Án lệ 65/2023/AL

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Án lệ 65/2023/AL
Tòa ánHội đồng Thẩm phán thông qua nguồn từ Tòa án nhân dân huyện Đông Hải
Tên đầy đủÁn lệ số 65/2022/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người"
Phán quyếtngày 3 tháng 12 năm 2018
Trích dẫnBản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018;
Quyết định công bố án lệ 364/2023/QĐ-CA
Kết luận cuối cùng
Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời. Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người".[1]

Án lệ 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người" là án lệ thứ 65 thuộc lĩnh vực hình sự của hệ thống pháp luật Việt Nam, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình ra quyết định công bố ngày 1 tháng 10 năm 2023,[2] và có hiệu lực cho tòa án các cấp trong cả nước nghiên cứu, áp dụng trong xét xử từ ngày 1 tháng 11 năm 2023.[3] Án lệ này dựa trên nguồn là Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nội dung xoay quanh tội "Mua bán người", việc "chuyển giao người với mục đích kiếm lời". Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học là đơn vị đề xuất để lựa chọn bản án này làm án lệ, đồng thời cùng với Án lệ 66/2023/AL có nội dung về tội "Mua bán người".

Trong vụ án của án lệ này, chủ mưu vì mục đích cung cấp ngư phủ đi biển cho các tàu đánh cá để kiếm lời từ khoản tiền chênh lệch đã cấu kết với đồng bọn để lựa gạt một số người lao động thông qua việc tuyển dụng lơ xe trên Facebook, đem về bắt giữ ở Đông Hải để đợi ngày tìm được tàu ra khơi. Tuy nhiên các bị hại không lâu sau đó trốn thoát, báo cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố vụ án hình sự. Vụ án này được thụ lý và giải quyết trực tiếp ở tòa cấp sơ thẩm, định tội "Mua bán người" và "Cưỡng đoạt tài sản" của bọn chủ mưu và đồng phạm, kết cục được lựa chọn làm án lệ để xác định tội "Mua bán người" từ việc cụ thể là lừa gạt, bắt giữ để chuyển giao ngư phủ với mục đích kiếm lời của các bị cáo trên thực tế.

Nội dung vụ án[sửa | sửa mã nguồn]

Tụi mày tự nguyện đưa hay để tao tự lấy?

—Nguyên văn lời Hồng K cầm dao hỏi 3 người bị hại, lời khai các bị cáo.[4]

Do nhu cầu cần người để giao cho các tàu đánh cá nhằm hưởng tiền chênh lệch nên Dương Văn S (gọi tắt là Dương) đã liên kết với một người tên là G[a] ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm người giao cho Dương theo giá thỏa thuận. G đã dùng Facebook đăng tuyển lao động (làm phụ xe khách đường dài) với mức lương cao. Các anh Bùi Văn D, Lê Đức M và Trần Văn T lên Facebook tìm việc làm, thấy thông tin do G đăng tuyển nên liên hệ xin việc. Vào ngày 26 tháng 7 năm 2017, 3 anh đến Bến xe miền Đông thì G cho xe đón và đưa thẳng về nhà Dương thuộc Ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.[5] G giao 3 anh cho Dương và nhận số tiền là 9 triệu đồng. Sau khi nhận người, Dương chỉ đạo cho đàn em là Phạm Hồng K lấy hợp đồng lao động cho 3 anh ký tên với nội dung đi biển, do thỏa thuận ban đầu là đi làm lơ xe nên các anh không đồng ý ký tên. Lúc này các Dương và Hồng K cùng 1 người đàn em nữa là Trần Ích C dùng hung khí (gồm dao tự chế, cây sắt và dao Thái Lan) đe dọa nếu không đồng ý ký hợp đồng thì trả 10 triệu đồng, nếu không có thì phải bị giữ lại, sau đó đem 3 người về giữ lại tại nhà Dương.[4] Dương phân công Hồng K, Ích C thay phiên canh giữ, mục đích là để Dương tìm tàu đánh cá cần người thì sẽ giao nhằm hưởng tiền chênh lệch, đồng thời Dương giao cho em gái là Dương Thị trực tiếp kiểm tra việc canh giữ này. Trong quá trình giữ người, Dương chỉ đạo cho Hồng K, Dương Thị lấy các tài sản và các tư trang cá nhân của 3 người, đem cất giữ. Dương Thị yêu cầu 3 người bị giữ giao nhưng các anh không đồng ý nên Hồng K cầm dao đe dọa, do sợ vì biết được nhóm người này có hung khí nên 3 anh đã giao tài sản[b]. Sau khi lấy được tài sản, Hồng K giao lại cho Dương và Dương lấy tiền trong ví, 1 phần cho Ích C, Hồng K, 1 phần giữ lấy tiêu xài cá nhân.[4]

Đến khoảng 22 giờ (UTC+07:00) ngày 27 tháng 7 năm 2017, Đức M và Văn T trốn ra khỏi nơi giam giữ bằng đường thông gió, đến sau đó, khoảng 5 giờ (UTC+07:00) ngày 28, Văn D cũng trốn được. Cả 3 anh đến Đồn biên phòng Gành Hào trình báo sự việc. Sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải đã bắt giữ Dương và nhóm đàn em, thu giữ vật chứng vụ án.[c][4]

Xét xử[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 3 tháng 12 năm 2018, Tòa án nhân dân huyện Đông Hải mở phiên hình sự sơ thẩm tại trụ sở ở thị trấn Gành Hào, Đông Hải, Bạc Liêu.

Cáo trạng và lời nói sau cùng[sửa | sửa mã nguồn]

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải truy tố nhóm Dương, Hồng K, Ích C, Dương Thị phạm tội "Mua bán người";[6] truy tố Dương, Hồng K, Dương Thị phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản"[7] Theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát Đông Hải đề nghị Tòa xử phạt Dương 7–8 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1,5–2 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 8,5–10 năm tù; Hồng K 6–7 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1–1,5 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 7–8,5 năm tù; Dương Thị 3–4 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1–1,5 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 4–5,5 năm tù; Ích C 3–4 năm tù đối với tội "Mua bán người". Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.[8][9]

Trong quá trình tố tụng, Dương, Dương Thị, Hồng K và Ích C có lời nói sau cùng thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ vì không biết chữ, khả năng nhận thức pháp luật kém nên dấn thân vào con đường phạm tội, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.[9]

Nhận định của tòa án[sửa | sửa mã nguồn]

...Hành vi của các bị cáo xảy ra từ tháng 7/2017 và được quy định tại tình tiết định khung tăng nặng "đối với nhiều người" theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có mức hình phạt từ 5–20 năm, còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi thuộc tình tiết định khung "từ 2–5 người" được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 có mức hình phạt từ 8–15 năm là nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 nên cần áp dụng có lợi cho các bị cáo theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Do đó, hành vi nêu trên của các bị cáo đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội "Mua bán người" theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.[10]

Hội đồng xét xử nhận định rằng, do biết được các tàu đánh cá trên địa bàn Đông Hải cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên Dương liên kết với G tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch. G đã đưa lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao nên các 3 bị hại nhận lời. Khi nhận được các bị hại, G chở xuống giao cho Dương và nhận tiền, sau đó Dương chỉ đạo đồng bọn thay phiên canh giữ để tìm tàu đánh bắt giao lại lấy tiền chênh lệch.[10] Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên các bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Các bị cáo là người đủ năng lực pháp luật chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình gây ra.[10]

Trong quá trình giữ người, Dương, Dương Thị, Hồng K dùng hung khí đe dọa lấy tư trang cá nhân và tài sản của các bị hại. Kết quả định giá tài sản các bị cáo chiếm đoạt có giá trị 10.300.200 đồng, tổng giá trị tài sản là 12.000.200 đồng. Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác đối với các bị cáo trên đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản".[7][11]

Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đối với tội "Mua bán người" mặc dù các bị hại không yêu cầu nhưng các bị cáo đã tự nguyện khắc phục được một phần hậu quả cho bị hại. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,[12][13] được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.[14][11] Với Dương Thị và Ích C thì mặc dù là đồng phạm nhưng giữ vai trò không đáng kể, lại phạm tội lần đầu, có hoàn cảnh khó khăn, Dương Thị bị tác động từ Dương là anh ruột nên nhất thời phạm tội, do đó có cơ sở để giảm hình phạt.[15][16] Còn đối với Dương, vai trò của Dương là nguy hiểm, trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện; Hồng K là người giúp sức quyết liệt nhất, là người trực tiếp dùng hung khí nguy hiểm đe dọa đối với bị hại nên mức hình phạt áp dụng cho Dương và Hồng K cao hơn Dương Thị và Ích C. Với những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần có mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khởi đời sống xã hội một thời gian nhất định để có điều kiện giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc sống trong cộng đồng. Về hình phạt bổ sung,[17] Tòa xét thấy các bị cáo là lao động tự do, điều kiện kinh tế còn khó khăn, do đó không áp dụng hình phạt bổ sung.[18]

Quyết định[sửa | sửa mã nguồn]

Với những nhận định trong phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên án xử phạt:[19][20] Dương 7 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1,5 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 8,5 năm tù; Hồng K 6 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 7 năm tù; Dương Thị 3 năm tù đối với tội "Mua bán người", 1 năm tù đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt 4 năm tù; Ích C 3 năm tù đối với tội "Mua bán người", thời gian chấp hành hình phạt đều tính từ ngày 29 tháng 7 năm 2017, lúc các bị cáo bị bắt giữ, tạm giam.[21] Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải bồi thường khoản tiền đã lấy cho các bị hại.[22][23][24][25]

Hình thành án lệ[sửa | sửa mã nguồn]

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã đề xuất lựa chọn bản án hình sự sơ thẩm này của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải làm án lệ nhằm nhấn mạnh tình tiết xác định tội "Mua bán người" trong trường hợp cụ thể của thực tiễn, trong quá trình tuyển chọn đã vượt qua bước đầu trở thành 1 trong 14 đề xuất của đầu năm 2023. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Liên minh châu ÂuChương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lấy ý kiến từ ngày 19 tháng 4 năm 2023, thông qua hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; và trực tuyến công khai trên trang tin điện tử án lệ.[26] Sau đó, Hội đồng tư vấn án lệ được tổ chức họp nhằm thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung của 14 dự thảo án lệ được đề xuất phát triển thành án lệ vào ngày 2 tháng 6.[27] Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học xin rút 5 dự thảo án lệ, đồng thời phiên họp kết luận đề xuất xem xét lựa chọn, thông qua 8 dự thảo án lệ và cân nhắc 1 dự thảo án lệ. Ngày 16 tháng 8, Hội đồng Thẩm phán họp và quyết định thông qua 7 trong 8 dự thảo,[28][29] trong đó có bản án sơ thẩm của vụ án này, chính thức là Án lệ số 65/2023/AL.[30][31]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Cơ quan điều tra của vụ án chưa xác minh được họ tên đầy đủ, địa chỉ thường trú của G.[1]
  2. ^ Tài sản gồm: ba lô, quần áo, 3 điện thoại di động, 3 cái bên trong có 3 giấy chứng minh nhân dân, 2 thẻ ATM và một khoản tiền.[4]
  3. ^ Vật chứng vụ án gồm: điện thoại di động, ví da, balo và quần áo 3 người đã nhận lại đầy đủ; 1 cây dao có cán màu vàng dài 21 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 11 cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 2 cm; 1 cây dao tự chế dài 49 cm, phần cán dao và lưỡi dao được làm bằng kim loại, lưỡi dao dài 35 cm (một bề được mài sắc), nơi rộng nhất của lưỡi dao là 3 cm; 1 thanh kim loại có dạng hình hộp chữ nhật, bên trong rỗng, một đầu thanh kim loại được quấn vải, chiều dài 63 cm, chiều rộng 4 cm, chiều cao 2 cm, giao Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hải quản lý. Số tiền thu được là 980.000 đồng gửi tại ngân hàng.[4]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Án lệ 65/2023/AL, tr. 1.
  2. ^ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Quyết định 364/QĐ-CA về việc công bố án lệ Lưu trữ 2023-11-02 tại Wayback Machine ngày 1 tháng 10 năm 2023.
  3. ^ Quyết định 364/QĐ-CA, Điều 2:
    "Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2023".
  4. ^ a b c d e f Án lệ 65/2023/AL, tr. 2.
  5. ^ Án lệ 65/2023/AL, tr. 1-2.
  6. ^ Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, điểm đ khoản 2 Điều 150:
    "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
    ...đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;".
  7. ^ a b Bộ luật Hình sự 1999, khoản 1 Điều 135:
    "Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.".
  8. ^ Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải, Bản cáo trạng số 17/CT-VKSĐH ngày 9 tháng 4 năm 2018.
  9. ^ a b Án lệ 65/2023/AL, tr. 3.
  10. ^ a b c Án lệ 65/2023/AL, tr. 4.
  11. ^ a b Án lệ 65/2023/AL, tr. 5.
  12. ^ Bộ luật Hình sự 2015, điểm b khoản 1 Điều 51:
    "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;"
  13. ^ Bộ luật Hình sự 2015, điểm s khoản 1 Điều 51:
    "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;".
  14. ^ Bộ luật Hình sự 2015, Điều 54: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
  15. ^ Bộ luật Hình sự 2015, khoản 1 Điều 54:
    "Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.".
  16. ^ Bộ luật Hình sự 2015, khoản 2 Điều 54:
    "Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.".
  17. ^ Bộ luật Hình sự 2015, khoản 4 Điều 150:
    "Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.".
  18. ^ Án lệ 65/2023/AL, tr. 6.
  19. ^ Án lệ 65/2023/AL, tr. 7.
  20. ^ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 292: Sự có mặt của bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
  21. ^ Án lệ 65/2023/AL, tr. 8.
  22. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điêu 584: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
  23. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điều 585: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.
  24. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điều 586: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
  25. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điều 592: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
  26. ^ “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với 14 dự thảo án lệ”. Tòa án nhân dân tối cao. ngày 19 tháng 4 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  27. ^ “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến các dự thảo án lệ”. Tòa án nhân dân tối cao. ngày 2 tháng 6 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  28. ^ Gia Khánh (ngày 18 tháng 8 năm 2023). “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua 07 án lệ”. Tòa án nhân dân tối cao. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  29. ^ “Tòa án nhân dân tối cao công bố thêm 07 án lệ mới”. Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. ngày 7 tháng 10 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2024.
  30. ^ “Chánh án Toà án nhân dân tối cao ký Quyết định công bố 07 án lệ năm 2023, tổng số án lệ được công bố hiện nay là 70”. Tòa án nhân dân tối cao. ngày 1 tháng 10 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  31. ^ “Thêm 07 án lệ mới được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua”. Tạp chí Luật sư Việt Nam. ngày 6 tháng 10 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2024.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]