Phạm Hữu Chí

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Phạm Hữu Chí (1905–1938) là bác sĩ Việt Nam, được biết đến vì là thấy thuốc chuyên chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo[1].

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Hữu Chí sinh ngày 25 tháng 3 năm 1905, tại làng An Ngãi, quận Long Điên, nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông sinh ra trong một gia đình hiếu học, có truyền thống làm nghề y, chữa bệnh cứu người. Ông nội là Phạm Văn Thuận, là nhà nho và danh y, bốc thuốc ở Chợ Bến. Cha là Phạm Hữu Đức, giáo học kiêm Thanh tra tiểu học ở các trường trong địa bàn tỉnh. Anh ruột là Phạm Hữu Hạnh, dược sĩ có nhà thuốc tư[2].

Từ nhỏ Phạm Hữu Chí đã nổi tiếng là "thần đồng". Sau khi đỗ bằng tiểu học lúc 9 tuổi, ông lên Sài Gòn và học ớ trường Gia Định. Năm 1920, ông được trao tặng học bổng ra học ở Hà Nội. Năm 1922, Phạm Hữu Chí thi đậu vào trường Đại học Y – Dược Đông Dương. Năm 1923, Phạm Hữu Chí bị nhà trường cảnh cáo và cắt mất học bổng do ông cùng một nhóm sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối một giáo sư Pháp vì đã đối xử thô bạo, thiếu Văn hóa đối với sinh viên Việt Nam. Năm 1925, ông sang Pháp du học và ghi danh vào học ở trường Đại học Y khoa Paris[3].

Tháng 6 năm 1930, Phạm Hữu Chí trúng tuyển vào kỳ thi bác sĩ nội trú với điểm cao. Thông minh và chặm chỉ, nên ông được giáo sư André Lenierre, Quản đốc bệnh viện Claude Bernard đặc biệt chú ý và chọn làm trợ tá. Tháng 6 năm 1935, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa hạng Xuất Sắc. Ông đã từ chối lời mời của Công ty khai thác kênh đào Suez (kênh nối Hổng Hải với Địa Trung Hải) với mức lương 200.000 franc mỗi năm[2].

Trong kỳ thi tuyển y viện trưởng cho trường Đại học Y khoa Pháp, nhưng quốc tịch Pháp mới được dự thi. Giáo sư Lenierre khuyên ông làm đơn xin gia nhập Quốc tịch Pháp, để được dự thi nhưng ông từ chối. Cảm phục tinh thần dân tộc của ông nên Giáo sư Lenierre tìm mọi cách vận động để ông được thi. Phạm Hữu Chí đã đỗ thủ khoa y viện trưởng, làm giảng viên tại Bệnh viện C. Bernard. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, được Tổng trưởng y tế Pháp thưởng huy chương đồng. Trong khi chuẩn bị thi thạc sĩ y khoa, thì bạn ông là bác sĩ Đặng Vũ Lạc, qua Pháp tìm ông và đề nghị hợp tác mở bệnh viện Henri Coppin tại Hà Nội. Ông trở về nước hợp tác với bác sĩ Đặng Vũ Lạc.

Phạm Hữu Chí tận tụy cứu chữa người bệnh mà quên mình. Đến khi mắc bệnh nặng, ông vào Sài Gòn dưỡng bệnh, rồi mất ngày 25 tháng 2 năm 1938 hưởng thọ 33 tuổi.[2]

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vì đạt được những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực y học, Phạm Hữu Chí được đặt tên cho con tàu 3.100 tấn chạy tuyến châu Âu – Viễn Đông[2].
  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Năm 1955, tên ông được đặt cho một con đường ở Phường 12, Quận 5, trên cơ sở đổi tên từ đường Mạc Đĩnh Chi do chính quyền Bảo Đại đặt ra vào năm 1954[4].
  • Tại Biên Hòa: Tên ông đặt cho một Bệnh viện ở Biên Hòa, với tên gọi bệnh viện Phạm Hữu Chí. Sau năm 1975, bệnh viện này được đổi tên thành bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai.
  • Ngoài ra, Tên ông còn được đặt cho một số ngôi trường ở Việt Nam.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Hoàn thành trùng tu mộ bác sĩ Phạm Hữu Chí”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2015.
  2. ^ a b c d “Lịch sử ngành Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu (1945 - 2006)”. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2015.
  3. ^ Địa chí Bà Rịa-Vũng Tàu. tr. 975. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2015.
  4. ^ “Đường Phạm Hữu Chí”. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2015.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]