Cổng thông tin:Cơ Đốc giáo/Bài chọn lọc/10

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Từ năm 1884, một nhà thờ Kháng Cách được thành lập tại Hải Phòng cho các tín hữu người Âu châu, rồi thêm những giáo đoàn khác ở Hà NộiSài Gòn, nhưng 1911 được xem là năm đánh dấu đức tin Kháng Cách truyền đến Việt Nam khi những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp, sau chín năm kiên trì chờ đợi và tìm kiếm cơ hội, đã đặt chân đến Tourane (nay là Đà Nẵng) và thiết lập cơ sở truyền giáo tại đây. Năm 1927, Hội thánh Tin Lành Việt Nam được chính thức thành lập. Các hệ phái khác cũng tiếp bước trong nỗ lực giới thiệu thông điệp phúc âm cho hơn 40 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội. Theo những ước tính khác nhau, có khoảng từ 1 triệu đến hơn 1,4 triệu tín hữu thuộc cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam, phần lớn tập trung ở miền Nam...

Dù có mặt trên xứ sở này khá muộn màng, sau hơn 100 năm tồn tại Tin Lành tại Việt Nam được xem là tôn giáo phát triển nhanh nhất, đặc biệt là từ những thập niên cuối thế kỷ 20. Sự hình thành và phát triển của cộng đồng Kháng Cách tại Việt Nam là một thành quả đáng kể nếu so sánh với những xứ sở lân cận. Sau 100 năm hoạt động truyền giáo ở Thái Lan, chỉ có 9 000 người qui đạo. Cộng đồng Kháng Cách ở CampuchiaLào có qui mô nhỏ hơn nhiều. Số tín hữu ở Trung Quốc đông đảo hơn nhưng họ có đến hơn 200 năm truyền giáo với sự tập trung rất lớn của các hội truyền giáo từ châu Âu và Bắc Mỹ. Kể từ cuộc chiến giành độc lập, Tin Lành được công nhận là một trong những tôn giáo chính của đất nước.