Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/19

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bộ binh Đức tại miền tây nước Bỉ tháng 5 năm 1940.

Trận nước Bỉ là một phần trong trận chiến nước Pháp, cuộc tấn công lớn của Đức Quốc xã tại Tây Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến này kéo dài 18 ngày trong tháng 5 năm 1940 và kết thúc bằng việc Đức chiếm đóng lãnh thổ Bỉ sau khi Quân đội Bỉ hạ vũ khí đầu hàng.

Ngày 10 tháng 5 năm 1940, Quân đội Đức Quốc xã (Wehrmacht) đã đồng loạt xâm chiếm Luxembourg, Hà Lan và Bỉ theo Kế hoạch Màu vàng (Fall Gelb). Quân đội Đồng minh đã cố gắng ngăn chặn quân đội Đức tại Bỉ, và tin rằng đây chính là mũi tấn công chủ yếu của Đức. Sau khi các đơn vị mạnh nhất của Đồng minh đã được huy động đầy đủ đến Bỉ trong các ngày 10–12 tháng 5, người Đức liền tiến hành giai đoạn 2 trong chiến dịch của họ bằng một cuộc đột phá (gọi là đòn cắt lưỡi liềm) qua vùng Ardennes, và tiến quân thẳng ra biển Manche. Quân Đức đã tiến đến bờ eo biển sau 5 ngày, và bao vây quân Đồng minh ở phía bắc. Đức dần dần khép chặt vòng vây dồn đối phương ra biển. Quân đội Bỉ đầu hàng ngày 28 tháng 5 năm 1940, trận nước Bỉ kết thúc.

Trận nước Bỉ được biết đến là nơi diễn ra trận chiến xe tăng đầu tiên trong chiến tranh thế giới thứ hai, trận Hannut. Đó là trận đánh xe tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới tính đến thời điểm đó, cho đến khi bị vượt qua bởi những trận đánh khác tại Bắc PhiĐông Âu. Ngoài ra đây cũng là lần đầu tiên có một hoạt động không vận chiến lược sử dụng lính dù được tiến hành (trong trận pháo đài Eben-Emael).