Trần Lam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Lam
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Trần Lam
Ngày sinh
1941 (82–83 tuổi)
Nơi sinh
Hậu Giang, Liên bang Đông Dương
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpNhiếp ảnh gia
Sự nghiệp nhiếp ảnh
Đào tạoHội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
Chủ đềThiên nhiên
Tác phẩm"Mặt trời trong lăng sáng tỏa"

Trần Lam (sinh năm 1941) là một nhiếp ảnh gia, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam. Ông là cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và là thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP).

Tiểu sử và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Lam sinh năm 1941 tại Hậu Giang, sau chuyển đến sống và làm việc tại Kiên Giang.[1] Ông là con út trong gia đình có sáu người con nên thường được gọi với cái tên thân mật "Bảy Lam".[2] Năm 1957, khi mới 16 tuổi, ông tham gia cách mạng, sau đó kiêm nhiệm một số chức vụ như Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.[3] Năm 1995, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, ông phát hiện mình bị mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Sau thời gian điều trị bệnh, ông bắt đầu tìm được niềm đam mê nhiếp ảnh.[2][4] Sau khi giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, Trần Lam được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh và trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế phong danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.FIAP).[5]

Năm 2003, Trần Lam đứng ra thành lập Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Kiên Giang và bắt tay vào công tác thiện nguyện, đồng thời đề xuất thành lập trang web "nhịp cầu nhân ái".[6] Hoạt động của ông bao gồm thực hiện các ca mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, mổ mắt và khám phụ khoa cho người dân Việt NamCampuchia.[7] Năm 2008, ông được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu "Anh hùng lao động".[1][8] Cùng năm, bức ảnh "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" của Trần Lam được mua lại với giá 1 triệu đô la.[9] Nhiếp ảnh gia Minh Lộc sau đó đã cáo buộc Trần Lam sao chép tác phẩm của mình và dùng kĩ thuật chỉnh sửa ảnh để tạo ra một bức ảnh tương tự, khơi mào cho một vụ kiện tụng kéo dài 3 năm. Đến năm 2011, hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã kết luận hai bức ảnh của Trần Lam và Minh Lộc là hoàn toàn khác nhau.[10][11]

Năm 2017, Trần Lam tham dự ICS International Digital Exhibition và giành giải FIAP Best Author, huy hiệu xanh FIAP.[12][13] Năm 2019, Trần Lam tổ chức triển lãm ảnh "Khoảnh khắc thiên nhiên", trưng bày 79 tác phẩm chọn lọc của các loài chim khác nhau. Toàn bộ số tiền thu được qua buổi triển lãm được Trần Lam quyên góp cho Hội Bệnh nhân ung thư.[14]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Nhận xét về Trần Lam, đại diện của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, ông David Tay khẳng định: "Trần Lam, một thành viên lâu năm của đại gia đình FIAP, là một nhiếp ảnh gia năng nổ. Ông đã khẳng định bản thân bằng những bức ảnh đẹp, có khả năng tạo ra những cảm xúc sâu lắng cho người xem". Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Ngoài đam mê nhiếp ảnh, anh Trần Lam còn là người hoạt động từ thiện nổi tiếng với tên gọi gần gũi Bảy Lam. Bằng tấm lòng yêu thương, sống nhân hậu, anh đã cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang đem lại niềm vui và sự sống cho rất nhiều bệnh nhân nghèo. Chính vì thế, tôi càng trân trọng hơn những gì mà anh Bảy Lam đã dấn thân, hi sinh và cống hiến cho đồng bào và quê hương trong những năm qua".[15]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Mạnh Thường (23 tháng 10 năm 2019). “Khoảnh khắc thiên nhiên của NSNA Bảy Lam”. Báo Ảnh Việt Nam. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  2. ^ a b Quang Ngọc (2020). “Trần Lam – con người của những khát vọng”. Nông nghiệp Việt Nam (Xuân Canh Tý 2020). tr. 99.
  3. ^ Trần Mai Hưởng (14 tháng 10 năm 2019). “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam: Tình yêu theo những cánh chim”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  4. ^ Lục Tùng (3 tháng 7 năm 2014). "Ông tiên" không phép màu”. Lao Động. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  5. ^ Chu Thu Hảo (15 tháng 7 năm 2009). “Nghệ sĩ nhiếp ảnh hết lòng vì người nghèo”. Nhân Dân. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  6. ^ Quang Vinh (16 tháng 6 năm 2008). “Người bắc cầu nhân ái”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  7. ^ Lan Hương (21 tháng 11 năm 2008). “Vị cựu Phó chủ tịch tỉnh nặng lòng với người nghèo”. Dân trí. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  8. ^ Tô Vương (4 tháng 2 năm 2009). “Những tấm lòng vàng gặp tấm lòng vàng”. Nhân Dân. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  9. ^ Quang Minh Nhật (1 tháng 12 năm 2008). “Bức ảnh được mua giá 1 triệu USD”. Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  10. ^ Lam Điền (29 tháng 9 năm 2011). “Khép lại tranh cãi về bức ảnh triệu đô”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  11. ^ Hà Đình Nguyên (28 tháng 9 năm 2011). “Đoạn kết vụ kiện "bức ảnh triệu đô". Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  12. ^ Lục Tùng (3 tháng 11 năm 2017). “Kiên Giang: Thắng lớn tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế ICS International Digital Exhibition”. Lao Động. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  13. ^ Hoa Hạ (2 tháng 11 năm 2017). “Kết quả cuộc thi ICS International Digital Exhibition lần thứ 9 năm 2017”. Nhiếp ảnh. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  14. ^ Mai An (22 tháng 10 năm 2019). “Triển lãm Khoảnh khắc thiên nhiên”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.
  15. ^ Hồng Hà (22 tháng 10 năm 2019). “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Khai mạc Triển lãm ảnh Khoảnh khắc thiên nhiên”. Tổ quốc. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2021.