Đậu triều

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cajanus cajan
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Fabales
Họ (familia)Fabaceae
Chi (genus)Cajanus
Loài (species)C. cajan
Danh pháp hai phần
Cajanus cajan
(L.) Millsp.
Cajanus cajan

Đậu triều hay đậu săng, đậu cọc rào (danh pháp khoa học: Cajanus cajan) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu (Fabaceae), dạng bán thân gỗ, thuộc nhóm cây lâu năm nhưng hầu hết được trồng hàng năm để thu quả; thân khoẻ, hoá gỗ cao tới 4m, nhánh đâm tự do, hệ rễ ăn sâu và rộng, rễ cái ăn sâu tới khoảng 2m. Lá mọc xen, lá kép có 3 lá chét nhỏ. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau. Quả có từ 2 - 9 hạt nhỏ hình trứng với đường kính hạt khoảng 8mm.

Đậu triều là cây trồng dễ tính, có thể sống được ở mọi loại đất có pH dao động từ 4,5-8,4. Ở những vùng khô hạn với lượng mưa hàng năm thấp hơn 650mm, đậu triều vẫn cho năng suất hạt rất cao vì cây chín sớm và tỉ lệ nhiễm sâu bệnh hại thấp. Đậu triều có thể mẫn cảm với quang chu kỳ, không chịu được úng và sương giá. Cây sinh trưởng ở nhiệt độ 10°C- 35°C nhưng thích hợp nhất là 18°C - 29° C.

Loài này được (L.) Millsp. miêu tả khoa học đầu tiên.[1]

Nguồn gốc và phân bố[sửa | sửa mã nguồn]

Đậu triều là 1 cây lâu năm có thể phát triển thành một cây gỗ nhỏ.

Đậu triều có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng xuất hiện ở hầu khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong khoảng từ 30° Bắc tới 30° Nam. Giống có quan hệ gần gũi nhất với loài hoang dại là Haines (Atylosias cajanifolia) đã được tìm thấy ở một số vùng thuộc Đông Ấn. Hầu hết những giống khác thuộc chi Atylosias được tìm thấy rải rác trên toàn lãnh thổ Ấn Độ. Ở châu Phi, Hindustani được xem là trung tâm đa dạng nguồn gen đậu triều và là nơi đậu triều được chọn lọc theo các hướng khác nhau như chống chịu bệnh, điều kiện bất thuận…(Duke, 1981a).

Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật hiện đang lưu giữ và tư liệu hóa 14 nguồn gen đậu triều được thu thập và nhập nội năm 1996.

Các giống đậu triều mới chịu hạn của Viên nghiên cứu cây trồng nhiệt đới bán khô hạn (ICRISAT) được trồng thử nghiệm tại Trảng Bàng (Đồng Nai) từ năm 2009 và bước đầu cho kết quả tương đối khả quan (Theo TS. Hoàng Kim).

Giá trị kinh tế và giá trị sử dụng[sửa | sửa mã nguồn]

Đậu triều là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng khá nổi tiếng ở các nước đang phát triển khu vực nhiệt đới vì có hàm lượng protein cao (có thể tới 22% tùy thuộc vào kỹ thuật canh tác và vùng địa lý). Đậu triều được sử dụng trong gia đình và thương mại hoá (sản xuất đồ hộp).

Quả và hạt xanh được sử dụng làm rau xanh. Hạt già dùng nấu súp, cơm nếp hoặc ủ nảy mầm làm giá. Cây đậu triều có sinh khối nhanh nên có thể sử dụng làm cây thức ăn gia súc lưu niên hoặc làm phân xanh. Tại Việt Nam, đậu triều thường được trồng làm cây che bóng, cây che phủ hoặc làm hàng rào chắn gió. Ở Thái Lan và Bắc Bengal, đậu triều được dùng làm cây ký chủ sản xuất cánh kiến, nhựa cánh kiến. Ở Malagasy, lá đậu triều được dùng làm thức ăn cho tằm, thân cây phơi khô dùng làm nhiên liệu đốt và đan lát thủ công mỹ nghệ.

Morton (1976) đã liệt kê khá nhiều bài thuốc truyền thống sử dụng đậu triều. Ở Ấn Độ và Java, lá non được sử dụng chữa trị các vết đau, lở loét. Cư dân khu vực Đông Nam á dùng bột lá để tống sỏi bàng quang ra ngoài. Lá đậu triều cũng được dùng để chữa trị đau răng, thuốc sát trùng miệng, dán vết thương, chữa bệnh lị và trong sinh nở. Nước lá ướp muối được dùng để chữa bệnh vàng da. Ở Argentina, nước sắc lá đậu triều được sử dụng để kích thích cơ quan sinh dục.

Người Trung Quốc cho rằng đậu triều có tác dụng tiêu ẩm, giảm sưng tấy, tiêu huyết ứ và cầm máu. Chủ yếu được sử dụng để điều trị chứng đau khớp thấp khớp, vết bầm tím, chảy máu cam, phân có máu, vết loét, mụn nhọt và chảy máu sau sinh, phù nề và viêm gan loại vàng da. Hạt rang cháy thêm một ít cà phê giúp giảm hoa mắt, chóng mặt. Hạt tươi được sử dụng chữa bệnh đái són ở đàn ông. Quả xanh được sử dụng chữa trị các bệnh về gan và thận[2]. Ở Việt Nam, người dân dùng nước sắc lá đậu triều làm thuốc giảm đau nhức cho người bị zona thần kinh.

Ở Việt Nam, cây đậu triều đã được nghiên cứu đánh giá tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường (sản xuất dầu diesel sinh học, thay thế cho dầu diesel truyền thống) tại tỉnh Lâm Đồng.[3][4]

Năng suất[sửa | sửa mã nguồn]

Năng suất quả xanh dao động từ 1.000 – 9.000 kg/ha. Năng suất hạt khô có thể đạt tới 2.500 kg/ha. Ấn Độ là nước đứng đầu về sản xuất đậu triều với năng suất hạt khô trung bình đạt 716 kg/ha.

Đa dạng nguồn gen đậu triều[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều giống đậu triều khác nhau về đặc điểm sinh học như chiều cao, tập tính sinh trưởng, màu hoa.... Ở Ấn Độ và Ceylon thì giống Tur 5 và Tenkasi được trồng phổ biến. Những giống có nguồn gốc từ Ấn Độ có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn gồm: Co-1, Kanke 3, Kanke 9, Makta, Pusa ageta, Sharda, T-21 và UPAS 120. Ở Mỹ (bang Florida), có giống phản ứng trung tính như Amarillo. Một số giống tốt khác có thể kể đến là Morgan Congo, Cuban Congo và No-eye Pea. Những giống có năng suất tốt với nhiều cành cấp 2, ít cành cấp 3 cũng đã được thử nghiệm ở Uganda như CIVE1, UC948, UC2288, UC3035, UC16 hoặc những giống thuộc nhóm cây bụi như UC1377, UC959.

Cùng với sự phát triển của Công nghệ sinh học, ngày 06 tháng 11 năm 2011, nhóm nghiên cứu dẫn đầu là Trung tâm nghiên cứu cây trồng nhiệt đới bán khô hạn (ICRISAT) đã lần đầu tiên công bố kết quả phân tích bộ gen đậu triều với 46.860 gen trong đó phát hiện tới 200 gen chịu hạn duy nhất chỉ có ở đậu triều. Kết quả này đem đến tiềm năng rất lớn trong việc chuyển gen chịu hạn tới những cây họ đậu khác như đậu tương, đậu đen và đậu đũa (Rajeev K Varshney et al., 2011).

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Hình ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ The Plant List (2010). Cajanus cajan. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2013.
  2. ^ Đặc điểm của hạt đậu triều - Bách khoa toàn thư Trung Quốc
  3. ^ Đánh giá tiềm năng trồng cây cọc rào Jatropha curcas L. tại Tỉnh Lâm Đồng cho sản xuất nhiên liệu sinh học
  4. ^ Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Số 23 - 5/2023:189-194

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Duke, J.A. (1981a). Handbook of legumes of world economic importance. Plenum Press. New York.
  • Duke, J.A. (1981b). The gene revolution. Paper 1. p. 89 – 150. In: Office of Technology Assessment, Background papers for innovative biological technologies for lesser developed countries. USGPO. Washington.
  • http://www.tropicalforages.info/key/Forages/Media/Html/Cajanus_cajan.htm
  • http://www.icrisat.cgiar.org/text/research/grep/homepage/pigeonpea/pigeonpea.htm Lưu trữ 2004-08-19 tại Wayback Machine
  • Morton, J.F. (1976). The pigeon pea (Cajanus cajan Millsp.), a high protein tropical bush legume. HortScience 11 (1): 11 – 19.
  • N.A.S. (1980a). Firewood crops. Shrub and tree species for energy production. National Academy of Sciences, Washington, DC.
  • Rajeev, K. V., Wenbin, C., Yupeng, L., Arvind, K. B., Rachit, K. S., Jessica, A. S., Mark. T. A. D., Sarwar, A., Guangyi, F., Adam, M. W., Andrew, D. F., Jaime, S., Aiko, I., Reetu. T., R Varma, P., Wei, W., Hari, D. U., Shiaw-Pyng, Y., Trushar, S., Saxena1, K. B., Todd, M., W Richard, M., Bicheng, Y., Gengyun, Z., Huanming, Y., Jun, W., Charles, S., Douglas, R. C., Gregory, D. M., Xun, X., and Scott, A. J. (2011). Draft genome sequence of pigeonpea (Cajanus cajan), an orphan legume crop of resource-poor farmers. Nature Biotechnology. http://www.icrisat.org/gt-bt/iipg/Genome_Manuscript.pdf[liên kết hỏng]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]