Mây ngũ sắc
Mây ngũ sắc là sự xuất hiện của màu sắc trong một đám mây tương tự như những gì chúng ta được nhìn thấy trên các màng dầu trong một vũng nước, nói chung nằm trong vùng gần vị trí biểu kiến của Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Nó là một hiện tượng tương đối phổ biến, thường thấy nhất trong mây trung tích[1], mây ti tích, mây hình hột đậu và mây ti.[2][3][4] Chúng đôi khi xuất hiện như các dải song song với rìa của đám mây. Ngũ sắc đôi khi cũng được nhìn thấy trong mây tầng bình lưu vùng cực (còn gọi là "mây xà cừ").[5] Màu sắc thường là nhạt màu như màu phấn tiên (màu tùng lam), nhưng có thể rất rực rỡ hoặc pha trộn với nhau, đôi khi tương tự như xà cừ.[6] Khi xảy ra gần Mặt Trời, hiệu ứng có thể khó phát hiện khi nó bị chìm trong ánh sáng chói lòa của Mặt Trời. Điều này có thể khắc phục bằng cách chặn ánh sáng mặt trời bằng tay hoặc quan sát nó dưới bóng của cây cối hoặc tòa nhà. Các vật hỗ trợ khác là kính tối màu, hoặc quan sát bầu trời phản xạ qua gương lồi hoặc trong một vũng nước.
Cơ chế
[sửa | sửa mã nguồn]Mây ngũ sắc là hiện tượng nhiễu xạ do các giọt nước hoặc tinh thể băng nhỏ riêng lẻ tán xạ ánh sáng. Các tinh thể băng lớn hơn không tạo ra ngũ sắc, nhưng có thể gây ra hào quang, một hiện tượng quang học khác.
Sự phát ngũ sắc do các giọt nước rất đồng đều nhiễu xạ ánh sáng (trong phạm vi 10 độ từ Mặt Trời) và do các hiệu ứng giao thoa bậc nhất[7] (ngoài phạm vi 10 độ từ Mặt Trời). Nó có thể mở rộng tới 40 độ từ Mặt Trời.[6]
Nếu các phần của mây chứa các giọt nước nhỏ hoặc các tinh thể băng có kích thước tương tự, thì hiệu ứng tích lũy của chúng được nhìn thấy như là các màu. Mây phải mỏng về mặt quang học để hầu hết các tia sáng chỉ gặp một giọt duy nhất. Do đó, ngũ sắc chủ yếu được nhìn thấy ở rìa đám mây hoặc trong những đám mây gần trong suốt, trong khi những đám mây mới hình thành tạo ra ngũ sắc sáng nhất và nhiều màu sắc nhất. Khi các hạt nước hay băng trong một đám mây mỏng có tỷ lệ lớn kích thước giống nhau thì ngũ sắc có dạng cấu trúc của quầng sáng, một đĩa tròn sáng xung quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng, với một hoặc nhiều vòng màu bao quanh.[8][9]
Thư viện ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Gedzelman, Stanley David (ngày 1 tháng 6 năm 1988). “In Praise of Altocumulus”. Weatherwise. 41 (3): 143–149. doi:10.1080/00431672.1988.9930533.
- ^ “An Iridescent Cloud Over Colorado”. ngày 25 tháng 11 năm 2007.
|url=
trống hay bị thiếu (trợ giúp);|ngày truy cập=
cần|url=
(trợ giúp) - ^ Iridescent Clouds - Atmospheric Optics
- ^ Sassen, Kenneth (ngày 1 tháng 1 năm 2003). “Cirrus cloud iridescence: a rare case study”. Applied Optics. 42 (3): 486. Bibcode:2003ApOpt..42..486S. doi:10.1364/AO.42.000486.
- ^ Nacreous Clouds - Atmospheric Optics
- ^ a b Jesús Martínez-Frías, Photometeors Lưu trữ 2009-12-13 tại Wayback Machine
- ^ David K. Lynch & William Charles Livingston, Color and Light in Nature trang 133]
- ^ “Corona”. Atmospheric Optics.
- ^ Shaw, Joseph A.; Pust, Nathan (ngày 12 tháng 8 năm 2011). “Icy wave-cloud lunar corona and cirrus iridescence”. Applied Optics. 50 (28): F6. Bibcode:2011ApOpt..50F...6S. doi:10.1364/AO.50.0000F6.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư liệu liên quan tới Mây ngũ sắc tại Wikimedia Commons
- Iridescent cloud gallery - Atmospheric Optics site
- On the Cause of Iridescence in Clouds - Scientific American Phần bổ sung