Thành viên:Languyett/nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam (VNUR)
Tổng biên tậpNguyễn Lộc
Biên tập viên tòa soạn
Nguyễn Vinh San
Châu Dương Quang
Lương Ánh Nguyệt
Nguyễn Thị Khánh Trinh
Trần Thị Thùy Linh
Thể loạiGiáo dục đại học
Tần suấtHàng năm
Phát hành lần đầu2023; 1 năm trước (2023)
Quốc giaViệt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Khmer, Tiếng Hàn, Tiếng Lào
Websitevnur.vn

Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam (Vietnam's University Rankings - VNUR) là nghiên cứu đầu tiên đánh giá và xếp hạng các toàn diện các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập từ năm 2023, dưới sự chủ trì của Giáo sư Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận.

VNUR ra đời với mục tiêu cung cấp thêm một góc nhìn đối sánh về chất lượng để phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo. Các trường được đánh giá dựa trên 3 nhiệm vụ chính: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và phục vụ cộng đồng. Các tiêu chuẩn của VNUR ưu tiên các tiêu chí xếp hạng/kiểm định, dạy học và các tiêu chí khác phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Bối cảnh ra đời[sửa | sửa mã nguồn]

Việc minh bạch hóa dữ liệu hoạt động của các trường đại học là quá trình tự nhiên của các xã hội đang tìm kiếm trách nhiệm giải trình và đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học. Hơn nữa, nhu cầu của phụ huynh, học sinh, và các bên liên quan trong việc so sánh dữ liệu giữa các trường đại học và đưa ra quyết định cũng ngày càng tăng. Để đáp ứng các nhu cầu này, các bảng xếp hạng (BXH) đại học đã nổi lên như một công cụ cung cấp thông tin toàn diện và dễ tiếp cận về hiệu quả hoạt động của các trường.

Kể từ khi bảng xếp hạng đại học quốc gia đầu tiên trên thế giới, US News & World Reports, của Hoa Kỳ được công bố vào năm 1983, số lượng các BXH, cả quốc gia và quốc tế, đã mở rộng theo cấp số nhân. Cho tới nay ước tính có thêm ít nhất 20 bảng xếp hạng quốc tế, nổi bật là Bảng xếp hạng chất lượng đại học thế giới ARWU (thường được gọi là Xếp hạng Thượng Hải), Xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education, Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds, hay Bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics. Cơ sở dữ liệu của Nhóm Chuyên gia Xếp hạng Quốc tế (International Ranking Expert Group, IREG) ghi nhận ít nhất 63 BXH đại học cấp quốc gia. Có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều hơn một BXH, như Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Lan, Tây Ban Nha[1]

Tại Việt Nam, việc phân tầng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học Việt Nam năm 2012, nhưng quá trình hiện thực hóa còn nhiều bất cập.[2] Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế, cũng như cho phép pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng.[3] Cùng năm, trong hội thảo “Đo lường khoa học và xếp hạng đại học” tổ chức tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, các chuyên gia và nhà giáo của hội thảo kiến nghị đến Bộ Giáo dục Đào tạo về việc Việt Nam cần phải có BXH đại học để phù hợp với thông lệ quốc tế.[4] Năm 2020, trong hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” tổ chức bởi Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ một lần nữa đề cao tầm quan trọng của công cụ quản lý chất lượng bao gồm xếp hạng đối với quản trị đại học.[5]

Phản ánh xu hướng toàn cầu này, một nhóm chuyên gia độc lập trong và ngoài nước đã thử nghiệm xếp hạng 49 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam vào năm 2017 với ba bộ tiêu chuẩn: 40% (nghiên cứu khoa học), 40% (giáo dục đào tạo) và 20% (cơ sở vật chất và quản trị). Tuy nhiên, BXH này không được duy trì, thực hiện định kỳ hằng năm.[6]

Năm 2020, nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN ra mắt hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics”(UPM), dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì. Được phát triển dưới sự phụ trách của GS.TS Nguyễn Hữu Đức, UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao. Theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao trong một lĩnh vực. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0. Cho đến nay, đã có hơn 41 trường đại học Việt Nam tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng, cùng với các quốc gia khác trong khu vực.[5]

Tháng Hai năm 2023, nhóm nghiên cứu VNUR ra mắt BXH toàn diện đầu tiên, bao gồm tốp 100 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Mỗi trường trong top 100 đều được kèm theo bản giới thiệu tóm tắt về thành tựu nổi bật của mình. Những thông tin về xếp hạng còn được phân loại theo các loại hình công lập và tư thục, tỉnh/thành, vùng kinh tế, nhóm ngành đào tạo và các tiêu chuẩn xếp hạng để phục vụ nhu cầu tham khảo của người đọc.

Cùng với các thông tin về xếp hạng, trên trang web vnur.vn người đọc có thể tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích khác có liên quan như “Những điều cần biết về Giáo dục Đại học Việt Nam”, “Bảng học phí của các trường đại học năm 2022”, “Phân bổ các trường đại học theo 6 vùng kinh tế”, “Phương pháp xếp hạng cơ sở giáo dục VNUR”, “Phân tích kết quả xếp hạng VNUR 2023”, cùng với các tin tức và sự kiện cập nhật có liên quan tới xếp hạng như tuyển sinh, quan điểm chuyên gia v.v… Ngoài ra, người sử dụng nước ngoài có thể tham khảo các bảng xếp hạng cũng như các nội dung trên trang web vnur.vn bằng ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Khmer và Lào thông qua công cụ dịch sơ bộ là Google Dịch.

Sau khi công bố phiên bản năm 2023, dựa vào ý kiến đóng góp của các chuyên gia, VNUR thực hiện một số thay đổi về phương pháp, và mở rộng số lượng trường thu thập dữ liệu. Từ năm 2024, nhóm thực hiện xuất bản báo cáo “Toàn cảnh giáo dục Đại học Việt Nam 2024” nhằm giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về hiện trạng trạng của Giáo dục đại học Việt Nam.[7]

Phương pháp xếp hạng[sửa | sửa mã nguồn]

Những tiếp cận chính[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Tầm bao phủ lớn: VNUR đưa vào bảng xếp hạng tất cả các trường đại học của Việt Nam có đào tạo bậc cử nhân hoặc tương đương trở lên. Những cơ sở giáo dục chỉ đào tạo sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) không được xếp hạng.
  2. Tự thu thập dữ liệu: VNUR thu thập dữ liệu để xếp hạng từ các nguồn tin cậy và khách quan mà không dựa vào các báo cáo do các trường đại học cung cấp. Cụ thể, dữ liệu được lấy từ cơ quan nhà nước như Bộ Giáo dục Đào tạoBộ Khoa học Công nghệ, nguồn độc lập thứ ba như Scopus, Web of Science, các bảng xếp hạng, kiểm định, định hạng, và dữ liệu công khai của các trường công bố trên trang chủ, bao gồm các báo cáo ba công khai và đề án tuyển sinh.
  3. Dựa vào tiêu chuẩn/chỉ số: VNUR xếp hạng dựa trên bộ tiêu chuẩn và tiêu chí được đề ra mà không sử dụng thông tin thông qua các dạng khảo sát.
  4. Đảm bảo tính minh bạch: VNUR giải thích rõ tính minh bạch của xếp hạng thông qua mô tả chi tiết các tiêu chuẩn/tiêu chí, thu thập và xử lý số liệu cũng như các kỹ thuật xử lý thống kê được sử dụng.
  5. Cập nhật: Định kỳ cập nhật và hoàn thiện hơn các phương pháp và hình thức xếp hạng phù hợp với bối cảnh cụ thể của giáo dục đại học Việt Nam.
  6. Chuẩn mực xếp hạng quốc tế: VNUR thiết kế và thực hiện xếp hạng theo Các Nguyên tắc Berlin về Xếp hạng các Cơ sở Giáo dục Đại học của IREG.[8]

Tiêu chuẩn và tiêu chí xếp hạng[sửa | sửa mã nguồn]

VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường đại học thông qua thu thập và xử lý số liệu theo bộ tiêu chuẩn và tiêu chí được điều chỉnh nhất định hàng năm. Cụ thể, năm 2024 có 6 tiêu chuẩn (criteria) bao gồm 18 tiêu chí (indicators) quan trọng được định cỡ (calibrated) nhằm tạo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất, qua đó đảm bảo độ tin cậy cao đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên đại học, cũng như các trường đại học và Chính phủ. Phương pháp và kết quả được tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên môn ngoài, gồm các nhà nghiên cứu giáo dục và lãnh đạo các trường. Việc lựa chọn các tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá và xếp hạng của VNUR dựa trên những nguyên tắc sau:

  1. Phù hợp với các quy định chung cũng như các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về chất lượng của trường đại học.
  2. Các tiêu chuẩn/tiêu chí được tính toán dựa trên các cơ sở dữ liệu và định mức được thu thập từ các nguồn chính thống, tin cậy và khách quan.
  3. Phù hợp với xu thế quốc tế.
Bộ tiêu chuẩn và tiêu chí của VNUR năm 2024
Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (30%) Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%) Tiêu chuẩn 3:

Công bố bài báo khoa học (20%)

Tiêu chuẩn 4: Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%) Tiêu chuẩn 5: Chất lượng người học (10%) Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất (5%)
Tiêu chí 1: Xếp hạng toàn cầu hoặc khu vực (8%) Tiêu chí 7: Tỉ lệ sinh viên trên một giảng viên (13%) Tiêu chí 9: Số lượng bài báo của toàn trường theo WOSScopus (8%) Tiêu chí 12: Nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp (6%) Tiêu chí 15: Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (8%) Tiêu chí 17: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi người học (3%)
Tiêu chí 2: Kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế (6%) Tiêu chí 8: Tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%) Tiêu chí 10: Năng suất công bố bài báo theo WOSScopus (7%) Tiêu chí 13: Số lượng bằng sáng chế được công bố (3%) Tiêu chí 16: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (2%) Tiêu chí 18: Số lượng CSDL tài liệu điện tử bản quyền (2%)
Tiêu chí 3: Kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế (6%) Tiêu chí 11: Ảnh hưởng của bài báo toàn trường theo WOSScopus (5%) Tiêu chí 14: Tạp chí khoa học uy tín (1%)
Tiêu chí 4: Kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (4%)
Tiêu chí 5: Kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước (4%)
Tiêu chí 6: Định hạng (2%)

Xử lý số liệu[sửa | sửa mã nguồn]

Các chỉ số thu thập được bao gồm nhiều chủng loại khác nhau như số đếm (numerical), số thứ tự (ordinal), phần trăm (percentage) v.v… Do vậy cần thực hiện việc đối sánh, chuyển đổi và sau đó là kết hợp lại vào một chỉ số nhất định. Để làm điều này, VNUR sử dụng phương pháp tiêu chuẩn hóa (normalisation approach) cho từng chỉ số. Tiếp cận tiêu chuẩn hóa được sử dụng ở đây dựa trên việc phân phối dữ liệu trong một chỉ số cụ thể. Sau đó kết hợp các chỉ số cùng trong cùng một tiêu chuẩn theo trọng số được nêu chi tiết ở trên.

Bên cạnh đó, VNUR còn dùng Đồ thị phân bố chuẩn của Gauss (Gaussian Normal Distribution) để so sánh và điều chỉnh trọng số của 6 Tiêu chuẩn được chọn.

Số trường được xếp hạng[sửa | sửa mã nguồn]

Đối với VNUR 2024, nhóm nghiên cứu tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. VNUR không xếp hạng các trường thành viên của 2 Đại học Quốc giac (14) và 3 Đại học Vùng (21), các trường thuộc khối quân sự (07 trường), an ninh (04) và các trường đại học/học viện không thu thập được đủ dữ liệu. Tổng cộng có 193 trường có đầy đủ số liệu để tiến hành xếp hạng tốp 100 trường hàng đầu.

Kết quả xếp hạng[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung xếp hạng được trình bày theo dạng bảng chung toàn quốc. Thông qua các bộ lọc, có thể tham khảo các loại xếp hạng trường đại học theo:

  • Loại hình công lập và tư thục
  • Vùng/Miền
  • Tỉnh/Thành phố
  • Khối ngành
  • Các tiêu chuẩn
Tốp 10 trường ĐH xếp hạng chung toàn quốc năm 2023 và 2024 của Việt Nam theo VNUR
Thứ hạng

chung toàn quốc

Năm 2023 Năm 2024
1 Đại học Quốc gia Hà Nội Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
3 Trường Đại học Tôn Đức Thắng Trường Đại học Tôn Đức Thắng
4 Đại học Bách khoa Hà Nội Đại học Bách khoa Hà Nội
5 Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Duy Tân
6 Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
7 Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
8 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Thương Mại
9 Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Cần Thơ
10 Đại học Huế Đại học Đà Nẵng
Tốp 10 trường ĐH công lập năm 2023 và 2024 của Việt Nam theo VNUR
Năm 2023 Thứ hạng chung

toàn quốc 2023

Năm 2024 Thứ hạng chung

toàn quốc 2024

Đại học Quốc gia Hà Nội 1 Đại học Quốc gia Hà Nội 1
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2
Trường Đại học Tôn Đức Thắng 3 Trường Đại học Tôn Đức Thắng 3
Đại học Bách khoa Hà Nội 4 Đại học Bách khoa Hà Nội 4
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6 Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6
Trường Đại học Cần Thơ 7 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 7
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 8 Trường Đại học Thương Mại 8
Đại học Đà Nẵng 9 Trường Đại học Cần Thơ 9
Đại học Huế 10 Đại học Đà Nẵng 10
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 11 Đại học Huế 12
Tốp 10 trường ĐH tư thục năm 2023 và 2024 của Việt Nam theo VNUR
Năm 2023 Thứ hạng

chung toàn quốc 2023

Năm 2024 Thứ hạng

chung toàn quốc 2024

Trường Đại học Duy Tân 5 Trường Đại học Duy Tân 5
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 19 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 11
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh 32 Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh 39
Trường Đại học Phenikaa 41 Trường Đại học Văn Lang 41
Trường Đại học Văn Lang 51 Trường Đại học Phenikaa 44
Trường Đại học FPT 54 Trường Đại học Thăng Long 53
Trường Đại học Thăng Long 56 Trường Đại học Nam Cần Thơ 61
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai 58 Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng 62
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng 68 Trường Đại học FPT 66
Trường Đại học Văn Hiến 77 Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh 69
Tốp 10 trường ĐH ở Đồng bằng sông Hồng năm 2023 và 2024 theo VNUR
Năm 2023 Thứ hạng

chung toàn quốc 2023

Năm 2024 Thứ hạng

chung toàn quốc 2024

Đại học Quốc gia Hà Nội 1 Đại học Quốc gia Hà Nội 1
Đại học Bách khoa Hà Nội 4 Đại học Bách khoa Hà Nội 4
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 8 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 7
Trường Đại học Thuỷ lợi 12 Trường Đại học Thương Mại 8
Trường Đại học Ngoại Thương 13 Trường Đại học Thuỷ lợi 13
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội 14 Trường Đại học Kinh tế quốc dân 16
Học viện Nông nghiệp Việt Nam 16 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 19
Trường Đại học Dược Hà Nội 20 Trường Đại học Dược Hà Nội 20
Trường Đại học Kinh tế quốc dân 20 Học viện Nông nghiệp Việt Nam 21
Trường Đại học Mỏ - Địa chất 22 Học viện Ngân hàng 22
Tốp 10 trường ĐH ở Đông Nam Bộ năm 2023 và 2024 theo VNUR
Năm 2023 Thứ hạng

chung toàn quốc 2023

Năm 2024 Thứ hạng

chung toàn quốc 2024

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2
Trường Đại học Tôn Đức Thắng 3 Trường Đại học Tôn Đức Thắng 3
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6 Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 11 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 11
Trường Đại học Thủ Dầu Một 15 Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 15
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 19 Trường Đại học Thủ Dầu Một 18
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh 28 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh 23
Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh 30 Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh 25
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh 32 Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 26
Trường Đại học Sài Gòn 40 Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 37

Ý kiến ủng hộ[sửa | sửa mã nguồn]

Kết quả xếp hạng VNUR nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội.

Nhiều tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp hàng đầu như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo dục và Thời đại, Tiền Phong, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đại biểu nhân dân, Gia Lai Online, Công dân & Khuyến học đưa tin về kết quả xếp hạng. Các trường đại học như đưa tin về kết quả xếp hạng.[9][10][11][12][13][14][15][16][17]

Các trường đại học và cơ quan chủ quan như trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM, trường Đại học Thương Mại, trường Đại học Hồng Đức, trường Đại học Đà lạt, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Trà Vinh, trường Đại học Đồng Tháp cũng đưa tin về thành tích xếp hạng của mình.[18][19][20][21][22][23][24]

Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý, và chuyên gia giáo dục đề cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu và cho rằng đây là một dự án cần thực hiện từ lâu. Các điểm mạnh của VNUR được các chuyên gia chỉ ra là tính địa phương phù hợp bối cảnh Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế, cũng như tính khách quan của nguồn dữ liệu.

TS. Lê Văn Út, trường Đại học Văn Lang cho rằng: “Việc sử dụng dữ liệu công khai từ các trường đại học chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc chuẩn hóa thông tin công khai từ các trường đại học trong thời gian tới. [ … ] Một điểm khác biệt nữa có thể thấy, VNUR là một bảng xếp hạng khách quan tuyệt đối, theo nghĩa là không phụ thuộc vào dữ liệu được cung cấp từ các trường đại học. Căn cứ theo thông tin từ website có thể thấy, VNUR độc lập trong việc xây dựng dữ liệu và độc lập xếp hạng, chứ không mời các trường đại học nộp dữ liệu hay cũng không phụ thuộc vào việc khảo sát/vote như một số bảng xếp hạng đại học khác”.[25]

TS. Lê Đình Hiếu, Đại học Johns Hopkins, đánh giá cao phương pháp luận của bảng xếp hạng: “Phương pháp luận được sử dụng trong bảng xếp hạng khá chuẩn khi họ có đầy đủ thang điểm mang tính đa chiều, khá toàn diện. Đó là điều đáng mừng”.[26]

TS. Phạm Hiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Làm bảng xếp hạng mất nhiều thời gian, công sức và thật khó để thoả mãn ý muốn của tất cả các bên liên quan. Để duy trì được bảng xếp hạng qua từng năm lại là một việc không hề đơn giản. Chính vì vậy, tôi trân trọng những đồng nghiệp của mình, những người đã sẵn sàng bỏ công sức suốt 2 năm dù rằng về góc độ chuyên môn vẫn có thể chỉ ra ở bảng xếp hạng này những vấn đề nhất định”.[27]

Ý kiến phê bình[sửa | sửa mã nguồn]

Ở khía cạnh khác, một số nhà khoa học cũng chỉ ra các hạn chế cần được khắc phục, cải thiện để VNUR hoàn thiện và vận hành tốt hơn.

Nhiều tiếng nói như TS. Phạm Hiệp và TS. Lê Văn Út chỉ ra những thay đổi cần thiết trong bộ tiêu chuẩn: giảm chồng chéo giữa các tiêu chí trong tiêu chuẩn 1 "Chất lượng được công nhận", lấy số liệu từ Scopus thay cho Web of Science cho chỉ số "Công bố bài bào khoa học", cân nhắc thêm chỉ số "Quốc tế hóa" và các hoạt động liên quan tới cộng đồng, cập nhật đầy đủ hơn dữ liệu về "Nhiệm vụ khoa học công nghệ" từ đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ làm với doanh nghiệp, quốc tế không khai báo tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.[27][28]

Một số nhà khoa học trong và ngoài nước như TS. Hoàng Nhật Bách, Đại học Georgetown, Hoa Kỳ hay PGS. TS. Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quan ngại việc lấy dữ liệu từ báo cáo ba công khai của các trường là chưa đủ tin cậy vì các thông tin này chưa được kiểm định. TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT cho rằng việc đánh giá cơ sở vật chất của một trường đại học qua diện tích sàn/sinh viên là quá đơn giản. [29][30][28]

Về mặt tác động, có ý kiến cho rằng việc công bố xếp hạng trong khi công tác tuyển sinh đang diễn ra sẽ tạo ra sự canh tranh không lành mạnh giữa các trường ĐH.[28]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “IREG Inventory of national rankings – IREG Observatory” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2024.
  2. ^ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. “Luật số 08/2012/QH13 của Quốc hội: LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”. vanban.chinhphu.vn. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  3. ^ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. “Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”. vanban.chinhphu.vn. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  4. ^ “Việt Nam cần có bảng xếp hạng đại học”. Znews.vn. 23 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2024.
  5. ^ a b “Ra mắt hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học do Việt Nam phát triển”. moet.gov.vn. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ “XEP HANG DAI HOC: A Ranking of Vietnam's Universities – xephangdaihoc.org”. web.archive.org. 7 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  7. ^ “VNUR - Toàn cảnh giáo dục Đại học Việt Nam 2024”. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  8. ^ “About us – IREG Observatory” (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  9. ^ “Bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR-2024 có 36 cơ sở GDĐH tăng vị trí”. Giáo dục Việt Nam. 20 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  10. ^ “Công bố bảng xếp hạng top 100 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam 2024”. Báo Giáo dục và Thời đại Online. 19 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  11. ^ “Công bố bảng xếp hạng trường đại học tại Việt Nam năm 2024: 16 trường 'bay' khỏi top 100”. Báo điện tử Tiền Phong. 22 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  12. ^ Trí, Dân (19 tháng 1 năm 2024). “Công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024: 16 đơn vị "bay" khỏi top 100”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  13. ^ “Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: 41 xuống hạng, 16 ra khỏi top”. Tuổi Trẻ Online. 22 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  14. ^ “Bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024: Nhóm trường nào đứng đầu?”. thanhnien.vn. 22 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  15. ^ “Bảng xếp hạng trường đại học tại Việt Nam năm 2024: Nhiều biến động trong top 100”. Báo Đại biểu Nhân dân. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  16. ^ “Bảng xếp hạng mới nhất đối với các trường đại học Việt Nam ra sao?”. Báo Gia Lai điện tử. 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  17. ^ “Công bố bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam năm 2024”. congdankhuyenhoc.vn. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  18. ^ “UTH tiếp tục có mặt trong top 50 của bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam 2024”. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  19. ^ “Chúc mừng TMU đứng thứ 8 trong Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam 2024”. tmu.edu.vn. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  20. ^ “Trường Đại học Hồng Đức đứng vị trí thứ 35 trong Bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2024 (VNUR-2024, Viet Nam's University Rankings)”. doanthanhnien.hdu.edu.vn. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  21. ^ “Công bố bảng xếp hạng top 100 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam 2024”. Đại học Trà Vinh - DVT. 19 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  22. ^ “Trường Đại học Đà Lạt 2024: Xếp hạng thứ 33 trong Top 100 trường đại học tốt nhất Việt Nam”.
  23. ^ “Đại học Công nghiệp Hà Nội xếp thứ 19 trên bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR-2024”. Tin Tức. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  24. ^ “Trường Đại học Đồng Tháp tăng 34 bậc trong bảng xếp hạng 100 trường đại học của Việt Nam năm 2024”. www.dthu.edu.vn. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  25. ^ "Để được xếp hạng đại học thì không thể thiếu tiền". Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  26. ^ “Việt Nam nên có bảng xếp hạng đại học từ lâu”. Znews.vn. 21 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  27. ^ a b “Bảng xếp hạng đại học Việt Nam nên lấy dữ liệu từ Scopus thay vì Web of Science”. Giáo dục Việt Nam. 22 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  28. ^ a b c khoahocphothong.vn (3 tháng 3 năm 2023). “Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều”. khoahocphothong.vn. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  29. ^ Báo điện tử VTC News (24 tháng 2 năm 2023). “Bảng xếp hạng đại học Việt Nam: 'Nhiều dữ liệu đánh giá thiếu thuyết phục'. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.
  30. ^ “VNUR lý giải ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 181 về cơ sở vật chất”. VOV2.VN. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]