Bước tới nội dung

Tiếng Dân (báo)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Tiếng Dân)
Tiếng-Dân
La Voix du peuple
Trang nhất của tờ Tiếng Dân, số 1085
Loại hìnhTuần san
Nhà xuất bảnNhà in Tiếng Dân
Tổng biên tậpHuỳnh Thúc Kháng
Thành lậpNgày 12 tháng 2 năm 1927
Khuynh hướng chính trịPháp-Việt Đề huề
Chủ nghĩa quốc gia cải lương
Ngôn ngữTiếng Việt
Đình bảnNgày 28 tháng 4 năm 1943
Quốc gia Liên bang Đông Dương

Báo Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận độc lập đầu tiên tại An Nam (Trung Kỳ), do ông Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), một nho gia thuộc trường phái duy tân, phát hành. Tòa soạn báo đặt tại Huế, phổ biến và có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung trong gần 16 năm dài, từ 1927 tới năm 1943.

Thành lập[sửa | sửa mã nguồn]

Nghị định của Toàn quyền Pháp cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân.

Trong khi báo chí phát triển ở Bắc và Nam thì tại Trung Kỳ chưa có tờ nhật báo nào được xuất bản. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1927, khi tờ Tiếng Dân xuất hiện do tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tại xứ Huế dưới chế độ phong kiến lạc hậu. Tháng 7 năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm viện trưởng. Sau cuộc họp đầu tiên khai mạc ngày 7 tháng 9 năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng “cùng đồng nhân trù hoạch xin mở một tờ báo, vì xưa nay ở Trung Kỳ chưa có một tờ báo nào”. Phan Bội Châu[a] đến nhờ Huỳnh Thúc Kháng đứng tên để xin phép ra báo, vì mang tiền án tù chính trị nhưng lại là đương kim Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, yêu cầu xuất bản có thể sẽ được phê duyệt. Cuối năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn tại Viện dân biểu, phản ánh tình trạng thiếu một tờ báo trên "dải đất gồm 15 tỉnh".[2] Trước làn sóng dư luận, chính quyền Pháp đành miễn cưỡng cho phép ông Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân.[3]

Vào thời điểm này, tại Trung Kỳ chưa có nhà in nào có thể in được một tờ báo khổ to như Tiếng Dân (58x42cm).[b] Sau khi thỏa thuận với Toàn quyền Pasquier, dù chưa có nghị định chính thức, Huỳnh Thúc Kháng đứng ra gọi vốn thành lập công ty, định đặt trụ sở ở Tourane, một nhượng địa của Pháp tách rời chính quyền phong kiến Nam triều, đồng thời là quê hương của ông. Nhưng chính quyền Pháp không cho phép in báo tại Đà Nẵng, mà phải đặt trụ sở tại Huế để tiện kiểm duyệt mọi ấn phẩm của nhà in. Cùng với việc tìm trụ sở, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh (được cử đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, vì các công sự đều chưa am hiểu công việc tổ chức tòa soạn), Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội tìm mua máy in. Tháng 2 năm 1927, công ty gọi vốn được hơn 30.000 đồng, số tiền đủ mua một tòa nhà số 123 đường Đông Ba và trang thiết bị cho nhà in. Ông Mai Du Lân chủ nhiệm tờ Thực nghiệp đồng ý nhượng lại một máy in chưa dùng và đưa thợ in vào Huế trợ lực. Sau khi lắp ráp và chạy thử máy in, ngày 10 tháng 8 năm 1927, Tiếng Dân ra số đầu tiên.[3][5]

Trình bày và hình thức[sửa | sửa mã nguồn]

Từ số đầu đến ngày đình bản, manchette của Tiếng Dân hiếm khi thay đổi, dòng đầu trang nhất có ngày âm lịch và dương lịch ra số báo và giá mỗi số; hai chữ TIẾNG DÂN đậm nét, ở dưới là dòng chữ tiếng Pháp La Voix du Peuple (Tiếng dân), bên cạnh là hai chữ Nôm 民 聲 (Dân Thanh). Về ngày ra báo, báo ra đúng hai lần một tuần: thứ Tư và thứ Bảy. Từ ngày 1 tháng 2 năm 1936 đến ngày 30 tháng 12 năm 1939, báo ra mỗi tuần ba số: thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Từ đầu năm 1940 trở đi báo trở lại mỗi tuần hai số như trước. Về trình bày, nhà in đăng những danh ngôn thể hiện mục đích và tôn chỉ của báo vào thời điểm đó. Dưới là những bài xã luận, thời sự và bình luận chính trị, đôi khi đăng ở trang 1 tiếp sang trang 3. Trang 2 đăng tiểu thuyết, truyện dịch dài kỳ và quảng cáo. Trang 3 là những bài về tư tưởng, văn hóa, khoa học, phân nửa còn lại là quảng cáo. Trong quá trình làm việc, tòa soạn thiếu người am hiểu nghiệp vụ thiết kế trang báo, trình bày bài vở, dù có rút kinh nghiệm và tham khảo đồng nghiệp để cải tiến nhưng Tiếng Dân vẫn không hấp dẫn về mặt hình thức. Từ cuối tháng 4 năm 1936, báo có mục “Việc các tỉnh” ở Trung Kỳ thay cho mục “Việc trong nước”. Những dịp tết và ngày kỉ niệm ra báo hằng năm đều có số đặc biệt, có khi nâng lên thành 6 trang.[6]

Quan điểm về văn học và "vụ án Truyện Kiều"[sửa | sửa mã nguồn]

Với xu hướng hoài cổ, Tiếng Dân thể hiện những quan niệm văn học mang tính bảo thủ, cả về hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, Huỳnh Thúc Kháng đã rất cố gắng sử dụng chữ Quốc ngữ để diễn đạt trên báo, nhưng ông vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của cấu trúc văn chương biền ngẫu, và chính ông lại ra sức bảo vệ nó, ông viết: "văn dùng điển gần như thông lệ của nhà văn, nên thiếu nó không khác gì nhà nghèo thiếu gạo."[7] Về nội dung, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng văn chương phải có sứ mệnh giáo huấn, vì vậy, ông cương quyết lên án chủ nghĩa lãng mạn, đả kích mạnh mẽ các tác phẩm hư cấu là "vị thuốc độc cùng đạo bùa mê cho tinh thần."[8] Với trào lưu thơ mới, ông tỏ ra bất bình và xem đây là thứ thời thượng u mê.[9] Huỳnh Thúc Kháng đã dành cho thơ cổ điển một vị trí lớn trên báo Tiếng Dân, nhưng ông đặc biệt phê phán Truyện Kiều. Ông đã dùng Tiếng Dân để công kích nhân vật nàng Kiều và Phạm Quỳnh – một người hết lòng ca ngợi Truyện Kiều bằng lời lẽ khắc nghiệt: "Con đĩ Kiều kia, có cái giá trị gì? Người tô vẽ Kiều kia có công đức gì mà hoan nghênh." và "Truyện Kiều là thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại."[10] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Huỳnh Thúc Kháng đả kích truyện Kiều vì quan niệm "văn dĩ tải đạo" của nhà Nho, và góc nhìn của ông Kháng với Phạm Quỳnh là "có công đức gì mà hoan nghênh."[11] Thái độ khắc nghiệt của Huỳnh Thúc Kháng với Truyện Kiều là nguyên nhân gián tiếp của việc tờ Tiếng Dân đình bản. Cuối năm 1942, chính quyền thuộc địa yêu cầu các báo Việt Nam ca ngợi nhân vật Kiều để kỷ niệm Nguyễn Du. Huỳnh Thúc Kháng viết một loạt bài, nhưng không phải để ca tụng mà là gièm pha tác phẩm này, tất cả đều bị Sở Kiểm duyệt lược bỏ chỉ còn lại mỗi một bài.[12] Sau đó, ông viết một bài khác trong đó mở đầu bằng cách khen ngợi giá trị văn chương của Truyện Kiều, nhưng phần cuối lại phê phán toàn bộ tác phẩm, đặc biệt lên án khuynh hướng chung (mà ông coi là đáng trách) muốn coi Truyện Kiều là biểu tượng của quốc hồn quốc túy Việt Nam. Phần cuối bị chính quyền kiểm duyệt và chỉ cho phép đăng phần đầu, nhưng ông Kháng lại rút toàn bộ bài. Ngay lúc ấy Toàn quyền Decoux ký quyết định đình bản tờ Tiếng Dân vào tháng 4 năm 1943.[13][14]

Khuynh hướng chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khi Tiếng Dân xuất hiện, tình hình chính trị xã hội tại Việt Nam có nhiều biến động.[15] Tờ báo là cơ quan ngôn luận thể hiện tiếng nói của xu hướng chính trị không phục tùng đường lối của thực dân Pháp, nhưng cũng không có xu hướng cách mạng, không phải là cơ quan ngôn luận của một lực lượng chính trị "chống chính quyền".[16]

Quan điểm về kinh tế, chính trị và quan hệ xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay từ đầu và cả nhiều năm sau, Tiếng Dân đã phát biểu quan điểm của mình: Ở Trung Kỳ nói riêng, xã hội có người giàu và người nghèo, bóc lột và bị bóc lột nhưng chưa phân chia thành giai cấp rõ rệt, vì vậy chưa có xung đột giữa tá điền và điền chủ, công nhân và chủ xưởng là người Việt. Kinh tế tại Trung Kỳ kém phát triển nhất so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Một số ít đại thương nghiệp, đại thương mại nằm trong tay người Pháp và người Hoa. Người bản xứ không có đại công nghiệp và hiếm có điền chủ nào sở hữu trên ngàn mẫu ruộng.[17] Việc bóc lột người lao động là "bọn gian hào, hoạt lại", là chế độ xâu thuế, kiểm lâm, thương chính, thuế chợ. Những cuộc biểu tình, đình công, bãi khóa và giết hại những người thu thuế trong những năm 1929–1931 là "bất mãn cho cái gánh xâu cao thuế nặng, quan tham lại nhũng, hào cường ức hiếp, cùng sự học bó buộc." Những cuộc đấu tranh ấy ít khi đụng chạm đến người Pháp.[18] Về thiết chế chính trị, những người làm báo Tiếng Dân quan niệm có hai chế độ: bảo hộ của người Pháp và Nam triều song song tồn tại, chính thể tỏ ra lờ mờ trong cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn, trước những đòi hỏi của người dân thì đưa đẩy nhau. Vì vậy "cần phải có một chính phủ".[19] Tiếng Dân nhiều lần đăng bài nói về yêu sách cho xứ Trung Kỳ có một hiến pháp. Phạm Quỳnh đưa ra thuyết "lập hiến" cho Việt Nam "độc lập" với thuyết "trực trị" của Nguyễn Văn Vĩnh

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trước đó, ông Phan Bội Châu đã có ý định xuất bản báo tại Huế, nhưng ý định của ông bị bác vì mang án tù chính trị và đang trong thời gian bị quản thúc, nên không đủ tiêu chuẩn thành lập báo theo sắc lệnh và nghị định của nhà nước.[1]
  2. ^ Có nguồn viết 58x12cm,[4] có thể đây là sự nhầm lẫn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 13.
  2. ^ Huỳnh Văn Tòng (2016), tr. 198–202.
  3. ^ a b Nguyễn Thành (1992), tr. 11–15.
  4. ^ Đỗ Quang Hưng (2018), tr. 96.
  5. ^ Trần Đình Ba (2022), tr. 235.
  6. ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 17–19.
  7. ^ “Văn học và điển cổ”. Tiếng Dân. 1667. 15 tháng 4 năm 1942.
  8. ^ “Ta nên cần có sách gì?”. Tiếng Dân. 30. 19 tháng 11 năm 1927.
  9. ^ “Cùng ông Thông Reo và ông Phan Khôi trong Dân Báo và chuyện thơ mới”. Tiếng Dân. 1602. 6 tháng 8 năm 1941.
  10. ^ “Chánh học cùng tà thuyết...”. Tiếng Dân. 317. 17 tháng 9 năm 1930.
  11. ^ Nguyễn Xuân Hoa (2013), tr. 51.
  12. ^ “Quốc hồn quốc túy ta ở đâu?”. Tiếng Dân. 1739. 13 tháng 1 năm 1943.
  13. ^ Nguyễn Thế Anh (2002), tr. 30–32.
  14. ^ Nguyễn Xuân Hoa (2013), tr. 48–51.
  15. ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 20.
  16. ^ Nguyễn Xuân Hoa (2013), tr. 47.
  17. ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 58.
  18. ^ “Bức thơ của ông Huỳnh Thúc Kháng trả lời cho ban Thường trực Dân viện Trung Kỳ”. Tiếng Dân. 960. 13 tháng 9 năm 1939.
  19. ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 60.

Nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nguyễn Thành (1992). Lịch sử báo Tiếng Dân. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  • Nguyễn Thế Anh (2002). “Một trường hợp trường tồn của tinh thần Nho giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 20: Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân”. Nghiên cứu Huế. Tập 4. Trung tâm Nghiên cứu Huế. tr. 22–32.
  • Nguyễn Xuân Hoa (2013). “Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng: Tờ báo khổ lớn bằng tiếng Việt đầu tiên ở Huế”. Lịch sử báo chí Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa. tr. 39–52.
  • Huỳnh Văn Tòng (2016). Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 978-604-58-5099-2.
  • Đỗ Quang Hưng (2018) [1992]. Lịch sử báo chí Việt Nam (1865 -1945). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 978-604-956-278-5.
  • Trần Đình Ba (2022). Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 978-604-377-062-9.