Bia Xá Lợi Tháp Minh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bia Xá Lợi Tháp
舍利塔銘碑
Bảo vật quốc gia số 7, đợt 2
Chất liệuĐá
Kích thướcThân bia: 53,5cm x 45cm x 8,5cm
Nắp bia: 53,5cm x 45cm x 4cm
Hệ chữ viếtChữ Hán
Niên đại601
Thời kỳ/Văn hóaNhà Tùy
Địa điểm phát hiệnthôn Xuân Quan, Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh
Thời điểm phát hiện2004
Phát hiện bởiNguyễn Văn Đức
Hiện lưu trữ tạiBảo tàng tỉnh Bắc Ninh
Số đăng ký2135[1]

Bia khắc Xá Lợi Tháp" là bia đá chữ Hán có niên đại cổ nhất được tìm thấy tại Việt Nam hiện nay, bia khắc năm 601 niên hiệu Nhân Thọ thứ nhất đời Tùy Văn Đế. Tấm bia được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam vào đợt 2 năm 2013. Bia hiện được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bắc Ninh. Bia này ghi việc Hoàng đế Nhà Tùy cho rước Xá Lợi đến các châu để xây tháp, thờ phụng, ở Giao Châu thì Xá Lợi được đem đến một ngôi chùa tên là chùa Thiền Chúng.

Phát hiện tấm bia[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở gần khu vực Chùa Xuân Quan (Chùa Dàn), đã va phải một vật rất cứng. Đó chính là tấm bia Xá lợi tháp minh. Khi đó, bia gồm hai phần úp khít vào nhau, được kết dính bằng một chất nào đó chưa rõ, phải dùng mai đào đất mới tách đôi được. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Ông Đức sau đó mang tấm bia này cất giữ đến năm 2012. Trong thời gian này, ông có cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem[2].

Vị trí ông Đức phát hiện bia đá và một số di vật khác ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa Xuân Quan hiện nay 20m[1]. Ông Đức từ đó giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không biết ở đâu. Năm 2012, sau khi biết về giá trị của tấm bia, ông Đức đã hiến tặng tấm bia cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mà không đòi hỏi gì về vật chất. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng hình chữ An (安) của làng Đại Bái[2].

Hiện trạng tấm bia[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tháng 8 năm 2012, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (gồm các bà Kiều Thị Thơm, Nguyễn Văn An và Nguyễn Thị Biển) tiếp nhận hai cổ vật từ ông Nguyễn Văn Đức gồm:

  • Bia mộ tháp: gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ 45 cm x 46 cm úp khít vào nhau: phần dưới (thân bia) dày 9 cm được cắt khá nhẵn xung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét, gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng. Phần trên (nắp đậy) mỏng hơn dày khoảng 4 cm úp lên trên phiến đá có chữ, mặt dưới tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ.
  • Liễn (đỉnh) đá: bên cạnh bia mộ tháp nêu trên tại vị trí phát hiện các di vật còn có một liễn (đỉnh) đá. Hiện vật này trên có nắp đậy cũng bằng đá - loại đá gần giống như bia đá, kích cỡ 45 cm x 46 cm x 33 cm lòng sâu 26 cm, đáy cỡ 17 cm x 17 cm. Nắp đậy có kích cỡ 45 cm x 46 cm x 8 cm. Nắp đá mặt dưới tạo gờ nổi chạy xung quanh úp xuống vừa khít với thân, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ giống với nắp bia.
  • Cả hai di vật trên đều đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dày 25 cm, kích cỡ 65 cm x 100 cm. Tấm đá không trang trí hoa văn, mặt trên phẳng, mặt dưới hơi gồ ghề, qua thời gian nằm ở dưới lòng đất mặt đá bị bào mòn, một đầu bị sứt vỡ nhỏ[1].

Ông Đức cho biết khi đào đất đã dùng máy xúc để đào. Các di vật bằng đá nằm ở độ sâu hơn 2m, khi đào được các di vật này, bia mộ tháp có 2 phần úp khít vào nhau bằng chất kết dính, phải cậy bằng mai đào đất để mở, vì thế cạnh ngoài nắp có chỗ bị sứt vỡ mấy miếng nhỏ nhưng không ảnh hưởng tới phần khắc chữ. Ở mặt trong cả 2 nắp bia khi cạy ra đều sạch bóng, không có chất gì khác bám vào mặt, kể cả nước. "Liễn đá" có nắp đậy, ở bên trong có một ít tạp chất màu thâm đen[3].

Nội dung văn bia[sửa | sửa mã nguồn]

Dòng đầu trên bia khắc bốn chữ "Xá lợi tháp minh" (Ghi khắc Xá lợi tháp), dòng thứ 2 ghi khắc "Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu" (lạc khoản đề ngày tháng). Nội dung cơ bản phiên âm và lược dịch như sau[3]:

Bản dịch:

Xác định niên đại và chùa Thiền Chúng[sửa | sửa mã nguồn]

Thạc sĩ Phạm Lê Huy, Giảng viên Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố các kết quả nghiên cứu về minh văn của tấm bia. Văn bia này có nội dung về cơ bản giống với "Nhân Thọ xá lợi tháp" có niên đại 601 đã được phát hiện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, văn bia cổ ở Bắc Ninh vẫn có một số điểm khác biệt so với văn bia phát hiện ở Trung Quốc. Trong văn bia cổ ở Bắc Ninh, dòng đầu tiên ghi chữ "Xá lợi tháp minh", trong khi đó, một số minh văn phát hiện ở Trung Quốc lại ghi là "Xá lợi tháp hạ minh" hoặc không ghi tiêu đề. Vị trí khắc dòng tiêu đề cũng khác nhau ở từng bia, có cái ghi dòng đầu, có cái ghi dòng cuối. Ngoài ra, trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn thì ở văn bia cổ ở Bắc Ninh lại có ghi thêm phần chú thích "sắc sứ" là Đại đức Tuệ Nhã pháp sưVũ kỵ úy Khương Huy.

Minh văn Thanh Châu (Trung Quốc), ngoài 2 "sắc sứ" là Đại đức Trí NăngVũ kỵ úy Lý Đức Kham còn ghi thêm tên 2 người tùy tùng (tòng giả) và 2 viên chức Tư mã và Lục sự tham quân của Thanh châu. Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định: "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư" và "Đại đức Trí Năng" là 2 trong số 30 sa môn được Tùy Văn Đế cử về địa phương, còn Khương Huy và Lý Đức Kham là 2 "tản quan" tháp tùng.[4]

Bên cạnh đó, việc nắp bia và bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng được phát hiện tại Trung Quốc. Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin (ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu) với các tư liệu khác như "Quảng hoằng minh tập" và "Cảm ứng lục" có thể khẳng định: Tấm bia vừa được tìm thấy tại Bắc Ninh chính là minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" được khắc cùng với sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu năm 601[4].

Chùa Thiền Chúng là cái tên "mới" xuất lộ trên văn bia này. Tại chùa Huệ Trạch (làng Xuân Quan) chỉ có bia đá năm Chính Hoà thứ 20 (1699) bốn mặt là cổ nhất, nội dung ghi "Huệ Trạch tự tôn tạo hồng chung các thanh bi ký", không ghi gì về chùa Thiền Chúng xưa[3]. Thiền uyển tập anh (quyển Hạ) có ghi về một chùa mang tên là "Thiền Chúng" như sau:

Thiền sư Định Không (? - 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức

Thế nhưng ở phần ghi chú cuối trang lại ghi: "Cảm ứng xá lợi ký" do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong "Quảng hoằng minh tập" có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu. "Thiền uyển tập anh" nói dựng tháp nơi chùa Pháp Vân, có lẽ hợp lý hơn[5]. Như vậy đến khi đào được bia này có thể nói rằng đã tồn tại việc dựng tháp, rước xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở thôn Xuân Quan chứ không phải tại chùa Pháp Vân như "Thiền uyển tập anh" phỏng đoán. Chùa Thiền Chúng ghi trong bia mộ tháp được xây dựng từ đó, sau khi bị đổ nát quá lâu ngày nên đã bị lãng quên trong lịch sử và sau này chỉ còn được biết đến với tên mới là chùa Huệ Trạch.

Giá trị tấm bia[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam. Niên đại 601 của văn bia này sớm hơn 17 năm so với tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn có niên đại năm 618, được Giáo sư Đào Duy Anh phát hiện tại Thanh Hóa năm 1960[2].

Bia cũng mang một thông tin quan trọng đó là huyện Long Biên, xứ Giao Châu, góp phần minh chứng cho các tư liệu, sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học từ trước đến nay vẫn tranh luận về vị trí của thành Long Biên thời Bắc thuộc. Tấm bia đã xác định vị trí của Long Biên hoặc ở vùng Luy Lâu hoặc chính là Luy Lâu[3].

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]