Sự nóng sáng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Kim loại nung nóng phát ra ánh sáng khả kiến. Phổ bức xạ nhiệt cũng kéo dài đến miền hồng ngoại, không thể thấy được bằng mắt thường và máy ảnh chụp bức ảnh này. Tuy vậy, một máy ảnh hồng ngoại có thể thấy được nó (xem chụp nhiệt bức xạ).
Các hạt tàn tia lửa kim loại được sử dụng để thắp đèn đốt Bunsen phát xạ ánh sáng với màu sắc khoảng từ trắng đến cam, vàng, đỏ hay xanh lam. Sự biến thiên màu sắc này liên hệ với nhiệt độ của hạt tia lửa khi chúng đang nguội đi trong không khí. Ngọn lửa từ chính đèn đốt lại không phải là nóng sáng, vì màu sắc xanh của nó đến từ sự chuyển mức lượng tử do sự oxy hóa của các gốc CH.

Sự nóng sáng là sự phát xạ bức xạ điện từ dưới dạng ánh sáng khả kiến từ một vật thể nóng do nhiệt độ cao.[1]

Sự nóng sáng là một trường hợp riêng của bức xạ nhiệt. Nó thường chỉ riêng bức xạ là ánh sáng nhìn thấy, trong khi bức xạ nhiệt gồm cả hồng ngoại và các bức xạ điện từ khác và có thể tới từ vật không nóng.

Quan sát và sử dụng[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thực tế, hầu hết các chất rắn và chất lỏng bắt đầu phát sáng ở nhiệt độ gần 798 K (525 °C; 977 °F), với một màu đỏ sẫm, bất kể có hay không xảy ra một phản ứng hóa học tạo ra ánh sáng do quá trình tỏa nhiệt. Giới hạn nhiệt độ này được gọi là điểm Draper. Ở dưới nhiệt độ đó, sự bức xạ nhiệt vẫn tồn tại, nhưng nó quá yếu trong phổ khả kiến để có thể nhận thấy được.

Ở những nhiệt độ cao hơn, chất càng trở nên sáng hơn và màu của nó thay đổi từ đỏ đến trắng và cuối cùng là xanh lam.

Sự nóng sáng được áp dụng trong các bóng đèn sợi đốt, trong đó một sợi đốt (hay dây tóc) được nung nóng tới một nhiệt độ mà tại đó một phần của lượng bức xạ nằm trong phổ ánh sáng khả kiến. Tuy nhiên, phần lớn còn lại của lượng bức xạ nằm trong vùng phổ hồng ngoại, khiến cho bóng đèn sợi đốt trở nên kém hiệu quả với vai trò là một nguồn sáng.[2] Nếu sợi đốt có thể được nung nóng hơn nữa, hiệu suất sẽ tăng, nhưng hiện tại chưa có vật liệu nào có thể chịu một nhiệt độ như vậy mà phù hợp với sử dụng trong bóng đèn.

Các nguồn sáng khác hiệu quả hơn, chẳng hạn đèn huỳnh quangLED, không hoạt động dựa trên sự nóng sáng.[3]

Ánh sáng Mặt Trời là sự nóng sáng của bề mặt "nóng trắng" của Mặt Trời.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Màu sắc trông thấy của một sợi đốt nóng sáng (từ 550°C đến 1300°C (1022°F đến 2372°F))

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Dionysius Lardner (1833). Treatise on Heat. Longman, Rees, Orme, Brown, Green & Longman. tr. 341. The state in which a heated body, naturally incapable of emitting light, becomes luminous, is called a state of incandescence.
  2. ^ William Elgin Wickenden (1910). Illumination and Photometry. McGraw-Hill. tr. 3. incandescent low-efficiency blackbody.
  3. ^ Koones, Sheri (ngày 1 tháng 10 năm 2012). Prefabulous + Almost Off the Grid: Your Path to Building an Energy-Independent Home (bằng tiếng Anh). Abrams. ISBN 9781613123966.