Thành viên:Hồ Chất/nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trận cầu Hàm Rồng

         Cầu Hàm Rồng là một cây cầu bắc qua sông Mã trên tuyến đường Quốc lộ số 1A thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa, cửa ngõ phía Bắc của miền Trung tiếp giáp với Bắc Bộ Việt Nam.

         Mục lục:

1.Vị trí địa lý cầu

2.Lịch sử

3.Bối cảnh lịch sử

4.Ví trí chiến lược

5.Kế hoạc hai bên

6.Diễn biến các trận đánh

7.Kết quả

8. Cầu Hàm Rồng trong văn học

9.Bài học rút ra từ trận đánh

10.Chú thích

1.Vị trí địa lý cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng là cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Mã, trên quốc lộ số 1A, chạy qua Thanh Hóa, cách phía bắc thị xã Thanh Hóa 4 km. Giữa trụ cầu là 19o53’16” vĩ tuyến Bắc, 105o 47’39” kinh tuyến Đông. (Tọa độ của Hoằng Hóa: 19o42’B 105o48’Đ) . Cầu dài 160 m, không kể chân móng ở hai đầu cầu.

Nếu ta đi vào, đầu cầu Hàm Rồng phía Bắc bên tay trái ta là hòn núi đá thấp gọi là Núi Ngọc. Mố cầu Bắc nằm ngay chân phía Tây núi Ngọc. Đi qua cầu sang bờ nam là một dãy núi Hàm Rồng (hay núi Rồng) chạy dài theo bờ sông Mã và đường quốc lộ 1A. Mố cầu Nam nằm gối chân núi phần đầu của cầu Hàm Rồng, ngay sát động Long Quang.

Hiện nay cầu Hàm Rồng  nằm trong địa phận thành phố Thanh Hóa thuộc  phía nam thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 7 km.

         2. Lịch sử cầu Hàm Rồng

         Cầu Hàm Rồng được xây dựng qua ba thời kỳ khác nhau:

         Thời kỳ thuộc Pháp: Ngay từ năm 1883, Chính phủ Pháp lợi dụng các vua nhà Nguyễn thay đổi nhau lên ngôi xì xoạch, đã đem quân đánh chiếm nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Vì thế, sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt, triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ  đã phải vội vã ký Hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Chính phủ Pháp tại An Nam vào ngày 6 tháng 6 năm 1884.

Từ đó đất nước Việt Nam nằm trong tay Pháp. Thời gian này cho đến 1900, Pháp lo bố trí lại quan cai trị khắp cõi đất nước Việt Nam, do Toàn quyền và các vị Thống sứ, Công sứ ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ nắm giữ..

Sang đầu thế kỷ XX, Chính phủ Pháp đã tương đối rảnh tay trong việc nhân sự của bộ máy cai trị, Toàn quyền Paul Doumer và Jean Baptiste Paul Beau kế tiếp sau đó đã chuẩn y các văn bản đệ trình của Hội đồng tư vấn, Bắc kỳ Nhân dân đại biểu viện và Nha Công Chính, cho xây dựng cầu Hàm Rồng, với sự tham gia của các kỹ sư chuyên gia người Pháp, Italia và Đức.

Theo các kỹ sư Pháp tính toán rằng, trên dòng sông Mã đoạn cầu Hàm Rồng không thể xây dựng được trụ cầu. Nhà địa chất nổi tiếng người Pháp là Aragon ghi lại trong cuốn sổ tay kỹ thuật lời khuyên với các nhà xây dựng cầu rằng: không nên xây dựng công trình cầu trên dòng sông Mã vì cấu tạo lòng sông rất phức tạp, độ chênh dòng nước cao ở đoạn núi Đầu Rồng, núi Ngọc khiến dòng chảy như thác lũ, mặt đá lòng sông nghiêng, có độ dốc cao lại nhiều hang động nên rất khó thi công ngầm dưới lòng sông.

Chính vì địa chất phức tạp, điều kiện kỹ thuật xây dựng lúc bấy giờ còn thấp nên các kỹ sư thiết kế người Pháp đã chọn kiểu cầu vòm – là một loại cầu không có trụ giữa mà dùng chốt neo cầu do kỹ sư Đayđé và Phile thiết kế, chỉ đạo thi công.

Thời gian thực hiện cắm chốt neo rất khó khăn và đầy nguy hiểm, đã có gần 200 thợ cầu Việt phải bỏ mạng và 1 viên kỹ sư thiết kế người Pháp bất lực, sợ hãi đã phải tự tử. Mãi đến khi kỹ sư người Đức sửa lại thiết kế thì mới cắm được chốt neo.  Đến năm 1904 (sau 3 năm thi công), cầu Hàm Rồng được hoàn thành nối liền dòng sông Mã từ núi Ngọc sang núi Đầu Rồng.  (1)

        

         Cầu Hàm Rồng khi mới được xây dựng vào đầu thế kỷ. Ảnh của báo Văn hóa- Giải trí.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, quân đội Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam. Để chặn đường quân Pháp, Chính phủ Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”.Đại đội công binh của Trung đoàn 77 đã cùng công nhân dùng hai đầu móc hơi nước, 4 toa xe đá đưa vào cầu cùng với 70 kg thuốc nổ phá sập cầu Hàm Rồng sau 43 năm tồn tại. (2)

         Thời kỳ thứ hai:

         Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Để phục vụ cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh sau 9 năm kháng Pháp, phục vụ nhu cầu kiến quốc, ngày 26 tháng 11 năm 1960, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành khởi công xây dựng lại cầu. Sau gần hai năm các kỹ sư và anh em công nhân làm việc dưới sự gúp đỡ của các công trình sư và chuyên gia kỹ thuật của Liên Xô, ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu Hàm Rồng đã tổ chức lễ khánh thành thông cầu thông xe.(3)

Làm trụ cầu ngay giữa lòng sông Mã theo thiết kế mới với kỹ thuật hiện đại. Ảnh tư liệu của VNTTX.

         Thời kỳ thứ ba:

         Sau khi Hiệp dịnh Paris được ký kết, chiến tranh phá hoại Bắc Việt chấm dứt không điều kiện, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho xây dựng lại cầu Hàm Rồng, trụ giữa vẫn dùng lại móng cột ống, tháo dỡ dầm thép cũ thay bằng hai nhịp cầu dài 80m đơn giản. Ngày 19 tháng 5 năm 1973, khánh thành thông cầu thông xe và chuyến xe lửa chở hành khách đầu tiên sau gần mười năm gián đoạn đã khởi hành chạy qua cầu Hàm Rồng. (4)

Cầu có chiều dài là 160m, có 1 trụ ở giữa sông và được làm trên vị trí cầu cũ xây dựng từ năm 1973, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. (5)

         3.Bối cảnh lịch sử

         Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam chia thành 2 miền lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Nhưng ngay từ những năm 1950, Chính phủ Mỹ và phe đồng minh đã “đi tay đôi” với chính phủ Pháp thực hiện mưu đồ chia cắt Việt Nam lâu dài, biến đất nước Việt Nam thành hai quốc gia riêng biệt.

         Với ý đồ đó, ngày 8/8/1954, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dã họp và nhất trí thay Pháp chiếm cứ Việt Nam và dựng lên một chính quyền thân Mỹ mới là Ngô Đình Diệm và cử ngay J. L. Colins làm đại sứ tại Sài Gòn.

         Trong hai năm 1954 và 1955, theo hiệp định Genève quy định còn đang là thời gian tổ chức hiệp thương hai miền để thống nhất đất nước. Chính phủ Mỹ và chính quyền Quốc gia Việt Nam (Ngô Đình Diệm) biết rằng chúng không được lòng dân và có âm mưu ngăn chặn phong trào cộng sản đang lan nhanh xuống khu vực Đông Nam Á nên chúng ra sức củng cố lực lượng chính trị và quân sự.

         Tháng 3/1956, Ngô Đình Diệm tổ chức tổng tuyển cử lập ra Quốc hội, Đảng Cần lao Nhân vị, Phong trào cách mạng quốc gia, Thanh niên Cộng hòa và Phụ nữ liên đới. Những tổ chức này chứng tỏ từ đây chúng công khai với thế giới ra đời một chính thể riêng, độc lập với Bắc Việt Nam.

         Từ 1956 đên những năm 1963, Mỹ - Diệm gây ra nhiều vụ thanh trừng những người tham gia kháng chiến, các cơ sở cách mạng của nhân dân miền Nam và Chính phủ cũng như quân đội Mỹ ngày càng can thiệp vào miền Nam. Điều đó làm cho Chính phủ Bắc Việt phải có thái độ rõ ràng Với Chính phủ và quân đội Mỹ và Đồng minh.

         Nhất là từ 5/8/1964, sự kiện vịnh Bắc Bộ xẩy ra càng làm cho ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của chính phủ Bắc Việt có Trung Quốc Liên Xô làm hậu thuẫn

trở nên quyết liệt, ở mức độ cao.      

         Do đó cả hai bên, trong thời điểm ấy, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Bắc Việt dấy lên một làn sóng ngấm ngầm chuẩn bị cho cuộc chiến về sau này.

         4. Vị trí chiến lược của cầu

+ Tầm quan trọng của cầu đối với ngành giao thông vận tải Việt Nam

Từ những thế kỷ trước, nước trên thượng nguồn đổ ra sông Mã xuôi về biển Đông, đi qua địa phận Hoằng Hóa như lệ thường. Nhưng đến Tào Xuyên, dòng nước bị dãy núi Hàm Rồng cản lại do nham thạch dưới lòng sông là loại nham thạch quá cứng cho nên dòng nước đổ dồn bên bờ phía bắc tạo thành xoáy tung lên, vật trở lại bờ nam làm sói mòn phần nham thạch mềm tạo thành hẻm sâu vào chân núi Rồng như cái miệng rồng, để lại mỏm phía bắc như hòn ngọc mà rồng cứ lăm le muốn nuốt chửng lấy nó.

Thế nhưng việc đi lại của người dân hai bên cũng như khách bộ hành giữa hai miền, nhất là thời Nguyễn, quan lại sĩ tử vào kinh thành Phú Xuân đi thi không thể dừng lại được. Vì thế những bến đò chở khách được hình thành rải rác ở hai bên suốt từ phía đông cầu cho đến vùng Nam Ngạn, hay phía Tây cầu cho đến vùng Yên Vực.

Chính phủ Quốc gia Việt Nam từ ông Lưu Văn Lang, ông Nguyễn Văn Tý, Trần Văn Của,… Bộ trưởng ngành Công Chính cho đến các vị trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như ông Đào Trọng Kim, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Trân,… đều rất quan tâm đến việc xây dựng tu bổ cầu cống, coi cầu cống là điểm mấu chốt quan trọng trên các tuyến đường.

Toàn quốc kháng chiến, cầu Hàm Rồng bị triệt phá, hành khách đi lại và vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các nhu cầu phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Mọi thứ cần thiết cung cấp cho chiến trường đều nhờ vào công sức của toàn dân ở khắp nơi trên hai bờ sông Mã.

         Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng không chỉ với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Những năm 1960, khi đất nước còn chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khởi công xây dựng lại cầu Hàm Rồng. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam.

         Từ đây người, vũ khí, đạn dược, hàng hóa, nhu yếu phẩm…được vận chuyển cho các chiến trường Miền Nam. Hàng vạn binh lính, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua cây cầu này để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ từ 1964-1973, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định: "Trọng điểm địch đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa. Trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng. Bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt". (6)

+ Tầm quan trọng của cầu đối với Hoa Kỳ và Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam

Cầu Hàm Rồng – chiếc cầu đầu tiên trong danh sách các cầu ở Việt Nam được đưa vào mục tiêu đánh phá của chiến dịch “Freedom  Dawn”  (Bình minh tự do). Tổng thống Mỹ Richard Nixon nói “Bắc Việt Nam chưa bao giờ bị ném bom  như sắp bị ném bom lần này” khi đang chuẩn bị kế hoạch

Thực tế đến cuối năm 1964, đế quốc Mỹ xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có sáu mươi điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là điểm tắc lý tưởng, là đầu mối của khu vực “cán xoong”.

Cầu Hàm Rồng cũng là cây cầu đường bộ, đường sắt duy nhất bắc qua sông Mã trên tuyến quốc lộ 1A cách thành phố Thanh Hóa 4km về phía Bắc. Như vậy phá sập cầu Hàm Rồng, Mỹ tin tưởng rằng sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế Thanh Hóa, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam, Bình Trị Thiên và Lào. Chính vì lý do này việc đánh phá cầu Hàm Rồng được Nhà trắng và Lầu Năm góc chọn là mục tiêu quan trọng.

5. Kế hoạch hai bên

+Ý đồ đánh sập cầu của không quân Hoa Kỳ

Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ thì: Từ tháng 11-1961 giặc Mỹ đã đề cập đến việc ném bom Bắc Việt Nam, nơi giặc Mỹ cho là “Nguồn gốc của mọi vấn đề”.(7)

         Tháng 11 năm 1963 phát súng đảo chính đầu tiên nổ ra, hướng vào chính quyền Ngô Đình Diệm kéo theo sau đó là một thời kỳ bất ổn liên miên của Việt Nam Cộng hòa. Vì thế, chiến tranh phá hoại được Mỹ đề ra nhằm tiêu hao năng lực của quân đội Bắc Việt, giảm sức ép cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, và ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam.

         Tháng 3 năm 1964, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Mamara đã đề xuất tiến hành các hoạt động quân sự để gây sức ép với Bắc Việt, bao gồm các hoạt động không kích của cả Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

         Đúng một tháng sau, kế hoạch 37, 64 được phê chuẩn với 94 mục tiêu quan trọng của miền Bắc Việt Nam được liệt kê. 94 mục tiêu này quan trọng đến mức, trước khi tiến hành không kích, phải được đích thân Tổng thống Johnson phê chuẩn.      Ngày 1-4-1965, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ buộc phải họp khẩn cấp ở Oa Sinh Tơn để bàn định chiến cuộc ở Việt Nam. Tại cuộc họp này Mỹ quyết định chuyển cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc từ mục đích “Trả đũa” sang mục đích “Ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam”.

         Đánh phá Hàm Rồng mang mật danh “Alpha 9” sẽ gồm 79 máy bay, trong đó có 46 chiếc F-105 làm nhiệm vụ tấn công, 21 chiếc F-100 làm nhiệm vụ chế áp máy bay Bắc Việt, 2 chiếc RF-101 làm nhiệm vụ trinh sát và 10 chiếc KC-135 tiếp dầu trên không. Đồng thời, Hải quân Mỹ huy động 35 chiếc A-4, 16 chiếc F-8E và 4 chiếc F-4B cất cánh từ tàu Sân bay USS Hancock và USS Coral Sea để đánh phá mục tiêu của Bắc Việt. (8)

         Sự thay đổi có ý nghĩa chiến lư­ợc này của Mỹ đã đư­a hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam thành mục tiêu chủ yếu trong các cuộc oanh kích của không quân Mỹ. Giới quân sự Mỹ xác định, có 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam và theo chúng điểm tắc lý tưởng nhất là những chiếc cầu. Cầu Hàm Rồng nằm trên vĩ tuyến 20 được giới quân sự Mỹ lựa chọn làm mục tiêu đầu tiên để thực hiện chiến l­ược ném bom ngăn chặn này.

Nói Hàm Rồng là sự lựa chọn của lịch sử vì duyên cớ ấy

+Ý đồ tác chiến bảo vệ cầu của Bắc Việt

         Từ các nguồn tin tình báo, từ tính chất hung hăng hiếu chiến của Chính phủ và tướng tá quân đội Mỹ, Bắc Việt nắm chắc sớm muộn gì cũng có chuyện Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, nên trong thời điểm ấy, quân đội Bắc Việt đã chuẩn bị thực hiện sẵn sàng chiến đấu.

         --Xây dựng binh chủng mới: Không quân

         Nhiều thanh niên chiến sĩ được tuyển chọn trên khắp miền Bắc và bí mật đưa sang Trung Quốc. Kíp học kỹ thuật, kíp học dẫn đường, và những người tinh túy nhất sẽ trở thành phi công chiến đấu.

         Ngày 30 tháng 5 năm 1963, Trung đoàn không quân tiêm kích 921, mật danh Đoàn Sao Đỏ, ra đời. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1964 Trung đoàn không quân đầu tiên này được thành lập tại Mông Tự, cao nguyên Vân Quý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trên cơ sở Đoàn học viên tiêm kích MIG-17 trước đó. Trung đoàn trưởng: Trung tá Đào Đình Luyện - Chính ủy: Thiếu tá Đỗ Long. - Trung đoàn phó: Thiếu tá Trần Mạnh.

         Ngày 3-2-1964,Bộ Quốc Phòng và Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Việt công bố quyết định điều động 70 phi công được đào tạo và huấn luyện tại Trung Quốc, trong đó có 33 phi công có thể trực chiến được ngay về nước tham chiến. Về máy bay, theo Hiệp định ký giữa VN và Liên Xô năm 1963, Liên Xô đã bàn giao cho VN 36 chiếc MiG-17 (32 chiếc MiG-17A và 4 chiếc UMiG-15). Số máy bay này được biên chế hoàn toàn cho trung đoàn 921.

         Sau sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5-8-1964, không quân và hải quân Mỹ ồ ạt tấn công đánh phá các mục tiêu ven biển từ Quảng Ninh vào đến vĩ tuyến 17. Bộ Quốc phòng quyết định mở mặt trận trên không, gấp rút đưa trung đoàn không quân 921 đang rèn luyện và “ém quân” tại Trung Quốc về nước tham gia chiến đấu. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng không - không quân thực hiện kế hoạch này - kế hoạch mang mật danh X-1.

         --Mở mặt trận trên không

         Theo thông tin tình báo, ngày 3-4-1965, các biên đội cường kích của không quân Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng và các mục tiêu lân cận. Bộ Tư lệnh không quân Bắc Việt đã giao nhiệm vụ chiến đấu theo phương án: dùng tốp hai chiếc MiG-17 làm nhiệm vụ nghi binh yểm hộ trên độ cao 6.000m, biên đội đánh chính gồm bốn chiếc MiG-17 sẽ đánh tốp cường kích bắn phá các khu vực cầu Hàm Rồng và Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đây là trận đấu mở mặt trận trên không nên từ chỉ huy đến người bay đều quyết tâm rất cao. Lệnh được phổ biến xuống các phi đội từ tối 2/4.

         Lúc 5g30 sáng 3-4, các biên đội trực chiến đã sẵn sàng. Phương án chiến đấu là sử dụng sáu chiếc MiG17-A. Trong đó, biên đội tấn công có bốn máy bay MiG-17 A: Phạm Ngọc Lan số 1, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ bay số 3, Trần Minh Phương số 4. Biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm trợ cho phi đội tấn công: Trần Hanh số 1 và Phạm Giấy số 2. Nhiệm vụ của các biên đội là không chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng.

         7g sáng, máy bay trinh sát của hải quân Mỹ xuất hiện, sau đó bầu trời yên tĩnh tuyệt đối. Cả sở chỉ huy căng thẳng vì không biết hướng đánh chính của cường kích Mỹ sẽ là khu vực nào.

         9g40, các trạm quan sát báo phát hiện các máy bay Mỹ đang bay vào không kích các cây cầu trên quốc lộ số 1.

         Ngay từ những phút đầu, pháo phòng không của trung đoàn 234 và phòng không địa phương đã bắn rơi một chiếc A-4C của hải quân Mỹ, bắt được thiếu tá phi công Raymond Arthur Vohden thuộc phi đoàn VA-216, tàu sân bay USS Hancock.

         9g45, cả hai biên đội trực chiến được lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay. Lúc 9g47, biên đội hai chiếc nghi binh cất cánh bay vào vùng trời Ninh Bình. Một phút sau, biên đội tấn công cất cánh. 10g09, số 4 Phương báo cáo phát hiện mục tiêu sáu chiếc F8 bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang không kích các trận địa phòng không quanh cầu Hàm Rồng.    

         Lực lượng phòng không của Bắc Việt:

         Lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng được tổ chức thành các cụm hỏa lực. Mỗi cụm hỏa lực đều có khă năng chiến đấu độc lập trên từng hướng, đồng thời có thể phối hợp với các đơn vị.

         + Cụm phía Bắc cầu: Có nhiệm vụ đánh địch từ hướng Đông BBắc, yểm trợ cho hướng Tây Nam và đón đánh địch khi chúng lợi dụng núi Hàm Rồng bổ nhào từ Tây sang.

         + Cụm phía Nam cầu: Đánh địch từ phía Nam, khống chế không cho chúng tiếp cận cầu Hàm Rồng, bảo vệ ga và thị xã Thanh Hóa.

         +Cụm phía Tây Nam: Đánh địch từ hướng Tây Nam, trực tiếp bảo vệ cầu và nhà máy điện Hàm Rồng

         +Cụm phía hai đầu cầu: Có nhiệm vụ đánh địch ở tầm thấp bảo vệ cầu.

         +Tầm cao: Hai biên đội không quân Bắc Việt do Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh chỉ huy có nhiệm vụ đánh địch ở tầm cao, ngoài tầm của pháo cao xạ.

         +Sở chỉ huy: đặt tại núi Cuội. Hai đài quan sát đặt ở cao điểm 134 và núi Mật (cao điểm 104)

         Về Không quân

         Tư lệnh binh chủng Không quân: Phùng Thế Tài

         Chính ủy: Đặng Tính

         Phó Tham mưu trưởng: Hoàng Ngọc Diêu trực tại sở chỉ huy

         Kíp trực ban dẫn đường: Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư

         Tại Sở chỉ huy Trung đoàn Không quân 921, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện chủ trì, các sĩ quan dẫn đường là Bùi Quang Liên và Phạm Minh Cậy. (9)

         Lực lượng bảo vệ cầu gồm có:

         --Hai đại đội pháo phòng không 57mm thuộc Trung đoàn 234

         --Hai đại đội pháo 37mm của Quân khu 3,

         --Một đại đội súng máy cao xạ 14,5mm thuộc Sư đoàn Bộ binh 304  

         --4 khẩu pháo  trên hai tàu hải quân đậu trên sông Mã.

         --Lực lượng phòng không chủ lực: ở mỗi cụm có 3 khẩu pháo cao xạ  

         --Lực lượng phòng không tầm thấp của LLVT Thanh Hóa: Toàn bộ cán bộ nhân dân các vùng Nam Ngạn, Yên Vực, tập thẻ Nhà máy Điện Hàm Rồng, Nhà máy phân lân Lò Cao, Đội cầu 19/5, Hoàng Long, Hoàng Lý, Đông Tác, Động Long Quang, Đồn Công an bảo vệ cầu,  v.v (9)

                       

         Bộ đội kéo pháo vào tận địa. Ảnh TL VNTTX

         --Lực lượng phục vụ Hậu cần:  tại làng cổ Đông Sơn

         Các cô : Ngô Thị Tuyển, Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Hằng, Dương Thị Viện, v.v…

         Các cụ dân quân Hoằng Trường (hoằng Hóa) bắn rơi máy bay

         --Trung ương cử một đoàn y, bác sĩ giỏi tăng cường cho mạng lưới y tế tiền phương.

6.Diễn biến trận đánh ngày 3-4 tháng 4 năm 1965

Đây là trận đánh do chính Tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh.

         Ngày 13-2-1965, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phát lệnh thực hiện kế hoạch “Sấm rền”, cho máy bay leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam đến vĩ tuyến 19. Nằm trong tầm ngắm của không lực Hoa Kỳ,  tháng 3-1965, máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Thanh Hóa, bắn phá một số điểm ở Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Như Xuân và trinh sát khu vực Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn. (10)

+ Ngày 3/4/1965

         Ngày 3-4-1965, Đô đốc Bờ-lắc, Tư lệnh Hạm đội 7 điều 50 phi cơ mở chiến dịch sấm sét 32 đánh vào Lèn, Hàm Rồng (Thanh Hóa), mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trên bầu trời, không quân Bắc Việt bắt đầu xuất kích; dưới sông, hai tàu hải quân phối hợp chiến đấu; ở mặt đất, trận địa pháo của Bắc Việt được bố trí dày đặc.(11)

         Mục tiêu đã rõ ràng, Mỹ bắt đầu cuộc không chiến vào lúc 8 giờ 45 phút ngày mùng 3 tháng 4 năm 1965, 16 máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hóa với một loạt địa điểm như cầu Đò Lèn Hà Trung, cầu Cun Nông Cống, ga Văn Trại Tĩnh Gia…

         Nhưng chưa đày một giờ sau, cụm hỏa lực phía bắc cầu Hàm Rồng đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát khi còn cách cầu Tào Xuyên 3km. Đây là chiếc máy bay Mỹ bị quân dân Hàm Rồng bắn rơi đầu tiên, mở đầu trang sử Hàm Rồng quyết thắng.

         Theo tin tình báo chiến lược cùng trong ngày hôm đó, phi vụ mang mật danh Anpha 9 sẽ đánh phá các mục tiêu quanh khu vực cầu Hàm Rồng. Lực lượng bao gồm 46 chiếc F105 do Phi đoàn trưởng Phi đoàn không quân tiêm kích chiến thuật số 67 TFS chỉ huy, làm nhiệm vụ tấn công, 21 chiếc F100 làm nhiệm vụ áp chế MIG, 2 chiếc RF101 làm nhiệm vụ trinh sát và 10 chiếc KC135 tiếp dầu trên không.

         Lúc này ở phía Bắc Việt, từ tờ mờ sáng từng đoàn xe quân sự được ngụy trang hối hả nối đuôi nhau qua cầu nhằm hướng chiến trường thẳng tiến. Bầu trời Hàm Rồng trong xanh dưới cái nắng đầu hè vàng rực, nhưng không khí oi nồng và tĩnh lặng.

         Đúng 10 giờ, còi báo động vang lên đồn dồn dập, bầu trời và mặt đất trong phút chốc bỗng rung chuyển bởi tiếng động cơ phản lực gầm rú. Biên đội tấn công của Bắc Việt gồm 4 chiếc MIG-17A đã sẵn sàng với Phạm Ngọc Lan số 1(máy bay số hiệu 2310), Phan Văn Túc số 2 (máy bay số hiệu 2118), Hồ Văn Quỳ số 3 (máy bay số hiệu 2312), Trần Minh Phương số 4 (máy bay số hiệu 2318). Biên đội nghi binh thu hút tiêm kích địch và sẵn sàng yểm hộ cho biên đội tấn công gồm hai chiếc MIG-17A Trần Hanh số 1 (máy bay số hiệu 2316) và Phạm Giấy số 2 (máy bay số hiệu 2416).

                           

Đây là biên đội MiG-17 đã bắn rơi hai chiếc F-8 của Mỹ: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương (Ảnh tư liệu trong bài “Kế hoạc X-1”-Báo Phòng không Không quân)

         Đến 10 giờ 9 phút, số 4 Trần Minh Phương báo cáo phát hiện mục tiêu 6 chiếc F8 bên phải đang bay đối đầu, một số chiếc khác đang công kích các trận địa phòng không quanh khu vực cầu Hàm Rồng. Đây là biên đội F8E của Phi đoàn VF211 (từ mẫu hạm USS Hancock). Ngay sau khi phát hiện mục tiêu, số 1 Phạm Ngọc Lan lập tức ra lệnh “Vứt thùng dầu phụ, tăng tốc tiếp cận đội hình F-8!”. Biên đội tách thành 2 tốp. Sau khi cắt bán kính bám theo mục tiêu, Phạm Ngọc Lan lệnh cho số 2 Phan Văn Túc vào công kích. Số 2 ngay lập tức vòng gấp về phía chiếc F8 bên trái, theo sau là số 1 bám theo yểm hộ.

         Đúng lúc đó những chiếc F8 cũng đã phát hiện có MIG, bèn vòng gấp vào để không chiến.  

         Sau khi thoát khỏi đợt công kích của Phan Văn Túc, chiêc F8 của thiếu tá Thomas bị mất đội hình, phải kéo vọt lên độ cao 10.000 phít, tức khoảng 3.300 mét và đang tìm kiếm đồng đội số 2 bị khuất trong những đám mây. Nhưng Thomas không ngở rằng số 1 Phạm Ngọc Lan đã nhanh chóng bám theo phía sau. Phạm Ngọc Lan đưa chiếc F8 của Thomas vào vòng ngắm, đến đúng cự ly khai hỏa anh bóp cò. Chiếc F8 trúng đạn, bốc cháy rồi lao xuống đất lúc 10 giờ 14 phút.

         Thiếu tá Thomas thấy máy bay của mình bị trúng đạn, lúc đầu Thomas tưởng là đạn súng phòng không, nhưng ngay khi ngoái lại phía sau anh ta nhận ra có bốn chiếc MiG đang bám theo các máy bay của mình. Chiếc F-8 của thiếu tá Thomas bị trúng đạn pháo của MiG-17 do trung úy Phạm Ngọc Lan điều khiển, đạn pháo của MiG-17 bắn vỡ nắp buồng lái, cánh và đuôi đứng, hệ thống thủy lực bị hỏng khiến chiếc F-8 bị rơi.

         Cũng phải nói lại về chiếc F8 của quân đội Mỹ. Đây là một thế hệ tiêm kích chiến đấu hoàn toàn mới tinh ở thời điểm cuộc chiến khi mới ra mắt vào năm 1957 do hãng Chen Vốt sản xuất (tên gốc ban đầu là F8U). Nó thuộc loại tiêm kích một động cơ phản lực siêu âm, được biên chế cho các tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ. Các phi công của Hải quân Mỹ rất tự hào khi được bay trên F8. Thậm chí trong hàng ngũ phi công còn lưu truyền câu khẩu hiệu: “Nếu anh bị loại ra khỏi hàng ngũ phi công F8, thì cũng coi như bị loại khỏi hàng ngũ phi công tiêm kích”.

      Trong khi đó chiếc MiG-17 khá lạc hậu với thế giới, vì ra đời từ những năm  1950. Chính vì lý do này, bắn hạ một chiếc F8 thực sự là khoảnh khắc lịch sử của không quân Bắc Việt non trẻ.

         Chỉ ít phút sau khi Phạm Ngọc Lan hạ chiếc F8, số 2 Phan Văn Túc lại phát hiện một chiếc F8 khác. Anh từ phía sau thực hiện một cú bổ nhào và nã một loạt đạn. Đạn găm đúng giữa sống lưng chiếc F8,  bẻ đôi nó rồi bốc cháy lao xuống đất.

Lúc 10g15, số 3 và số 4 MiG-17 cũng phát hiện mục tiêu, báo cáo xin vào không kích. Cả hai chiếc MiG bám theo chiếc F-8 số 4, số 3 Hồ Văn Quỳ bám theo chiếc F-8 rất quyết liệt và bắn ra hai loạt đạn dài, nhưng do cự ly bắn còn xa nên đối phương chạy thoát ra phía biển, số 3 tiếp tục bám theo nhưng cự ly đã quá xa không không kích được.

         Quá bất ngờ khi bị MiG tấn công, đám F8 còn lại hàng ngũ rối loạn tìm cách đào thoát khỏi chiến trường, bỏ mặc lũ cường kích A4 không có lực lượng hộ tống.

         Ngoài hai chiếc F8 bị biên đội MiG-17 bắn rơi, trong ngày hôm đó còn một chiếc A4C từ tàu USS Hancock bị súng phòng không quân đội Bắc Việt bắn hạ. Một chiếc F100D và một chiếc RF101C khác bị pháo phòng không bắn rơi ở phía đông thành phố Vinh, Nghệ An.

         Sau 20 phút xuất kích, không quân Bắc Việt đã bắn rơi 2 chiếc F8 của Mỹ và trở về căn cứ an toàn.

         Nhận định Mỹ sẽ đưa lực lượng lớn vào đánh phá cầu Hàm Rồng, quân đội Bắc Việt tiếp tục điều quân tăng cường bảo vệ.

         Ngay trong ngày đầu tiên, Mỹ đã huy động 102 lần tốp máy bay, 360 lần chiếc máy bay và mở 14 đợt tấn công nhưng vẫn không thực hiện được ý đồ nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay.

         Quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực dũng cảm bám chắc trận địa với ý chí quyết chiến quyết thắng. Hàng chục khẩu súng cao xạ của bộ đội chủ lực ở các trận địa Đồng Đá, Yên Vực, Nam Bình, Cồn Đu, đồi C, Đám Cháy,…và hàng trăm khẩu súng trung liên, súng trường của tự vệ các xí nghiệp Lò Cao, Phân Lân, Máy Xanh, Máy điện,…các tay súng dân quân các xã Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh, Nam Ngạn, hợp sức nổ súng tạo thành nhiều tầng đạn lưới lửa bủa vây đội hình máy bay Mỹ khiến chúng phải nối nhau bỏ chạy. (13)

+Ngày 4/4/1965

Để tăng cường lực lượng chiến đấu cho Hàm Rồng Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Việt quyết định điều động Trung đoàn pháo binh 234 của sư đoàn 352 đang chiến đấu ở Nghệ An ra tiếp ứng do Quang Định chỉ huy.

Nhận được lệnh, lập tức trung đoàn cử 3 đại đội: đại đội 2, đại đội 4, đại đội 5 pháo cao xạ 57 ly lên đường đi về phía Bắc.

         Khoảng 7 giờ sáng, máy bay Mỹ đã ập vào, định đánh cầu Hàm Rồng nhưng chúng phát hiện ra Đoàn pháo 234 của Bắc Việt đang sang Phà Ghép để chi viện cho Hàm Rồng. Chỉ huy phi đội máy bay Mỹ báo về sở chỉ huy và nhận lệnh oanh kích vào Đoàn 234.  Lập tức tốp phi đội máy bay Mỹ thi hành ngay mệnh lệnh.

         Lúc này, đại đội 4 của đoàn 234 đã qua được phà, đang tiến thẳng về Hàm Rồng, còn lại hai đại đội gồm 11 khẩu đội cao xạ với khẩu đội 14 ly 5 đang lần lượt qua phà thì không quân Mỹ ập tới bắn phá ném bom. Mỹ tập trung đánh phá khu vực bến phà Ghép Tĩnh Gia nhằm ngăn không cho xe pháo của quân Bắc Việt qua sông. Đang hành quân, pháo không kịp tháo khỏi xe, quân đội Bắc Việt cứ thế đánh trả máy bay của quân đội Mỹ. Đoàn pháo phối hợp cùng dân quân, nhân dân trực chiến hai bờ sông Yên các xã Hải Ninh, Tân Dân, Hải An, Hải Châu cùng chiến đấu. Chỉ huy đoàn pháo Quang Định ra lệnh hạ càng pháo chốt trên đường đánh địch, hỗ trợ cho xe pháo chi viện sang sông. Dưới làn bom đạn, các ông Trưởng bến Trần Thôn, thợ máy Xuân Điểm và lái phà Vũ Quê vẫn bất chấp hiểm nguy chở xe pháo sang sông bình tĩnh. Đoàn pháo 234 vừa cố gắng bảo toàn lực lượng, vừa đánh trả địch, bắn rơi ba chiếc F5, một giặc lái bị bắt sống. Trận đánh diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút, thợ máy Xuân Điểm anh dũng hy sinh, sau này ông được Nhà nước Bắc Việt phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

         Thanh niên xung phong cùng dân quân sửa đường. Ảnh TL VNTTX   

         Bị thất bại trong việc đánh Đoàn pháo tăng cường, Mỹ huy động hàng trăm chiếc máy bay, điên cuồng trút bom đạn tấn công Hàm Rồng và vùng phụ cận như Phà Ghép, Khoa Trường, Văn Trai... Trong trận này, phía Bắc Việt điều động 2 tàu chiến của bộ đội Hải quân và Biên đội Míc 12 của Không quân Việt Nam. Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các lực lượng chiến đấu đã tạo nên “trận đồ bát quái” vây chặt không quân Mỹ..

         Trung đoàn không quân 921 giao nhiệm vụ đánh chính cho biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm.

         Lúc 10 giờ 20 phút, biên đội tấn công xuất kích từ sân bay Nội Bài xuyên qua làn mây hướng ra biển Đông, sau đó biên đội bay hướng 230o , rồi ngoặt hướng Đông Nam về phía cầu Hàm Rồng, chừng độ cao 2.500m thì gặp không quân Mỹ. Thấy máy bay Mỹ cách chừng 150m, phi công Trần Hanh bình tĩnh đợi điểm ngắm ổn định để nhả đạn, 2 khẩu 23 ly và một khẩu pháo 37 ly trong thời gian vài giây bắn cả ngàn viên đạn chụp lấy đầu chiếc F105, một chiếc máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ có khả năng bay nhanh gấp hai lần tiếng động khiến nó bốc khói và nổ tung trên không. Chiếc máy bay được mệnh danh là thần sấm thần tiên bị bắn hạ. Trận đánh tiếp diễn phi công số 3 Lê Minh Huân được số 4 Trần Nguyên Năm yểm hộ, lao vào công kích chiếc F105 số 2. Sau nhiều lần nhả đạn trúng thân, chiếc F105 này đã bốc cháy rơi ở phía nam Thanh Hóa 30 km.

         Lại nhắc đến phi công Trần Hanh, sau khi  kéo lên cao định thoát ly, hai chiếc F100D nhanh chóng rút ngắn cự ly bám sau cách khoảng 300m. Phán đoán đối phương chuẩn bị phóng tên lửa, Trần Hanh lật ngửa máy bay, kéo lộn xuống với gia trọng rất lớn. Tên lửa Sidewinder xoẹt qua cánh. Ông kéo cần gạt hạ độ cao và lượn vòng bay về phía tây để thoát.

         Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, sự kiện này ghi dấu lần đầu tiên một phi công không quân Bắc Việt thực hành thành công kỹ thuật tránh tên lửa hiện đại của Mỹ bằng việc phán đoán đúng thời cơ và động tác cơ động mạnh, trong khoảng thời gian chỉ vài giây.

         Trận đấu tiếp tục lúc 9 giờ 30 phút, quân đội Mỹ lại đánh cầu Hàm Rồng lần thứ hai. Bom đạn rơi xuống khắp nơi. Các khu vực như núi Ngọc, Chợ Chớp, Nam Ngạn,…đều bị bom đạn tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên quân đội Bắc Việt vẫn đáp trả ác liệt.

         Cay cú trước thất bại này, đúng 10 giờ, Mỹ mở cuộc tấn công lần thứ ba từ nhiều hướng (gồm sân bay Cồ Rát Thái Lan, sân bay Đà Nẵng, các tàu sân bay thuộc hạm đội 7 ngoài biển), Mỹ thay nhau bổ nhào, dội bom vào khu vực Hàm Rồng. Bằng nhiều phương án tác chiến, lực lượng phòng không Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, đã sử dụng pháo cao xạ 57 ly của trung đoàn 234, chặn đánh vòng ngoài trên nhiều tầng nhiều hướng ở mọi độ cao… làm cho đội hình chiến đấu của máy bay Mỹ rối loạn và không thể công kích được mục tiêu như dự định ban đầu, Những chiếc lọt vào gần cầu, lập tức bị các trận địa cao xạ trên Đồi Không tên, đồi Ba Cây Thông, núi Ngọc, núi Rồng nổ súng liên tục. Hoảng hốt trước sự đánh trả mãnh liệt của quân Bắc Việt, không quân Mỹ đành không chiến trên cao. Giữa lúc đó không quân Bắc Việt được lệnh cất cánh, phối hợp với các lực lượng Hàm Rồng. 11 giờ trưa sau 11 đợt công kích, 40 lần bổ nhào bắn phá, máy bay Mỹ vẫn không thể đánh sập cầu Hàm Rồng trong chớp nhoáng mà lại hứng chịu nhiều thương vong và buộc phải kết thúc trận đánh sớm hơn dự kiến.

         Đến chiều ngày mùng 4 các tốp máy bay Mỹ tiếp tục đánh từ hướng Tây Nam, với hy vọng lợi dụng ánh sáng mặt trời tấn công liên tục. Tốp này ném bom xong lượn vòng lên cao, tiếp tục hút hỏa lực mặt đất để tốp khác vào đánh, quân đội Mỹ còn nghi binh bằng đường bay ngoắt ngoéo, nhưng quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực vẫn tỉnh táo hiên ngang đáp trả bằng những đường đạn chính xác, những lưới lửa chăng dày, khiến quân Mỹ hoảng hồn phải ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đến 16 giờ trận chiến kết thúc. (13)

7.Các trận đánh khác xảy ra trên địa phận cầu Hàm Rồng

+ Ngày 13 tháng 4, 64 lần chiếc máy bay cường kích và 18 chiếc B-52 không kích cầu Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân (căn cứ của MiG-21). (14)

+ Ngày 27/4, trận đánh đầu tiên của không quân Mỹ vào cầu Hàm Rồng bắt đầu. Lực lượng phòng không của ta đã chăng lưới lửa dày đặc tiêu diệt máy bay địch, Ngày hôm đó thời tiết cũng không thuận lợi cho việc Mỹ sử dụng lade, nên mặc dù cầu đã bị trúng bom nhưng vẫn không bị phá sập. (15)

+Ngày 26/5/1965 mà đau thương lắm. Bộ đội ta chiến đấu rất ngoan cường nhưng hy sinh nhiều quá, thương vô cùng  (16)

+ Ngày 18/7/1965 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay A6A đầu tiên trên miền Bắc, bắt sống Trung tá Đen Tơn và Trung úy Chu Đi (17)

                 

Tháng 7/1965, dân quân Nam Ngạn dẫn giặc lái Mỹ Chu Si qua cầu Hàm Rồng.

+Ngày 21-22-23/9/1966  Chiến dịch đánh vào cầu Hàm Rồng

Trong 3 ngày 21, 22, 23 chúng dùng hơn 365 lần chiếc tấn công vào Hàm Rồng. Địch từ xa phóng tên lửa vào cầu. Dùng tên lửa phóng vào ra - đa. Và pháo kích dội vào trận địa. Một lần nữa, người Hàm Rồng lại khoét vào lòng núi làm công sự. Cơ động từ các trận địa để đánh lạc hướng địch. Thành lập các tiểu đoàn đi phục kích máy bay bay thấp. Vào cái ngày buồn của tháng 9 năm 1966, lần đầu tiên cầu Tào trên mình mang vết thương để Hàm Rồng vang lên lời kêu gọi trả thù  (17)

+Ngày 5/6/1967 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ hai nghìn trên miền Bắc, bắt sống 1 tên giặc lái. (17)

         +Ngày 2/9/1967   Trận chiến đấu ác liệt, câu khẩu hiệu nổi tiếng được viết trên bờ công sự pháo: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục” từ đại đội 4 (đại đội anh hùng) thành câu khẩu hiệu truyền thống của người Hàm Rồng. (17)

+Ngày 26/12/1971 Ngày 26-12-1971, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ một trăm tại Hàm Rồng (17)

+Ngày 21/4/1972 Không quân Mỹ công kích đêm bằng B52 (17)

         +Ngày 7/5/1972 Ngày 7-5-1972, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ ba trăm trên đất Thanh Hóa. (17)

+Ngày 13/5/1972

Với dã tâm quyết phá sập cầu Hàm Rồng, Mỹ phải tiếp tục đánh phá quy mô hơn. Ngày 10/5, Mỹ cho nhiều tốp máy bay tiêm kích chiến thuật đánh cầu Long Biên bằng bom điện quang và bom lade làm hư hỏng và sập nhiều nhịp cầu. Ngày 13/5, tốp phi công đánh cầu Long Biên nhận nhiệm vụ đánh tiếp cầu Hàm Ròng.

         Lực lượng đánh phá gồm  14 máy bay mang tổng cộng 71 bom lade và bom thường cất cánh từ Thái Lan bay ngang Việt Nam ra vịnh Bắc Bộ rồi tiếp cận cầu Hàm Rồng. Lực lượng phòng không của Bắc Việt anh dũng chống trả không quân địch nhưng chưa đủ điều kiện để có thể chế ngự được vũ khí mới của Mỹ. Máy bay Mỹ có sự trợ giúp của lade đã ném bom trúng cầu từ độ cao 4200 mét. Cầu Hàm Rồng bị phá sập hoàn toàn (18)

         Cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ sử dụng bom dẫn đường bằng laser đánh hỏng năm 1972 (ảnh chụp từ trên không) Ảnh trên nhìn ngang từ bờ nam sang núi Ngọc , ảnh TL VNTTX

7.Kết quả

Về phía Không quân Mỹ

         --Riêng hai ngày 3 và 4/4/1965, Không quân Mỹ bị hạ 47 chiếc máy bay tại Hàm Rồng

         --Cả đợt từ 1965 đến 1972, Không quân Mỹ bị hạ 117 chiếc máy bay tại Hàm Rồng.

         --Chỉ trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1 km2 này

--Cuộc leo thang đánh phá bằng không quân của Mỹ có sự thử nghiệm nhiều loại bom đạn, phương tiện tác chiến hiện đại với 6.000 lần máy bay cất cánh, đánh gần 500 trận, ném hơn một ngàn tấn bom xuống Hàm Rồng. (19)

Ngoài ra số giặc lái bị bắt sống hay bị thương vong kể đến hàng trăm tên.

Về phía Bắc Việt

--Riêng ngày 3-4/4/1965 bắn rơi 47 máy bay, cả đợt bán rơi 117 máy bay

--Số người tham gia chiến đấu thương vong chưa có thống kê.

--Từ 1965- 1971, 7 năm quan dân Bắc Việt chống trọi ác liệt với Không quân Hoa Kỳ, xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân anh hùng liệt sĩ.

--Năm 1972 cầu Hàm Rồng bị sập, cắt đứt mạch máu giao thông chính, gây khó khăn cho cho Bắc Việt tiếp tế vào chiến trường miền Nam. Nhưng với ý chí chiến đấu mãnh liệt, cầu không có, có sức của toàn dân, Không quan và tình báo Mỹ cùng không làm gì nổi.

8.Bài học rút ra từ trận đánh

1.Bắc Việt nêu cao tinh thần chiến đấu, vid độc lập dân tộc, thể hiện sự đoàn kết gắn bó quân dân, quân đội hợp đòng tác chiến giữa các binh chủng chặt chẽ, tốt.

         Ông M.Da-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị ÐCS Mỹ đã từng nói: “Cầu Hàm Rồng là tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân và thanh niên Việt Nam; một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ”-

         2.Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa và Đồng Minh thất bại về chiến lược và quan điểm dùng sức mạnh vũ khí hiện đại đè bẹp ý chí chiến đấu của các lãnh đạo, quân và dân Bắc Việt một cách thê thảm. Từ đó đã phải chấp nhận cầm bút ký vào văn bản Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

9.Cầu Hàm Ròng trong văn học

         Ca dao cổ ở đây đã nhắc đến 99 ngọn núi này với niềm tự hào mãnh liệt:

                  Chín mươi chín ngọn bên đông

                  Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về

                  Chín mươi chín ngọn đề huề

                  Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông.

         Non nước Hàm Rồng được bàn tay của tạo hóa xếp đặt vô cùng kỳ vỹ cùng với nhiều di tích đã tạo ra vùng đất linh thiêng:

                  Thanh Hóa thắng địa là đây

                  Rồng vờn hạt Ngọc, Hạc bơi chân thành.

         Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1478 vua Lê Thánh Tông sau lần bái yết Sơn lăng, thuyền ngự dừng chèo dưới chân động Long Quang theo lối mòn ngược lên động, trước cảnh trời nước hữu tình của vùng thắng tích nhà vua đã làm bài thơ “ Đề động Long Quang” và cho khắc vào vách động:

                  Đất này tươi tốt lạ lùng thay

                  Vũ trụ dồn đong khóe mắt đầy

                  Bái biệt Sơn lăng thuyền ngự lướt

                  Vào thăm động biếc thợ trời xây

                  Mây rơi đầy đất nhờ ai quét

                  Nhà trống thấu trời mượn đá xây

                  Đây núi kia rừng…tiên phật quá

                  Như mời du khách đến cùng say.

         Năm 1501, vua Lê Hiến Tông con vua Lê Thánh Tông đến động Long Quang cũng đã làm thơ vịnh:

                  Động xuyên lưng núi sáng trong ngoài

                  Sức chứa muôn phương gió thổi hoài

                  Bát ngát cành xanh xuân gặp khách

                  Bạt ngàn hoa thắm núi chờ ai…

         Thi sĩ Tản Đà có bài cảm tác "Qua cầu Hàm Rồng":

                  Hôm xưa chơi ở Dương Quỳ

                  Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh

                  Hàm Rồng nay lại qua Thanh

                  Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân

                  Người đâu sương tuyết phong trần

                  Non xanh nước biếc bao lần vãng lai.

         Một điệu hò sông Mã vút lên từ con đò dọc căng buồm nâu ngược sông Mã:

                  Hò ơ... núi Rồng núi Ngọc cao cao

                  Nhác trông chốn ấy khác nào động tiên...

         Cầu Hàm Rồng thế hệ thứ II được xây dựng và mang tên ngày sinh Hồ Chí Minh (cầu 19-5), là công trình kỹ thuật thể hiện năng lực của cán bộ công nhân trẻ Việt Nam.

                  Ta biết đánh sập cầu thép cũ

                  Đã dựng nên chiếc cầu trụ diệu kỳ

                  Biết phá biết xây nên ta biết giữ

                  Một công trình cho cả nước ta đi.

                                       (thơ Trinh Đường)

         Trong tập thơ “Trở về ký ức” dành tặng các đồng đội, bà Ninh Thị Dung là người con của mảnh đất Thiệu Hóa,  có đoạn viết:

                   Dân quân xóm núi Hàm Rồng.

                  Cứu thương, tiếp đạn trên sông bến cầu.

                  Nhớ ngày chiến đấu cùng nhau.

                  Bắn tàu bay Mỹ giữ bầu trời yên.

                  Dâng lên Đảng, Bác niềm tin.

                  Mùa xuân chiến thắng, tiếng chim gọi bầy.

                  Tỉnh Thanh phấp phới cờ bay.

                  Mừng ngày truyền thống, những ngày sử danh

         Trong gian khổ ấy, sự xác định: “pháo là nhà, trận địa là quê hương”, không phải do một sự thần tình hóa mà do “trái tim nghệ sĩ của người lính” nghĩ ra:

                            Bên ni núi Ngọc

                 Bên tê núi Rồng

                Hiên ngang cầu bắc ngang sông

                  Đẹp thay hai tiếng Hàm Rồng quê hương

                 Cầu là máu cầu là xương

                 Cầu là sức mạnh muôn phương gửi về

                 Đứng trên núi Ngọc ta thề

                 Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương.

         Bài thơ “Cái cầu” của  Phạm Tiến Duật có câu:

                  Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu

                  Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu

         …

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ

Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;

Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã

Con cứ gọi: cái cầu của cha

         Có nhà thơ đã viết:

                  … Đất này là đất Hàm Rồng

                  Đi qua bom đạn vẫn hồng sắc xuân

         Huy Cận, đã nói về mảnh đất địa linh nhân kiệt này:

                  Chào Đông Sơn thôn anh hùng chống Mỹ

                  Nơi khai sinh nền văn hóa quê nhà...

                  Cánh chim lạc Việt bay từ thuở ấy

                  Nâng ta lên cánh én bạc ngày nay

                  Đánh đuổi Mỹ với sức bốn ngàn năm đứng vững

                  Đồng Đông Sơn là xương cốt núi sông này.

                                          (thơ Huy Cận)

                  Ai về Thanh Hoá quê ta

                  Cầu Hàm Rồng huyền thoại có bà họ Ngô.

                  Năm xưa vác đạn diệt thù.

                  Trên dòng sông Mã chiến công lẫy lừng.

                                     (Thơ nói về bà Ngô Thị Tuyển  Khuyết danh)

10.Chú thích

         1. thanhhoabao.vn Cầu Hàm Rồng được xây dựng như thế nào.

         2. Mộc Miễn, Cầu Hàm Rồng, nhân chứng lịch sử, báo Văn hóa-Giải trí.

         3. Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên và Lê Thị Tuyết , Việt Nam , những sự kiện lịch sử 1945-1975, Nhà xuất bản Giáo dục,  2002

         4. Như chú giải 3

         5. Từ Điển Bách Khoa Quân Sự Việt Nam

6. Mộc Miễn, Cầu Hàm Rồng, nhân chứng lịch sử- báo Văn hóa-Giải trí.

         7. Lê Xuân Giang , Hàm Rồng – sự lựa chọ của lịch sử, thanhhoabao.vn

         8. Bích Phượng, Trận đầu chiến thắng của KQNDVN, báo PKKQ

         9. thanhhoabao.vn, Bố trí trận địa chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3-4/4/1965.

         10. Mai Luận, Hàm Rồng – Nam Ngạn và hai ngày đen tối của Không lực Hoa Kỳ- Nhân dân điện tử, 1/4/2010

         11.Dương Anh, Nhớ sông Mã, núi Rồng và cây cầu huyền thoại, thanhhoabao.vn 9/4/2012.

         12. Như chú giải 11.

         13.Theo video “Không chiến kinh hoàng cầu Hàm Rồng 1965”

14. WikipediA, Chiến thuật nhảy cừu

         15. Như chú giải 3 trang 455, 456

         16. Lời bà Ngô Thị Tuyển kể

17. Lê Xuân Giang, Hàm Rồng – sự lựa chọn của lịch sử- Báo Thanh Hóa

         18. Như chú giải 3 trang  455, 456

         --Theo Mộc Miễn trong bài “Cầu Hàm Rồng, nhân chứng lịch sử” báo Thanh Hóa thì  “Ngày 6-10-1972, trong một trận đánh khốc liệt với hơn 30 máy bay A7 của giặc Mỹ, một quả bom đã rơi trúng cầu Hàm Rồng, hất nhịp cầu phía Nam đổ nghiêng về phía thượng nguồn”. Tức là thời gian giữa hai tài liệu khác nhau.

         19. Như chú giải 11

         Ngoài các tư liệu trên tấc giả còn tổng hợp thêm ở các tài liệu khác