Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/7

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiến dịch Leningrad là cuộc phong tỏa quân sự của quân đội Đức Quốc xã đối với thành phố Leningrad (hiện nay là Sankt-Peterburg), đồng thời là cuộc phòng thủ dài ngày nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai của Quân đội Liên Xô. Đây là một trong các trận đánh có tỉ lệ tử vong cao trong lịch sử thế giới và là trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trong toàn bộ Chiến tranh Xô-Đức. Quân đội Đức Quốc Xã gọi cuộc phong tỏa này là Operation Nordlicht (Chiến dịch Bắc Cực quang). Từ khi bị quân đội Đức Quốc xã bao vây cho đến khi được quân đội Liên Xô giải phóng, cuộc phong tỏa Leningrad kéo dài 871 ngày; bắt đầu từ tháng 9 năm 1941 và kết thúc vào ngày 27 tháng 1 năm 1944. Chiến dịch Leningrad là một trong các biểu tượng lớn nhất của cuộc đọ sức cả về quân sự cũng như về sức chịu đựng của con người giữa chế độ Xô Viết và chế độ Quốc Xã. Như dự kiến của Kế hoạch Barbarossa thì Leningrad là một mục tiêu chiến lược mà nếu chiếm được nó, nước Đức Quốc xã sẽ làm giảm sút đáng kể khả năng phòng thủ của Liên Xô, mở đường tiến tới Arkhanghensk. Việc chiếm Leningrad không chỉ là chiếm đóng một thành phố bình thường mà còn là việc chiếm đóng nơi đã nổ ra cuộc Cách mạng tháng 10 Nga, một biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô. Đồng thời, chiếm Leningrad cũng là chiếm được một căn cứ hải quân quan trọng để phục vụ cuộc đối đầu trên biển giữa hải quân Đức Quốc xã và Hải quân Anh trên biển Baltic.