Hội thánh vô hình
Hội thánh vô hình là khái niệm thần học về một tập hợp "vô hình" gồm những người được Chúa chọn và chỉ có Chúa biết họ, trái với "hội thánh hữu hình" – một định chế trên đất, rao giảng phúc âm và cử hành các thánh lễ. Mỗi thành viên của hội thánh vô hình đều là người đã được cứu rỗi, trong khi hội thánh hữu hình bao gồm những cá nhân được cứu và cả những người không được cứu rỗi. Học thuyết này lập nền trên giáo huấn của Kinh Thánh chép trong Phúc âm Matthew 7: 21 – 23;[1] 13: 24 – 30;[2] Rô-ma 2: 28, 29;[3] Cô-lô-se 2: 11.[4]
Augustine
[sửa | sửa mã nguồn]Augustine thành Hippo đã trình bày giáo lý này như một phần trong những luận cứ của ông nhằm phản bác giáo phái Donatist.[5] Augustine chịu ảnh hưởng Plato, khi thể hiện các luận cứ, về ý tưởng thực thể là vô hình, và nếu sự hữu hình có phản ảnh sự vô hình thì sự phản ảnh ấy cũng chỉ một phần và có giới hạn.[6] Như vậy, giáo hội trên đất bao gồm những con người hữu hình, có cả cỏ lùng và lúa mì như được miêu tả trong một ẩn dụ của Chúa Giê-xu.[2] Do đó, không thể có một giáo hội thuần khiết trên thế gian này, nhưng bên cạnh những con dân thật của Chúa, luôn có những người hoạt động trong giáo hội chỉ vì tư lợi,[7] những kẻ yêu Chúa bằng lời nói, mà lòng cách xa Ngài.[8]
Kháng Cách
[sửa | sửa mã nguồn]Giáo thuyết này của Augustine được củng cố và nhấn mạnh trong thời kỳ Cải cách Kháng Cách nhằm xác lập một sự phân biệt rõ ràng giữa hội thánh hữu hình Công giáo Rô-ma đã xa rời giáo huấn Tân Ước và dung dưỡng nhiều tệ nạn, theo quan điểm của những nhà cải cách, với những người là tín hữu thật của Chúa. John Calvin miêu tả hội thánh vô hình là "nơi thật sự có Chúa ở giữa, ở đó chỉ có những người là con dân của Chúa được tiếp nhận bởi ân điển, và là chi thể thật của Chúa Cơ Đốc, họ đã được thánh hóa bởi Thánh Linh.... [hội thánh vô hình] không chỉ bao gồm những thánh đồ đang sống trên đất, nhưng tất cả những người được chọn kể từ lúc có thế gian." Calvin vạch rõ sự khác biệt giữa hội thánh vô hình với hội thánh đang hiện diện trên khắp thế giới, "trong hội thánh này rất đông đảo là những kẻ đạo đức giả, họ chẳng có mối quan hệ nào với Chúa Cơ Đốc ngoại trừ danh hiệu và bề ngoài tin kính..." (Nguyên lý Cơ Đốc giáo 4.1.7)
Những người theo quan điểm của hệ phái Sùng tín còn đi xa hơn khi thiết lập khái niệm ecclisiolae in ecclesia ("hội thánh nhỏ bên trong hội thánh lớn"),[9] ngụ ý bên trong hội thánh hữu hình trên đất là tập hợp những người được chọn và được cứu rỗi bởi ân điển của Chúa, họ có mặt, như là một thành phần thiểu số, trong các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo.[10][11]
Công giáo Rôma
[sửa | sửa mã nguồn]Ban đầu, thần học Công giáo Rôma phản bác khái niệm này bằng cách nhấn mạnh rằng khía cạnh hữu hình của giáo hội được lập nền trên Chúa Kitô, nhưng đến thế kỷ 20, họ tập chú nhiều hơn vào đời sống nội tâm của giáo hội như là một cấu trúc siêu nhiên, xem giáo hội là "Nhiệm thể Chúa Kitô" (Mystici Corporis Christi)[12] theo Thông điệp của Giáo hoàng Piô XII công bố năm 1943. Giáo hội là một thân thể, bởi vì Giáo hội là một cơ quan hữu hình, sống động và tăng trưởng, được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần. Giáo hội là nhiệm thể bởi vì bản tính cốt yếu của Giáo hội là một mầu nhiệm, và mọi giáo huấn, luật lệ và nghi thức của Giáo hội là nguồn ân sủng của bí tích. Và Giáo hội là Nhiệm thể Chúa Kitô bởi vì Chúa Kitô thành lập Giáo hội. Chúa vẫn là vị Thủ lĩnh vô hình của Giáo hội, và qua Chúa, mọi phúc lành được chuyển thông cho các thành viên của Giáo hội, và qua họ đến với phần còn lại của nhân loại. Theo giáo lý Công giáo, một hội thánh thật là cộng đồng hữu hình do Chúa Kitô thành lập, đó là Giáo hội Công giáo Rôma mà thẩm quyền đại diện Chúa Kitô trên toàn cầu là Giám mục thành Rôma.[13]
Chính Thống giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà thần học Chính Thống giáo Vladimir Lossky cũng đề cập đến "quan điểm Nestorian về giáo hội học," tin rằng giáo hội được chia thành hai thực thể riêng biệt: giáo hội vô hình là hội thánh thật và thuần túy, phân biệt với giáo hội trên đất, bất toàn và tương đối.[14]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Không phải bất cứ ai nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa" đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.
Vào Ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa! Chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa đuổi quỷ, nhân danh Chúa thực hiện nhiều phép lạ đó sao?"
Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: "Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!" - Phúc âm Ma-thi-ơ 7: 21 – 23 - ^ a b Chúa Giê-xu phán với họ một ẩn dụ khác: "Vương quốc thiên đàng ví như một người gieo giống tốt trong đồng ruộng mình. Nhưng lúc mọi người đang ngủ thì kẻ thù của người ấy đến, gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi. Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
Các đầy tớ của chủ nhà đến trình rằng: 'Thưa chủ, chẳng phải chủ đã gieo giống tốt trong đồng ruộng của chủ sao? Vậy, cỏ lùng do đâu mà có?’ Chủ đáp: 'Một kẻ thù đã làm điều ấy.' Các đầy tớ thưa rằng: 'Vậy chủ có muốn chúng tôi nhổ cỏ đó không?' Chủ đáp: 'Không nên, e khi nhổ cỏ lùng, các ngươi nhổ lầm cả lúa chăng. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì lưu trữ vào kho của ta" -. Phúc âm Ma-thi-ơ 13: 24 – 30. - ^ Vì một người chỉ bề ngoài là người Do Thái thì không phải là người Do Thái thật, còn sự cắt bì về mặt thể xác bên ngoài thì không phải là sự cắt bì thật. Nhưng một người bên trong là người Do Thái mới là thực là người Do Thái; sự cắt bì thật phát xuất từ tấm lòng, bởi Thánh Linh, chứ không theo chữ nghĩa. Một người như vậy sẽ được khen ngợi, không phải từ loài người, mà từ Thiên Chúa. - Rô-ma 2: 28, 29
- ^ Trong Ngài, anh em cũng nhận cắt bì, không phải do tay con người thực hiện, nhưng là sự cắt bì bởi Chúa Cơ Đốc, tức là sự lột bỏ bản tính xác thịt của chúng ta. - Cô-lô-se 2: 11
- ^ Justo L. Gonzalez (1970–1975). A History of Christian Thought: Volume 2 (From Augustine to the eve of the Reformation). Abingdon Press.Quản lý CS1: định dạng ngày tháng (liên kết)
- ^ Wallace M. Alston, The Church of the Living God: A Reformed Perspective (Westminster John Knox Press, 2002 ISBN 0-664-22553-5, ISBN 978-0-664-22553-7), p. 53]
- ^ Phi-líp 2: 21, Ai nấy chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình chứ không quan tâm đến lợi ích của Chúa Giê-xu Cơ Đốc.
- ^ Phúc âm Ma-thi-ơ 15: 8-9, Dân này lấy môi miệng tôn kính Ta; nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.
- ^ Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn. - Phúc âm Ma-thi-ơ 22: 14
- ^ Discroll, Mark. The Invisible and Visible Church
- ^ “Discroll, Mark. 4 Traits of the Invisible Church”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2013.
- ^ Mystici Corporis Christi
- ^ John Hardon, Definition of the Catholic Church
- ^ Vladimir Lossky, The Mystical Theology of the Eastern Church (St Vladimir's Seminary Press, 1976 ISBN 0-913836-31-1) p. 186
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- History of the Christian Church, Volume VIII: Modern Christianity. The Swiss Reformation, by Philip Schaff (1819-1893) vol. VI. § 85.
- Origin and Development of the "Universal Invisible Church" Concept Lưu trữ 2011-07-11 tại Wayback Machine
- Reformed/Roman Catholic International Dialogue, Towards a Common Understanding of the Church, 125-129
- Can the "Invisible Church" Be Traced Back to Specific Bible Passages?