Trở binh hành

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trở binh hành (阻兵行; Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) là một tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du (1766-1820), một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Trở binh hành là một tác phẩm được làm theo thể hành[1] dài 63 câu chữ Hán dài ngắn khác nhau, nằm trong tập Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc), do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang kinh đô của nhà Thanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) từ đầu năm Quý Dậu (1813) đến đầu năm Giáp Tuất (1814).

Căn cứ vào các câu:

Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh...

Thì bài hành này, tác giả làm khi chưa đi đến kinh đô của nhà Thanh.

Về nội dung, trọng tâm tác phẩm không ở "việc binh đao làm nghẽn đường" (đi sứ của tác giả) như tên bài, mà ở chỗ qua đây ông muốn mô tả lại cảnh đói khổ vì thiên tai, vì giặc giã của dân nghèo ở Hồ NamHà Nam. Để từ đó ông đề xướng rằng "gốc rễ của cảnh loạn lạc này là vì dân đói, chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên" (Sảo gia tồn tuất đương tự bình).

Chính vì lẽ ấy mà Trở binh hành được đánh giá là một trong số bài thơ hay nhất trong Bắc hành tạp lục, thể hiện rõ nhất tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du trước cuộc đời và trước vận mệnh của con người [2].

Trích tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Xem nguyên tác chữ Hán và toàn văn bản dịch tiếng Việt trong Wikisource.

Trích bản dịch nghĩa:

...Khách từ xa đến không hiểu chuyện gì
Chỉ nghe ngoài thành lui tới đều theo tiếng pháo lệnh
Cả miền Hà Nam đều chấn động
...Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính
Đường sá bế tắc, không người đi
Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng
Tới lui đều trong tình trạng khó khăn
Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao
Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông
Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chận đường
Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh
Ta nghe dân trong vùng nhiều năm khổ đại hạn
Chỉ có cầy cấy mà không có thu hoạch
Hồ Nam, Hà Nam đã lâu không mưa
Từ xuân tới thu ruộng bỏ không cày
Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói
Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh
Tận mắt thấy người đói chết trên đường
Hột táo trong bọc lăn bên mình
Nhà bỏ không, có chữ "tra" (xét) trên vách
Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói
Dân mọn không kham nổi đã lạnh lại đói
Chỉ sao lo được no ấm mà coi nhẹ tấm thân
(Dân đói làm loạn chỉ như trẻ con) chơi đùa binh khí trong vũng ao, không đáng nói
Xét thương một chút là yên ngay
"Dân chết vì năm mất mùa, chẳng phải tại ta" (chỉ vua quan)[3]
Đừng dối lòng che mắt thánh minh...

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Thể hành là một thể thơ nhạc phủ trong cổ phong biến ra, như bài Cổ bách hành của Đỗ Phủ, hay bài Tràng Can hành của Lý Bạch" (theo Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1982, tr. 60).
  2. ^ Theo Nguyễn Lộc, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1123.
  3. ^ Nguyên văn là: Dân tử tại tuế bất tại ngã. Câu này lấy trong sách Mạnh Tử. Đây là câu nói của giới cầm quyền ngày trước, thấy dân đói khổ thì đổ tội cho trời làm mà không biết nhận lỗi về mình đã không mang lại hạnh phúc cho dân (ghi chú trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr. 355).

Sách tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyễn Lộc, mục từ Nguyễn Du trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Lê Thước-Trương Chính (chủ biên), Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhà xuất bản Văn học, 1978.