Tinh vân Boomerang

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tinh vân Boomerang
Tinh vân phản xạ
Tinh vân hành tinh
Tinh vân Boomerang, chụp bởi Kính viễn vọng không gian Hubble năm 1998
Credit: NASA/ESA
Dữ liệu quan sát: kỷ nguyên J2000
Xích kinh12h 44m 45,45s[1]
Xích vĩ−54° 31′ 11,4″[1]
Khoảng cách5.000 ly
Không gian biểu kiến (V)1,445 × 0,724[1]
Chòm saoBán Nhân Mã
Đặc trưng vật lý
Bán kính1 ly
Tên gọi khácTinh vân lưỡng cực Bán Nhân Mã, ESO 172-7, 2MASS J12444609-5431133, LEDA 3074547[1]
Xem thêm: Danh sách tinh vân

Tinh vân Boomerang là một tinh vân tiền hành tinh[2] nằm trong chòm sao Bán Nhân Mã, cách Trái Đất 5.000 năm ánh sáng. Nó còn được biết đến với tên gọi tinh vân Bow Tie (tạm dịch: Nơ Bướm) và được phân loại là LEDA 3074547.[3] Nhiệt độ của tinh vân đo được vào khoảng 1 K (−272,15 °C; −457,87 °F), khiến nó trở thành địa điểm tự nhiên lạnh nhất từng được biết đến trong vũ trụ.[4][5][6]

Các nhà thiên văn học cho rằng tinh vân Boomerang là một hệ sao đang tiến hóa sang giai đoạn tinh vân hành tinh. Nó tiếp tục hình thành và phát triển nhờ dòng khí thoát ra từ lõi, nơi một ngôi sao trong giai đoạn cuối đời đang mất dần khối lượng và tỏa ra ánh sáng sao khiến bụi trong tinh vân trở nên rực rỡ. Những hạt bụi kích cỡ milimét che đi các phần của trung tâm tinh vân, vì vậy phần lớn ánh sáng thoát ra ở hai thùy đối diện nhau tạo nên hình dạng giống như một chiếc đồng hồ cát khi nhìn từ Trái Đất. Dòng khí trào ra di chuyển với tốc độ khoảng 164 km/s và đang giãn nở nhanh chóng khi tiến vào không gian; sự giãn nở khí chính là nguyên nhân khiến cho tinh vân có nhiệt độ thấp bất thường.[7]

Keith Taylor và Mike Scarrott gọi đây là "tinh vân Boomerang" vào năm 1980 sau khi thực hiện quan sát bằng kính thiên văn Anglo-Australian tại đài quan sát Siding Spring. Vì không thể nhìn thấy tinh vân một cách rõ ràng, các nhà thiên văn học chỉ quan sát được một chút bất đối xứng ở các thùy của nó cho thấy hình dạng cong giống một chiếc boomerang. Về sau, bức ảnh chi tiết của tinh vân chụp bởi Kính viễn vọng không gian Hubble vào năm 1998 đã cho ra một hình dạng đồng hồ cát đối xứng hơn.[5]

Năm 1995, sử dụng kính thiên văn Swedish-ESO Submillimetre có đường kính 15 mét ở Chile, các nhà thiên văn học đã đo được nhiệt độ tinh vân là một độ trên độ không tuyệt đối (−272,15 °C),[4] khiến nó trở thành nơi lạnh nhất từng được biết đến trong vũ trụ, ngoài các mức nhiệt được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Kể cả nhiệt độ bức xạ phông vi sóng vũ trụ còn sót lại từ Vụ Nổ Lớn là 2,7 K vẫn ấm hơn so với tinh vân này.[6]

Năm 2013, các quan sát của giao thoa kế vô tuyến ALMA đã tiết lộ những đặc điểm khác của tinh vân Boomerang.[8] Thùy đôi quan sát được của tinh vân này đang được bao quanh bởi một thể tích khí lạnh hình cầu lớn hơn chỉ có thể thấy được ở các bước sóng vô tuyến dưới milimét. Các tua bên ngoài của tinh vân dường như đang dần ấm lên.

Giữa năm 2017, các nhà thiên văn học cho rằng định tinh nằm ở trung tâm tinh vân là một ngôi sao khổng lồ đỏ đang hấp hối.[9][10]

Thư viện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d “Boomerang Nebula”. SIMBAD. Trung tâm dữ liệu thiên văn Strasbourg. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2022.
  2. ^ “APOD: 2007 December 28 - A Beautiful Boomerang Nebula”.
  3. ^ “PGC 3074547 (Boomerang Nebula) - Galaxy - SKY-MAP”.
  4. ^ a b Sahai, Raghvendra; Nyman, Lars-Åke (1997). “The Boomerang Nebula: The Coolest Region of the Universe?”. The Astrophysical Journal. 487 (2): L155–L159. Bibcode:1997ApJ...487L.155S. doi:10.1086/310897. hdl:2014/22450.
  5. ^ a b “The Boomerang Nebula - the coolest place in the Universe?”. esa.int. ESA. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2022.
  6. ^ a b Cauchi, Stephen (21 tháng 2 năm 2003). “Coolest bow tie in the universe”. The Sydney Morning Herald. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2007.
  7. ^ Siegel, Ethan. “Colder Than Empty Space? How The Boomerang Nebula Does It”. Forbes (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2023.
  8. ^ “ALMA reveals ghostly shape of 'coldest place in the universe'. Phys.Org. Omicron Technology Limited. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2013.
  9. ^ Sahai (31 tháng 5 năm 2017). “The Coldest Place in the Universe: Probing the Ultra-Cold Outflow and Dusty Disk in the Boomerang Nebula”. The Astrophysical Journal. The American Astronomical Society. 841 (2): 110. arXiv:1703.06929. Bibcode:2017ApJ...841..110S. doi:10.3847/1538-4357/aa6d86.
  10. ^ Archived at Ghostarchive and the Wayback Machine: “Astronomers solved the 22-year-long mystery behind the coldest place in the universe”. YouTube.
  11. ^ “True shape of the Boomerang”. www.eso.org. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2017.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]