Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Liên đoàn Luật sư Việt Nam | |
---|---|
Biểu trưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam | |
Tên viết tắt | VBF |
Thành lập | 12 tháng 5 năm 2009 |
Loại | Tổ chức tự quản của luật sư Việt Nam |
Vị thế pháp lý | Tổ chức xã hội-nghề nghiệp |
Mục đích | Tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, Đoàn luật sư |
Trụ sở chính | Hà Nội |
Vị trí |
|
Thành viên | Luật sư, Đoàn luật sư |
Chủ tịch | Đỗ Ngọc Thịnh |
Phó Chủ tịch | Phan Trung Hoài Nguyễn Thị Quỳnh Anh Lưu Tiến Dũng Nguyễn Hải Nam Đào Ngọc Chuyền |
TC liên quan | Cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh |
Trang web | liendoanluatsu.org.vn |
Liên đoàn Luật sư Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam Bar Federation, viết tắt là VBF) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo chế độ tự quản, quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc của các luật sư Việt Nam; đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư và các Đoàn luật sư là thành viên của Liên đoàn. Liên đoàn Luật sư Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trụ sở của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Trước khi có Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì các Đoàn luật sư đã được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngày 16/01/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc".
Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc được thành lập ngày 04/6/2008, chủ tịch là luật sư Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao). Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc có trách nhiệm soạn dự thảo Điều lệ tổ chức luật sư toàn quốc, hướng dẫn các đoàn luật sư trên cả nước bầu đại biểu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất.
Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 10-12/5/2009) đã thông qua việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào ngày 12/5/2009.
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 1106/QĐ-BTP ngày 29/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Cơ cấu tổ chức
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm có:
- Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc: là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn luật sư, họp 5 năm một lần.
- Hội đồng luật sư toàn quốc: là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư giữa hai kỳ Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc, họp thường kỳ một năm ít nhất hai lần.
- Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư: là cơ quan điều hành công việc của Liên đoàn giữa hai kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc.
- Văn phòng Liên đoàn luật sư và các Uỷ ban chuyên môn: là cơ quan giúp việc của Liên đoàn luật sư.
- Chủ tịch Liên đoàn luật sư: là người đại diện của Liên đoàn, do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu ra trong số Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn và theo nhiệm kỳ của Hội đồng. Chủ tịch Liên đoàn luật sư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng luật sư toàn quốc.
- Tổng thư ký Liên đoàn luật sư: Là người phát ngôn chính thức và điều hành công việc hàng ngày của Liên đoàn luật sư, do Hội đồng luật sư toàn quốc bầu ra trong số Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn.
Các uỷ ban chuyên môn
[sửa | sửa mã nguồn]- Uỷ ban hợp tác quốc tế
- Uỷ ban khen thưởng, kỷ luật
- Uỷ ban bảo vệ quyền lợi luật sư
- Uỷ ban phát triển kinh tế, tài chính
- Uỷ ban đào tạo
Lãnh đạo qua các thời kỳ
[sửa | sửa mã nguồn]- Thường trực Liên đoàn Luật sư nhiệm kỳ 1 (2009–2014):[1]
- Chủ tịch: Luật sư Lê Thúc Anh, đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Phó Chủ tịch Thường trực: Luật sư Nguyễn Văn Thảo, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Phó Chủ tịch: Luật sư Phạm Hồng Hải, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Chủ nhiệm Uỷ ban hợp tác quốc tế: Luật sư Lưu Tiến Dũng
- Chủ nhiệm Uỷ ban khen thưởng, kỷ luật: Luật sư Nguyễn Thế Phong
- Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ quyền lợi luật sư: Luật sư Phan Trung Hoài
- Chủ nhiệm Uỷ ban phát triển kinh tế, tài chính: Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh
- Quyền Chủ nhiệm Uỷ ban đào tạo: Luật sư Nguyễn Đình Thơ
- Nhiệm kì 2 (2015–2020):[1]
- Chủ tịch: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội (được bầu ngày 27/04/2016)[2]
- Phó Chủ tịch: Luật sư Phan Trung Hoài, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Phó Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Văn Chiến, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Văn Trung, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Phó Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội (bầu bổ sung ngày 23/12/2017)[3]
- Nhiệm kì 3 (2021–2026):[4]
- Chủ tịch: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch: Luật sư Phan Trung Hoài, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Phó Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch: Luật sư Lưu Tiến Dũng, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
- Phó Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hải Nam, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Phó Chủ tịch: Luật sư Đào Ngọc Chuyền, đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Bê bối
[sửa | sửa mã nguồn]Không thực hiện đúng Điều lệ
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội đồng Luật sư toàn quốc triệu tập Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc theo chu kỳ 5 năm một lần. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tháng 5/2009, nên Đại hội lần thứ 2 lẽ ra phải diễn ra vào tháng 5/2014. Tuy nhiên, phải đến ngày 18/4/2015 thì Đại hội lần thứ 2 mới được tổ chức.[5]
Tiếp đó, Đại hội lần thứ 2 diễn ra vào tháng 4/2015, thì Đại hội lần thứ 3 lẽ ra phải được triệu tập vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, Đại hội lần thứ 3 bị hoãn đến ngày 25/12/2021 mới được tổ chức.[6] Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch nhiệm kỳ 2), nguyên nhân chậm tổ chức Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 3 là vì Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn luật sư thành phố Hà Nội chậm tổ chức đại hội của đoàn mình, nên không cử được đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc, và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.[7]
Khuyết chức danh Chủ tịch nhiệm kỳ 2
[sửa | sửa mã nguồn]Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2(tháng 4/2015), ứng viên duy nhất cho chức Chủ tịch là Luật sư Lê Thúc Anh (Chủ tịch nhiệm kỳ 1) đã không được Đại hội bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, qua đó không đủ điều kiện để được tái bầu là Chủ tịch nhiệm kỳ 2. Đại hội lần này cũng không bầu ra được người nào khác làm Chủ tịch.[8][9] Vì vậy, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã quyết định giao cho Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh quyền điều hành và đại diện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Đến phiên họp thứ 4 của nhiệm kỳ 2 (ngày 27/4/2016), Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh mới chính thức được Hội đồng Luật sư toàn quốc bầu là Chủ tịch nhiệm kỳ 2.[2]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2017.
- ^ a b “Liên đoàn Luật sư Việt Nam chính thức có chủ tịch”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. 27 tháng 4 năm 2016.
- ^ “Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 16 tháng 7 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp”. Tạp chí Luật sư Việt Nam. 26 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Khai mạc Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ hai”. Báo Nhân dân điện tử. 18 tháng 4 năm 2015.
- ^ “Khai mạc Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026”. Tạp chí Luật sư Việt Nam. 25 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Vì sao Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần 3 bị trễ hơn 1 năm rưỡi?”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. 22 tháng 12 năm 2021.
- ^ “95 thành viên được bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II”. Báo Nhân dân điện tử. 19 tháng 4 năm 2015.
- ^ “Bế mạc Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 19 tháng 4 năm 2015.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Luật sư Việt Nam
- Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam Lưu trữ 2016-03-06 tại Wayback Machine
- Trang web của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
- Trang web của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh
- Trang web của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai Lưu trữ 2017-06-11 tại Wayback Machine