Lý Ngọc (nhà Minh)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lý Ngọc (chữ Hán: 李玉, ? – ?), tự Thành Chương, danh y đời Minh.

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Ngọc sinh ra trong một quân hộ ở Lục An vệ [1], không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông sống cùng thời với Lăng Vân, ngự y của Minh Hiếu Tông. Ngọc giỏi cưỡi ngựa bắn tên, làm quan đến chức Thiên hộ. Ngọc tinh thông y thuật, sở trường châm cứu, ra tay thì khỏi.

  • Có bệnh nhân đau đầu không chịu nổi, dẫu sấm nổ cũng không nghe được. Ngọc chẩn đoán rằng: "Đây là trùng ăn não đấy!" Trước hết Ngọc dùng các loại thuốc giết trùng, thổi vào mũi, trùng theo mắt, mũi, miệng chạy ra, bệnh nhân lập tức khỏi.
  • Có bệnh nhân chống cặp nạng đến, Ngọc châm cho ông ta, bệnh nhân lập tức không cần đến nạng nữa. Vì thế người từ Bắc Kinh đến Nam Kinh đặt hiệu cho ông là Thần châm Lý Ngọc.
  • Có thai phụ nôn ra vài thăng máu, đã gần chết. Ngọc chẩn mạch cho bà ta, nói: "Đứa con này bị chứng giản." Ngọc chiếu theo chấn đoán ấy mà chữa, thêm Trúc lịch thì thai phụ khỏi hẳn.
  • Ngọc giỏi cả Phương tễ. Có bệnh nhân bị chứng nuy, Ngọc tìm đủ phương thuốc, kết hợp trị liệu mà không công hiệu, lấy làm lạ. Ngọc chợt nghĩ ra: "Thuốc có mới cũ, thì hiệu quả có nhanh chậm. Bệnh này ở ngoài nhưng đã lâu ngày, chẳng phải tiểu tễ có thể chữa khỏi." Ngọc bèn rang 2 nồi thuốc, đổ vào chum, đợi nguội một chút, đặt bệnh nhân ngồi vào trong chum, lấy thuốc rưới lên, cho đến khi mồ hôi ra đầm đìa, lập tức khỏi hẳn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Có rất ít tài liệu ghi chép về Lý Ngọc, chính sử chỉ có vài dòng chép phụ vào Minh sử quyển 299, liệt truyện 187 – Phương kỹ truyện: Lăng Vân, dã sử còn chép ít hơn, chỉ có vài mươi chữ trong Lục An châu chí (in thời Càn Long, hiện nay còn rất ít bản lưu hành trên thị trường). Hiện nay có nhiều tài liệu về Trung y nhắc đến Lý Ngọc, gồm thâu cả hai đoạn tiểu sử trên, vài ví dụ như sau:

  • Trình Bảo Thư – Châm cứu đại từ điển, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Bắc Kinh, 1987, 635 trang, bản số hóa của Đại học California, ngày 19 tháng 11 năm 2010. Xem trang 146 tại đây
  • Lý Du Trì – Trung y nhân danh từ điển, Công ty xuất bản Văn hóa Quốc tế, 1988, 1182 trang, bản số hóa của Đại học Michigan, ngày 27 tháng 4 năm 2007. Xem trang 275 tại đây
  • Trần Bang Hiền, Nghiêm Lăng Chu – Trung Quốc y học nhân danh chí, Nhà xuất bản Vệ sinh Nhân dân, 1955, 258 trang, bản số hóa của Đại học California, ngày 7 tháng 10 năm 2008. Xem trang 64 tại đây
  • Cao Hãn Thù – Thực dụng châm cứu học từ điển, Nhà xuất bản Khoa học kĩ thuật Giang Tô, 1996, 970 trang, bản số hóa của Đại học California, ngày 23 tháng 11 năm 2010. Xem trang 279 tại đây
  • Lý Kinh Vĩ, Vương Trí Phổ – Trung y nhân vật từ điển, Nhà xuất bản Từ thư Thượng Hải, 1988, 941 trang, bản số hóa của Đại học Michigan, ngày 11 tháng 9 năm 2010. Xem trang 209 tại đây
  • Học viện Trung y An Huy, Học viện Trung y Thượng Hải – Châm cứu học từ điển, Nhà xuất bản Khoa học kĩ thuật Thượng Hải, 1987, 805 trang, bản số hóa của Đại học California, ngày 12 tháng 1 năm 2011. Xem trang 304 tại đây

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nay là Lục An, An Huy