Bước tới nội dung

Hat (tư tế)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hat
Đại tư tế của Osiris
Tiền nhiệmTjay
Kế nhiệmMery
Vương triềuVương triều thứ 19
PharaonRamesses I
Seti I
VợIuy
Con cáiMery

Hat là một Đại tư tế của Osiris tại Abydos đã phục vụ dưới triều đại của pharaon Ramesses ISeti I thuộc Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông được kế nhiệm bởi con trai của mình là Mery dưới thời trị vì của Seti I.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Không rõ cha mẹ của Hat. Hat chắc chắn đã phục vụ trong khoảng nửa sau thời trị vì của vua Ramesses I và tiếp tục công việc dưới thời trị vì của Seti I. Hat kế vị chức danh Đại tư tế của Osiris từ Tjay, và Hat được nghĩ là một người anh em vợ (hoặc rể) của Tjay[1].

Hat kết hôn với Iuy (còn được viết là Wiay), sinh được một người con trai là Mery, người kế nhiệm ông sau đó[2]. Mery kết hôn với Maianuy, con gái của Đại tư tế Tjay và phu nhân Buia[3]. Nếu Hat và Tjay thật sự có mối quan hệ anh em như đã nói trên, Mery và Maianuy sẽ là anh chị em họ với nhau.

Mery và Maianuy sinh được ít nhất một người con trai là Wenennefer, người kế nhiệm của Mery. Wenennefer lấy Tiy-Nefertari, con gái của Người trông coi các mỏ đá Qeni và phu nhân Wiay, sinh được 2 người con trai là HoriYuyu đều trở thành Đại tư tế của Osiris[3].

Chứng thực

[sửa | sửa mã nguồn]

Hat chỉ được biết đến trên những kỷ vật của con trai và cháu nội. Một bức tượng đôi của MeryWenennefer, hiện được lưu giữ Bảo tàng Cairo (số hiệu JE 35257), là nguồn chứng thực gia phả rõ ràng đối với gia đình của Hat. Trên đó, Mery đã tự xác nhận mình là con trai của Đại tư tế Hat với phu nhân Iuy[2]. Tên của Maianuy (vợ của Mery) và cha mẹ của bà cũng được nhắc đến trên tượng[2].

Một tấm bia kỷ niệm của gia đình được tìm thấy tại Abydos cũng đang được lưu giữ Bảo tàng Cairo (số hiệu JE 35258) thuộc về Wenennefer. Hat được gọi với những danh hiệu là "Người uy quyền, Cha của các vị thần và Người đóng dấu của Osiris"[4].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Kenneth Anderson Kitchen (1985), Pharaoh Triumphant: The Life and Times of Ramesses II, King of Egypt, Nhà xuất bản Aris & Phillips, tr.170 ISBN 978-0920808061
  2. ^ a b c Kenneth Anderson Kitchen (2001), Ramesside Inscriptions, Translated and Annotated Translations, Nhà xuất bản Wiley, tr.318-320 ISBN 978-0631184287
  3. ^ a b H Franzmeier (2014), News from Parahotep: The small Finds from his Tomb rediscovered, Journal of Egyptian Archaeology 100(1): 151-179
  4. ^ Kitchen, Ramesside Inscriptions, tr.320-321