USS Kwajalein (CVE-98)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tàu sân bay hộ tống USS Kwajalein (CVE-98), 11 tháng 6 năm 1944
Lịch sử
Hoa Kỳ
Tên gọi USS Kwajalein (CVE-98)
Đặt tên theo Trận Kwajalein, 31 tháng 1 năm 1944
Xưởng đóng tàu Kaiser Shipyards, Vancouver, Washington
Hạ thủy 4 tháng 5 năm 1944
Người đỡ đầu bà Rudolf L. Johnson
Nhập biên chế 7 tháng 6 năm 1944
Xuất biên chế 16 tháng 8 năm 1946
Xóa đăng bạ 1 tháng 4 năm 1960
Danh hiệu và phong tặng 2 × Ngôi sao Chiến trận
Số phận Bán để tháo dỡ, 11 tháng 1 năm 1961
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu sân bay hộ tống Casablanca
Trọng tải choán nước
  • 7.800 tấn Anh (7.900 t) (tiêu chuẩn)
  • 10.902 tấn Anh (11.077 t) (đầy tải)
Chiều dài 512 ft 4 in (156,16 m) (chung)
Sườn ngang
  • 65 ft 3 in (19,89 m) (mực nước)
  • 108 ft 1 in (32,94 m) (chung)
Mớn nước 22 ft 6 in (6,86 m)
Động cơ đẩy
  • 2 × động cơ hơi nước Skinner Uniflow, năm buồng bành trướng đặt dọc;
  • 4 × nồi hơi, áp lực 285 psi (1.970 kPa);
  • 2 × trục;
  • công suất 9.000 shp (6.700 kW)
Tốc độ 20 hải lý trên giờ (37 km/h; 23 mph)
Tầm xa 10.240 nmi (18.960 km; 11.780 mi) ở tốc độ 15 hải lý trên giờ (28 km/h; 17 mph)
Thủy thủ đoàn tối đa
  • 860 sĩ quan và thủy thủ,
  • đội bay 56 sĩ quan và thủy thủ
Vũ khí
Máy bay mang theo 28 máy bay

USS Kwajalein (CVE-98) là một tàu sân bay hộ tống lớp Casablanca được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai; tên nó được đặt theo đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall, nơi diễn ra Trận Kwajalein vào tháng 1-tháng 2 năm 1944. Kwajalein đã hoạt động cho đến hết Thế Chiến II, xuất biên chế năm 1946 và bị bán để tháo dỡ năm 1961. Nó được tặng thưởng hai Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.

Thiết kế và chế tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Con tàu được đặt lườn như là chiếc Bucareli Bay tại Xưởng tàu Vancouver của hãng Kaiser Company, Inc.Vancouver, Washington. Nó được hạ thủy vào ngày 4 tháng 5 năm 1944; được đỡ đầu bởi bà Rudolf L. Johnson; rồi được hải quân sở hữu và nhập biên chế vào ngày 7 tháng 6 năm 1944 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Trung tá Hải quân R. C. Warrack.

Lịch sử hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi hoàn tất chạy thử máy dọc theo vùng bờ Tây, Kwajalein khởi hành từ San Pedro, California vào ngày 19 tháng 7 năm 1944 để hướng sang Espiritu Santo, chở theo hàng hóa là máy bay thay thế và nhiên liệu cùng hành khách. Đến nơi vào ngày 3 tháng 8, nó lên đường bốn ngày sau đó để vận chuyển máy bay đến Guam, rồi đón nhận hàng hóa là những thiết bị Nhật Bản trục vớt được nhằm nghiên cứu tình báo tại Hoa Kỳ.

Sau khi được sửa chữa tại San Diego, Kwajalein lên đường vào ngày 7 tháng 10 để hoạt động như một tàu sân bay tiếp liệu. Nó chất lên tàu máy bay sẵn sàng chiến đấu tại đảo Manus rồi lên đường đi Eniwetok vào ngày 5 tháng 11, nơi nó cung cấp máy bay thay thế cho Lực lượng Đặc nhiệm 38 khi họ chuẩn bị không kích xuống ManilaVisayas. Tiếp tục hoạt động từ Ulithi, con tàu hỗ trợ cho các tàu sân bay hạm đội trong nỗ lực đánh đuổi quân Nhật khỏi Philippines. Sang tháng 1 năm 1945, nó lại cung cấp máy bay thay thế trong chiến dịch không kích xuống Đài Loan và bờ biển phía Nam Trung Quốc. Con tàu quay trở về San Diego vào ngày 23 tháng 2 để đại tu và tiếp nhận thêm máy bay, rồi tiếp nối hoạt động vào ngày 9 tháng 3.

Từ tháng 3 đến tháng 8, Kwajaleinđã vận chuyển ba lượt máy bay thay thế từ Trân Châu Cảng đến khu vực Tây Thái Bình Dương, giúp cho các tàu sân bay hạm đội có được sức mạnh không quân tối đa trong các đợt không kích xuống các đảo chính quốc Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản đầu hàng kết thúc cuộc xung đột vào ngày 15 tháng 8, nó được giao nhiệm vụ hồi hương những cựu chiến binh từ Mặt trận Thái Bình Dương trở về Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Chiến dịch Magic Carpet. Nó thực hiện bốn chuyến đi đến các đảo Thái Bình Dương, trước khi quay trở về San Pedro vào ngày 2 tháng 2 năm 1946 sau chuyến Magic Carpet cuối cùng. Nó khởi hành từ vịnh San Pablo vào ngày 23 tháng 4 để đi Mukilteo, Washington, đến nơi ba ngày sau đó.

Kwajalein được cho xuất biên chế tại Tacoma, Washington vào ngày 16 tháng 8 năm 1946, và gia nhập Hạm đội Dự bị Thái Bình Dương. Tên nó được cho rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 4 năm 1960, và con tàu bị tháo dỡ tại Nhật Bản một năm sau đó.

Phần thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Kwajalein được tặng thưởng hai Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]