Nguyễn Chấn (Phú Yên)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Chấn
Chức vụ
Nhiệm kỳTháng 6, 1951 – Tháng 12, 1951
Tiền nhiệmLê Trọng Khoan
Kế nhiệmLê Thứ
Vị trí Việt Nam
Thông tin chung
Sinh1914
Tuy Hòa, Phú Yên
Mất1985
Nha Trang, Khánh Hòa
Nơi ở20 Tô Hiến Thành, Nha Trang, Khánh Hòa
Nghề nghiệpGiáo viên[1]
Dân tộcKinh
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Chấn (1914–1985) là nhà cách mạng và chính khách Việt Nam, từng đảm nhiệm vai trò Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Cục trưởng Cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông Công chính, tham gia chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Hoạt động cách mạng[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Chấn quê ở làng Phước Hậu, phủ Tuy Hòa[a], tỉnh Phú Yên.[2] Ông cùng nhiều bạn học như Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương, Đặng Trích, Võ Cao Thức, Mang Tấn Cảnh, Nguyễn Sung, Huỳnh Lưu,... được thầy giáo Trần Chương ở làng Ninh Tịnh[b] dẫn dắt đi theo phong trào cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.[3]

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Nguyễn Chấn được Phan Ngọc Bích kết nạp Đảng và giới thiệu vào chi bộ Đảng của Trần Hào. Phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp, các đồng chí Phan Ngọc Bích, Trần Hào, Trần Toại, Phan Lưu Thanh,... lần lượt bị bắt, khiến ông bị mất liên lạc với tổ chức Đảng.[3]

Khoảng 1932-1934, ông cùng hai bạn học là Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. Ba người liên hệ được với Trần Hào lúc này đã ra tù và đang học nghề thuốc ở làng Phước Hậu. Năm 1935, Trần Hào liên hệ được với đồng chí Phan Lưu Thanh mới ra tù.[3]

Ngày 20 tháng 10 năm 1935, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập ở làng Phước Hậu gồm Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại và Đỗ Tương, do Trần Hào làm Bí thư. Đến tháng 11, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Phú Yên được thành lập, gồm Bí thư Trần Hào, Lê Tấn Thăng, Trịnh Ba, Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương, Nguyễn Hạnh.[3][4][5] Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, ông cùng đồng chí Lê Tấn Thăng được phân công về tổng Hòa Đồng[c] hoạt động.[6]

Tháng 6 năm 1936, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, có sự góp mặt của Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Thành Nghi, ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy chính thức. Năm 1938, trong phong trào đấu tranh dân chủ, ông được nhân dân làng Phước Hậu bầu làm Hương bộ, Trần Tân làm Hương mục, Đỗ Tương làm Lý trưởng.[4] Năm 1939, phong trào bị đàn áp, ông lại mất liên lạc với Đảng cho đến tháng 3 năm 1945.[2]

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, ông là thành viên Ủy ban khởi nghĩa Tuy Hòa, lãnh đạo việc cướp chính quyền ở phủ Tuy Hòa.[7] Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Chấn, Đinh Nho Khôi, Lê Duy Trinh, Trần Đình San, chỉ trong một ngày, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ được toàn phủ.[8]

Công tác vận tải[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm 1945, ông được Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên cử về tổng Hòa Đồng kiểm tra và củng cố tổ chức mặt trận, chính quyền cơ sở.[9]

Tháng 6 năm 1951, tại Hội nghị Đảng bộ, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.[10] Đến tháng 12 năm 1951, ông thôi chức vụ Bí thư Tỉnh ủy để nhận lệnh ra chiến khu Việt Bắc.[11] Năm 1952, ông được cử đi học ở Trung Quốc. Sau khi về nước, ông cùng Dương Bạch Liên, Bình Tâm, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Ninh, Lê Khắc, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đình Doãn,... được điều về Bộ Giao thông Công chính để phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc.[12] Ông đảm nhiệm chức vụ Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Đường bộ.[2][13]

Năm 1954, với tư cách Cục trưởng Cục Đường bộ, ông được Bộ trưởng Trần Đăng Khoa phân công tham gia chỉ đạo việc tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ông trực tiếp phụ trách các tuyến vận tải từ Khu 3 qua Hòa Bình lên Điện Biên, góp phần vào thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.[2][13]

Năm 1968, Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công cử Huỳnh Trúc ra Hà Nội để mời ông về phụ trách công tác vận tải ở chiến trường miền Trung. Nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng không phê duyệt: Đồng chí Nguyễn Chấn là một cán bộ giỏi, có năng lực tổ chức thực hiện, để Trung ương sử dụng có lợi hơn ở địa phương.[14]

Năm 1974, ông được Hội đồng chi viện Trung ương giao nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí qua tuyến lửa Khu 4, góp phần vào thắng lợi của Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975.[14]

Cuối đời[sửa | sửa mã nguồn]

Sau 1975, ông nghỉ hưu, về sống ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).[14]

Những năm cuối đời, ông bị Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải nghi ngờ, không công nhận là cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa.[14]

Ông mất năm 1985 ở bệnh viện Nha Trang.[14]

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Em trai ông Nguyễn Liêm cũng là một nhà hoạt động cách mạng.[6] Anh trai ông có hai con trai cùng tập kết ra miền Bắc năm 1964, gửi lại một con gái là Nguyễn Thị Ngọc Hường ở Nam. Bà Hường từng là nhân viên đánh máy cho Văn phòng Tỉnh ủyMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Phú Yên, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.[15]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nay là Khu phố Phước Hậu, phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  2. ^ Nay là thôn Ninh Tịnh, xã Bình Kiến, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  3. ^ Nay là bốn xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Phan Thanh (15 tháng 10 năm 2016). “Vang bóng ngôi trường trung học đầu tiên của Phú Yên”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  2. ^ a b c d Đặng Ca (7 tháng 5 năm 2014). “Người Phú Yên chiến đấu ở Điện Biên”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  3. ^ a b c d Thành Nam (5 tháng 1 năm 2019). “Những hạt giống đỏ đầu tiên”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  4. ^ a b Thành Việt (17 tháng 6 năm 2016). “Đấu tranh công khai tại Tuy Hòa”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  5. ^ Xuân Hiểu (18 tháng 10 năm 2010). “Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng làng Phước Hậu, nơi ra đời Tỉnh ủy Phú Yên”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  6. ^ a b Thành Nam (14 tháng 7 năm 2017). “Phong trào cách mạng Hòa Xuân năm 1935-1945”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  7. ^ Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phú Yên 395 năm hình thành và phát triển (1611-2006)
  8. ^ Nguyễn Văn Thưởng (4 tháng 1 năm 2018). “Cách mạng tháng Tám 1945 ở Phú Yên và những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay”. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  9. ^ “Chính quyền nhân dân Tổng Hòa Đồng sau Cách mạng Tháng Tám”. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên. 25 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  10. ^ Huỳnh Tấn Việt (9 tháng 1 năm 2020). “Phú Yên trong lòng quê hương kết nghĩa Hải Dương”. Báo điện tử Hải Dương. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  11. ^ “Những mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ tỉnh Phú Yên”. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên. 6 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  12. ^ “Sự hình thành và hoạt động của chi bộ Đảng đầu tiên cơ quan Bộ Giao thông công chính khi thành lập bộ đến kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954)”. Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2021.
  13. ^ a b Phan Thanh; Đặng Ca (7 tháng 5 năm 2019). “Phú Yên với chiến trường chính Điện Biên Phủ”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2021.
  14. ^ a b c d e Huỳnh Trúc (30 tháng 5 năm 2008). “Hai chiến sĩ Điện Biên Phủ quê Phước Hậu”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2021.
  15. ^ Phan Xuân Luật (2 tháng 1 năm 2011). “Chuyện cảm động về người nữ du kích năm xưa đi tìm con”. Báo Công an nhân dân điện tử. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2021.