Bước tới nội dung

Donatia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Donatiaceae)
Donatia
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Asterids
Bộ (ordo)Asterales
Họ (familia)Stylidiaceae
Phân họ (subfamilia)Donatioideae
(Mildbr.) B. Chandler
Chi (genus)Donatia
J.R.Forst. & G.Forst., 1775
Các loài

Donatia là một chi chứa 2 loài thực vật dạng đệm (mọc rất thấp trên mặt đất) trong phân họ đơn chi Donatioideae. Trong quá khứ, chi Donatia đã có lúc từng được đặt trong họ Donatiaceae.

Phân họ Donatioideae lần đầu tiên được Johannes Mildbraed miêu tả trong chuyên khảo phân loại học năm 1908 của ông về họ Stylidiaceae. Phân họ này được tạo ra để phân biệt các khác biệt giữa 5 chi điển hình của Stylidiaceae (mà Mildbraed đặt trong phân họ Stylidioideae) với chi Donatia[1]. Phân loại theo phân họ như thế thể hiện sự không chắc chắn phân loại học của chi Donatia, mà đôi khi vẫn được đặt trong họ của chính nó là Donatiaceae, hay thậm chí là trong họ khác, như Saxifragaceae[2][3]. Sau 3 năm kể từ khi Mildbraed công bố phân họ Donatioideae, các tác giả khác bắt đầu đặt nghi vấn về vị trí của nó và cho rằng nên công nhận họ Donatiaceae tách biệt. Năm 1915, Carl Skottsberg chính thức công bố họ Donatiaceae[4].

Chi Donatia khác với các chi còn lại trong họ Stylidiaceae ở chõ nó có các nhị hoa và cánh hoa rời, khí khổng cận tế bào, và hình thái học phấn hoa khác với các chi kia. Do điều này cũng như dựa theo kết quả của một số nghiên cứu phát sinh chủng loài dựa vào các gen rbcL, nên các phân loại trong giai đoạn từ năm 2003 về trước tách chi Donatia ra thành họ riêng là Donatiaceae, do e ngại rằng việc gộp Donatia vào trong Stylidiaceae có thể gây nguy hiểm cho địa vị của nó như là một nhóm đơn ngành[5]. Tuy nhiên, các phân tích này cũng đặt chi Donatia như là nhóm chị em với Stylidiaceae nghĩa hẹp[5] và kết quả nghiên cứu của Lundberg và Bremer (2003)[6] cho thấy việc gộp Donatia vào họ Stylidiaceae không làm mất tính đơn ngành của nó.

Hình vẽ Donatia fascicularis từ hải trình Endeavour của James Cook năm 1769.

Hệ thống APG II năm 2003 khuyến cáo gộp Donatia vào họ Stylidiaceae, nhưng cho phép công nhận nó như một họ tách ra tùy chọn (với danh pháp Donatiaceae). Tuy nhiên, tới khi hệ thống APG III được công bố năm 2009 thì tùy chọn này bị bãi bỏ[7].

Hai loài trong chi này có sự phân bố địa lý rộng. D. novae-zelandiae có trong các khu vực có kiểu khí hậu núi cao và cận núi cao tại New ZealandTasmania trong khi D. fascicularis là bản địa của môi trường sống tương tự tại miền nam Nam Mỹ tới vĩ độ 40° nam[2].

  1. ^ Mildbraed J., 1908. Stylidiaceae. trong Engler A. Das Pflanzenreich: Regni vegetabilis conspectus, IV. 278. Leipzig, Đức, 1908.
  2. ^ a b Wagstaff S.J., Wege J. (2002). Patterns of diversification in New Zealand Stylidiaceae Lưu trữ 2009-02-18 tại Wayback Machine. American Journal of Botany, 89(5): 865-874.
  3. ^ Good R. (1925). On the geographical distribution of the Stylidiaceae. New Phytologist, 24(4): 225-240.
  4. ^ Skottsberg C. (1915). Notes on the relations between the floras of subantarctic America and New Zealand. Plant World, 18: 129-142.
  5. ^ a b Laurent N., Bremer B., Bremer K. (1999). Phylogeny and generic interrelationships of the Stylidiaceae (Asterales), with a possible extreme case of floral paedomorphosis. Systematic Botany, 23(3): 289-304.
  6. ^ Lundberg J., Bremer K. (2003). A phylogenetic study of the order Asterales using one morphological and three molecular data sets. International Journal of Plant Science, 164: 553-578.
  7. ^ Stylidiacea trong APG. Tra cứu ngày 28 tháng 2 năm 2011.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]