Bước tới nội dung

Thành viên:Nguyenmy2302/Số 1 (báo Nhân Dân)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Số 1 là số báo đầu tiên của báo Nhân Dân, được phát hành lần đầu tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 11 tháng 3 năm 1951. Đây được coi là số báo đánh dấu cho sự ra đời và phát triển của báo Nhân Dân về sau này.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.[1][2][3] Trong đó, đại hội đã thông qua Nghị quyết xuất bản báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, thay thế cho tờ báo Sự Thật được xuất bản lần đầu vào cuối năm 1945.[1][4] Trước thời điểm trên, Tố Hữu và Hoàng Tùng đã được Trường Chinh giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ra tờ báo mới. Một số cán bộ chủ chốt công tác tại Tòa soạn báo Sự Thật, bộ phận quản trị và Nhà in Lê Hồng Phong của Báo Sự Thật cũng tham gia công việc chuẩn bị.[5]

Ban đầu, báo Nhân Dân chỉ được phát hành định kỳ hàng tuần vì hoạt động dưới thời chiến, với đối tượng độc giả chính là đảng viên và quần chúng nhân dân có lòng yêu nước. Ban Biên tập đầu tiên của báo có tám người, được thành lập theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, với năm người là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm Trường Chinh (chủ nhiệm của tờ báo), Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương và những người còn lại là Trần Quang Huy (thư ký Ban Biên tập), Hà Xuân Trường, Quang Đạm. Trong số đội ngũ cán bộ còn có các nhà thơ, nhà báo như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới,... Một số cây bút hoạt động từ những phong trào sáng tác của các đơn vị cũng được tuyển về làm việc cho tờ báo.[1][3][6]

Ra đời[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Đại hội bế mạc, Trường Chinh và Tố Hữu, khi đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đã cùng nhau họp bàn về việc phát hành số báo đầu tiên của báo Nhân Dân. Nơi họp bàn công việc cho sự ra đời của số báo đầu tiên là tại một cái rẫy của đồng bào, cạnh địa điểm họp Đại hội, với bàn ghế là thân cây gỗ của người dân địa phương. Giúp việc cho hai người là nhà văn Thép Mới, lúc này đang là phóng viên báo chí tại Đại hội Đảng. Phan Nghiêm, phóng viên điện ảnh tại Đại hội, cũng đã quyết định ghi hình lại cảnh hai người trực tiếp biên tập số báo đầu tiên của tờ báo dài bảy phút, sau này được tách riêng và không nằm trong bộ phim tài liệu nói về Đại hội lần thứ II của Đảng.[1][6]

Quá trình xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc ra mắt số báo đầu tiên của tờ báo đã gặp phải nhiều khó khăn do máy in của nhà in Lê Hồng Phong, nhà in cho tờ báo Sự Thật, chỉ in được ở khổ nhỏ và công suất yếu, cộng thêm việc Nhà in nằm sâu trong rừng nên không tiện cho việc vận chuyển vật liệu và phát hành. Vì lý do này, Trung ương đã quyết định xây dựng một nhà in với quy mô lớn hơn dưới chân Đèo Khế, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là Nhà in Việt Hưng, hoạt động chủ yếu để in tờ báo. Máy và vật tư được chuyển từ Chiêm Hóa xuống.[5][7] Tuy nhiên, nhà in cũ của tờ báo Sự Thật lại được cho là nơi in và phát hành số đầu tiên của Báo Nhân Dân; sau này, nhà in đã trở thành một di tích lịch sử cấp Quốc gia tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.[8]

Cuộc họp quyết định ra mắt số 1 báo Nhân Dân đã được thống nhất xuất bản ngày 11 tháng 3 năm 1951, một tháng sau khi đại hội chính thức khai mạc.[9] Tất cả các bài, tin, tranh minh họa số báo ấy đều được hai đồng chí phụ trách là Trường Chinh và Tố Hữu đọc lại một lượt, sau đó cho ý kiến cụ thể về cách trình bày các trang báo, rồi giao cho Thép Mới nhiệm vụ trực tiếp mang bản thảo đến nhà in; trong quá trình di chuyển, ông đã phải đi mất một ngày rưỡi đường rừng và vòng sau lưng dãy núi Hồng. Trường Chinh và Tố Hữu sau đó cũng quyết định sẽ đưa tên Hoàng Tùng lên mặt báo số đầu tiên với tư cách là Tổng Biên tập, ghi tại trang cuối của số báo. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng đảm nhận việc trình bày trang báo. Sau khi Thép Mới quay về toà soạn, ông đã trình bày bản thảo với Hoàng Tùng. Ngay tối hôm đó Hoàng Tùng đã đọc toàn bộ bản thảo số báo và dặn dò thêm Thép Mới một số ý kiến về việc in ấn, xuất bản, phát hành. Sáng hôm sau, Thép Mới đã mang toàn bộ số báo này đến nhà in Việt Hưng để in. Vào ngày 11 tháng 3 năm 1951, số báo đầu tiên của báo Nhân Dân đã được phát hành tại Chiến khu Việt Bắc, với gần hai vạn bản được in ra dưới chất liệu chính là giấy giang, nứa của xưởng giấy Hoàn Tiến ở Tuyên Quang cung cấp,[7] có độ dài 6 trang.[1][3][10] Mỗi tờ báo có giá 80 đồng.[1] Các chiến sĩ quân bưu sau đó là người phụ trách việc vận chuyển số báo đến Mặt trận Đường số 18 bên dòng sông Bạch Đằng đến tay các chiến sĩ trước giờ mở màn Chiến dịch Hoàng Hoa Thám theo chiến dịch của Bộ chỉ huy chiến dịch.[1][9]

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung số đầu tiên của báo dành toàn bộ nội dung cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ II. Tên của tờ báo được in đầu trang với màu măng sét đỏ; chiếm phần lớn nội dung trang đầu báo là nội dung Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam đi kèm ký họa chân dung Hồ Chí Minh do họa sĩ Lê Minh Hiền vẽ tại Đại hội lần thứ II;[a] bên dưới bức ký họa này là dòng chữ in hoa tiêu đề bài chính luận của Trường Chinh "Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta". Đây là lần đầu tiên Hồ Chí Minh được công khai giới thiệu với tư cách là lãnh đạo của Đảng và nhân dân. Các trang trong đăng báo cáo "Bàn về cách mạng Việt Nam" của Trường Chinh dưới tiêu đề: "Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội"; "Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam". Báo cũng đăng các bài khác bao gồm "Thư gửi nông dân thi đua canh tác" và "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương".[3][5][6]

Ngoài những nội dung trên, số báo cũng có một bài tường thuật tổng hợp về Đại hội của Thép Mới với nhan đề "Đại hội chúng ta", trong đó giới thiệu những thông tin khái quát của tiến trình Đại hội, ý nghĩa lịch sử của sự kiện. Bài báo này sau đó đã được Tố Hữu và Trường Chinh khuyến khích, hoan nghênh.[1] Theo đó số báo còn có bài "Phong trào mua công trái"[11] do Hồ Chí Minh viết dưới bút danh C.B; sau này, ông được ghi nhận khi đã viết hơn 700 bài cho tờ báo dưới bút danh C.B từ lúc tờ báo thành lập cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời.[12][13]

Di sản[sửa | sửa mã nguồn]

Số 1 của báo Nhân Dân là số báo đầu tiên đánh dấu cho sự ra đời và phát triển của tờ báo về sau này.[14] Vào năm 1985, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, lúc đó cũng kiêm là Tổng biên tập của tạp chí Người làm báo, đã phỏng vấn Thép Mới, khi này đang là Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, về sự ra đời của số báo và sau này ông đã viết thành một bài báo ngắn đăng trên Người làm báo. Vào năm 2021, bài báo này đã được đăng lại trên báo Nhân Dân cuối tuần.[15]

Các buổi lễ kỷ niệm tờ báo ra số đầu tiên được tổ chức lớn 10 năm một lần bởi báo Nhân Dân và có sự tham gia của nhiều chính khách và các nhà báo trong nước.[1][16][17] Nhân kỷ niệm 70 năm ngày báo Nhân Dân ra số đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết thư chúc mừng và sau đó được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đọc tại buổi lễ.[16][17] Cũng trong ngày kỷ niệm 48 năm sau khi báo ra số đầu tiên, phiên bản báo điện tử ngôn ngữ tiếng Anh của báo Nhân Dân đã được kích hoạt.[18] Trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt số 1 của báo, Báo Nhân Dân đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.[17] Một con tem đã được Công ty Tem Việt Nam phát hành nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo Nhân Dân đầu tiên.[19] Một huân chương có tên "Vì sự nghiệp báo Nhân Dân" cũng được tạo ra và trao tặng cho những nhà báo có đóng góp cho sự phát triển của tờ báo.[20]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Hình của bức chân dung được khắc bằng gỗ rồi đem in. (Chúng tôi; lao động)

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h i Phan Quang (6 tháng 3 năm 2021). “Nhân Dân ra đời như thế nào?”. Nhân Dân. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ Bích Huệ (18 tháng 1 năm 2021). “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II - mốc son đánh dấu sự trưởng thành của Đảng”. Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tuyên Quang. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  3. ^ a b c d “Lịch sử ra đời báo Nhân Dân”. Hội Nhà báo Việt Nam. 10 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  4. ^ Minh Hải (17 tháng 6 năm 2013). “Vai trò lịch sử của báo chí cách mạng”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2022.
  5. ^ a b c “70 năm lịch sử vẻ vang của báo Nhân Dân”. Nhân Dân. 10 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  6. ^ a b c M.B (10 tháng 3 năm 2021). “Tờ báo của Đảng, của Dân tộc và của Nhân dân”. Lao Động. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  7. ^ a b Lê Thành (10 tháng 3 năm 2006). “Chúng tôi in số báo Nhân Dân đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc”. Nhân Dân. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  8. ^ Nhị Hà (9 tháng 3 năm 2022). “Quy Kỳ - mảnh đất ân tình”. Báo Thái Nguyên. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2022.
  9. ^ a b Nhiều tác giả (1996). Nhớ một thời làm báo Nhân dân. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. tr. 65. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ “Ngày này năm xưa 11-3-1951: Báo Nhân Dân phát hành số đầu tiên”. Quân đội nhân dân. 11 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  11. ^ Tạ Ngọc Tấn (2003). Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. tr. 136. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  12. ^ ST (21 tháng 6 năm 2022). “Kỷ niệm 97 năm, Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022)”. Cổng thông tin điện tử thành phố Từ Sơn. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  13. ^ “Báo Nhân Dân ra mắt Trang thông tin đặc biệt Hồ Chí Minh và tư tưởng 'lấy dân làm gốc'. Báo Tin tức. Thông tấn xã Việt Nam. 19 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  14. ^ “11-3-1951: Báo Nhân Dân ra số đầu tiên”. Truyền hình Nhân Dân. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  15. ^ Phan Quang (6 tháng 3 năm 2021). “Số 1 Báo Nhân Dân ra đời như thế nào?”. Nhân Dân cuối tuần. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  16. ^ a b Hoàng Lân (11 tháng 3 năm 2021). “Kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu tiên”. Hànộimới. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  17. ^ a b c PV (10 tháng 3 năm 2021). “Kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ II)”. Nhân Dân. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  18. ^ Hồng Vinh (10 tháng 3 năm 2022). “Nhân Dân điện tử - những chặng đường đáng nhớ”. Tạp chí Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  19. ^ “Kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo Nhân dân đầu tiên (11/3/1951 - 11/3/2001)”. Công ty Tem Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.
  20. ^ Lê Hồng Khê (2001). Quê hương và đồng đội. Nhà xuất bản Hà Nội. tr. 11. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2022.

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]