Chủ nghĩa nhân bản Marxist

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chủ nghĩa nhân bản Marxist là một trường phái tư tưởng chính trị bắt nguồn từ sự diễn giải các tác phẩm của Karl Marx. Trường phái này tìm lời giải đáp cho những câu hỏi như "bản tính con người gồm những gì và loại xã hội nào có lợi nhất cho sự sống của con người"[1] đứng từ quan điểm phê phán xã hội của triết học Marx. Các nhà nhân bản Marxist cho rằng bản thân Marx cũng quan tâm đến những vấn đề tương tự như vậy.[2]

Chủ nghĩa nhân bản Marxist ra đời vào năm 1932 sau khi Các bản thảo kinh tế và triết học 1844 của Marx được công bố, phát triển mạnh vào khoảng những năm 1950 và 1960. Các nhà nhân bản Marxist cho hay tồn tại sự liên tục giữa các bản thảo sớm của Marx, trong đó ông phát triển lý thuyết của mình về sự tha hóa, và chỉ trích về tư bản trong các tác phẩm thời kỳ muộn như cuốn Das Kapital.[3] Họ cho rằng việc nắm rõ nền tảng triết học Marx là điều cần thiết để ta có thể thấu hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của ông.[4]

Trái ngược với trường phái chủ nghĩa duy vật biện chứng của Liên Xô và trường phái cấu trúc luận Marx của Louis Althusser, các nhà tư tưởng thuộc trường phái nhân bản lập luận rằng công trình của Marx là sự mở rộng hoặc sự vượt lên Chủ nghĩa nhân bản thời kỳ Phục hưng.[5] Trong khi các triết gia Marxist khác coi chủ nghĩa Marx như một khoa học tự nhiên, thì các triết gia nhân bản Marxist lại tái khẳng định lập trường "con người là thước đo mọi vật" – rằng con người về cơ bản khác biệt với mọi sự trong trật tự tự nhiên.[6]

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Mầm mống Chủ nghĩa nhân bản Marxist đã manh nha xuất hiện khi cuốn Lịch sử và Ý thức giai cấp của György Lukács và cuốn chủ nghĩa Marx và Triết học của Karl Korsch được xuất bản vào năm 1923.[6] Trong hai tác phẩm này, Lukács và Korsch nhấn mạnh các yếu tố triết học Hegel trong tư tưởng của Karl Marx. Hai ông cho rằng chủ nghĩa Marx không đơn thuần là lý thuyết về kinh tế chính trị cải tiến từ những lý thuyết tiền thân, và cũng không phải là xã hội học khoa học, giống khoa học tự nhiên. chủ nghĩa Marx trước tất là một sự phê phán - sự cải tạo xã hội mang tính tự-ý thức.[7]

György Lukács

Tác phẩm của Korsch nhấn mạnh học thuyết của Marx về sự thống nhất giữa lý thuyết và thực tiễn, coi cách mạng xã hội chủ nghĩa là "sự hiện thực hóa triết học".[8] Chủ nghĩa Marx không làm lỗi thời triết học, như một số người Marxist "thô tục" tin lầm; thay vào đó, chủ nghĩa Marx bảo tồn chân lý của triết học cho đến khi chúng được cách mạng hóa thành hiện thực.[7]

Lukács giới thiệu khái niệm "đồ vật hóa" trong bài luận nổi bật nhất của ông.[9] Trong các xã hội tư bản, các thuộc tính, quan hệ và hành động của con người bị biến đổi thành thuộc tính, quan hệ và hành động của những vật do con người sản xuất, trở nên độc lập với con người và chi phối cuộc sống của con người. Những thứ do con người sản xuất sau đó bị chính con người ngộ nhận là vốn dĩ đã độc lập với họ. Ngược lại, con người bị biến đổi thành những sinh thể giống đồ vật, không hành xử như người, mà tuân theo luật của thế giới-đồ vật. Lukács lập luận rằng các yếu tố của khái niệm này đã được Marx đề cập ngầm định trong kiệt tác Das Kapital với khái niệm sùng bái hàng hóa.[10] Xã hội tư sản đánh mất vai trò hành động của con người trong việc tạo dựng ý nghĩa xã hội. Nó coi lượng giá trị là thứ nội tại của mọi vật, và coi con người như hàng hóa.[11]

Các tác phẩm của Antonio Gramsci cũng có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự phát triển của lối biện giải nhân bản về chủ nghĩa Marx. Khi nhấn mạnh đến món nợ của Marx với Hegel, Gramsci coi chủ nghĩa Marx là một "triết học thực tiễn" và là một "chủ nghĩa lịch sử tuyệt đối" vượt lên chủ nghĩa duy vật và duy tâm truyền thống.[12]

Các bản thảo kinh tế-triết học của Marx được công bố vào năm 1932 đã thay đổi đáng kể lối suy tưởng của giới hàn lâm về các tác phẩm của ông.[13] Các bản thảo này được viết vào năm 1844, khi Marx đã 25 hoặc 26 tuổi.[14] Chúng đã hé lộ cách đọc hiểu của Marx về kinh tế chính trị, mối quan hệ giữa triết học của ông với triết học của Georg Wilhelm Friedrich HegelLudwig Feuerbach, cũng như quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản, bên trong một khuôn khổ lý thuyết mới. Trong tác phẩm này, Marx vay mượn các thuật ngữ triết học của Hegel và Feuerbach để phê phán xã hội tư bản nhờ khái niệm "tha hóa lao động".[13] Thông qua hoạt động của mình, con người đã trở nên xa lạ với những khả năng của bản thân: với sản phẩm từ hoạt động của chính họ, với thiên nhiên nơi họ sinh sống, với người khác và với chính mình. Khái niệm này không đơn thuần chỉ nhằm diễn tả về thế giới, mà còn là lời kêu gọi xóa bỏ sự tha hóa thông qua sự biến đổi căn bản về thế giới.[15]

Các dòng tư tưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Jean-Paul Sartre

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc chiếm đóng Pháp của Đức khép lại, tạp chí cánh tả độc lập Les Temps modernes được thành lập vào năm 1946.[16] Ban biên tập khi đầu của tờ báo này bao gồm hai nhà triết học hiện sinh nổi tiếng là Jean-Paul SartreMaurice Merleau-Ponty.[17] Tuy bày tỏ sự ủng hộ đối với cương lĩnh chính trị cũng như chiến lược của Đảng Cộng sản PhápLiên Xô lúc bấy giờ, hai ông đồng thời cũng nỗ lực xây dựng một chủ nghĩa Marx mới mang màu sắc hiện tượng học và hiện sinh, chống lại chủ nghĩa Stalin. Theo quan điểm của họ, sự thất bại của các Đảng Cộng sản ở phương Tây trong việc lãnh đạo cách mạng và sự nảy sinh cơ cấu nhà nước chuyên chế ở Liên Xô đều liên quan đến khía cạnh "chủ nghĩa tự nhiên" và "chủ nghĩa khoa học" của học thuyết Marxist chính thống. chủ nghĩa Marx chính thống không phải là lý thuyết về sự tự giải phóng mang tính cách mạng, mà là một ngành khoa học tự xưng áp đặt lên lịch sử một chiều hướng diễn tiến nhất định nhân danh "những quy luật sắt" không thể bác bỏ.[18] Trái lại, Sartre và Merleau-Ponty đã tạo nên một quan điểm duy chủ quan về lịch sử, nhấn mạnh rằng kinh nghiệm sống của tác nhân lịch sử chính là nguồn gốc của tri nhận.[19]

Năm 1939, Henri Lefebvre, khi đó là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, ra mắt tác phẩm Chủ nghĩa duy vật biện chứng.[20] Cuốn sách này, được viết vào năm 1934–5, đã tái định hình công trình của Marx dưới ánh sáng của các Bản thảo năm 1844.[21] Lefebvre phản bác rằng biện chứng đối với Marx không phải là "biện chứng của tự nhiên" (theo lời Friedrich Engels) mà thay vào đó là dựa trên các khái niệm về sự tha hóathực tiễn.[20] Sau khi Liên Xô dập tắt biến loạn ở Hungary vào năm 1956, Lefebvre - cùng với Kostas Axelos, Jean Duvignaud, Pierre FougeyrollasEdgar Morin - thành lập tạp chí Arguments, ấn phẩm mà về sau trở thành tâm điểm của sự phê bình nhân bản Marxist đối với chủ nghĩa Stalin. Lefebvre không chỉ rút ra lý thuyết tha hóa của ông từ Bản thảo mà còn từ Sartre, nhằm trình bày một phê bình bao gồm các phong cách tiêu dùng, văn hóa, hệ thống ý nghĩa và ngôn ngữ của chủ nghĩa tư bản.[20]

Bắt đầu từ cuối những năm 1950, Roger Garaudy, phát ngôn viên triết học thâm niên của Đảng Cộng sản Pháp, đã đưa ra lối giải thích nhân bản về Marx xuất phát từ những tác phẩm đầu tay của ông, đóng vai trò làm mối giữa những người Cộng sản và giới triết học hiện sinh, giới hiện tượng học cùng các Kitô hữu.[22]

E. P. Thompson

Giai đoạn sau cái chết của Joseph Stalin vào năm 1953 chứng kiến ​​một số phong trào đòi tự do ở Đông Âu.[23] Sau bài phát biểu bí mật tố cáo chủ nghĩa Stalin của Nikita Khrushchev, Bản thảo năm 1844 của Marx đã được vận dụng làm nền tảng cho một "Chủ nghĩa nhân bản xã hội" mới ở các nước như Hungary, Ba LanTiệp Khắc.[23] Hội Petofi, bao gồm một số học trò của György Lukács, trở thành tâm điểm của cái gọi là "chủ nghĩa xét lại" ở Hungary.[24] Năm 1959, nhà văn Ba Lan Leszek Kołakowski xuất bản bài báo "Karl Marx và định nghĩa cổ điển về chân lý", phân định rõ rành ranh giới giữa lý thuyết tri thức trong các tác phẩm của Marx thời trẻ và các lý thuyết của Engels và Lenin về sau.[25] Luận đề này được tiếp thu bởi bởi Adam Schaff,[26] một thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, và được ông mở rộng nghiên cứu về sự tồn tại dai dẳng của sự tha hóa trong các xã hội theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.[27] Nhà triết học Tiệp Khắc Karel Kosik cũng đưa ra phê phán về chủ nghĩa giáo điều cộng sản trong cuốn Phép biện chứng cụ thể, điều mà rốt cuộc khiến ông bị cầm tù.[28]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Alderson 2017, tr. 17.
  2. ^ Smith 1998.
  3. ^ Fromm 1966, tr. 69-79; Petrović 1967, tr. 35–51.
  4. ^ Marcuse 1972.
  5. ^ Spencer, Robert (17 tháng 2 năm 2017). “Why We Need Marxist-Humanism Now”. London: Pluto Press. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2019.
  6. ^ a b Edgley 1991, tr. 420.
  7. ^ a b Jacoby 1991, tr. 582.
  8. ^ McLellan 1980, tr. 211.
  9. ^ Mészáros 1991, tr. 242.
  10. ^ Petrović 1991b, tr. 463.
  11. ^ Soper 1986, tr. 44.
  12. ^ Soper 1986, tr. 45.
  13. ^ a b Arthur 1991, tr. 165.
  14. ^ Colletti 1992, tr. 15.
  15. ^ Petrović 1991a, tr. 11.
  16. ^ Anderson 1976, tr. 37-38.
  17. ^ Benton 1984, tr. 5-6.
  18. ^ Benton 1984, tr. 6.
  19. ^ Benton 1984, tr. 10.
  20. ^ a b c Soper 1986, tr. 84.
  21. ^ Anderson 1976, tr. 51.
  22. ^ McLellan 1980, tr. 212; Kołakowski 1978b, tr. 482; Garaudy 1967; Garaudy 1970; Garaudy 1966.
  23. ^ a b Soper 1986, tr. 85.
  24. ^ Kołakowski 1978b, tr. 464.
  25. ^ McLellan 1980, tr. 214; Kołakowski 1968.
  26. ^ Schaff 1962.
  27. ^ McLellan 1980, tr. 214.
  28. ^ Soper 1986, tr. 86.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]