Bóng bầu dục Mỹ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bóng bầu dục Mỹ
Larry Fitzgerald (áo xanh) bắt bóng khi bị Cortland Finnegan (áo đỏ) theo kèm tại Pro Bowl 2009.
Cơ quan quản lý cao nhấtLiên đoàn Bóng bầu dục Mỹ Quốc tế
Biệt danh
  • Bóng bầu dục (football)
  • Bóng bầu dục Bắc Mỹ (gridiron)
Thi đấu lần đầu6 tháng 11, 1869
New Brunswick, New Jersey, United States
(Princeton vs. Rutgers)
Đặc điểm
Va chạmVa chạm toàn thân
Số thành viên đấu đội11 (tự do thay cầu thủ giữa các lượt down)
Hình thức
Trang bị
Địa điểmSân bóng bầu dục (hình chữ nhật: chiều dài 120 yards, chiều rộng 53 13 yards)
Hiện diện
Quốc gia hoặc vùngToàn cầu (phổ biến nhất tại Bắc Mỹ)
OlympicMôn biểu diễn tại Thế vận hội mùa hè 1904 và 1932, bóng bầu dục giật cờ tại Thế vận hội mùa hè 2028

Bóng bầu dục Mỹ (gọi đơn giản là football ở Hoa Kỳ và Canada), còn được gọi là gridiron football (bóng bầu dục Bắc Mỹ), tiếng lóng tiếng Việt là banh cà na, là môn thể thao đồng đội bao gồm hai đội tham gia, mỗi đội gồm 11 cầu thủ trên một sân bóng hình chữ nhật có cột gôn ở mỗi đầu sân. Đội tấn công là đội cầm bóng (quả bóng có hình bầu dục), tịnh tiến vào phần sân đối phương bằng cách chạy với bóng hoặc chuyền bóng, trong khi đội phòng thủ là đội không cầm bóng, phải ngăn chặn bước tiến của đội tấn công và giành lại quyền kiểm soát bóng. Đội tấn công phải tịnh tiến được ít nhất 10 yard trong 4 lượt (down). Nếu thất bại, đội phòng ngự khi đó sẽ giành quyền cầm bóng, nhưng nếu thành công, đội tấn công sẽ nhận được 4 lượt down mới để tiếp tục tiến bóng. Có 2 cách ghi điểm chủ yếu, đó là đưa bóng vào vùng cấm địa (end zone) của đội đối phương để ghi được touchdown hoặc sút bóng qua cột gôn của đối phương để ghi bàn. Đội có nhiều điểm nhất khi kết thúc trận đấu sẽ chiến thắng.

Bóng bầu dục Mỹ được phát triển tại Hoa Kỳ, bắt nguồn từ bóng đá và bóng bầu dục rugby. Trận đấu bóng bầu dục Mỹ đầu tiên được diễn ra vào ngày 6 tháng 11 năm 1869 giữa hai đội đại học Rutgers và Princeton, sử dụng luật chơi dựa trên luật bóng đá vào thời điểm đó. Walter Camp - Cha đẻ của bóng đá Mỹ - đã đưa ra một loạt các thay đổi về luật chơi từ năm 1880 trở đi bởi, trong đó có giao bóng (snap), vạch khởi đầu (line of scrimmage), 11 cầu thủ mỗi đội, khái niệm của lượt (down). Những thay đổi về luật sau đó là cho phép chuyền bóng về phía trước, vùng trung gian (neutral zone) và quy định kích thước, hình dạng của quả bóng bầu dục. Môn thể thao này có liên quan chặt chẽ và phát triển song song với bóng bầu dục Canada mặc dù luật chơi của môn này được phát triển độc lập. Hầu hết các đặc điểm phân biệt bóng bầu dục Mỹ với bóng bầu dục rugby và bóng đá cũng có trong bóng bầu dục Canada. Hai môn thể thao này được coi là biến thể chính của bóng bầu dục Bắc Mỹ.

Bóng bầu dục Mỹ là môn thể thao phổ biến nhất ở Hoa Kỳ xét về lượng khán giả truyền hình. Các hình thức phổ biến nhất của bộ môn này là bóng bầu dục chuyên nghiệp và bóng bầu dục đại học cùng các cấp độ chính khác là bóng bầu dục trung học và bóng bầu dục trẻ. Tính đến năm 2022, có gần 1,04 triệu cầu thủ bóng bầu dục trung học tại Hoa Kỳ, cùng với 81.000 cầu thủ đại học khác ở cấp độ NCAANAIA.[1] Giải Bóng bầu dục Quốc gia National Football League (NFL) có lượng khán giả tại sân trung bình cao nhất so với bất kỳ giải đấu thể thao chuyên nghiệp nào trên thế giới. Trận đấu tranh ngôi vô địch mang tên Super Bowl là một trong số các sự kiện thể thao cấp câu lạc bộ được theo dõi nhiều nhất trên toàn cầu. Vào năm 2022, giải đấu có doanh thu hàng năm khoảng 18,6 tỷ USD,[2] trở thành giải đấu thể thao có giá trị nhất thế giới.[3] Các giải đấu bóng bầu dục Mỹ chuyên nghiệp và nghiệp dư khác được tổ chức trên toàn thế giới, nhưng môn thể thao này không có mức độ phổ biến quốc tế cao như các môn thể thao khác của Mỹ như bóng chày hoặc bóng rổ. Bóng bầu dục Mỹ vẫn có được lượng người theo dõi ngày càng tăng ở phần còn lại của Bắc Mỹ, Châu Âu, BrazilNhật Bản.

Thuật ngữ và tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Ở Hoa Kỳ, bóng bầu dục Mỹ được gọi là "football".[4] Thuật ngữ "football" chính thức được sử dụng trong sách luật mùa giải bóng bầu dục đại học năm 1876 khi môn thể thao này lần đầu tiên chuyển dần từ luật kiểu bóng đá sang luật kiểu bóng bầu dục rugby. Mặc dù có thể được gọi là "rugby" vào thời điểm này nhưng Harvard, một trong những trường đề xuất môn này theo hướng rugby, đã thỏa thuận và yêu cầu không đổi tên môn thể thao này thành "rugby".[5] Thuật ngữ "gridiron" hoặc "American football" được ưa chuộng ở các quốc gia nói tiếng Anh nơi các loại hình football khác phổ biến, chẳng hạn như Vương quốc Anh, Ireland, New Zealand và Úc.[6][7]

Dụng cụ thi đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phần một sân bóng bầu dục Mỹ.

Sân chơi[sửa | sửa mã nguồn]

Sân chơi của môn bóng bầu dục dài 100 yards (91,44 mét), chia làm 20 phần mỗi phần 5 yards (4,57 mét), được đánh dấu bằng 19 vạch dài màu trắng theo chiều ngang của sân. Giữa những vạch dài là bốn hàng vạch ngắn, mỗi hàng 4 vạch cách nhau 1 yard. Phần cuối cùng ở mỗi cuối sân được gọi là end-zone (vùng cấm địa), có chiều dài 10 yards (9,14 mét), thường thì được sọc chéo màu đỏ và được ngăn cách bởi một vạch trắng dài gọi là đường cấm địa (goal line). Cuối vùng cấm địa (end-zone) là vạch cuối (end line), sau đó là cột gôn (goal posts). Cột gôn được trồng chính giữa chiều ngang của sân,  cao 10 feet (3,05 mét), trên bắc một  thanh ngang dài 18 feet 6 inches (5,64 mét), hai đầu thanh ngang là hai thanh dọc cao 30 feet (9,14 mét). Tổng cộng, toàn sân chơi của môn football dài 120 yards (360 feet hay 109,73 mét) và ngang là 53 1/3  yards (160 feet hay 48,77 mét). Kể từ đường cấm địa (goal line), cứ mỗi 10 yards, sân sẽ được đánh dấu bằng số 10, 20, 30, 40 cho tới giữa sân là 50. Sau mức này, sân được đánh dấu ngược lại 40, 30, 20 và 10 cho đến vùng cấm địa của bên kia.

Bóng bầu dục Wilson da.

Bóng[sửa | sửa mã nguồn]

Bóng làm bằng da hình bầu dục được bơm hơi nặng từ 400 gram đến 430 gram. Bóng thi đấu thường được đánh sáp dưỡng và phun chống ẩm nhằm tăng độ bám dính.

Mũ bảo hiểm[sửa | sửa mã nguồn]

Mũ bảo hiểm được người chơi đội để bảo về vùng đầu khỏi va đập mạnh trong trận đấu. Mũ bảo hiểm bao gồm vỏ nhựa tổng hợp nhẹ, bên trong có lót lớp đệm xốp hoặc đệm bơm hơi để bảo vệ đầu, mặt nạ thép để bảo vệ mặt, 2 ốp hàm ở mỗi bên để bảo vệ hàm, lỗ thông tai, dây quai cằm và kính ốp polycarbonate chống chói. Mũ bảo hiềm thường được điểm xuyết với logo đội bóng, các loại họa tiết, sọc hay số thi đấu để dễ phân biệt từ xa.

Mũ bảo hiểm Schutt AirXP, được đội bởi cầu thủ Brian Hartline.
Cầu thủ hai đội Carolina và Washington với trang phục thi đấu và đồ bảo hộ.

Giáp bảo hộ và trang phục thi đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Giáp bảo hộ thường được mặc bên ngoài lớp đồ lót hút ẩm và bên dưới trang phục thi đấu giúp bảo vệ người chơi khỏi chấn thương. Giống như mũ bảo hiểm, giáp bảo hộ được cầu tạo gôm lớp nhựa cứng bên ngoài và đệm dầy thoáng khí bên trong. Các miếng giáp bao bọc quanh phần vai, ngực và lưng của người chơi được thiết chặt bằng một dây đai nhựa bao vòng quanh xương sườn.

Trang phục thi đấu bóng bầu dục được mặc sát lớp bảo hộ. Bộ trang phục thi đấu bao gồm 1 áo đấu và 1 quần. Áo đấu có số áo trên vùng ngực, lưng và cầu vai; tên gọi của đội bóng hay tên thành phố thường được ghi trên ngực áo, phần vai được đính logo đội hay sọc màu và tên cầu thủ được in ở vùng lưng trên. Quần đấu được làm từ chất liều bền dai, mặc sát người, với túi trong để nhét mút bảo hộ đùi và hông.

Đội hình và vị trí[sửa | sửa mã nguồn]

Các vị trí trên sân bóng bầu dục, màu đỏ là đội tấn công, màu xanh là đội phòng thủ.

Một trận đấu bao gồm 2 đội tham gia, mỗi đội gồm 11 cầu thủ. Chơi nhiều hơn 11 người sẽ phải nhận án phạt penalty. Các đội có thể thay người không giới hạn trong thời gian bóng chết giữa các down, trước đây, luật thay người gặp phải nhiều hạn chế và việc này đã tối ưu hóa các tiểu đội tấn công, phòng thủ và đặc biệt. Số lượng cầu thủ được đăng ký vào đội hình chính thức tùy thuộc vào từng giải đấu, chẳng hạn như NFL được phép đăng kí 53 cầu thủ, trong khi đó NCAA Division I cho phép đăng ký 63 cầu thủ dạng học bổng tại FCS 85 cầu thủ dạng học bổng tại FBS.

Mỗi cầu thủ sẽ chọn số áo từ 1 đến 99 ngoại trừ những số áo được treo vĩnh viễn để tôn vinh cựu cầu thủ tùy vào mỗi đội. Cầu thủ của NFL phải chọn số áo dựa theo hệ thống đã được ban hành bởi giải đấu, bất cứ ngoại lệ nào phải được thông qua bởi Ủy viên. NCAA và NFHS thì được "khuyến cáo" chọn số áo cầu thủ đội tấn công dựa trên hệ thống số áo được ban hành.

Tiểu đội tấn công[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiệm vụ của tiểu đội tấn công là tịnh tiến bóng lên phần sân của đối phương để có thể ghi được một touchdown.

Đội tấn công phải dàn thành đội hình hợp lệ trước khi giao bóng (snap). Đội hình tấn công được coi là hợp lệ nếu có nhiều hơn 4 cầu thủ ở hàng sau hoặc có ít hơn 5 cầu thủ có số áo từ 50 đến 79 tại hàng tấn công trên. Cầu thủ có thể chọn vị trí tạm thời khác với vị trí mà số áo quy định miễn là họ lập tức báo cáo với trọng tài, sau đó trọng tài sẽ trao đổi lại với đội đang phòng ngự. Không một cầu thủ nào ngoại trừ Trung phong được phép tiến vào vùng trung gian (neutral zone) cho tới khi bóng được giao. Cầu thủ hàng trên không được phép di chuyển trước khi giao bóng .

Các vị trí chính của hàng sau là Tiền vệ chính (Quarterback - QB), Trung vệ chạy (halfback/tailback - HB/TB)Hậu vệ chạy (fullback - FB). Tiền vệ chính là linh hồn của hàng tấn công. Tiền vệ chính hoặc huấn luyện viên sẽ đưa ra chiến thuật cho lượt tấn công. Thông thường, tiền vệ chính sẽ đưa ra chiến thuật cho những cầu thủ tấn công còn lại thông qua họp đội nhanh trước khi xếp đội hình. Tiền vệ chính sẽ đứng sau trung phong để nhận bóng được giao và có 3 lựa chọn chính: đưa bóng, ném bóng hoặc cầm bóng chạy.

Vai trò chính của trung vệ chạy là cầm bóng từ tiền vệ chính để thực hiện các tình huống chạy. Trung vệ chạy cũng kiêm luôn vai trò bắt bóng từ xa. Hậu vệ chạy có thể hình to hơn trung vệ chạy và có nhiệm vụ bảo vệ tiền vệ chính, đôi khi cầm bóng chạy trong các tình huống quãng ngắn hoặc sát vùng cầm địa, hiếm khi bắt bóng.

Hàng tấn công trên (offensive line - OL) bao gồm các cầu thủ có nhiệm vụ ngăn chặn cầu thủ đội phòng ngự khỏi các cầu thủ cầm bóng trong tình huống chạy với bóng hoặc vật ngã tiền vệ chính (sack) trong tình huống chuyền. Thủ lĩnh của hàng tấn công trên là Trung phong (center - C, người có trách nhiệm giao bóng cho tiền vệ chính, chặn người, điều phối các cầu thủ hàng trên khác trong lượt tấn công. Hai bên trung phong là Tiền vệ trong (guard - G), bên ngoài là Tiền vệ ngoài (tackle - T).

Các cầu thủ có nhiệm vụ bắt bóng là Tiền đạo bắt bóng (wide receiver - WR)Trung vệ đuôi (tight end - TE) Tiền đạo bắt bóng có vị trí ngay tại vạch khởi đầu, tách ra so với hàng trên. Nhiệm vụ chính của tiền đạo bắt bóng là nhận đường chuyền từ tiền vệ chính, nhưng họ cũng có thể làm mồi nhử hoặc chặn người trong tình huống chạy với bóng. Trung vệ đuôi có vị trí cạnh tiền vệ ngoài và cùng lúc làm người nhận bóng lẫn chặn người.

Tiểu đội phòng thủ[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiệm vụ của tiểu đội phòng thủ là ngăn chặn bên tấn công ghi điểm bằng cách vật ngã cầu thủ cầm bóng hoặc làm đội bạn mất bóng (turnover) bằng hai cách: cắt bóng (interception) hoặc rơi bóng (fumble).

Hàng tiền vệ phòng ngự (defensive line - DL) bao gồm Tiền vệ phòng ngự đuôi (defensive ends - DE)Tiền vệ phòng ngự chặn (defensive tackles - DT). Tiền vệ phòng ngự đuôi có vị trí bên ngoài hàng, còn tiền vệ phòng ngự chặn ở giữa. Nhiệm vụ chính của các tiền vệ phòng ngự là ngăn chặn các tình huống chạy với bóng, gây áp lực lên tiền vệ chính, tạo điêu kiện cho trung vệ đột phá.

Trung vệ phòng ngự (linebacker) nằm phía sau tiền vệ, phía trước hậu vệ, chia ra thành 2 loại: Trung vệ phòng ngự trong (middle linebackers - MLB)Trung vệ phòng ngự ngoài (outside linebackers - OLB). Trung vệ phòng ngự là chỉ huy của đội thủ, điều phối chiến thuật nhằm đột phá vào hàng sau của bên tấn công. Vai trò của họ bao gồm phòng ngự trước các tình huống chạy, áp sát tiền vệ chính, chặn tiền đạo bắt bóng và trung vệ đuôi khi đội bạn chuyền bóng.

Các hậu vệ phòng ngự (defensive backfield) bao gồm Hậu vệ góc (cornerbacks - CB) và Hậu vệ sâu (safeties - S). Hậu vệ sâu lại chia thành 2 loại là Hậu vệ sâu cắm (free safety - FS) và Hậu vệ sâu lùi (strong safeties - SS). Hậu vệ góc có vị trí ngoài cùng đội hình, đối diện với tiền đạo bắt bóng. Hậu vệ sâu có vị trí ở giữa hậu vệ góc nhưng lùi sâu về phía sau. Vị trí này được coi là chốt chặn cuối cùng của đội phòng ngự, ngăn chặn các tình huông chuyền dài và chạy đột biến.

Tiểu đội đặc biệt[sửa | sửa mã nguồn]

Tiểu đội đặc biệt chịu trách nhiệm cho tất cả các tình huống sút bóng, thực hiện sút thành bàn (field goal - FG), sút bóng dài (punt), sút bóng mở màn (kickoff). Trong lúc đó, đội bên kia sẽ tìm cách chắn bóng hoặc nhận bóng.

Ba vị trí đặc thù cho sút phạt thành bàn và điểm cộng sau touchdown (PAT - point-after-touchdown) là: cầu thủ Sút phạt (placekicker - K/PK), Giữ bóng (holder - H)Giao bóng dài (long snapper - LS). Nhiệm vụ của cầu thủ giao bóng dài là giao bóng cho cầu thủ giữ bóng để đặt bóng cho cầu thủ sút phạt thực hiện sút. Thông thường, khi sút bóng mở màn thì không có người giữ bóng vì bóng được đặt trên ụ trừ khi có gió to. Cầu thủ bắt bóng của đội bạn được gọi là Trả bóng mở màn (kickoff returner - KR).

Các vị trí đặc thù cho sút bóng dài là Cầu thủ sút dài (punter - P), Giao bóng dài, Trung vệ càn (upback), và Trung vệ chặn (gunner). Cầu thủ giao bóng dài đưa bóng cho cầu thủ sút dài, thả bóng xuống và sút trước khi bóng chạm đất. Trung vệ chặn đứng ở ngoài hàng, di chuyển dọc sân nhằm chặn cầu thủ Trả bong sút dài (punt returner - PR)—cầu thủ bắt bóng sút dài. Trung vệ càn đứng dưới vạch khởi đầu một quãng ngắn, bảo vệ cầu thủ sút dài.

Chân sút dài JK Scott

Luật chơi và thời gian thi đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Một đội chỉ ghi điểm khi cầu thủ của đội đó đặt được quả bóng vào phía sau đường biên ngang của phần sân đối phương, hay còn gọi là đường biên ghi bàn (goal line), là được tính điểm.Cách tính điểm như sau đưa bóng vào khu vực vùng cấm địa (touchdown) và đặt nó vào phía sau goal line sẽ được 6 điểm, sau đó đá vào cầu môn từ khoảng cách 3 yard sẽ được thêm 1 điểm hoặc làm 1 cú touchdown từ khoảng cách 3 yard sẽ được 2 điểm. Cú đá phạt thành công được 3 điểm khi quả bóng chui qua hai cột đứng vào cao hơn xà ngang.cầu thủ lần lượt nắm quyền tấn công và phòng ngự. Đội tấn công được thực hiện 4 lượt xuống bóng để tiến lên khoảng cách 10 yard. Nếu không ghi được điểm trong đợt tấn công đó thì đến lượt đội kia có bóng. Mỗi lần thay đổi quyền tấn công, cả 22 cầu thủ của hai đội sẽ rời sân thay người. Đội bị mất bóng sẽ thay toàn bộ cầu thủ chuyên phòng ngự, còn đội phòng ngự trước đó sẽ thay bằng đội hình tấn công.

Thời gian thi đấu mỗi trận đấu dài 60 phút, chia làm 4 hiệp, trừ thời gian chết (bóng ngoài cuộc), nên đôi khi tổng thời gian thi đấu trên sân lên đến 180 phút. Quả bóng được làm bằng da, nặng 400 gram, hình bầu dục, kẻ 2 vạch trắng để dễ nhìn nhưng ở NFL lại không có. Trọng tài còn được gọi là "Những con ngựa vằn" vì bộ đồng phục trắng, kẻ sọc đen. Mỗi trận đấu có từ 4 đến 7 trọng tài làm nhiệm vụ.

NFL và Super Bowl[sửa | sửa mã nguồn]

Super Bowl (tạm dịch: Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) là trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL - National Football League), hiệp hội hàng đầu của bóng bầu dục Mỹ, kể từ năm 1967 và thường được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng Hai dương lịch, gọi là Super Bowl Sunday (Chủ nhật Siêu Cúp).

Cuối lễ khai mạc Super Bowl 50

Đội thắng cuộc nhận được cúp Vince Lombardi Trophy, được đặt tên theo huấn luyện viên của đội Green Bay Packers, đội đã giành được chiến thắng hai trận Super Bowl đầu tiên và ba trong số năm giải vô địch NFL trước đó (năm 1961, 1962, và 1965). Cúp này được thực hiện độc quyền bởi hãng Tiffany & Co với giá 25.000 USD. Cuối trận đấu, cầu thủ xuất sắc nhất (Most Valuable Player - viết tắt: MVP) sẽ được chọn và trao Cúp Pete-Rozelle, được đặt tên theo cựu ủy viên NFL Pete Rozelle. Các thành viên của đội chiến thắng sẽ được nhận những chiếc nhẫn làm bằng vàng và kim cương, được gọi là Super Bowl ring.

Trong hầu hết các năm qua, Super Bowl là chương trình được theo dõi nhiều nhất trong các chương trình phát sóng của truyền hình Mỹ. Ngày Chủ nhật Siêu Cúp của giải Super Bowl không chỉ là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất mà bây giờ được xem de facto như là ngày lễ quốc gia của Hoa Kỳ.[8]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Football by the Numbers”. National Football Foundation (bằng tiếng Anh). 25 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2024.
  2. ^ “NFL revenue 2022”. Statista (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2024.
  3. ^ Ozanian, Mike. “The World's 50 Most Valuable Sports Teams 2023”. Forbes (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2024.
  4. ^ Peralta, Eyder (10 tháng 6 năm 2010). “Football Or Soccer? What's In A Name?”. NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2014.
  5. ^ Nelson 1993, pp. 15, 22.
  6. ^ Geoghegan, Tim (27 tháng 5 năm 2013). 'In the six' and football's other strange Americanisms”. BBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2013.
  7. ^ Huntsdale, Justin (13 tháng 6 năm 2012). “Living off the grid: American football in coastal Australia”. Australian Broadcasting Company. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2013.
  8. ^ Super Bowl underscores cultural divide

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Sách[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]