

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15 tháng 9 năm 1900 tại xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ là Nguyễn An khương, giỏi chữ Hán và Quốc ngữ, làm nghề thầy thuốc, dạy học, dịch sách. Thân mẫu là Trương Thị Ngự, con một gia đình giàu có.

Lúc nhỏ, ông sống tại quê ngoại (xã Long Thượng), đến năm 10 tuổi theo cha lên ở hẳn tại khách sạn Chiêu Nam Lầu, nơi thân phụ ông vừa kinh doanh, vừa làm nơi quy tụ, giúp đỡ những nhà yêu nước đương thời đến ẩn trú hoặc tìm đường xuất dương. Được tiếp xúc với những người này và chịu ảnh hưởng của cha, ông đã được hun đúc tinh thần yêu nước ngay từ thời thơ ấu.

Năm 1910, ông bắt đầu đi học trường dòng Taberd và sau đó theo học chương trình Brevet Elémentaire tại trường Chasseloup Laubat (hiện nay là trường Lê Quý Đôn) chủ yếu dành cho con em người Pháp. Nơi đây, ông học giỏi nổi tiếng, được trường cấp học bổng. Ngoài việc theo Tây học, ông còn được cụ Khương dạy Hán Văn và chữ Quốc ngữ qua các truyện Tàu mà cụ dịch thuật.

Năm 1916, nhờ đậu tốt nghiệp hạng ưu nên ông được tuyển thẳng ra Hà Nội theo học Cao đẳng Y dược, được miễn chuẩn bằng Tú tài. Ông lại bỏ Y dược chuyển sang học Luật và Cai trị, nghĩ rằng học ngành này mới thấu hiểu bản chất của chính quyền thực dân để sau này đấu tranh công khai bằng pháp luật. Nhưng không hài lòng với chế độ giáo dục nhồi sọ, ông bỏ học và tìm đường đi Pháp.

Năm 1918, tại Pháp năm đầu Nguyễn An Ninh phải chuẩn bị hồ sơ vào đại học. Ông nhanh chóng lấy bằng Tú tài trong vòng 3 tháng rồi thi vào khoa Luật trường Đại học Sorbonne (cứ 3 tháng ông đăng ký thi chương trình của một năm) nên ông chỉ học trong một năm đã hoàn thành chương trình bốn năm và lấy bằng Cử nhân Luật, gây ngạc nhiên và thán phục trong giới trí thức ở Pháp về trí thông minh lỗi lạc đặc biệt hiếm thấy.

Trong thời gian sống tại Paris, ông thích lui tới Montparnasse “Tổng hành dinh” của nhiều văn sĩ nổi tiếng và nhiều trào lưu nghệ thuật tiền phong đã ra đời tại đây, hoặc lui tới khu Saint Germain des Prés, nơi tụ tập, gặp gỡ của nhiều triết gia và các nhà văn hiện sinh. Ông cũng thường có mặt tại thư viện, đọc những sách mà lịch sử Pháp gọi là “ Triết học ánh sáng” của các triết gia như: Voltaire, J.J.Rousseau, Montesquieu, Diderot. Ngoài ra ông còn thích nghiên cứu về chủ nghĩa Gandhi, về Phật giáo và đặc biệt về triết học Mác – Lênin. Ông cũng đi tham quan học tập và tiếp cận các danh nhân ở Đức, Ý, Thụy sĩ, Áo, Hà Lan, Bỉ. Nhờ vậy, trí thông minh lỗi lạc của ông có được một bề dày kiến thức uyên bác về mọi mặt: Hán Học, Tây học, Luật học, Triết học, Văn hóa và Khoa học.Trong thế hệ đương thời của ông và cả trước đó, sau này, ít có người sánh kịp. Ông không có ý định dừng bước ở bằng Cử nhân mà còn muốn đi xa hơn nữa: đoạt bằng Tiến sĩ. Nhưng ý muốn ấy đã phải nhường bước cho một lý tưởng cao đẹp hơn mà ông đã sớm ôm ấp theo truyền thống gia đình ngay từ buổi thiếu niên tại Chiêu Nam Lầu: đấu tranh cho đất nước.

Năm 1920, trên đất Pháp ông bắt đầu tham gia hoạt động chính trị khi vừa tròn 20 tuổi. Ông thường làm phiên dịch và đưa cụ Phan Châu Trinh đến Bộ Thuộc địa gặp Bộ trưởng Albert Sarraut đòi ân xá chính trị phạm Việt Nam, mở thêm trường học, cho thương gia Việt Nam liên hệ thẳng với nước ngoài. Ông thường giúp Nguyễn Ái Quốc luyện tiếng Pháp, cùng đến thư viện để đọc và các câu lạc bộ để nghe. Năm 1921, ông gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa, tham gia tích cực cơ quan ngôn luận của Hội là báo Le Paria cùng với Nguyễn Ái Quốc, tham dự và phát biểu tại những cuộc diễn thuyết do Hội tổ chức và được quần chúng bắt đầu chú ý.

Ngoài việc biên tập cho báo Le Paria, ông còn viết cho các báo tiến bộ như Le Libertaire, có chân trong nhóm sáng lập tạp chí Europe, một tờ báo quy tụ những cây bút nổi tiếng của Pháp và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhóm Ngũ Long gồm (Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh) được Việt kiều ở Pháp mến mộ, khâm phục, khiến Bộ Thuộc địa Pháp phải yêu cầu Bộ Nội vụ cùng phối hợp hành động để đối phó những nhà cách mạng này.

Năm 1920, khi còn đang ở Pháp, lúc ông vừa đậu Cử Nhân, chưa có ý định về nước thì được cha và cô gọi về lấy vợ. Ông trở về nước kết hôn với một thiếu nữ con một gia đình giàu có ở Sóc Trăng, quốc tịch Pháp. Mặc dù được chế độ thực dân sẵn sàng ưu đãi, dành cho địa vị cao nhất trong chính quyền, có cuộc sống thượng lưu trong xã hội, ông vẫn một mực từ chối, thái độ cương quyết này đưa đến việc ly hôn với người vợ đầu tiên do gia đình lựa chọn. Cuộc hôn nhân kết thúc chỉ trong vòng ba tháng, ông trở sang Pháp nói là học tiếp lấy bằng Tiến sĩ, nhưng thật sự ông đi một số nước học hỏi thêm để rồi kể từ đó, cuộc dấn thân vì đất nước bắt đầu.

Từ năm 1920 đến 1922, ông đã cùng kỹ sư hóa học Nguyễn Thế Truyền, một nhà trí thức uyên bác yêu nước, trở thành hai người bạn thân thiết của Nguyễn Ái Quốc. Họ cùng chung suy nghĩ, cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cùng học tập, cùng làm báo, diễn thuyết, cùng bàn bạc con đường đấu tranh làm sao cho tốt nhất, phù hợp với hoàn cảnh của một đất nước nô lệ, lạc hậu nhưng giàu khí chất anh hùng, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Họ đã thề nguyền cùng nhau suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tháng 10 năm 1922 Nguyễn An Ninh thu xếp về nước thăm dò phong trào quần chúng bằng cuộc diễn thuyết đầu tiên đêm 25-01-1923 với đề tài “Nền Văn hóa Việt Nam” được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Ông vội trở sang Pháp tháng 02 năm 1923 để bộ ba cùng thống nhất hành động.

- Tháng 6 năm 1923 Nguyễn Ái Quốc sang Nga để học cách tổ chức và lãnh đạo cách mạng.

- Tháng 8 năm 1923 Nguyễn An Ninh trở về xây dựng phong trào trong nước chờ Nguyễn Ái Quốc trở về.

- Nguyễn Thế Truyền ở lại tiếp tục công việc và phát triển phong trào tại Pháp, tranh thủ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và đồng bào Pháp.

Về nước, Nguyễn An Ninh lại diễn thuyết lần thứ hai vào đêm 15 tháng 10 năm 1923 với đề tài “Lý tưởng thanh niên An Nam”. Trong hai cuộc thuyết trình này, những lời lẽ của ông là những tiếng chuông khơi động sự “ thức tỉnh đồng bào” về mặt văn hóa lúc ấy còn bị chôn vùi trong những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến Trung Hoa lạc hậu, và chế độ ngu dân của thực dân Pháp. Ông khẳng định:“ Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của dân tộc”. Ông đả kích “ vai trò khai hóa” của người Pháp tại Việt Nam, cho đó là một trò bịp bợm, một chiêu bài nhằm che giấu chính sách bóc lột thực dân, kêu gọi thanh niên đừng ỷ lại vào đó và “ phải dấn thân vào cuộc sống đấu tranh…” Và ông đã kết luận “ Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà tự nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta”. Tiếng vang qua hai bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh tuy mới mẻ cũng đã tác động mạnh trong dư luận thanh niên và trí thức Sài Gòn và đã làm đau đầu bọn thống trị. Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Cognacq phải gọi ông lên Dinh để mong bịt miệng. Trước tiên, hắn giở trò mua chuộc, hứa hẹn sẽ bổ nhiệm ông vào một chức vụ cao, nhưng sau đó thấy không thể lung lạc được ý chí sắt đá của người thanh niên mới 23 tuổi này, hắn ra lệnh cấm ông diễn thuyết hay tụ họp bất cứ nơi đâu. Không thể tiếp tục đấu tranh bằng lời nói, ông chuyển sang đấu tranh bằng ngòi bút. Ông đã lợi dụng Đạo luật ngày 19 tháng 7 năm 1881 cho phép báo chí viết bằng tiếng Pháp khỏi phải xin phép trước khi báo phát hành. Đạo luật này cho phép dùng « gậy ông đập lưng ông » nên ông cho ra đời báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) bằng Pháp văn với người quản lý Pháp lai tên Eugène Dejean de la Bâtie. Ông phải lo chạy tiền ra báo, cụ Nguyễn An Khương đã bán ruộng cho con có tiền và ngày 10 tháng 12 năm 1923, La Cloche Fêlée ra mắt số đầu tiên. Báo tự xưng là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền chuẩn bị cho tương lai với tinh thần: Tự do, Bình đẳng, Bác ái nhằm xây dựng Việt Nam thành một nước Pháp thứ hai tại Châu Á.

Nhưng lập trường, quan điểm ấy dù bề ngoài rất ôn hòa và đầy thiện chí, thực chất là lưỡi gươm bén chọc thẳng vào những chổ yếu nhứt của chế độ thực dân, vốn là một chế độ hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của cuộc cách mạng Pháp 1789. Do đó vì không cấm đoán được, Cognacq và bộ máy cầm quyền Pháp chủ trương đánh phá La Cloche Fêlée bằng mọi cách. Bất cứ ai cầm tờ báo trên tay cũng bị mật thám theo dõi, bị đuổi học, đuổi việc. Chủ nhà in, thợ sắp chữ liên tục bị hăm dọa. Báo phải đổi nhà in, chủ báo (Nguyễn An Ninh) vừa là ký giả, vừa phụ sấp chữ với thợ, sửa bản vỗ, làm long tong. Khi báo in xong, thì tự mình ôm từng chồng báo đi rao bán khắp phố phường, vì không một đại lý nào dám phát hành La Cloche Fêlée khi có sự răn đe của mật thám.

Làm báo gian khổ cùng cực như thế nhưng Nguyễn An Ninh vẫn không nản chí, vẫn công kích chế độ thuộc địa và ông đã xác định trên báo: « lưỡi gươm đe dọa vẫn làm chúng tôi dửng dưng. Chúng tôi đã hy sinh tất cả trong quá khứ, chúng tôi sẳn sàn hy sinh tất cả trong tương lai… » Đến số 19 ra ngày 14 tháng 7 năm 1924 thì báo đành tạm ngưng vì lý do sức khỏe của ông và thể theo lời khuyên của Bâtie, ông cần nghỉ ngơi một thời gian vì cuộc chiến đấu còn dài. Tuy báo chỉ có mặt trên diễn đàn ngôn luận thời gian ngắn và số lượng phát hành có bị hạn chế (viết bằng Pháp văn và người đọc bị đe dọa) nhưng La Cloche Fêlée đã tạo được một vị trí hàng đầu trong lịch sử báo chí Việt Nam, trong thời kỳ đấu tranh xương máu giành độc lập – tự do. Dưới áp lực của bộ máy kềm kẹp thực dân, La Cloche Fêlée đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đồng bào và lột trần bản chất đàn áp, bóc lột của chế độ thuộc địa. Có thể nói, lần đầu tiên sau hơn nữa thế kỷ đô hộ Việt Nam, thành trì kiên cố của thực dân Pháp bị một cơ quan ngôn luận bản xứ ngang nhiên nả đạn tấn công, khiến chúng lúng túng, không thể đối phó bằng cách quang minh chính đại mà phải áp dụng những thủ đoạn đê hèn, thấp kém dù chúng thường huênh hoang tự xưng là « người ơn », « người đi khai hóa ». Riêng đối với Nguyễn An Ninh thì La Cloche Fêlée đáng được xem là một thành tựu quan trọng trong bước đầu của sự nghiệp vì đại nghĩa. Có thể nói tờ báo là hiện thân rõ nét « Con người Trí tuệ và Tâm tình » của ông trên giấy trắng mực đen. Do đó, ông được đồng bào ở Sài Gòn – Chợ lớn, ở khắp Nam Kỳ và trên cả nước bắt đầu tin yêu, ngưỡng mộ và xem là thần tượng. Và trong số người đông đảo ấy có cô Trương Thị Sáu, một cô gái đẹp ở chợ Cầu Ông Lãnh, vốn biết rõ lòng yêu nước chân chính của ông qua La Cloche Fêlée nên đã nhận lời cùng ông đi trọn cuộc đời, dấn thân cho đất nước.

Không thể tiếp tục làm báo, cuối năm 1924, sau khi làm lễ thành hôn với Trương Thị Sáu, ông quyết định trở sang Pháp để mở một chiến dịch đòi các quyền tự do – dân chủ cho Việt Nam. Đó cũng là lúc cụ Phan Châu Trinh nhờ Nguyễn An Ninh sang Pháp đón ông về, nên tháng 1 năm 1925 ông đi Pháp. Đến Paris, ông đi diễn thuyết tại nhiều nơi. Đặc biệt trong cuộc nói chuyện tại hội quán Sociétés Savantes do Hội Liên hiệp Pháp – Đông Dương tổ chức ngày 22 tháng 02 năm1925, ông phát biểu thẳng thừng rằng « Cách mạng sẽ nổ ra ở Đông Dương trong vài năm sắp tới nếu thực dân Pháp không cải thiện chế độ thối nát », đồng thời « sẽ có Đảng Cộng Sản giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng ». Cũng trong thời gian này, vào tháng 4 năm 1925, ông cho công bố quyển sách « La France en Indochine »(Nước Pháp ở Đông Dương) tại Pháp vạch trần sự xâm lược của thực dân Pháp, phân tích những nguyên nhân đưa đến sự bất ổn tại Đông Dương. Cùng năm đó quyển « Le Procès de la colonisation Francaise »(Bản án thực dân Pháp) của Nguyễn Ái Quốc, được xem là hai bản cáo trạng hùng hồn nhứt, đánh thẳng vào cái gọi là « sứ mệnh khai hóa » của Pháp ở Đông Dương.

Ngày 26 tháng 6 năm 1925, ông cùng cụ Phan Châu Trinh về đến Sài Gòn. Hai người chủ trương cho tái bản La Cloche Fêlée. Và lần này, báo do ông Trường đứng tên Chủ nhiệm, vì có quốc tịch Pháp. Từ đây, Nguyễn An Ninh tỏ ra năng nổ, quyết liệt hơn theo một tư tưởng của Gandhi là « đứng trước một tình thế phải chọn lựa giữa sự khiếp sợ và bạo lực, tôi khuyên phải dùng bạo lực hơn là thấy Ấn Độ bị xiềng xích trong bạo lực của kẻ thống trị ». Nếu trước kia, trên mặt báo, ông mới chỉ trích Thống đốc Nam Kỳ thì lần này, ông đánh thẳng vào Toàn quyền Varenne, khi hắn vừa nhậm chức. Đồng thời, còn cho đăng lại những bài của báo L’ Humanité (báo Nhân Đạo thuộc Đảng Cộng sản Pháp), viết những bài về nước Nga Xô Viết được ông ca tụng là «quốc gia đầu tiên sinh ra từ học thuyết Cộng Sản để hạ sát con rắn bảy đầu tư bản chủ nghĩa » Táo bạo hơn, ông còn cho đăng nguyên văn bản Tuyên ngôn Cộng sản của Mác- Anghen để giúp đọc giả hiểu rõ về chủ nghĩa này. Thế là sau những năm tháng đầu tiên dấn thân vào cuộc đấu tranh, Nguyễn An Ninh đã dẫn dắt từng bước đấu tranh cho đọc giả từ: Cải lương ôn hòa đến cách mạng bạo lực. Sự lựa chọn dứt khoát ấy đã thúc giục ông làm một chuyện hết sức dũng cảm mà không ai có thể làm trong lúc đó: Công khai đốt lên ánh đuốc Mác- Lênin để cổ vũ một con đường giải phóng mới cho dân tộc, bất chấp họng súng của kẻ thù. Ông đã làm chuyện hi hữu ấy tức là tuyên chiến với nhà nước thực dân. Và tất nhiên, chúng tìm mọi cách hãm hại ông.

Cuối năm 1925, nhân vụ Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh trục xuất nhà báo Trương Cao Động, bắt phải trở về Trung Kỳ, dư luận báo chí nổi lên phản đối và nhiều cuộc hội họp được tổ chức. Nguyễn An Ninh được mời diễn thuyết tại vườn xoài của bà Đốc phủ Nguyễn Tấn Tài là dì ruột của Nguyễn An Ninh tại Phú Nhuận. Và ông bị Thống đốc Cognacq ra lệnh bắt giam.

Trưa ngày 24 tháng 3 năm 1926, tin ông bị bắt gây chấn động dư luận và khoảng 50.000 người kéo đến bến Cảng với danh nghĩa đón Bùi Quang Chiêu về nước, nhưng thật sự đòi trả tự do ngay cho Nguyễn An Ninh khiến bọn mật thám phải nổ súng giải tán. Sau đó, La Cloche Fêlée đăng thư của hơn 1000 đồng bào các giới phản đối việc bắt ông. Học sinh các trường Nữ học đường, trung học Mỹ Tho, Cần Thơ đồng loạt bãi khóa. Đảng Thanh niên của Trần Huy Liệu phát động cuộc đình công ngày 05 tháng 5 năm 1926. Cả Nam Kỳ sôi sục bày tỏ thái độ quyết liệt. Ở Pháp, trên báo Việt Nam Hồn do Nguyễn Thế Truyền chủ bút, đăng nhiều bài đòi thả ngay Nguyễn An Ninh. Và chính nhà văn Pháp Romain Rolland, người đoạt giải Nobel 1915, cũng lên tiếng chống lại sự bắt bớ này. Thống đốc Cognacq và bộ máy cầm quyền âm mưu kết ông vào tội « gây nội loạn » để trừng phạt nặng nề, nhưng qua hai phiên xét xử, tòa án vẫn không tìm được chứng cứ buộc tội nên phải xử 18 tháng tù ở thay vì 2 năm như dự kiến.

Ở trong tù ông vẫn không chịu nằm yên. Nhân ngày giỗ đầu cụ Phan Châu Trinh, ông dặn bà Ninh - nhân chuyến bà vào thăm - đi vận động đồng bào viếng mộ cụ thật đông để « tập họ quen biểu dương lực lượng, sẳn sàng cho cuộc đấu tranh lớn sau này ». Bà Ninh lĩnh ý, tích cực thực hiện và trong ngày giỗ cụ Phan, đã có hàng trăm ngàn người hưởng ứng, trong đó có hàng ngàn phụ nữ. Tuy bị xử 18 tháng tù ở, nhưng trước dư luận phản đối bản án, đặc biệt của nhà báo Pháp nổi tiếng Léon Werth, giáo sư triết học Félicien Challage, giáo sư kinh tế Charles Gide, v.v…, chính quyền Pháp phải trả tự do cho ông sớm hơn.

Ngày 7 tháng 01 năm 1927, ông rời Khám Lớn sau hơn 9 tháng bị giam cầm.

Trung lập[sửa mã nguồn]

Bài này còn thiếu trung lập nhiều quá. Nào là "bọn chúng tìm cách hãm hại ông", "chế độ xiềng xích"... Sửa mỏi cả tay mà thấy vẫn còn nhiều. --jan Win Thảo luận 07:14, ngày 16 tháng 2 năm 2017 (UTC)Trả lời