Thẻ nhiên liệu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thẻ nhiên liệu Dibee
Thẻ nhiên liệu Dibee

Thẻ nhiên liệu, thẻ xăng dầu hay thẻ đội xe là một loại thẻ thanh toán, được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán nhiên liệu như xăng, dầu diesel và các loại nhiên liệu khác tại trạm xăng dầu. Thẻ đội xe cũng có thể được sử dụng để thanh toán phí bảo dưỡng xe và các loại chi phí khác tùy theo nhu cầu của chủ sở hữu đội xe hay quản lý đội xe. Hầu hết thẻ nhiên liệu là thẻ có tính phí.

Thẻ đội xe là một loại thẻ độc đáo do có tính năng báo cáo tiện lợi và toàn diện. Thẻ đội xe cho phép chủ sở hữu/quản lý đội xe truy xuất báo cáo theo thời gian thực và thiết lập các giới hạn trong giao dịch mua nhiên liệu, từ đó nắm và kiểm soát tốt hơn các chi phí của doanh nghiệp.

Thẻ Corporate Fleet
Thẻ Corporate Fleet

Không những các hãng nhiên liệu như Shell, Chevron, ExxonMobil phát hành thẻ đội xe mà còn có các công ty chuyên cung ứng thẻ đội xe như Edenred, WEX Inc., Comdata, FleetCards USA, Petrol Plus Region, Fuelman và nhiều hãng thẻ khác. Bên cạnh đó, nhiều công ty rideshare cũng cấp thẻ đội xe cho tài xế, cho phép tài xế khấu trừ chi phí nhiên liệu vào thu nhập.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Anh[sửa | sửa mã nguồn]

Thời sơ khai, trên thẻ nhiên liệu chỉ in tên công ty, biển số xe ở mặt trước, và dải băng chữ ký ở mặt sau mà không chứa dữ liệu điện tử. Nhân viên trạm xăng sẽ xác thực tên công ty và biển số xe, sau đó so sánh chữ ký trên hóa đơn với chữ ký ở mặt sau thẻ. Nếu thông tin hợp lệ, nhân viên trạm xăng sẽ cấp nhiên liệu cho tài xế.

Ban đầu, mạng lưới trạm xăng chấp nhận thẻ nhiên liệu rất nhỏ hẹp và chỉ nằm trên một số tuyến vận chuyển của xe tải. Chẳng hạn, vào năm 1983, mạng lưới trạm xăng chấp nhận thẻ của hãng Keyfuels chỉ có 7 trạm xăng, do đó hãng chỉ hướng tới khách hàng là các công ty chở hàng hoặc giao nhận.

Ban đầu thông tin trên thẻ đội xe được in dẫn đến bị mờ trong quá trình sử dụng. Vài năm sau, thẻ được cải tiến, thông tin trên thẻ được dập nổi, giúp tuổi thọ của thẻ bền hơn.

Lúc này do chưa có dữ liệu điện tử, thông tin giao dịch được ghi lại bằng phiếu giao dịch thủ công. Các thông tin như ngày, giờ, khối lượng, loại nhiên liệu và biển số xe được ghi chép lại bằng tay.

Từ giữa tới cuối những năm 1980, thẻ đội xe bắt đầu được ứng dụng công nghệ dải băng từ. Nhờ có dải băng từ, nhân viên trạm xăng có thể xử lý giao dịch qua thẻ đội xe bằng máy thanh toán, tránh được sai sót do ghi chép thông tin giao dịch bằng tay.

Dải băng từ cũng cho phép đơn vị phát hành thẻ tăng cường tính bảo mật bằng mã PIN. Tuy nhiên, mặc dù dải băng từ đã được quét bằng máy đọc thẻ, giao dịch vẫn cần xác thực bằng cách kiểm tra chữ ký cho tới ngày nay.

Khi các thiết bị thanh toán ngoài trời trở nên phổ biến, mã PIN trở thành yếu tố bắt buộc đối với thẻ đội xe.

Lý do người ta thay thế dải băng từ bằng smartchip là bởi dải băng từ dễ sao chép thông tin và làm giả. Bên cạnh đó, tần suất sử dụng của thẻ đội xe lớn hơn rất nhiều so với thẻ ghi nợ hay tín dụng, do đó dải băng từ sẽ bị mòn nhanh hơn rất nhiều.

Công nghệ smartchip (tương tự như công nghệ Chip and PIN) là tiến bộ lớn nhất của ngành thẻ đội xe trong những năm gần đây.

Tại Hoa Kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Hoa Kỳ, thẻ đội xe bắt đầu trở nên phổ biến vào những năm 1960 và 1970. Khi đó các nhà marketing và chủ trạm xăng vẫn sử dụng hệ thống key stop/key lock[1] và card lock [2] độc lập.

Hệ thống key stop/key lock là hệ thống kiểm soát nhiên liệu sử dụng một chìa khóa đặc biệt để mở vòi bơm nhiên liệu, giúp theo dõi lượng nhiên liệu được bơm qua vòi bơm có gắn chìa khóa. Tuy nhiên công nghệ này đã lỗi thời và không còn xuất hiện trên thị trường.

Hệ thống card lock là hệ thống sử dụng thẻ bấm lỗ hoặc thẻ từ để nhận diện người mua nhiên liệu thông qua một server riêng, nhờ đó tránh được phí liên ngân hàng làm đội chi phí mua nhiên liệu.

Chiếc thẻ đội xe đầu tiên trên thị trường có bề ngoài giống một chiếc thẻ tín dụng, có tên và logo công ty. Khi tài xế mua xăng dầu, nhân viên trạm xăng sẽ kiểm tra tên tài xế và thông tin công ty để xác thực thông tin chủ thẻ, tuy nhiên quá trình này mất nhiều thời gian và dễ tạo điều kiện cho gian lận xảy ra.

Tới những năm 1980, khi máy tính và các phần mềm máy tính trở nên phổ biến, ngành công nghiệp thẻ đội xe nhanh chóng phát triển. Dải băng từ và máy đọc thẻ từ ra đời, cho phép kiểm soát giao dịch đổ nhiên liệu, đồng thời kéo theo sự ra đời của nhiều tính năng bảo mật và hệ thống báo cáo tiên tiến cho phép nhà quản lý theo dõi tất cả các chi phí của đội xe. Các hệ thống theo dõi thông minh này giúp hoạt động quản lý đội xe trở nên thuận tiện và bảo mật, cũng như cho phép người quản lý theo dõi tình hình sử dụng nhiên liệu một cách chính xác, truy xuất báo cáo theo thời gian thực về thói quen đổ nhiên liệu. Chủ doanh nghiệp có thể thiết lập giới hạn đổ nhiên liệu cho tài xế theo thời điểm trong ngày hoặc ngày trong tuần.

Tại Ấn Độ[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếc thẻ nhiên liệu đầu tiên xuất hiện tại thị trường Ấn Độ là thẻ do hãng Bharat Petroleum phát hành vào năm 2001. Sản phẩm thẻ này chủ yếu hướng tới khách hàng mua lẻ và sử dụng phương tiện cá nhân. Sau đó, tất cả các công ty xăng dầu đã ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng hướng tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, chẳng hạn như thẻ Smart Fleet của hãng Bharat Petroleum, thẻ XTRAPOWER của hãng Indian Oil, Drive Track của hãng Hindustan Petroleum, Transconnect của hãng Reliance Industries. Ban đầu sản phẩm thẻ Transconnect rất được ưa chuộng, nhưng sau đó đã mất bớt thị phần do sự chênh lệch giá quá lớn với các sản phẩm thẻ tương tự và hãng Reliance đã phải đóng cửa nhiều đại lý bán lẻ. Hiện nay, thẻ XTRAPOWER của Indian Oil là sản phẩm thẻ nhiên liệu phổ biến nhất tại Ấn Độ, xếp sau đó là Smart Fleet của hãng Bharat Petroleum và Drivetrack Plus của hãng Hindustan Petroleum.

Thị trường thẻ nhiên liệu tại Đông Nam Á[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2019, quy mô thị trường thẻ nhiên liệu toàn cầu được định giá là 672,84 tỷ đô la và dự kiến đạt 1.210,01 tỷ đô la vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng CAGR là 13,9% từ năm 2020 đến năm 2027. Đặc biệt, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR cao nhất đạt 16,1% trong giai đoạn 2020-2027.[3]

Tại Philippines[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay, Philippines là một trong những quốc gia có thị trường nhiên liệu phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Với dân số đứng thứ 2 khu vực (hơn 110 triệu người), thị trường nhiên liệu Philippines là một thị trường lớn và đang phát triển mạnh mẽ sau khi Chính phủ Philippines ban hành Luật bãi bỏ quy định về dầu mỏ năm 1998[4].

Năm 2008, Tập đoàn xăng dầu SEAOIL Philippines đã phát hành thẻ nhiên liệu trả trước Price Lock tiên phong thị trường thẻ nhiên liệu tại Philippines. Hiện tại, 5 tập đoàn xăng dầu lớn nhất tại Philippines [5]Petron Corporation, Shell Pilipinas, Chevron Philippines, SEAOIL Philippines và Phoenix Petroleum (chiếm hơn 64% thị phần), trong đó, các sản phẩm thẻ nhiên liệu của Petron Corporation (PMILES Value Card, Petron Fleet Card và Petron E-Fuel Card) hoặc thẻ nhiêu liệu của Shell Pilipinas (Shell Fleet Card) là những sản phẩm phổ biến nhất.

Tại Malaysia[sửa | sửa mã nguồn]

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một trong những quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ nhiên liệu nói chung và thẻ nhiên liệu nói riêng. Đáng chú ý, Petronas là thương hiệu dầu khí nổi tiếng nhất và là thương hiệu giá trị nhất Malaysia năm 2020[6].

Tuy nhiên, Petronas chưa phải là thương hiệu hàng đầu thị trường do phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiểu nổi tiếng khác như Shell Malaysia, Petron Malaysia và Chevron Caltex Malaysia. Tiêu biểu, thẻ nhiên liệu Shell Fuel Card của Shell Malaysia là sản phẩm thẻ nhiên liệu được người Malaysia sử dụng nhiều nhất (với dân số hơn 32,7 triệu người). Ngoài ra, thẻ nhiên liệu Petron Fleet Card của Petron Malaysia cũng được tin dùng khá nhiều tại bán đảo Malaysia với mạng lưới hơn 630 trạm xăng dầu.

Tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Việt Nam, thị trường thẻ nhiên liệu được hình thành vào khoảng năm 2009 với sản phẩm thẻ xăng dầu trả trước Flexicard [7] do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cùng Ngân hàng TMCP Petrolimex (PG Bank) phối hợp phát hành, và thẻ OP Plus + OP Card do ngân hàng Ocean Bank phát hành, cho phép người mua mua xăng dầu trả trước (giống như thẻ ghi nợ), hoặc trả sau (giống như thẻ tín dụng) và được hưởng chiết khấu giá xăng dầu. Kể từ đó, ngày càng nhiều thương hiệu xăng dầu và công ty dịch vụ tài chính tại Việt Nam tham gia vào mảng thẻ nhiên liệu nhằm hướng đến thanh toán xăng dầu không tiền mặt.

Tới năm 2018, thẻ xăng dầu Dibee của công ty dịch vụ tài chính Connexion ra mắt với đầy đủ tính năng thanh toán, báo cáo và thiết lập các loại giới hạn giao dịch. Đây được xem là sản phẩm thẻ nhiên liệu đầu tiên gần giống nhất với các thẻ nhiên liệu tại các thị trường đi trước. Tiếp sau đó MastercardVISA lần lượt cho ra mắt Corporate Fleet và Visa Fleet, đóng góp thêm 2 sản phẩm thẻ nhiên liệu cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam cũng ra mắt app thanh toán PVOil Easy với các tính năng tương tự như thẻ nhiên liệu. Hiện nay, thẻ Dibee, thẻ Flexicard là những sản phẩm thẻ nhiên liệu phổ biến nhất tại Việt Nam[8].

Những nhầm lẫn về thẻ nhiên liệu[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù thẻ nhiên liệu trông rất giống thẻ tín dụng và sử dụng công nghệ tương tự như thẻ tín dụng, chức năng và cách triển khai sử dụng của nó lại rất khác. Sự khác biệt này đủ lớn để phân biệt chúng thành hai phương thức thanh toán khác nhau, chủ yếu trên các phương diện sau:

  • Chu kỳ thanh toán ngắn hơn (LƯU Ý: Tuy nhiên doanh nghiệp có thể thương lượng về chu kỳ thanh toán trực tiếp với đơn vị phát hành thẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng)
  • Tiết kiệm chi phí hơn nhờ hệ thống được thiết kế để tránh các loại phí liên ngân hàng và các loại phí phụ thu khác
  • Có thể thiết lập giới hạn giao dịch trong một số loại nhiên liệu nhất định, chẳng hạn như chỉ mua được xăng, chỉ mua được xăng và dầu diesel v.v.
  • Có thể thiết lập định mức giao dịch nhờ công nghệ Smartchip
  • Có tính năng chống gian lận, chống ăn cắp xăng dầu
  • Sử dụng cổng thanh toán riêng với thẻ tín dụng/ghi nợ
  • Chi phí nhiên liệu thực chất chưa được trả ngay tại điểm bán mà chỉ ghi nhận vào tài khoản
  • Một số thẻ nhiên liệu cho phép thanh toán các sản phẩm liên quan như dầu nhớt, phí cầu đường, phí bảo dưỡng, chi phí lưu trú v.v

Tính năng bảo mật[sửa | sửa mã nguồn]

Tùy thuộc vào từng sản phẩm và đơn vị phát hành, thẻ đội xe có thể cung cấp các tính năng bảo mật sau[9]:

  • Giao dịch không tiền mặt
  • Công nghệ bảo mật chip-and-PIN
  • Báo cáo chỉ số công tơ mét cho từng giao dịch theo thời gian thực
  • Hóa đơn chi tiết thống kê từng giao dịch đã thực hiện
  • Hỗ trợ khóa thẻ khẩn cấp 24/7
  • Giới hạn giao dịch trong các sản phẩm nhiên liệu
  • Cảnh báo giao dịch bất thường
  • Hạn chế giao dịch bằng mã bưu điện để ngăn chặn giao dịch tại các khu vực cụ thể
  • Định mức số lượng giao dịch hàng ngày
  • Định mức khối lượng nhiên liệu mỗi giao dịch để ngăn chặn ăn cắp nhiên liệu
  • Giảm thiểu rủi ro làm giả thẻ
  • Gửi hóa đơn điện tử của từng giao dịch qua email hoăc tin nhắn theo thời gian thực
  • Cung cấp bằng chứng rõ ràng về hành vi ăn cắp nhiên liệu giúp bộ phận nhân sự có cơ sở để chấm dứt hợp đồng lao động với tài xế theo quy định của công ty

Các lợi ích của công nghệ thẻ chip thông minh[sửa | sửa mã nguồn]

Các nhà cung ứng thẻ đội xe đã nhận thấy nhiều ưu điểm của thẻ sử dụng công nghệ chip thông minh so với thẻ từ, chẳng hạn như:

  • Thẻ chip thông minh khó làm giả
  • Có thể thiết lập định mức nhiên liệu
  • Bền hơn nhiều so với thẻ từ, do đó tuổi thọ sử dụng cao hơn
  • Ít phải thay thế hơn
  • Không bị hư hỏng bởi sóng điện từ của các thiết bị như điện thoại di động, nam châm, loa vv.

Tính đến năm 2007, đã có khoảng 50% số lượng thẻ nhiên liệu trên thị trường sử dụng công nghệ chip thông minh.

Các tính năng khác của công nghệ chip thông minh[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà quản lý cũng có thể cài đặt hạn mức đổ nhiên liệu vào thẻ đội xe sử dụng công nghệ chip thông minh, cụ thể:

  • Khối lương nhiên liệu cho phép mỗi giao dịch
  • Khối lượng nhiên liệu cho phép mỗi ngày
  • Khối lượng nhiên liệu cho phép mỗi tuần
  • Ngày trong tuần được phép dùng thẻ
  • Giờ trong ngày được phép dùng thẻ
  • Số lần nhập sai mã PIN cho phép
  • Thời gian khóa thẻ khi nhập sai mã PIN quá số lần cho phép

Sử dụng trong doanh nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Thẻ đội xe được thiết kế nhằm phục vụ các nhu cầu của đội xe, tránh phần trăm chi phí phải trả cho các đơn vị phát hành thẻ tín dụng. Ngoài ra, thẻ đội xe cũng giúp ngăn chặn nguy cơ gian lận có thể xảy ra khi đội xe sử dụng thẻ tín dụng để mua xăng dầu do thẻ tín dụng chủ yếu ưu tiên sự tiện lợi mà ít chú trọng đến khả năng bảo mật tài chính[10].

Thông thường, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng thẻ đội xe là những doanh nghiệp sử dụng phương tiện hàng ngày, chẳng hạn như doanh nghiệp vận tải, chở hàng, chuyển phát. Một trong những lý do chính thu hút các doanh nghiệp sử dụng thẻ đội xe là để tiết kiệm chi phí nhiên liệu và chi phí quản lý. Ngoài khả năng tiết kiệm chi phí nhiên liệu đã đề cập ở trên, hệ thống thẻ nhiên liệu sẽ xuất cho doanh nghiệp một hóa đơn duy nhất mỗi tuần và doanh nghiệp có thể thanh toán bằng công nợ trực tiếp, giúp thay thế quy trình đối soát từng hóa đơn đơn lẻ mỗi kỳ đối soát. Đối với các doanh nghiệp lớn, số lượng hóa đơn có thể lên tới hàng trăm chiếc mỗi tuần.

Hầu hết các thẻ đội xe có thể mua nhiên liệu với giá sỉ. Lợi ích này giúp người mua có thể mua lẻ nhiên liệu mà vẫn được hưởng chiết khấu dành cho mua sỉ.

Thêm vào đó, thẻ đội xe giúp tăng cường khả năng quản lý và bảo mật giao dịch mua nhiên liệu tốt hơn rất nhiều. Những tính năng này tỏ ra hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận hành đội xe lớn đội khi lên tới hàng ngàn phương tiện.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp có thể được chiết khấu 1 - 4% giá mua lẻ nhiên liệu / lít dầu diesel. Chi phí thực tế doanh nghiệp nghiệp này tiết kiệm được có thể được minh họa như bảng sau:

Ví dụ về tiềm năng tiết kiệm chi phí đối với một đội xe trung bình[sửa | sửa mã nguồn]

Số lượng xe 35
Khối lượng nhiên liệu đổ mỗi lần (lít) 60
Số lần đổ (lần/tháng) 8
VAT 10%
Giá dầu diesel (đồng/lít) 14,328
Chi phí nhiên liệu hàng tháng (đồng) 264,781,440
Phần trăm chiết khấu 2.5%
Tổng chi phí tiết kiệm được mỗi tháng 6,619,536
Tổng chi phí tiết kiệm được mỗi năm (đồng) 79,434,432

Đây chưa phải là mức tiết kiệm quá lớn so với mua sỉ, nhưng vẫn là mức giá tốt hơn nhiều so với giá mua lẻ thông thường.

Thẻ nhiên liệu quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù hầu hết các thẻ nhiên liệu chỉ có thể sử dụng trong phạm vi một quốc gia cụ thể, một số đơn vị phát hành thẻ phát hành thẻ nhiên liệu quốc tế hoặc phát hành thông qua một bên thứ 3. Các hệ thống trạm xăng quốc tế thường sử dụng máy bơm xăng tự động hoàn toàn để tránh rào cản ngôn ngữ và được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhiều cơ chế thuế khác nhau, chẳng hạn như xuất hóa đơn cho mỗi quốc gia có mức thuế VAT khác nhau vào một tháng cố định. Các hệ thống trạm xăng này đôi khi cho phép hoàn lại một số phần trăm nhỏ VAT đã nộp tại mỗi quốc gia. Một số đơn vị phát hành thẻ nhiên liệu chỉ cung cấp thẻ cho đội xe doanh nghiệp, một số đơn vị khác cung cấp cả thẻ cá nhân. Thẻ nhiên liệu đã vươn tới nhiều nước châu Âu và được gọi bằng các tên gọi khác nhau như cartões de combustivel, cartecarburanti, tankpas zakelijk tankkaart or fleetpass, cartes de carburants, and Tankkarten.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Star Oilco, Fuel Simple (31 tháng 7 năm 2017). “Old School Fleet Fueling Key Lock System”. www.staroilco.net. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2021.
  2. ^ Star Oilco, Simple Fuel. “Cardlock Commercial Fuel Security Cards”. Star Oilco. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ Allied Market Research (tháng 9 năm 2020). “Fuel Cards Market by Type (Branded, Universal, and Merchant Fuel Cards), Application (Fuel Refill, Parking, Vehicle Service, Toll Charge, and Others): Global Opportunity Analysis and Industry Forecast, 2020–2027”. Allied Market Research.
  4. ^ Republic of the Philippines, Congress of the Philippines (10 tháng 2 năm 1998). “An Act Deguralating the Downstream Oil Industry, and for Other Purposes” (PDF).
  5. ^ Autodeal (30 tháng 11 năm 2019). “What are the biggest fuel companies in the Philippines?”. Auto Deal.
  6. ^ Statista (4 tháng 7 năm 2021). “Brand value of the most valuable Malaysian brands in 2020”. Statista.
  7. ^ Nhân Dân (14 tháng 10 năm 2009). “Phát hành thẻ Flexicard”.
  8. ^ Vietnam Logistics Review (13 tháng 10 năm 2020). “Tiện ích với thẻ thanh toán xăng dầu điện tử”. Vietnam Logistics Review.
  9. ^ Star Oilco, Simple Fuel. “Monitor Fuel Purchases in Real Time”. Star Oilco. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2021.
  10. ^ Star Oilco, Simple Fuel (7 tháng 6 năm 2019). “Human Resource strategies to stop employees from stealing gas and diesel in your business with these best practices”. Star Oilco. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2021.