Bước tới nội dung

Thành viên:NgocAnMaster/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do NgocAnMaster (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 13:32, ngày 29 tháng 12 năm 2023. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Nháp
(Trở lại Trang con - Trở lại Dự án)


Thành viên trong phong trào

Hầu hết các thành viên có tham gia vào phong trào đều là những nghệ sĩ, trí thức cách mạng trẻ đã hoạt động cho Việt Minh giai đoạn Chiến tranh Đông Dương và tiếp tục phục vụ sau 1954. Những người này đảm trách các chức vụ quan trọng, bậc cao trong văn nghệ, quân đội, các trường đại học tại miền Bắc Việt Nam.[1][2]

Theo Thụy Khuê, có tổng cộng 5 thành viên chính cùng duy trì hoạt động các tờ Nhân Văn, Giai Phẩm xuyên suốt phong trào. Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo (Minh Đức) là nhóm ba người bạn từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến của Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng. Còn nhóm Hoàng CầmLê Đạt thì từng lập ra Giai Phẩm mùa Xuân.[3]

Trong Nhân Văn – Giai Phẩm, ba bài tư tưởng lớn nhất đại diện cho phong trào được viết bởi Phan Khôi, Trương Tửu và Nguyễn Mạnh Tường. Đây được xem là những minh chứng cho sự chuyển biến về tư tưởng dân chủ của người Việt Nam từ đầu đến giữa thế kỷ 20, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị cho là "thoái hóa" bởi sự thù địch và tuyên truyền của chính quyền.[4]

Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Thụy An, Minh Đức lần lượt là những cái tên được xem như "cầm đầu" toàn bộ diễn tiến chính trị của phong trào (Hồng Cương, cục phó Cục Tuyên huấn quân đội). Nhưng tại phiên tòa xử nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, 5 người lại là Thụy An, Hữu Đang, Lê Nguyên Chí, Phan Tại và Minh Đức.[5]

Xuyên suốt phong trào, các thành viên của Nhân Văn – Giai Phẩm có những đường hướng, lối đấu tranh khác nhau: trong khi giới trí thức bày tỏ một lập trường rõ ràng, quyết liệt hơn để đòi hỏi dân chủ, các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, lại theo đuổi phong cách đấu tranh văn nghệ nhưng vẫn tin vào sự lãnh tụ tối cao của Đảng.[6] Phần lớn những nhân vật trên mang tư tưởng hữu khuynh, trái ngược đại đa số theo tả khuynh khi ấy.

Nhân vật chính

TT Họ và tên Tóm tắt
1 Nguyễn Hữu Đang
Tiểu sử tóm tắt

Nguyễn Hữu Đang là một thành viên tích cực của cộng sản, hoạt động cách mạng ở cả lĩnh vực chính trị lẫn văn nghệ. Từ trước 1945, ông đã nổi bật với hoạt động cách mạng tại tổ chức Hội Truyền bá Quốc ngữ cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Vị thế của ông những năm cuối thập niên 1940 được đặt ngang tầm Trường Chinh và là "cánh tay phải" của Hồ Chí Minh. Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nguyễn Hữu Đang đã được Hồ Chí Minh giao trọng trách tổ chức sự kiện Tuyên bố độc lập tại Hà Nội. Ông còn kiêm nhiệm các chức vụ cao trong Hội Thanh niên, Ban Tuyên truyền, Uỷ ban vận động mặt trận văn hoá trong Việt Minh.[7][8] Đến năm 1947, ông chính thức được gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam.[9] Tuy nhiên, do những bất đồng về quan điểm với Trường Chính trong việc quản lý văn hóa văn nghệ, nhất là với đường lối trong "Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam", từ năm 1948 ông Đang đã rút lui khỏi công tác Đảng về sống tại Thanh Hóa. Tại đây, ông tham gia quản lý Nhà xuất bản Minh Đức cùng bạn thân là Trần Thiếu Bảo, cho in các tác phẩm văn nghệ tiền chiến của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng...[8][10]

Năm 1956, khi Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam do những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, Nguyễn Hữu Đang đã được gọi về để tham gia vào công việc văn nghệ. Ông được xem là người chính thức phát động phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm nhằm cải tổ chính trị Việt Nam, bằng việc lên tiếng tại các lớp học tập dân chủ, học tập chính trị; khuyến khích các nhà văn nêu cao quan điểm của mình; cũng như là người lập ra tờ báo Nhân Văn, viết những bài đả kích lãnh đạo Đảng và giới văn nghệ sĩ có quan điểm bảo thủ.[11][12] Về lập trường chính trị, ông được cho là mang chủ trương "vô chính phủ", tuy phục vụ cho Đảng nhưng vẫn giao lưu với những người trong hay nhóm chính trị ngoài chính quyền có tư tưởng chống cộng sản.[8]

2 Hoàng Cầm
Tiểu sử tóm tắt

Trước Nhân Văn – Giai Phẩm, Hoàng Cầm đã là một nhà thơ thuộc lớp đàn anh của văn nghệ sĩ cách mạng và có tiếng nói nhất định trong giới văn nghệ sĩ. Giai đoạn trước và sau 1945, ông được biết đến là tác giả văn học và đặc biệt là nhà kịch thơ Việt Nam, khi các vở kịch thơ của ông như Kiều Loan, Hận Nam Quan, Viễn khách đã được trình diễn tại một số sân khấu lớn nhỏ khác nhau.[13][14] Ông cũng từng là thành viên của nhóm thơ tiền chiến Dạ Đài, cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương. Dưới thời chiến tranh Đông Dương, ông lập ra đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên trong quân đội – đoàn Văn nghệ Liên khu Việt Bắc và duy trì hoạt động quản lý từ năm 1948 đến năm 1952. Khoảng thời gian 1952 tới 1955, ông tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí văn nghệ lớn như đoàn trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính Trị, đoàn kịch nói Văn công Quân đội. Từ cuối năm 1955, do những bất đồng với đồng nghiệp, ông chuyển về hoạt động tại Hội Văn nghệ (tiền thân Hội Nhà văn), làm công tác xuất bản.[1][15]

Các tác phẩm của Hoàng Cầm, đặc biệt là kịch thơ, từng trở thành chủ đề của những tranh cãi trong nội bộ văn nghệ cộng sản. Nhiều người cho rằng sáng tác của ông khi ấy là "đồi trụy", "rên rỉ, lướt thướt". Cùng với Phạm Duy, Hoàng Cầm đã bị gây sức ép công khai bởi các nhân vật trọng yếu trong Ban Văn nghệ, bao gồm Tố Hữu, đến mức phải tự tuyên bố "treo cổ" sáng tác kịch thơ của mình; Phạm Duy sau đó đã bỏ vào Nam để tiếp tục hoạt động. Tới 1954, trong một màn biểu diễn quan họ ở quân đội, Hoàng Cầm đã bị người xem ngay giữa khán đài lớn tiếng lên án, đả đảo "đồi trụy" vì nội dung của một câu trong quan họ. Phải nhờ đến sự bênh vực từ Nguyễn Chí Thanh thì sự việc mới kết thúc.[1] Sau này, trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, ông chủ trương đấu tranh dân chủ bằng con đường văn nghệ, tiêu biểu là các đợt phê bình sáng tác thơ của cấp trên là Tố Hữu, cùng bài "Con người Trần Dần", mà ông viết nhằm minh oan cho đồng nghiệp trước sự đàn áp của giới cầm trịch văn nghệ.[1]

Theo Thụy Khuê, những sáng tác nổi tiếng nhà thơ như "Tâm sự đêm giao thừa", "Bên kia sông Đuống",... tuy không được phổ biến trên báo Đảng nhưng vẫn có sức lan truyền mạnh mẽ qua các kênh truyền thông đại chúng, và chúng có "đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền cho tinh thần chiến đấu vệ quốc quân". Cũng theo bà, sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm không chỉ "có phần nổi tiếng hơn Tố Hữu" mà còn "được mọi người yêu mến" vì "[...] rất ít những câu ca tụng đảng, ca tụng lãnh tụ hay một chủ nghĩa ngoại lai như trường hợp Tố Hữu". Điều này có thể lý giải vai trò chính của Hoàng Cầm trong việc vận động các nghệ sĩ tham gia vào phong trào và lên tiếng bảo vệ thành viên của phong trào.[16][1]

3 Trần Dần
Tiểu sử tóm tắt

Trần Dần là một nhà thơ hoạt động cách mạng từ thời tiền chiến. Ông từng là thành viên của nhóm Dạ đài, bên cạnh các tác giả Thơ mới khác trước chiến tranh chống Pháp. Ông chính thức gia nhập cách mạng năm 1947 và làm Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cùng năm. Từ năm 1953, khi còn công tác tại Văn công quân đội, Trần Dần đã bị kỷ luật vì "đả kích cán bộ sáng tác" và phải chuyển về làm tại Cục Tuyên huấn quân đội.[17] Giai đoạn 1954-1955, cùng với như Lê Đạt, ông xảy ra mâu thuẫn với chính quyền vì bị ngăn cấm không cho kết hôn với người yêu ở phố Sinh Từ – vốn là con nhà theo đạo, có người thân di cư vào Nam.[16][18] Trần Dần là người mở đầu cho phong trào khi đã dẫn đầu những văn nghệ sĩ cùng yêu cầu sự tự do trong việc sáng tác văn nghệ trong quân đội, nhưng giai đoạn sau đó thì lui dần và không hoạt động tích cực ở giai đoạn chính thức của phong trào. Dù tại thời điểm tham gia phong trào, tên tuổi của ông chưa được biết đến nhiều, nhưng bài thơ "Nhất định thắng" mà ông sáng tác đã trở thành tác phẩm tiêu biểu hơn cả trong Nhân Văn – Giai Phẩm. Nó đồng thời cũng khiến ông gặp phải vô số rắc rối về sau.[16]

Về lập trường đối với Nhân Văn – Giai Phẩm, ông ủng hộ nhưng sau này lại sợ hãi, hối hận và phản đối, dù vậy vẫn âm thầm mang quan điểm chống đối những đường lối văn nghệ của Đảng, có thể thấy rõ qua cuốn hồi ký Trần Dần ghi (2001). Điều này đã phản ảnh những mâu thuẫn trong tư tưởng của ông, giữa Đảng cách mạng và sự cách tân dân chủ.[5][16]

4 Lê Đạt
Tiểu sử tóm tắt

Cũng giống như Trần Dần, Lê Đạt là một người tích cực theo đuổi cách mạng. Từ tuổi 19, ông đã là "bí thư văn nghệ" của Trường Chinh. Trong quá khứ, ông có một thời gian theo Quốc dân đảng và chịu ảnh hưởng lớn từ làn sóng Tự lực văn đoàn, trước khi được "giác ngộ" bởi Việt Minh. Năm 1949, ông được gọi về Hội Văn nghệ làm trợ lý cho Tố Hữu. Lê Đạt từng kết hôn với một cán bộ trong Đảng nhưng người vợ này đã chủ động đệ đơn ly hôn. Việc chính quyền ngăn cản việc cả hai đạt thỏa thuận ly hôn để ông đến với nghệ sĩ kịch múa tên Thúy Thúy sớm đã gây ra những bất mãn trong ông.[a][6] Trong Giai Phẩm Mùa Xuân, ông góp cho tập thơ hai bài gồm Làm thơMới. Ngay từ những tác phẩm này, rất nhiều chi tiết mang hàm ý đòi hỏi quyền tự do, những suy tư về thời cuộc và đất nước đã được nêu lên. Đáng chú ý, chi tiết "bình vôi" trong bài Mới, đi kèm với bài khảo luận của Phan Khôi sau đó, đã dẫn ông tới những cấm đoán sau này.[16] Sau khi phong trào trở lại, ông đã viết bài thơ "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" nổi tiếng, đăng trên tờ Nhân Văn số đầu tiên, cũng gây ra không ít phiền toái cho ông.[19] Ông là một trong những cái tên chính quản lý và biên tập tờ Nhân Văn, tham mưu cho việc xuất bản tờ báo.[6]

Ông đã được xem là người đầu tiên "làm thơ hiện đại ở miền Bắc, đã thực sự đưa ra cách suy nghĩ, cách tạo hình và kiến trúc tư tưởng rất mới". Ông cũng được nhìn nhận như là người đầu tiên đặt vấn đề về tư tưởng "nhà văn dấn thân" trong văn học Việt Nam (Thụy Khuê, 2009).[b] Khác với lối thơ mang tính "nổi loạn" như của Trần Dần nhằm phá bỏ những trói buộc với bản thân, Lê Đạt ngay từ đầu phong trào đã tỏ ra là một nhà thơ có hoài bão chính trị, viết các sáng tác kêu gọi việc nới lỏng tự do cho giới nghệ sĩ trong Đảng. Thời gian tham gia phong trào, ông đang đảm trách chức vụ trong ban tuyên huấn quân đội.[16]

5 Nguyễn Mạnh Tường
Tiểu sử tóm tắt

Nguyễn Mạnh Tường là một luật sư, giáo viên và nhà nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực văn hóa Việt Nam thế kỷ 20.[20][21] Từ năm 22 tuổi,[22] ông đã trở thành người Việt trẻ tuổi đầu tiên và duy nhất tại cả Việt Nam và Pháp giành được hai bằng Tiến sĩ quốc gia (docteur d’État) dưới thời thuộc Pháp và được người Pháp công nhận là một "nhà biện lí đáng gờm".[22][23] Sau 1945, ông đã được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trọng dụng với tư cách là luật sư và tham gia vào các hội nghị ngoại giao quan trọng bên ngoài quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng sớm bị coi như là một phần tử "ngoan cố" bởi chính quyền khi thể hiện những quan điểm chống đối với sự chèn ép chính trị lên mọi mặt của đời sống khi đó.[24][22] Trong phong trào, ông đã góp bài phát biểu về Cải cách ruộng đất của mình lên một ấn phẩm thuộc Nhân Văn – Giai Phẩm, và ngay sau đó đã bị đàn áp bởi chính quyền đương thời trong nhiều thập kỷ.[25]

6 Trương Tửu
Tiểu sử tóm tắt

Ông là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng trong giới văn nghệ. Trương Tửu đã tham gia vào phong trào từ 1956 với hai bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ" và nhóm bài "Văn nghệ và chính trị" – "Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích" đăng trên các tập Giai Phẩm, giúp ông được coi là "lãnh đạo tư tưởng" của cả phong trào. Trong các bài viết này, ông đã đả kích nặng nề sự quan liêu, độc tài của các nhà lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt là Tố Hữu – là đầu tàu của phong trào văn nghệ khi ấy, đồng thời kêu gọi việc sa thải các nhà lãnh đạo văn nghệ "thiếu tư cách", "thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa" của chủ nghĩa sùng bái cá nhân trong xã hội, mà bị ông coi như một thứ "cản trở sức phát triển nghệ thuật".[4]

Khác với Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường – được cho là những người chống lại quan niệm đấu tranh giai cấp – Trương Tửu lại vốn là người thuộc phong trào Đệ Tứ Cộng sản tại Việt Nam. Ông đã đứng trên quan niệm đấu tranh giai cấp để đòi hỏi tự do dân chủ, mà tiêu biểu có thể thấy qua bài "Văn nghệ và chính trị", được xem là tiếng nói mạnh mẽ nhất của phong trào.[4]

7 Trần Đức Thảo
Tiểu sử tóm tắt

Trần Đức Thảo là một triết gia quan trọng của triết học Việt Nam, được biết đến với những nỗ lực hợp nhất hiện tượng họctriết học Marxist. Trên thế giới, ông là "người Việt Nam duy nhất được coi là triết gia".[26] Các nghiên cứu của ông được nhận định đã đóng vai trò quan trọng trong việc cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.[27] Trong Nhân Văn – Giai Phẩm, ông đã góp hai bài viết về mở rộng tự do dân chủ.[28] Vì thế mà ông cùng với Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Duy Anh đã trở thành bốn trí thức chính bị đấu tố vì liên can đến phong trào.

8 Phan Khôi
Tiểu sử tóm tắt

Phan Khôi là một nhà báo, nhà trí thức lớn theo trường phái hữu khuynh. Ông từng là học trò thân thiết của Phan Châu Trinh và sau này đã được truyền lại di sản, kinh nghiệm đấu tranh từ thầy.[29][30] Ông không chỉ được xem là một trong nhưng cây bút phản biện tiêu biểu trong giới học thuật Việt Nam[31][32] mà còn có nhiều đóng góp cho các sự kiện lớn trong tiến trình văn hóa trong nước, như tác giả bản dịch Kinh Thánh đầu tiên năm 1926 hay là người khai sinh phong trào Thơ mới với bài thơ "Tình già". Trong Nhân Văn – Giai Phẩm, ông được xem là thành viên chủ chốt khi là chủ nhiệm của tờ báo Nhân Văn, đồng thời có đăng nhiều bài báo, truyện ngắn kịch liệt lên án và châm biếm đích danh chế độ và các lãnh đạo văn nghệ miền Bắc đương thời. Điều này đã dẫn tới việc ông sớm bị "thanh trừng" một cách gay gắt bởi chính quyền.[33][34]

9 Trần Thiếu Bảo (Minh Đức)
Tiểu sử tóm tắt
10 Tử Phác
Tiểu sử tóm tắt

Tên thật của ông là Nguyễn Văn Chấn. Ông là một trong những cái tên đầu tiên cùng tham gia với Trần Dần trong các chính sách đòi hỏi tự do văn nghệ. Trước Nhân Văn – Giai Phẩm, ông từng đảm trách công việc biên soạn tờ báo trong quân đội có tên Sinh Hoạt Văn Nghệ.[17]

11 Văn Cao
Tiểu sử tóm tắt

Văn Cao là một nhân vật văn nghệ quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ thời kỳ trước 1945. Sau 1945, ông được biết đến nhiều nhất với vai trò là một nhạc sĩ, nổi tiếng qua bài "Tiến quân ca", quốc ca chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà cách mạng, nhà văn, nhà thơ kiêm họa sĩ, hoạt động tích cực cùng nhạc sĩ Phạm Duy thời thuộc Pháp suốt giai đoạn trước và trong kháng chiến. Ông đã tham gia phong trào với bài thơ mở màn Anh có nghe thấy không, đăng trên ấn phẩm Giai Phẩm mùa xuân năm 1956. Cùng với các văn nghệ sĩ khác, ông phải chịu sự kỷ luật từ chính quyền vì tham gia vào nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Những hạn chế nghiêm ngặt đã ngăn cản ông khỏi việc sáng tác, xuất bản các tác phẩm của mình suốt hơn 30 năm và chỉ cho tới năm 1988, tức sau Đổi Mới, mới được nới lỏng.[35][36]

12 Thụy An
Tiểu sử tóm tắt

Thụy An là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng trước 1954. Từ năm 1934, khi mới 18 tuổi, bà làm chủ nhiệm tờ Đàn bà mới ở Sài Gòn. Năm 1937 bà ra Hà Nội và làm chủ bút tờ Đàn Bà. Năm 1942, bà trở thành nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một linh hồn, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xem là "tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay". Năm 1954, bà được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Việt Tấn xã, cơ quan báo chí của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.[37]

Bà đã bị nghi ngờ là gián điệp kể từ khi ra Hà Nội sau năm 1954. Trước đó, Thụy An từng bị báo chí miền Bắc cáo buộc đã sát hại người bị gán ghép là nhân tình của bà Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng và là đối tượng thù địch với Việt Minh, được cho là nhằm "tỏ lòng "trung thành" với cách mạng". Sau khi ra Hà Nội, bà tiếp tục bị kết tội có quan hệ gần gũi với các chính khách như Hồ Hữu Tường; gia đình tướng De Lattre de Tassigny và Giám đốc Sở Mật vụ Pháp Marty của chính quyền thực dân cũ. Trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, bà đã bị xem là người cầm đầu lớn nhất phong trào và phải chịu mức án tù 15 năm, cùng với Nguyễn Hữu Đang. Tuy nhiên, những ghi nhận cho thấy bà không góp một bài nào vào hai ấn phẩm chính trong phong trào mà thay vào đó hoạt động ở mảng nhỏ là điện ảnh, kịch, cũng từng qua lại, ủng hộ các văn nghệ sĩ trẻ của Nhân Văn – Giai Phẩm. Sau này, đã có người phủ nhận vai trò của bà đối với phong trào và việc bà là gián điệp, bao gồm các thành viên chủ chốt Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt.[37][38]

13 Phùng Cung
Tiểu sử tóm tắt

Phùng Cung là một nhà thơ, sinh tại xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ông được chính quyền mới bầu lên làm chủ tịch liên xã Hồng Châu-Liên Châu tại quê nhà. Khi Pháp quay trở lại chiếm đóng, ông bỏ lên Việt Bắc và hoạt động theo Việt Minh. Ban đầu, ông làm công tác thông tin trong đây, nhưng sau đó đã chuyển sang văn nghệ. Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, cha của Phùng Cung, một người theo cách mạng, đã bị quy sai là địa chủ cường hào và bị phạt chết. Đây được xem là sự kiện lớn ảnh hướng đến nhà thơ. Tiếp đến giai đoạn Nhân Văn – Giai Phẩm, ông đã góp một truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh", gây xôn xao lớn trong dư luận vì ngụ ý của nó. Sau phong trào, ông viết truyện ngắn "Dạ Ký", đã gây được lan truyền lớn tới các nhân vật trong giới văn nghệ. Là một tác giả theo tư tưởng hữu khuynh, phản chiến,[39] việc Phùng Cung sáng tác ra những tác phẩm bị cho là trái ngược dòng tư tưởng chính thống của Đảng, đả kích chính sách văn hóa và chính trị của Đảng một cách mạnh mẽ khi đó đã dẫn ông tới những rắc rối kéo dài trong nhiều thập niên, khi Phùng Cung bị công an bắt và giam giữ mà không có án.[40][41]

14 Phùng Quán
Tiểu sử tóm tắt

Phùng Quán là một nhà văn quân đội, được biết đến đương thời với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo.[42][43] Ông có mối quan hệ họ hàng với Tố Hữu, gọi Tố Hữu bằng cậu.[44] Ông đã góp mặt trong phong trào xuyên suốt từ giai đoạn khởi điểm cho đến khi bị dập tắt và được biết đến đáng kể nhất với bài thơ "Lời mẹ dặn" (1957) của mình. Phùng Quán cũng được cho là từng góp một số bài tham luận, phát biểu gây ấn tượng tại các hội đoàn văn nghệ để kêu gọi mở rộng dân chủ, tự do sáng tác cho nhà văn.[45] Sau này, ông được xem là một trường hợp điển hình của những văn nghệ sĩ bị chịu trừng phạt sau Nhân Văn – Giai Phẩm, khi công chúng đương thời từng mô tả tình cảnh của ông là "cá trộm, rượu chịu, văn chui".[46]

15 Nguyễn Bính
Tiểu sử tóm tắt

Các nhân vật khác

Cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án của dư luận đã liệt kê tổng cộng 34 trí thức, văn nghệ sĩ có dính dáng tới phong trào theo thứ tự nặng nhẹ của "tội" mà họ gây ra. Những người hoạt động mạnh nhất phong trào, các nhà trí thức được xếp đầu; còn văn nghệ sĩ, ít nghiêm trọng hơn, thì xếp sau. Trong đây cũng có những người chưa được đưa vào, mà theo sách là vì họ "chưa ra mặt". Theo một thống kê khác của nhà phê bình Thụy Khuê, có 47 người đã góp tên vào các bài viết trên 5 số báo Nhân Văn và 5 tập Giai Phẩm. Dù vậy, số người tham dự thực tế theo bà có thể rộng hơn vì còn có nhiều ấn phẩm như Đất mới, Tự do diễn đàn, Kịch trường có hoạt động trong phong trào. Cụ thể hơn, một thống kê không chính thức đã tiết lộ có 170 người liên quan đến Nhân Văn – Giai Phẩm và nằm dưới dự giám sát của công an Hà Nội. Ngoài những người bị cáo buộc cầm đầu phong trào đã được liệt kê bên trên, còn có các cá nhân liên đới tới vụ việc, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Danh sách gồm:[40][5]

  • Trần Duy
  • Huyền Sơn[47]
  • Sỹ Ngọc
  • Nguyễn Sáng
  • Đinh Hùng
  • Nguyễn Sáng
  • Chu Ngọc
  • Nguyễn Văn Tý
  • Hoàng Tích Linh
  • Trần Công
  • Trần Thịnh
  • Phan Vũ
  • Tô Vũ
  • Hoàng Huế
  • Huy Phương
  • Vĩnh Mai
  • Đặng Đình Hưng[48]
  • Lê Nguyên Chí
  • Phan Tại
  • Trúc Lâm
  • Trần Thịnh
  • Trần Công
  • Hữu Tâm
  • Quang Dũng
  • Trần Lê Văn
  • Phác Văn
  • Huy Phương
  • Đào Duy Anh
  • Lê Đại Thanh
  • Nguyễn Tư Nghiêm
  • Hoàng Huế
  • Hồng Lực
  • Bùi Xuân Phái
  • Cao Xuân Huy
  • Mai Hạnh
  • Chu Ngọc
  • Bùi Quang Đoài
  • Như Mai (Châm văn Biếm)
  • Hữu Thung
  • Trần Phương
  • Đặng Văn Ngữ
  • Nguyễn Khắc Dực
  • Hoàng Tố Nguyên
  • Hoàng Yến
  • Thanh Bình
  • Thanh Châu
  • Yến Lan
  • Nguyễn Thành Long
  • Trần Lê Văn
  • Lê Đại Thanh
  • Cao Nhị
  • Trần Hải An
  • Đào Duy Anh
  • Hữu Loan[49]
  1. ^ a b c d e Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :142
  2. ^ Thái Vũ (27 tháng 6 năm 2023). “Triết gia Trần Đức Thảo - nước đại dương kết giọt chốn không bờ”. Nông nghiệp Việt Nam. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  3. ^ Thụy Khuê (16 tháng 8 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần V : Nội bộ báo Nhân Văn”. RFI. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2023.
  4. ^ a b c Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :72
  5. ^ a b c Thụy Khuê (4 tháng 10 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần VII : Biện pháp thanh trừng”. RFI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2023.
  6. ^ a b c Thụy Khuê (12 tháng 9 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần X : Lê Đạt”. RFI. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2023.
  7. ^ Việt Hùng (14 tháng 2 năm 2007). “Nhà thơ Hoàng Cầm nói về sự ra đi của ông Nguyễn Hữu Đang”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  8. ^ a b c Thụy Khuê (24 tháng 11 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần IX : Nguyễn Hữu Đang”. RFI. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  9. ^ “Vĩnh biệt trụ cột Nhân văn giai phẩm”. BBC Tiếng Việt. 15 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2023.
  10. ^ Phạm Tường Vân (6 tháng 5 năm 2008). “Lê Đạt kể về đời thơ và tình vợ”. BBC Tiếng Việt. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023.
  11. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :52
  12. ^ Đặng Tiến. “Nguyễn Hữu Đang và Nhân văn Giai phẩm”. BBC Tiếng Việt. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2023.
  13. ^ Nguyên Vũ (16 tháng 7 năm 2005). "Kiều Loan" của thi sĩ Hoàng Cầm”. Thanh Niên. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2023.
  14. ^ Luư Khánh Thơ (9 tháng 5 năm 2011). “Hoàng Cầm với vở kịch thơ đầu tiên”. Công an nhân dân. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2023.
  15. ^ Ngọc Lan (21 tháng 2 năm 2022). “100 năm Ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm: Hồn thơ đẹp của xứ Kinh Bắc”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2023.
  16. ^ a b c d e f Thụy Khuê (29 tháng 6 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần III : Giai phẩm mùa xuân”. RFI. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2023.
  17. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :13
  18. ^ Nguyễn An (16 tháng 9 năm 2006). “Ông Nguyễn Minh Cần kể tiếp về diễn tiến của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (phần 4)”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.
  19. ^ “Một số bài thơ của Lê Đạt”. BBC Tiếng Việt. 23 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023.
  20. ^ P.V (25 tháng 12 năm 2019). “Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.TS Nguyễn Mạnh Tường”. Đại học Quốc gia Hà Nội. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2023.
  21. ^ Trần Hinh (9 tháng 8 năm 2015). “Ông thầy của hai bằng tiến sĩ”. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2023.
  22. ^ a b c Thụy Khuê (15 tháng 7 năm 2011). “Phần XVII : Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) - Bài 1: Giai đoạn trước 1954”. RFI. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2023.
  23. ^ Lệ Nguyễn (27 tháng 8 năm 2023). “Ai là tiến sĩ lưỡng khoa trẻ nhất hai nước Việt - Pháp?”. VnExpress. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2023.
  24. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :7
  25. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :6
  26. ^ “Trần Đức Thảo "Người Việt Nam duy nhất được coi là triết gia". VUSTA. 19 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  27. ^ “Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Cố Giáo sư Trần Đức Thảo”. Khoa Triết học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. 31 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  28. ^ Hạ Anh (8 tháng 5 năm 2013). 'Món nợ' với giáo sư Trần Đức Thảo”. VietNamNet. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.
  29. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :1
  30. ^ Thụy Khuê (7 tháng 1 năm 2011). “Phụ lục : Vì sao Phan Châu Trinh phó thác "đại sự" cho Phan Khôi ?”. RFI. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2023.
  31. ^ Phạm Thanh 1959, tr. 117-122.
  32. ^ Thụy Khuê (26 tháng 2 năm 2011). “Phần XVI : Phan Khôi - Bài 1: Phan Khôi và sự chôn vùi Phan Khôi”. RFI. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2023.
  33. ^ Phạm Thanh 1959, tr. 116-117, 125-131.
  34. ^ Thụy Khuê (17 tháng 5 năm 2011). “Phần XVI: Phan Khôi - Bài 3: Con đường văn hóa”. RFI. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2023.
  35. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :152
  36. ^ Nguyễn An (19 tháng 9 năm 2006). “Vai trò của nhạc sĩ Văn Cao trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 9)”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.
  37. ^ a b Thụy Khuê (1 tháng 11 năm 2009). “Nhân Văn Giai Phẩm phần VIII : Thụy An”. RFI. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2023.
  38. ^ Nguyễn An (18 tháng 9 năm 2006). “Hình thức kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 8)”. Đài Á Châu Tự Do. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2023.
  39. ^ Thụy Khuê (27 tháng 6 năm 2010). “Phần XIV: Phùng Cung - Chương 3: Đường Lâm thi chí, một nền thơ chống chiến tranh và tù ngục”. RFI. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023.
  40. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên :162
  41. ^ Thụy Khuê (17 tháng 6 năm 2010). “Phần XIV: Phùng Cung - Chương 2: Mộ phách - Mồ chôn văn hóa”. RFI. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023.
  42. ^ Xem các nguồn:
  43. ^ Lại Nguyên Ân (4 tháng 5 năm 2023). “Hội Văn hóa Việt Nam (1948 - 1950) và Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957)”. ArtTimes. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2023.
  44. ^ Phùng Quán 2014, tr. 14.
  45. ^ Thái Kế Toại (11 tháng 12 năm 2023). “Mấy mẩu chuyện về Phùng Quán (kỳ 2)”. Văn Đoàn Việt. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2023.
  46. ^ Ngô Minh Thuyên (15 tháng 4 năm 2023). “Từ "rượu chịu, văn chui" đến Quỹ Phùng Quán”. Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2023.
  47. ^ “Tư liệu "Nhân văn Giai phẩm" – Báo cáo của Chánh án Nguyễn Văn Dương năm 1960”. Đại học Oregon. 25 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2023.
  48. ^ “Đầu Xuân nói chuyện về thi sỹ Đặng Đình Hưng và 'Một Bến Lạ'. BBC Tiếng Việt. 12 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2023.
  49. ^ Thụy Khuê (19 tháng 3 năm 2010). “Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài "Mầu tím hoa sim" đã qua đời”. RFI. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.


Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref> với tên nhóm “lower-alpha”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="lower-alpha"/> tương ứng, hoặc thẻ đóng </ref> bị thiếu